3.2.1. Thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng các yêu cầu chỉ tiêu xác định của Nhà nước.
Nguồn tài chính được tập trung vào ngân sách Nhà nước được hình thành trong quá trình Nhà nước tham gia phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị. Thu ngân sách Nhà nước phản ánh các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình phân chia nguồn tài chính quốc gia giữa Nhà nước với các chủ thể trong xã hội để hình thành nên quỹ ngân sách Nhà nước. Sự phân chia đó là tất yếu khách quan, xuất phát từ yêu cầu tồn tại và hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như yêu cầu thực hiện các chức năng kinh tế – xã hội của Nhà nước.
Thu ngân sách Nhà nước rất phong phú, đa dạng gắn liền với các hoạt động kinh tế xã hội. Trình độ phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP là tiền đề khách quan hình thành các khoản thu ngân sách Nhà nước và quyết định mức độ động viên các khoản thu vào ngân sách Nhà nước.
+ Thu thuế
Thuế là một hình thức huy động nguồn tài chính cho Nhà nước đã có từ lâu đời. Khi Nhà nước ra đời, thuế trở thành công cụ để Nhà nước có được nguồn thu nhằm trang trải các chi tiêu của mình. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, cho đến nay các Nhà nước đều sử dụng thuế để phân phối các khoản thu nhập và huy động nguồn thu cho Nhà nước. Nhà nước dùng quyền lực của mình ban hành các luật thuế bắt buộc dân cư và các tổ chức đóng góp cho Nhà nước. Các nhà kinh tế học đều khẳng định, một trong những quyền lực công của Nhà nước là thu thuế.
Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các pháp nhân và thể nhân cho Nhà nước theo luật định nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
Thuế có các đặc điểm:
- Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc được thực hiện bằng quyền lực. Đóng thuế là nghĩa vụ bắt buộc được thực hiện thông qua công cụ quyền lực dựa trên hệ thống pháp luật thuế do Nhà nước ban hành. Phân phối các khoản thu nhập qua thuế gắn với quyền lực của Nhà nước. Đối tượng nộp thuế không có quyền từ chối nộp thuế, cũng không có quyền tự ấn định hay thoả thuận mức đóng góp của mình, mà chỉ có quyền chấp hành. Nhờ đó, Nhà nước mới có nguồn thu ổn định thường xuyên đảm bảo tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu công.
- Thuế là một khoản đóng góp không hoàn trả trực tiếp cho người nộp. Nó vận động một chiều, không phải là khoản thù lao mà người nộp thuế phải trả cho Nhà nước do được hưởng các hàng hoá công mà Nhà nước cung cấp. Tại thời điểm nộp thuế, người nộp thuế không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào và cũng không được quyền đòi hoàn trả số thuế đã nộp cho Nhà nước. Thuế là một nguồn thu không hoàn trả mà đối tượng thụ hưởng là Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và được sử dụng theo dự toán ngân sách Nhà nước được duyệt.
- Thuế là khoản đóng góp được quy định trước và có tính pháp lý cao. Để buộc công dân nộp thuế, Nhà nước phải sử dụng quyền lực của mình được thể hiện bằng luật pháp. Vì vậy, trong các luật thuế thường xác định trước các yếu tố điều chỉnh hành vi nộp thuế như đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế, mức thuế phải nộp và những chế tài mang tính cưỡng chế khác.
Mặc dù rất đa dạng về hình thức và cơ chế đánh thuế nhưng bất cứ hệ thống thuế của quốc gia nào cũng đều được phân loại để quản lý. Phân loại thuế có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra cách tiếp cận tổng quát cũng như nghiên cứu về cơ cấu của thuế.
Cách phân loại này giúp cho việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách thuế và có ý nghĩa trong việc hệ thống hoá một cách khoa học các sắc thuế, tìm ra các giải pháp quản lý khai thác, bồi dưỡng từng nguồn thu một cách hiệu quả.
+ Thu phí và lệ phí
Phí và lệ phí là các khoản thu chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước nhưng vẫn được động viên, tập trung vào ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
Thu phí của ngân sách Nhà nước thực chất là khoản thu mang tính bù đắp một phần chi phí đầu tư cung cấp các dịch vụ công cộng cho xã hội và nó cũng là khoản chi phí mà ngưòi dân phải trả khi thụ hưởng các dịch vụ công cộng đó.
Phí gồm rất nhiều loại như: Phí giao thông, phí thuỷ lợi, học phí trường công lập, viện phí bệnh viện Nhà nước… Thông thường, phí được chia thành: các loại phí mang tính phổ biến và các loại phí mang tính địa phương. Trên cơ sở đó, tuỳ theo tính chất của từng loại phí mà Nhà nước phân cấp cho các ngành, các địa phương ban hành và thực hiện thu cho ngân sách Nhà nước.
Lệ phí là khoản thu phát sinh ở các cơ quan của bộ máy chính quyền Nhà nước khi cung cấp các dịch vụ công cộng về hành chính, pháp lý cho dân chúng.
Có nhiều loại lệ phí như: Lệ phí hành chính (lệ phí đăng ký hộ khẩu, nhân khẩu, lệ phí sao giấy tờ,...); lệ phí pháp lý (lệ phí cấp phép hành nghề, lệ phí xác nhận quyền sở hữu tài sản…); các loại lệ phí khác (lệ phí được phép bay qua bầu trời, lệ phí được phép khai thác tài nguyên…).
Lệ phí thường là các khoản thu nhỏ, rải rác, chủ yếu phát sinh ở các cơ quan chính quyền địa phương.
+ Thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động kinh tế của Nhà nước là các khoản thu từ lợi tức của các cơ sở kinh tế của Nhà nước, lợi tức liên doanh kinh tế, lợi tức cổ phần của Nhà nước tại các Công ty cổ phần.
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước tham gia vào hoạt động kinh tế bằng việc xây dựng các doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư vốn dưới hình thức góp vốn vào các doanh nghiệp, Công ty liên doanh, mua cổ phiếu của các Công ty cổ phần. Số vốn đầu tư của Nhà nước vào các hoạt động kinh doanh phải được sinh lời và phần lợi tức thu được vào ngân sách Nhà nước phụ thuộc vào tỉ lệ góp vốn của Nhà nước, hiệu quả sản xuất kinh doanh và cơ chế phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.
+ Vay nợ của Chính phủ
Các nguồn thu của ngân sách Nhà nước nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu buộc Nhà nước phải thực hiện huy động vốn bằng việc vay nợ trong và ngoài nước. Vay nợ để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế là giải pháp được nhiều nước thực hiện thông qua phương thức tín dụng Nhà nước.
Tín dụng Nhà nước phản ánh mối quan hệ tín dụng trong đó Nhà nước là người trực tiếp vay vốn ở trong nước và từ nước ngoài để đảm bảo các khoản chi tiêu của ngân sách Nhà nước. Tín dụng Nhà nước luôn gắn liền với hoạt động của ngân sách Nhà nước, trong đó Nhà nước vừa là người đi vay, vừa là người cho vay nhưng Nhà nước xuất hiện với tư cách người đi vay là chủ yếu.
- Vay nợ trong nước:
Chủ thể tham gia vào quan hệ tín dụng này bao gồm: Chính quyền Nhà nước Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính, các tổ chức xã hội và dân cư. Ở Việt Nam. Vay nợ trong nước được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ.
Trái phiếu Chính phủ là chứng chỉ vay nợ của Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành có thời hạn, có mệnh giá và lãi suất để vay dân cư, các tổ chức kinh tế, xã hội và các tổ chức tài chính. Trái phiếu Chính phủ có các hình thức sau:
Tín phiếu kho bạc: Là trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, có kỳ hạn dưới 1 năm, được phát hành để huy động vốn nhằm giải quyết mất cân đối tạm thời của ngân sách Nhà nước trong năm tài chính.
Trái phiếu kho bạc: Là trái phiếu Chính phủ trung và dài hạn, có kỳ hạn trên 1 năm, được phát hành để huy động vốn nhằm giải quyết bội chi ngân sách Nhà nước đã được quốc hội phê chuẩn.
Trái phiếu đầu tư: Là trái phiếu Chính phủ trung và dài hạn, có kỳ hạn từ 1 năm trở lên, được phát hành để huy động vốn cho các dự án đầu tư cụ thể theo kế hoạch đầu tư đã được phê duyệt nhưng chưa bố trí được vốn ngân sách Nhà nước hoặc tài trợ vốn cho các mục tiêu nhất định.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ vào thị trường tài chính có thể được thực hiện bằng các phương thức khác nhau như: Phương thức đấu thầu, phương thức bảo lãnh phát hành, phương thức tiêu thụ qua các đại lý và phương thức phát hành trực tiếp.
- Vay nợ nước ngoài:
Một trong những trợ ngại của các nước đang phát triển và các nước nghèo là sự thiếu hụt giữa tiết kiệm và nhu cầu đầu tư, thâm hụt ngân sách Nhà nước. Do sự thâm hụt này, thông thường các quốc gia phải dựa vào nguồn vốn từ bên ngoài để hỗ trợ đầu tư trong nước nhằm theo đuổi chính sách tăng trưởng nhanh, trong đó có hình thức vay nợ nước ngoài.
Hình thức vay nợ nước ngoài phổ biến là phát hành trái phiếu quốc tế. Trái phiếu quốc tế của Chính phủ là chứng chỉ vay nợ do Chính phủ phát hành trên thị trường vốn quốc tế nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư trên thế giới. Đây là hình thức vay trực tiếp từ các nhà đầu tư quốc tế nên tính độc lập về tài chính của Chính phủ khá cao, Chính phủ có thể mở rộng chi ngân sách Nhà nước mà không bị ràng buộc bởi các điều kiện từ phía người đi vay. Tuy nhiên, phải tuân thủ các thông lệ quốc tế về trình tự, thủ tục phát hành, tính bất khả kháng trong thanh toán gốc và trả lãi trái phiếu khi đến hạn. Phát hành trái phiếu quốc tế đối với Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế, nâng cao uy tín đối với nhà đầu tư nước ngoài và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển khi ngân sách Nhà nước còn thâm hụt.
Viện trợ quốc tế không hoàn lại: Viện trợ quốc tế không hoàn lại là nguồn vốn phát triển của các Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức quốc tế cấp cho Chính phủ một nước nhằm thực hiện các chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội. Viện trợ không hoàn lại có thể là song phương hoặc đa phương do các Chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế cấp.
Các hình thức viện trợ không hoàn lại:
Viện trợ của các Chính phủ: Là viện trợ song phương giữa các nước có thoả thuận tay đôi với nhau.
Viện trợ của các tổ chức quốc tế: Là viện trợ đa phương giữa các quốc gia được thực hiện thông qua một tổ chức quốc tế nào đó. Ví dụ, các tổ chức của Liên hợp quốc như Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ hoạt động dân số của Liên hợp quốc (UNFPA)…
Viện trợ của các tổ chức Phi Chính phủ: Là viện trợ do các tổ chức phi Chính phủ thực hiện.
Viện trợ quốc tế không hoàn lại là nguồn vốn quan trọng bổ sung chồ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Vì vậy Nhà nước cần tranh thủ khai thác nguồn vốn này từ các Chính phủ và các tổ chức quốc tế.
3.2.2. Chi ngân sách Nhà nước
a. Đặc điểm của chi ngân sách Nhà nước
Chi ngân sách Nhà nước là việc phân phối và sử dụng quỹ ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước theo những nguyên tắc nhất định.
Chi ngân sách Nhà nước là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào ngân sách Nhà nước và đưa chúng đến mục đích sử dụng cho từng hoạt động, từng công việc thuộc chức năng của Nhà nước. Nó chính là các khoản chi tiêu của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý hành chính, các đơn vị sự nghiệp được tài trợ và kiểm soát bởi Chính phủ. Thông qua các khoản chi tiêu, ngân sách Nhà nước cung ứng lại cho xã hội nguồn tài chính đã được thu về từ các khoản nộp thuế, phí, lệ phí… bằng việc cung cấp những hàng hoá công cộng cần thiết cho xã hội. Với cơ chế này, Nhà nước thực hiện tái phân phối thu nhập xã hội công bằng hơn, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững và ổn định, khắc phục các khuyết tật của nền kinh tế thị trường.
Chi ngân sách Nhà nước có các đặc điểm sau:
- Gắn liền với bộ máy Nhà nước và những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà Nhà nước đảm nhiệm trong từng thời kỳ; gắn với quyền lực Nhà nước. Quốc hội quyết định qui mô, nội dung, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước và phân bổ vốn ngân sách cho các mục tiêu quan trọng của quốc gia. Chính phủ có nhiệm vụ thực hiện, quản lý, điều hành các khoản chi ngân sách Nhà nước.
- Mục đích của chi ngân sách Nhà nước là nhằm phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia nên hoàn toàn mang tính chất công cộng. Chi ngân sách Nhà nước để mua hàng hoá, dịch vụ, thông qua các đơn đặt hàng của Chính phủ, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng công cộng của các tầng lớp dân cư.
- Chi ngân sách Nhà nước có phạm vi rộng và có quy mô lớn. Các khoản chi ngân sách Nhà nước đảm bảo cho Nhà nước cung cấp một lượng hàng hoá công cộng lớn cho nền kinh tế, có liên quan đến mọi lĩnh vực, mọi hoạt động kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, cả ở trong nước và nước ngoài.
- Chi ngân sách Nhà nước có tính chất không hoàn trả trực tiếp. Các khoản cấp phát từ ngân sách Nhà nước cho các ngành, các cấp, cho các hoạt động … không phải trả giá hoặc hoàn lại cho Nhà nước. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước cũng có các khoản chi thực hiện chương trình mục tiêu mà thực chất là cho vay ưu đãi có hoàn trả gốc với lãi suất thấp hoặc không có lãi.
b. Các hình thức chi ngân sách Nhà nước
Chi ngân sách Nhà nước có quy mô lớn, phức tạp, có tác động mạnh mẽ đến môi trường tài chính vĩ mô; đến tổng cung, tổng cầu về vốn tiền tệ. Do tính đa dạng và phức tạp nên chi ngân sách Nhà nước có nhiều nội dung khác nhau.
+ Chi đầu tư phát triển
Chi đầu tư phát triển là việc Nhà nước sử dụng một phần nguồn tài chính đã được tạo lập quỹ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển sản xuất và dự trữ quốc gia nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường, vốn đầu tư phát triển được hợp thành từ nhiều nguồn: vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, vốn đầu tư của cá nhân và hộ gia đình, tín dụng đầu tư và vốn nước ngoài (đầu tư trực tiếp, vay và viện trợ). Trong số các nguồn vốn này, vốn đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước luôn đóng vai trò chủ yếu trong thực hiện chiến lược đầu tư của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển bao gồm:
- Chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội: