- Tiền gửi giao dịch (tiền gửi có thể phát hành séc)
Đây là những khoản tiền gửi mà người gửi tiền gửi ở NHTM để sử dụng thanh toán, chi trả.
Các khoản tiền gửi có thể phát séc gồm: tài khoản séc không có lãi (tiền gửi không kỳ hạn), các tài khoản NOW1 có lãi (NOW – Negotiable Order of Withdrawal - lệnh thu hồi vốn).
Tiền gửi có thể phát séc là tiền gửi có thể được thanh toán theo yêu cầu: tức là, nếu người gửi tiền tới NHTM gửi và đề nghị thanh toán bằng cách viết ra một giấy rút tiền, NHTM sẽ phải thanh toán cho người đó ngay lập tức. Tương tự nếu một người nhận được một tấm séc thanh toán và mang tờ séc đó chuyển vào NHTM, thì NHTM phải chuyển lập tức số tiền ấy vào tài khoản của họ.
Tiền gửi có thể phát séc là một tài sản có đối với người gửi nhưng lại là một khoản nợ của NHTM vì người gửi tiền có thể rút tiền khỏi tài khoản của họ bất kỳ lúc nào và NHTM phải có nghĩa vụ thanh toán cho họ. Loại tiền gửi có thể phát hành séc thường là nguồn vốn có chi phí thấp nhất bởi vì khách hàng gửi tiền vào NHTM với mục đích chủ yếu là giao dịch thanh toán chứ không phải là mục đích sinh lời.
Những chi phí của ngân hàng cho việc duy trì tiền gửi có thể phát séc bao gồm: tiền trả lãi cho người gửi, những chi phí quản lý tài khoản (xử lý và lưu giữ những séc thanh toán, soạn và gửi những thông báo tình hình cho khách hàng; quảng cáo/marketing tới khách hàng để họ gửi vốn vào ngân hàng.
- Tiền gửi phi giao dịch
Tiền gửi phi giao dịch là nguồn vốn quan trọng nhất của ngân hàng, người gửi được hưởng tiền lãi nhưng lại không được quyền phát séc thanh toán từ tài khoản này. Mức lãi suất của các khoản tiền gửi này thường cao hơn tài khoản tiền gửi phát hành séc. Tiền gửi phi giao dịch gồm hai loại chính: tài khoản tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn hay còn gọi là giấy chứng nhận tiền gửi (Certificate of Deposits – CD).
Nói chung, tiền gửi phi giao dịch không được rút khi chưa đến hạn. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh thu hút tiền gửi, các NHTM cho phép những người gửi rút tiền khi có nhu cầu nhưng chỉ được hưởng lãi suất tính như tiền gửi giao dịch.
Các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn (CD) chủ yếu do các công ty hoặc các NHTM khác mua. CD giống như một trái khoán, chúng có thể được bán lại ở một thị trường cấp hai trước khi mãn hạn. Do vậy, các công ty, các quỹ tương trợ thị trường tiền tệ và các tổ chức tài chính khác nắm giữ CD như là tài sản thay thế cho các tín phiếu kho bạc và những trái khoán ngắn hạn khác.
- Vốn vay
Các NHTM huy động vốn bằng cách vay từ Ngân hàng Trung ương, NHTƯ (Ngân hàng Nhà nước), từ các NHTM khác và từ các công ty. Trường hợp vay từ NHTƯ thì được gọi là tiền vay chiết khấu, hay còn gọi là “tiền ứng trước”. NHTM có thể vay từ các nguồn khác như: từ những công ty mẹ của các ngân hàng (những công ty nắm giữ ngân hàng), từ các doanh nghiệp (ví dụ như những hợp đồng mua lại).
- Vốn của ngân hàng
Vốn của ngân hàng hay còn gọi là vốn tự có, là của cải thực của ngân hàng, nó bằng hiệu số giữa tổng tài sản của vốn nợ. Vốn này được tạo ra bằng cách bán cổ phần (cổ phiếu) hoặc từ các khoản lợi nhuận được giữ lại.