kết quả của tình trạng bội chi ngân sách Nhà nước: Bội chi ngân sách Nhà nước gia tăng sẽ làm gia tăng nợ công, đồng thời quản lý nợ công không tốt sẽ làm gia tăng các khoản nợ phải trả lại là nguyên nhân làm gia tăng bội chi ngân sách Nhà nước trong tương lai.
Nợ công được hiểu là tất cả các khoản nợ tích tụ từ các khoản vay trong nước và nước ngoài của khu vực công mà trách nhiệm trả nợ trực tiếp hoặc gián tiếp thuộc về Nhà nước. Như vậy, nợ công là nghĩa vụ nợ của khu vực công, bao gồm nghĩa vụ nợ của:
+ Chính phủ Trung ương và các bộ, ngành. + Các cấp chính quyền địa phương.
+ Ngân hàng Trung ương.
+ Các thể chế độc lập nhưng nguồn vốn hoạt động của nó do ngân sách Nhà nước quyết định và trong trường hợp vỡ nợ, Nhà nước phải trả nợ thay thể chế đó.
Trong nền kinh tế thị trường, nợ công được xem là công cụ tài chính hữu hiệu của nền tài chính công trên các khía cạnh sau đây:
- Kích thích phát triển kinh tế – xã hội. Mục đích đi vay của khu vực công trước hết là đáp ứng nhu cầu vốn chi đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình mục tiêu đã được xác định trong từng giai đoạn. Vay nợ được xem là công cụ hữu hiệu để Chính phủ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, kích thích kinh tế – xã hội phát triển.
- Bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, giữ vững cân đối giữa thu và chi ngân sách Nhà nước. Công cụ vay nợ giúp cho Chính phủ chủ động hơn trong cân đối nguồn lực tài chính, khắc phục sự thiếu hụt vốn trong đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
- Góp phần điều tiết vĩ mô kinh tế – xã hội. Nợ công còn là công cụ góp phần điều tiết mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, điều tiết cơ cấu kinh tế thông qua vay nợ trong nước tập trung một phần nguồn tài chính từ quỹ tiết kiệm, quỹ tiêu dùng để phân phối lại chuyển sang quỹ tích luỹ cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý. Nợ công góp phần điều tiết và định hướng lưu thông tiền tệ cũng như góp phần thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước.
Theo thời hạn đi vay, nợ công gồm:
- Nợ ngắn hạn: Là các khoản nợ có thời hạn vay dưới một năm để bù đắp các khoản bội chi tạm thời của ngân sách Nhà nước. Nguồn trả nợ ngắn hạn là các khoản thu ngân sách Nhà nước được thực hiện trong tương lai.
- Nợ trung hạn và dài hạn: Là các khoản nợ có thời hạn vay từ một năm trở lên để huy động vốn cho đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Nguồn trả nợ được thu từ phí, giá dịch vụ và từ nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Theo phạm vi huy động vốn, nợ công được chia thành:
- Nợ vay trong nước: Được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ để vay dân cư, các tổ chức kinh tế – xã hội và ngân hàng trong nước.
- Nợ vay nước ngoài: Vay nợ nước ngoài của Chính phủ là phương thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài; ký kết các hiệp động vay nợ với Chính phủ, với các tổ chức tài chính tiền tệ thế giới và từ nguồn ODA.
3.3. TỔ CHỨC HỆ THỐNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ PHÂN CẤP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Hệ thống ngân sách Nhà nước là tổng thể các cấp ngân sách có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu chi của mỗi cấp ngân sách được xác định bởi sự thống nhất về cơ sở kinh tế, chính trị, bởi pháp chế và các nguyên tắc tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.
Ở các nước có nền kinh tế thị trường, hệ thống ngân sách Nhà nước được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước. Từ đó dẫn đến sự tồn tại của hai mô hình tổ chức hệ thống ngân sách Nhà nước. Ở các nước có mô
hình tổ chức hành chính theo thể chế Nhà nước liên bang (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, CHLB Đức…), hệ thống ngân sách Nhà nước được tổ chức theo ba cấp là ngân sách liên bang, ngân sách bang và ngân sách địa phương. Ở các nước có mô hình tổ chức hành chính theo thể chế Nhà nước thống nhất (Anh, Pháp…), hệ thống ngân sách có hai cấp là ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Ở Việt Nam, tổ chức hệ thống ngân sách Nhà nước gắn bó chặt chẽ với tổ chức bộ máy hành chính và vai trò, vị trí của bộ máy đó trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo Hiến pháp, bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo cấp chính quyền Trung ương và cấp chính quyền địa phương (chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chính quyền huyện, quận và chính quyền xã, phường). Mỗi cấp chính quyền đều có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân có nhiệm vụ quản lý các mặt kinh tế – xã hội trên địa bàn. Vì vậy các cấp chính quyền đều phải có ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo đó, hệ thống ngân sách Nhà nước Việt Nam hiện nay gồm:
- Ngân sách Trung ương.
- Ngân sách cấp tỉnh và tương đương. - Ngân sách cấp huyện và tương đương. - Ngân sách cấp xã và tương đương.
Ngân sách Trung ương bao gồm ngân sách của các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp Trung ương giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân sách, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng của quốc gia và hỗ trợ tài chính cho các địa phương chưa cân đối được.
Ngân sách các cấp chính quyền địa phương bao gồm ngân sách của các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp tỉnh, huyện, xã và đơn vị hành chính tương đương được phân cấp nguồn thu đảm bảo chủ động chỉ tiêu trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Mối quan hệ giữa các cấp ngân sách được thực hiện theo nguyên tắc phân định nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể; Thực hiện việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để đảm bảo công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương; Chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ được cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên uỷ quyền. Ngoài cơ chế bổ sung nguồn thu và cơ chế uỷ quyền, không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác.
Ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý và gắn quyền hạn với trách nhiệm.