2.4.1.1. Công việc
Theo như mô hình đặc điểm công việc của R. Hackman và G. Oldman [18] thì một công việc sẽ mang đến nhân viên sự thỏa mãn chung và tạo được hiệu quả công việc tốt nếu thiết kế công việc đó thỏa mãn các đặc điểm sau: sử dụng các kỹ năng khác nhau, nhân viên nắm rõ công việc, công việc đó cho phép nhân viên
thực hiện một số quyền nhất định để hoàn tất công việc của mình và nhân viên sẽ chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình. Ngoài ra, để có được sự thỏa mãn người nhân viên rất cần được làm công việc phù hợp với năng lực của họ (Weiss et al. (1967) [17]; Bellingham (2004) [7]).
Nghiên cứu này không tách riêng khía cạnh “Điều kiện làm việc (Working
Condition)”thành một nhân tố mới mà xem xét khía cạnh này cùng trong nhân tố công việc. Đó là tình trạng của nơi mà người lao động làm việc, khối lượng và thời gian làm việc phù hợp (Skalli và đồng nghiệp (2007) [14]), sự an toàn thoải mái ở nơi làm việc, được cung cấp trang thiết bị cần thiết cho công việc. Đó là vì tác giả cho rằng khía cạnh điều kiện làm việc nên để trong nhóm nhân tố bản chất (intrinsic), vì công việc giảng dạy là một công việc đặc thù, trong đó khối lượng giảng dạy, thời gian giảng dạy và áp lực công việc ảnh hưởng trực tiếp lên sự thỏa mãn công việc của giảng viên.
2.4.1.2. Cơ hội đào tạo và thăng tiến
Cơ hội đào tạo và thăng tiến (Advancement opportunities) gồm hai thành phần đào tạo và thăng tiến. Đào tạo là quá trình học hỏi những kỹ năng cần thiết để thực hiện một công việc cụ thể. Thăng tiến là việc di chuyển lên vị trí hoặc công việc quan trọng hơn trong một tổ chức.
Trong đề tài này, ta sẽ khảo sát mức thỏa mãn về đào tạo với tiêu chí là được cung cấp các kỹ năng và kiến thức để thực hiện tốt công việc giảng dạy. Còn khía cạnh thăng tiến thể hiện ở cơ hội thăng tiến, cơ hội phát triển cá nhân, chính sách thăng tiến là công bằng với mọi giảng viên.
2.4.1.3. Thu nhập:
Thu nhập (Salary): là số tiền mà cá nhân, tổ chức, khu vực, quốc gia, v.v. có được từ việc làm, từ việc đầu tư, từ việc kinh doanh, v.v. Trong ngữ nghĩa của đề tài nghiên cứu này thì thu nhập là số tiền mà người giảng viên có được từ công tác giảng dạy của mình tại đơn vị giáo dục họ chính thức làm việc (thu nhập này không bao gồm các khoản thu nhập khi họ giảng dạy tại các đơn vị khác).
Theo đó, khoản thu nhập này sẽ bao gồm các khoản lương cơ bản, các khoản trợ cấp (tiền ăn trưa, tiền xăng, …), phụ cấp giảng viên, các loại thưởng bao gồm cả thưởng định kỳ và thưởng không định kỳ.
2.4.1.4. Lãnh đạo:
Lãnh đạo là người ở vị trí cao hơn trong một công ty hay tổ chức. Trong ngữ nghĩa của đề tài này thì lãnh đạo được coi như cấp trên (tổ trưởng bộ môn, trưởng khoa, ban giám hiệu,…)
Sự thỏa mãn công việc mang lại từ những yếu tố mối quan hệ giữa cấp trên với nhân viên cấp dưới của mình bao gồm việc giao tiếp với cấp trên , sự hỗ trợ khi cần thiết, sự quan tâm của cấp trên, năng lực của cấp trên, sự ủy quyền cho cấp dưới, sự đối xử công bằng đối với cấp dưới.
2.4.1.5. Đồng nghiệp:
Đồng nghiệp là người bạn làm việc cùng với nhau. Trong ngữ nghĩa của đề tài này thì đồng nghiệp là các giảng viên dạy cùng khoa, cùng trường với nhau. Tương tự mối quan hệ với cấp trên, giảng viên cần có được sự hỗ trỡ giúp đỡ của đồng nghiệp khi cần thiết, tìm thấy sự thoải mái thân thiện khi làm việc với đồng nghiệp. Đồng thời, nhân viên phải tìm thấy đồng nghiệp của mình tận tâm với công việc để đạt được kết quả tốt , đồng nghiệp cần phải là người đáng tin cậy.