+ Bội chi ngân sách Nhà nước
Bội chi ngân sách Nhà nước là tình trạng chi ngân sách Nhà nước vượt quá thu ngân sách Nhà nước trong một năm. Bội chi ngân sách có thể xảy ra do sự thay đổi chính sách thu – chi của Nhà nước được gọi là bội chi cơ cấu; do sự biến động của chu kỳ kinh tế được gọi là bội chi chu kỳ. Ngày nay, bội chi ngân sách Nhà nước trở thành phổ biến đối với hầu hết các quốc gia, tuy ở những mức độ khác nhau.
Bội chi ngân sách biểu hiện cho sự thiếu hụt nguồn tài chính so với nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Nguyên nhân có thể là do Nhà nước không sắp xếp được nhu cầu chi tiêu phù hợp với khả năng; cơ cấu chi ngân sách Nhà nước không hợp lý; lãng phí, thất thoát kinh phí; không có biện pháp hiệu quả khai thác đủ nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu hoặc do kinh tế suy thoái hay ảnh hưởng bởi thiên tai, chiến tranh làm nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm sút.
Bội chi ngân sách Nhà nước với quy mô lớn và kéo dài được coi là nguyên nhân trực tíêp và quyết định gây ra lạm phát, tác hại đến sự phát triển kinh tế, đến đời sống của dân cư. Bội chi cũng làm cho nợ công gia tăng, chèn ép đầu tư của khu vực tư và tạo sức ép đối với chính sách quản lý nợ.
Để xử lý bội chi ngân sách Nhà nước, giải pháp mang tính chiến lược lâu dài là phát triển kinh tế, khai thác các tiềm năng kinh tế và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Mặt khác, Nhà nước cần điều chỉnh các quan hệ phân phối nguồn lực tài chính thông qua biện pháp tăng thuế, giảm chi tiêu, phát hành tiền, vay nợ.
Tăng thuế và cắt giảm chi ngân sách Nhà nước đều góp phần cải thiện tình trạng bội chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, không phải bao giờ cũng được thực hiện một cách không giới hạn. Trong bối cảnh mức tăng GDP chưa lớn, tăng thuế sẽ làm giảm sút tiết kiệm của doanh nghiệp và dân cư, đẩy lùi khả năng đầu tư và tiêu dùng của khu vực này làm giảm động lực phát triển kinh tế. Giảm chi công chỉ có tác dụng tích cực khi Nhà nước cắt giảm các khoản chi bao cấp, các khoản chi tiêu bất hợp lý, lãng phí; còn nếu giảm chi vượt quá mức giới hạn sẽ ảnh hưởng không tốt đến kích cầu, đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phát hành tiền là biện pháp giúp Chính phủ huy động nhanh nguồn vốn để cân đối ngân sách Nhà nước mà không tốn kém nhiều chi phí. Nếu ngân hàng Trung ương phát hành trực tiếp cho Chính phủ vay bù đắp bội chi vượt quá yêu cầu của lưu thông tiền tệ có thể làm cho nền kinh tế phải gánh chịu phí tổn rất lớn do lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên phát hành tiền để bù đắp bội chi, nhất là phát hành gián tiếp – ngân hàng Trung ương thực hiện cơ chế cho Chính phủ vay và được đảm bảo bằng trái phiếu Chính phủ – không phải bao giờ cũng chứa đựng nguy cơ lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội. Nếu phát hành tiền ở mức hợp lý và sử dụng tiền phát hành hiệu quả sẽ không làm tăng lạm phát và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Vay nợ trong nước và nước ngoài có thể tránh được phát hành tiền. Nhưng vay nợ thì phải trả nợ, càng vay nợ càng gia tăng gánh nặng nợ của Chính phủ. Bội chi ngân sách Nhà nước dẫn đến gia tăng vay nợ; vay nợ gia tăng buộc Nhà nước phải chi trả lãi nợ nhiều hơn và dẫn đến bội chi ngân sách Nhà nước lớn hơn. Mặt khác, vay nợ tạo ra áp lực buộc Nhà nước phải tăng thuế trong tương lai để trả nợ vay. Vấn đề quan trọng được đặt ra là vay nợ đến mức nào để đảm bảo sự an toàn, tránh được nguy cơ khủng hoảng nợ và nhất là vay nợ phải được sử dụng có hiệu quả để có khả năng trả nợ đúng hạn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Xử lý bội chi ngân sách Nhà nước bằng giải pháp nào cũng phải có sự trả giá, vấn đề là phải lựa chọn giải pháp, cũng như phối hợp giữa các giải pháp thích ứng với bối cảnh kinh tế – xã hội sao cho sự trả giá là ít nhất và có lợi nhất cho đất nước.