Nhìn tổng quát và các chiến lược lâu dài thì các mục tiêu chính sách tiền tệ có quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Điều đó cho thấy rằng, trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ không thể tuyệt đối hóa một mục tiêu nào, không thể giải quyết các mục tiêu một cách độc lập trên tầm vĩ mô. Tuy nhiên, có nơi có lúc, trong thời gian ngắn có thể xảy ra sự xung đột, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau giữa các mục tiêu. Điều thường gặp và dễ thấy nhất là sự mâu thuẫn giữa thỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp. Tuy vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau, song nhìn chung, mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng bản tệ, trên cơ sở đó để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn các nước phát triển theo cơ chế thị trường cho thấy, vận hành chính sách tiền tệ, để đạt được các mục tiêu của noc cần có sự phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Trước hết, phải phối hợp với chính sách tài khóa trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ. Bởi lẽ, mục tiêu của chính sách tài khóa là nhằm điều chỉnh thu nhập và chi tiêu của chính phủ, hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và sử dụng nhân lực ở mức tiềm năng. Song, điều đó còn phụ thuộc vào tình hình thu chi của ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước vững vàng là cơ sở quan trọng bậc nhất cho giá trị đồng bản tệ được ổn định. Ngược lại, sự thiếu hụt ngân sách nhà nước, bất kể được bù đắp bằng con đường nào (vay Ngân hàng trung ương, vay các tổ chức, cá nhân trong nước, vay nước ngoài) đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho giá trị đồng tiền mất ổn định.
Thông thường, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều phát huy tác dụng thông qua ảnh hưởng của nó đối với tổng cầu. Trong khi đó, theo cơ chế thị trường thì tiền lương và giá cả lại được quyết định bởi các yếu tố của thị trường. Trong thực tế, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có thể làm tăng nhu cầu, giảm thất nghiệp, nhưng sẽ gia tăng lạm phát. Giải quyết mấu thuẫn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách phân phối thu nhập trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ. Trong trường hợp này, chính sách phân phối thu nhập của nhà nước phải thể hiện sự kiểm soát chặt chẽ về tiền lương, tiền thưởng và giá cả.
Đối với các nước kém và đang phát triển, thường bội chi ngân sách nhà nước lớn và kéo dài, cán cân thanh toán thâm hụt, tăng trưởng kinh tế chưa cao… Ở đó đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ chính sách kinh tế đối ngoại trong quá trinh thực thi chính sách tiền tệ. Đó phải là một chính sách kinh tế mở, hướng xuất khẩu, mặt khác phải tranh thủ tối đa trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật và mọi nguồn vốn từ bên ngoài. Trong đó, đặc biệt là quan hệ với các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, như Ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á…