Nhóm nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý hạn mức giao dịch đối với các tổ chức tín dụng tại ngân hàng tmcp đại dương (Trang 34 - 38)

- Hạn mức tài trợ thương mại là số dư tối đa mà TCTD cấp HMGD

1.4.2. Nhóm nhân tố khách quan

Bên cạnh các nhân tố chủ quan mà ngân hàng có thể tìm cách cải thiện, kiểm soát và khắc phụ được thì có không ít nhân tố khách quan ảnh hưởng đến công tác quản lý HMGD đối với TCTD của NHTM. Do tính khách quan của các nhân tố này nên các ngân hàng không thể kiểm soát chúng mà chỉ có

thể nghiên cứu, nắm bắt để tận dụng những ảnh hưởng có lợi cũng như lường trước các tác động tiêu cực của chúng để có biện pháp đối phó phù hợp. Nhóm các nhân tố khách quan bao gồm:

- Môi trường kinh tế:

Môi trường kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến thành công hay thất bại của công tác quản lý HMGD đối với TCTD tại NHTM. Ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp nên nó cũng chịu tác động của môi trường kinh tế. Tuy nhiên, do đối tượng kinh doanh của các ngân hàng là tiền tệ, một loại hàng hóa đặc biệt nên nó rất nhạy cảm với những biến động trong nền kinh tế. Sự ổn định hay bất ổn của nền kinh tế quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Khi nền kinh tế hưng thịnh, mọi hoạt động của nền kinh tế đều diễn biến tích cực, hoạt động kinh doanh tốt, nguồn trả nợ đảm bảo, rủi ro tín dụng được giảm xuống mức tối thiểu. Do đó, những rủi ro trong công tác quản lý HMGD đối với TCTD cũng không đáng kể. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, khủng hoảng, cả sản xuất và tiêu dùng đều giảm, các hãng kinh doanh giảm doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng đến nguồn trả nợ cho các TCTD. Các TCTD gặp khó khăn có thể không trả được nợ cho ngân hàng. Lúc này, việc quản lý HMGD phải được tiến hành hết sức thận trọng để giúp ngân hàng kiểm soát rủi ro một cách tốt nhất.

- Môi trường pháp lý

Môi trường pháp lý ảnh hưởng đến các ngân hàng chủ yếu thông qua tác động của các chính sách tiền tệ như chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất cũng như chính sách tài khóa của mỗi quốc gia. Môi trường pháp lý có vai trò lớn trong việc hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động của các ngân hàng. Việc xây dựng được một môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ và linh hoạt sẽ

giúp hạn chế những hoạt động tiêu cực trong giao dịch giữa ngân hàng với các TCTD khác, giúp hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh. Ngược lại, khi môi trường pháp lý chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, còn nhiều sơ hở thì các biện pháp hạn chế rủi ro mà ngân hàng tiến hành sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Các TCTD có thể lợi dụng những sơ hở của luật để thu lợi bất chính, gây rủi ro cho toàn hệ thống, rủi ro trong công tác quản lý HMGD đối với các TCTD của ngân hàng sẽ tăng lên và hậu quả có thể là một tỷ lệ nợ quá hạn lớn và rủi ro tín dụng tiềm ẩn quá giới hạn cho phép. Hơn nữa, sự thiếu linh hoạt trong công tác ban hành và thực thi luật cũng có thể mang đến rủi ro cho hoạt động ngân hàng do hoạt động kinh doanh tiền tệ rất phức tạp và bản thân nó đã chứa đựng nhiều rủi ro hơn các hoạt động kinh doanh khác. Hành lang pháp lý không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý HMGD mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ, nhất là khi có rủi ro xảy ra. Do đó, hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý của lĩnh vực ngân hàng cần được trang bị đầy đủ, điều chỉnh kịp thời, linh hoạt với những biến đổi của thị trường để tạo môi trường trong sạch cho các hoạt động kinh doanh.

- Chuẩn mực kế toán

Thực tế cho thấy, trong công tác quản lý HMGD đối với các TCTD, cho dù các NHTM khác nhau áp dụng cùng một phương pháp phân tích và hệ thống các chỉ tiêu đánh giá như nhau khi tiến hành thẩm định cùng một TCTD thì kết quả cấp HMGD vẫn không thể thống nhất nếu áp dụng những chuẩn mực kế toán khác nhau. Nếu áp dụng chuẩn mực kế toán quốc gia thì mỗi quốc gia đều có một chuẩn mực kế toán riêng, đáp ứng những yêu cầu của người sử dụng báo cáo tài chính ở quốc gia đó. Nếu sử dụng chuẩn mực kế toán quốc tế thì các tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng TCTD cũng không thể cho kết quả giống nhau vì sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế - xã hội, pháp luật… của mỗi quốc gia. Do đó, lựa chọn áp dụng chuẩn mực kế toán nào trong công

tác quản lý HMGD sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xếp hạng tín dụng của TCTD. Lựa chọn được chuẩn mực kế toán phù hợp sẽ giúp cho NHTM làm tốt hơn công tác quản trị rủi ro.

Tóm lại, có rất nhiều nhân tố chủ quan cũng như khách quan ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý HMGD đối với các TCTD tại NHTM. Nhận thức được tác động cũng như tầm ảnh hưởng của các nhân tố này đến kết quả xếp hạng tín dụng sẽ giúp NHTM tận dụng những ảnh hưởng tích cực, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực để giúp công tác quản trị rủi ro của ngân hàng trong hoạt động giao dịch với các TCTD trên TTLNH được thực hiện ngày càng tốt hơn, giúp ngân hàng tận dụng những cơ hội kinh doanh và tránh được những tổn thất có thể dự kiến được.

Kết luận chương 1

Chương 1 của Luận văn đã đề cập đến những khái niệm cơ bản về thị TTLNH, hoạt động thẩm định xếp hạng tín dụng đối với các TCTD và sự cần thiết của công tác quản lý HMGD đối với các TCTD tại các NHTM cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý này. Những lý luận cơ bản của chương 1 sẽ tạo điều kiện để phát triển, ứng dụng vào thực tế của Ngân hàng TMCP Đại Dương trong công tác quản lý HMGD với các TCTD.

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý hạn mức giao dịch đối với các tổ chức tín dụng tại ngân hàng tmcp đại dương (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w