Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu Bài giảng lý thuyết tài chính – tiền tệ (Trang 77 - 80)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Chính phủ và là Ngân hàng trung ương của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; nhằm ổn định giá trị đồng tiền góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chức năng của mình, ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau:

- Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

- Xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia để Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định và tổ chức thực hiện chính sách này, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng Việt Nam.

- Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về tiền tệ hoạt động ngân hàng, ban hành các văn bản pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

- Cấp và thu hồi giấy phép thành lập các hoạt động của các tổ chức tín dụng; cấp và thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; quyết định giải quyết, chấp thuận chia tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng.

- Kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng; kiểm soát tín dụng, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

- Quản lý vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

- Chủ trì lập và theo dõi kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế. - Quản lý hoạt động ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng. - Ký kết, tham gia điều ước quốc tế về tiền tệ hoạt động ngân hàng.

- Đại diện cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế trong trường hợp được Chủ tịch nước hay Chính phủ ủy quyền.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ngân hàng.

- Tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế, đổi, tiêu hủy tiền.

- Thực hiện tái cấp vốn nhằm cung ứng tín dụng ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.

- Tổ chức hệ thống thanh toán qua ngân hàng cho các ngân hàng, kho bạc Nhà nước…

8.5.4. Hoạt động chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyết định chính sách tiền tệ, nhằm mục tiêu ổn định giá trị VND, giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Chính phủ, có trách nhiệm:

- Chủ trì xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, kế hoạch cung ứng lượng tiền bổ sung cho lưu thông hàng năm trình Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội.

- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ (dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường mở, lãi suất, tỷ giá hối đoái), thực hiện việc đưa ra lưu thông, rút tiền từ lưu thông về theo tín hiệu của thị trường trong phạm vi lượng tiền cung ứng đã được Chính phủ phê duyệt.

Phát hành tiền giấy và tiền kim loại

Trong công tác phát hành tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:

- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy và tiền kim loại.

- Ngân hàng Nhà nước quản lý tiền dự trữ phát hành theo quy định của Chính phủ; bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.

- Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ phát hành tiền, Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chuẩn phân loại tiền rách nát, hư hỏng; đổi và thu hồi các loại tiền rách nát hư hỏng do quá trình lưu thông tạo nên; thu hồi và rút khỏi lưu thông các loại tiền không còn thích hợp và phát hành các loại tiền tệ khác thay thế; tổ chức tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Hoạt động tín dụng

Trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiến hành các nghiệp vụ:

- Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng là ngân hàng vay ngắn hạn dưới hình thức tái cấp vốn. Khi được Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước cho vay đối với các tổ chức tín dụng tạm thời mất khả năng chi trả, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

- Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động thanh toán

Ngân hàng nhà nước mở tài khoản và thực hiện các giao dịch cho Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong nước và các ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời, ngân hàng nhà nước làm đại lý cho Kho bạc Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu, phát hành và thanh toán tín phiếu trái phiếu Kho bạc Nhà nước.

Quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối

Trong quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ:

- Xây dựng các dự án luật; pháp lệnh và các dự án khác về quản lý ngoại hối ban hành các văn bản pháp quy về quản lý ngoại hối.

- Cấp và thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối cho các tổ chức tín dụng.

- Tổ chức, điều hành thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại hối trong nước.

- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp lệnh về quản lý ngoại hối, kiểm soát việc xuất nhập khẩu ngoại hối…

Trong hoạt động ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước…. tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện các giao dịch ngoại hối khác nhau theo quy định của Chính phủ.

Thanh tra, tổng soát của Ngân hàng Nhà nước

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước là thanh tra chuyên ngành về ngân hàng, thuộc bộ máy của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác, nhằm góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyến và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phục vụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Tổng kiểm soát Ngân hàng Nhà nước là đơn vị thuộc bộ máy Ngân hàng Nhà nước, có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát nội bộ đối với các đơn vị thực hiện nghiệp vụ của Ngân hàng trung ương.

Hoạt động thông tin

Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, phân tích và dự báo thông tin trong và ngoài nước về kinh tế, tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước trao đổi và làm dịch vụ thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cho các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và cá nhân.

Câu hỏi ôn tập

1. Chức năng và mục tiêu hoạt động của ngân hàng trung ương? Liên hệ với thực tiễn ở Việt Nam?

2.Vai trò của NHTW đối với sự phát triển kinh tế? Liên hệ với thực tiễn ở Việt Nam? 3.Các công chủ yếu của Ngân hàng trung ương để điều hành chính sách tiền tệ?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Tài, Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ, NXB Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà nội năm 2007

2. Lê Văn Tề, Tiền tệ và ngân hàng, NXB Thống kê năm 2003

3. Frederic S. Mishkin, Pearson Education, The Economics of Money, banhking and financial markets 7th Ed, Inc.,2004

Chương 9

LẠM PHÁT TIỀN TỆ

Mục tiêu của chương này nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức về: - Các nguyên nhân gây lạm phát

- Các tác động của lạm phát lên đời sống xã hội.

- Các biện pháp khắc phục tình trạng lạm phát trong nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Bài giảng lý thuyết tài chính – tiền tệ (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)