Lễ phong y

Một phần của tài liệu ổngquan về lễ hội làng Giang Xá (Trang 40 - 41)

I. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ 1 Các cuộc họp

4. Lễ phong y

Trước đám rước, lễ phong y là một nghi thức không thể thiếu được. Đây không đơn giản chỉ là việc thay đổi bộ y phục thường ngày bằng bộ áo Đại trào ngày hội mà nó còn mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện khát vọng về một cuộc sống no đủ của dân làng.

Lễ phong y được tiến hành vào sáng ngày mùng 10 tháng Giêng, cũng chính là ngày Kính nhật (ngày giỗ) của Đức Thánh Mẫu. Cũng như mọi tuần tiết khác, từ 6 giờ sáng, Ban Khánh tiết tu lễ ra đền. Các cụ cửu, bát, thất cùng toàn dân theo lời mời của cụ Đăng cai cũng ra dự lễ và bàn về việc phong y cho Đức Thánh.

Như thường lệ, làng cử ra năm người vào làm lễ phong y, đó đều là các chức việc quan trọng trong làng như cụ Từ, Chủ tế, Trưởng Ban Bộ lễ, Trưởng Ban Khánh tiết và cụ Đăng cai.

Lễ phong y là một nghi thức rất quan trọng mỗi khi làng vào đám, vì vậy tất cả những người được giao trọng trách này đều cảm thấy vinh dự và may mắn khi được hầu hạ “nhà Thánh”. Trước khi vào Thượng cung, nơi đặt Long ngai Thánh vị, tất cả các chức việc đều phải kéo khăn bao khẩu lên để che kín miệng, toàn bộ công việc được tiến hành trong im lặng, tránh để trần khí xông tới Thánh cung, mang tội bất kính. Phong y để rước là một công việc rất cầu kỳ. Theo quan niệm của nhân dân, nếu phong y cho Đức Thánh mà để bụng lép thì năm đó làng sẽ bị đói, chính vì vậy, tất cả các chức việc đều chú ý phong Người sao cho thật phương phi, oai vệ. Để làm được điều này, trước đây người ta thường sử dụng các thỏi vàng thếp có hình chữ nhật như viên gạch, xếp dật cấp từ dưới mặt ngai cho đến tận lưng và hai tay. Ngày nay, loại vàng thếp này không còn nữa, người ta phải thay thế bằng các chiếc gối nhỏ hình chữ nhật. Sau khi xếp toàn bộ số gối vào bụng, kèm cả vào vai và lưng, tạo nên hình dáng cơ bản như người thật, người ta dùng một dải vải đỏ dài khoảng 10 mét, gập đôi lại rồi quấn xung quanh. Tiếp đến, dùng một chiếc áo bông nhỏ màu vàng mặc ra bên ngoài. Cuối cùng, khoác lên long ngai chiếc áo Đại trào được may bằng gầm thất thể có hình rồng chầu mặt nguyệt. Tất cả những người tham gia lễ phong y đều phải rất chú ý, cẩn thận đến từng chi tiết, bởi đây là công việc liên quan trực tiếp đến Đức Thánh, nếu phong áo cho Người không thận trọng để lúc rước bị xộc xệch thì không những bị làng chê trách mà còn mang tội bất kính với Thánh thần.

Một phần của tài liệu ổngquan về lễ hội làng Giang Xá (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w