Quá trình hình thành

Một phần của tài liệu Bài giảng lý thuyết tài chính – tiền tệ (Trang 67 - 68)

Trong thời kỳ đầu hoạt động, các ngân hàng thực hiện đồng thời các nghiệp vụ: nhận tiền gửi và cho vay đối với khách hàng, phát hành các kỳ phiếu của mình và lưu thông, thực hiện các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, đổi tiền…

Từ thế kỷ XVIII, Nhà nước của các nước đã bắt đầu can thiệp vào hoạt động của hệ thống ngân hàng bằng cách hạn chế số lượng các ngân hàng được phép phát hành kỳ phiếu ngân hàng.

Đến thế kỷ XIX, ở các nước phát triển có xu hướng ra đời các đạo luật chỉ cho phép một ngân hàng duy nhất phát hành tiền, còn các ngân hàng khác đơn thuần kinh doanh tiền tệ và các dịch vụ ngân hàng. Ở Anh năm 1844, Nhà nước cấm các ngân hàng tư nhân phát hành tiền và toàn bộ nghiệp vụ phát hành tiền tệ được tập trung vào Anh quốc ngân hàng. Ngân hàng cổ phần tư nhân Pháp thành lập 1800, đến năm 1803 được độc quyền phát hành giấy bạc ở Paris, đến năm 1948 độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng trên toàn nước Pháp.

Đầu thế kỷ XX, ở các nước ngân hàng được phép phát hành tiền đều thuộc sở hữu tư nhân, Nhà nước không có điều kiện can thiệp các hoạt động kinh tế thông qua các tác động của tiền tệ. Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 đã buộc chính phủ các nước tăng cường hơn nữa can thiệp của mình vào lĩnh vực kinh tế. Ngoài việc điều tiết nền kinh tế thông qua hệ thống luật pháp, chính sách…, Nhà nước cần phải nắm lấy phương tiện cơ bản của kinh tế thị trường – tiền tệ để góp phần giải quyết tình trạng bất ổn định trong nền kinh tế. Vì thế, sau tổng khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933, phần lớn các nước đã tiến hành quốc hữu hóa hoặc thành lập mới ngân hàng phát hành thuộc sở hữu nhà nước, nhằm nắm trọn quyền phát hành tiền tệ để qua đó điều tiết các hoạt động kinh tế vĩ mô. Canada quốc hữu hóa ngân hàng phát hành năm 1938, Đức quốc hữu hóa ngân hàng phát hành năm 1939, Pháp quốc hữu hóa ngân hàng năm 1945, Anh quốc hữu hóa ngân hàng năm 1946… Từ đó, khái niệm ngân hàng trung ương được sử dụng để thay thế cho khái niệm ngân hàng phát hành.

Ngân hàng trung ương không chỉ thực hiện chức năng phát hành tiền tệ và lưu thông, mà còn thực hiện chức năng quản lý về mặt nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, ở một số nước ngân hàng phát hành không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nhưng hoạt động vẫn mang tính chất như một ngân hàng của Nhà nước và cơ quan quản lý cao nhất của nó là do Nhà nước bổ nhiệm và miễn nhiệm. Ngân hàng trung ương Nhật Bản là ngân hàng cổ phần theo luật năm 1942, trong đó cổ phần hóa nhà nước chiếm 55%, cổ phần thuộc sở hữu tư nhân chiếm 45%, nhưng cơ quan quản trị ngân hàng là hội đồng chính sách có 7 thành viên do chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm. Ở Mỹ, hệ thống dự trữ liên bang là ngân hàng cổ phần tư nhân, nhưng cơ quan lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này là hội đồng thống đốc có 7 thành viên do Tổng thống đề cử và Quốc hội bổ nhiệm…

Một phần của tài liệu Bài giảng lý thuyết tài chính – tiền tệ (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)