Như đã trình bày ở chương cơ sở lý thuyết, năm nhân tố đã được đưa vào nghiên cứu về sự thỏa mãn công việc là sự thỏa mãn đối với công việc, cơ hội đào tạo thăng tiến, thu nhập, lãnh đạo và đồng nghiệp. Các biến quan sát để đánh giá sự thỏa mãn từng nhân tố được thể hiện qua các câu hỏi nghiên cứu được lấy từ định nghĩa của từng nhân tố và tổng hợp từ các nghiên cứu trước đây về sự thỏa mãn công việc. Do đó, việc kiểm định độ tin cậy của các thang đo này đối với các nhân tố mà chúng cấu thành là hết sức cần thiết.
Trước tiên nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích nhân tố để trả lời câu hỏi liệu các biến quan sát dùng để đánh giá sự thỏa mãn công việc có độ kết dính cao không và có chính xác bao nhiêu nhân tố cần xem xét trong mô hình nghiên cứu. Sau đó Cronbach’s alpha sẽ được dùng để kiểm tra lại độ tin cậy của các biến dùng để đo lường từng nhân tố của sự thỏa mãn công việc. Trong phân tích nhân tố thì hệ số tải nhân tố trên 0.6 được xem là cao và dưới 0.4 là thấp. Đối với nghiên cứu này những biến nào có hệ số tải nhân tố nhỏ hơn 0.5 sẽ bị loại để đảm bảo tính hoàn chỉnh (validity) của thang đo. Phương pháp trích (extraction method) được sử dụng là phân tích nhân tố chính (principal component analysis) và phương pháp quay quanh trục tọa độ (orthogonal rotation method) là Varimax with Kaiser Normalization (chuẩn Kaiser).
Độ tin cậy của thang đo (các biến) còn được kiểm định thông qua hệ số Cronbach’s alpha. Hệ số Cronbach’s alpha được sử dụng trước nhằm loại các biến
không phù hợp. Theo Hoàng Trọng và Chu Thị Mộng Nguyệt (2008) thì nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng khi Cronbach’s alpha từ 0.8 đến gần 1 thì thang đo lường là tốt, từ 0.7 đến gần 0.8 là sử dụng được. Đối với nghiên cứu này, nhằm đảm bảo độ tin cậy của thang đo chỉ những nhân tố nào có Cronbach’s alpha lớn hơn 0.7 thì mới được xem là thang đo có độ tin cậy và được giữ lại. Ngoài ra, mối quan hệ tương quan biến tổng cũng được xem xét, chỉ những biến nào có hệ số lớn hơn 0.4 mới được giữ lại.