Ngôn ngữ mang đậm chất trữ tình

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 85 - 89)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.2. Ngôn ngữ mang đậm chất trữ tình

Rung cảm trước cuộc sống và tình người, Thùy Dương đã thể hiện trong văn mình những trang sách mượt mà, giàu chất thơ, chất nhạc. Chất trữ

tình trong tiểu thuyết của chị được nhìn nhận chủ yếu qua hồi ức và những trải nghiệm thực tế của nhân vật. Nhân vật trong sáng tác của Thùy Dương đã tự phơi bày thế giới bên trong phức tạp của mình với vị trí của người kể chuyện xưng “tôi”, cũng có lúc tác giả nhập thân vào nhân vật để cất lên tiếng nói giãi bày, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Xét theo ngôi kể, đây là lời kể theo ngôi thứ nhất của người kể chuyện xưng "tôi". Kiểu lời này có điểm nhìn mang quan niệm nhất quán cho câu chuyện, cho phép người kể chuyện "dông dài" trong phạm vi vấn đề được quan tâm và có sự đánh giá, phân tích. Đó có thể là lời của một nhà báo ngay thẳng, trung thực nhưng không dám tách mình ra khỏi xã hội phức tạp để đánh giá con người [Ngụ cư]. Đó có thể là lời của một nữ doanh nhân nhìn nhận về sự nghiệp và cuộc sống tình cảm cá nhân một cách bản năng và nhạy bén [Thức giấc]. Đó cũng có thể là lời của nhiều thế hệ về những chuyện khác nhau của Nhân gian. Như vậy, ngôi kể đóng vai trò quyết định đến trường nhìn và điểm nhìn của nhân vật. Lời kể ngôi thứ nhất của Thùy Dương và của Thạch Lam có điểm tương đồng ở chất trữ tình, khả năng tự bộc bạch.

Trong Ngụ cư, nhân vật tôi thấy được cảnh sắc thiên nhiên thật bình yên, tươi sáng và tràn đầy sức sống khi về thăm quê cậu Cả “Cổng làng xám mốc bên cây xà cừ đổ lá. Giếng làng với những bậc đá xanh. Bèo ong dày xít một góc, những chiếc phễu xinh xinh đựng đầy thứ nước trắng bạc. Mấy cô gái té nước rửa chân, bắp chân trắng ngời. Một con gà mái mơ lông mượt ngơ ngác đi ngang qua. Trời đã chạng vạng. Bóng những người tay dắt trâu, vai vác bừa từ cánh đồng về. Mùi bùn, mùi phân trâu, mùi rạ dầm nước ngai ngái, nồng nồng. Tiếng một con chim chìa vôi bay vụt qua rơi xuống lẻ loi…” [6, 89]. Những câu văn thơ mộng ấy giúp bạn đọc nhận ra một miền quê quen thuộc của vùng đồng bằng Bắc bộ với những cổng làng, giếng

nước, ao bèo; hơn nữa là sự gắn bó thân thiết của những người nông dân với hình ảnh “tay dắt trâu, vai vác bừa”… Đó còn là bức tranh muôn vàn sắc màu khác nhau khi nhân vật tôi [Ngụ cư] nhớ về quá khứ của mình “Tôi giụi cả mặt vào bó hoa. Lòng chùng xuống. Xa xưa ngày nào đó tôi và người ấy dắt nhau đi bên triền sông Hồng. Hoa cải vàng như mơ phơ phất trong gió.

Hoa thìa là vàng sậm, hoa mùi li ti trắng, hạt tròn mẩy thơm xanh…” [6, 45].

Thảo [Nhân gian] luôn bâng khuâng, lưu luyến khi nghĩ về tuổi thơ của mình “…Chợt nhớ đến ánh mắt của chàng trai nhà bên. Anh ấy lần đầu tiên viết thư cho cô bé mười bảy tuổi, nhắc hoài một cô bé áo hoa xanh tóc buộc vểnh như đuôi ngựa luôn bận rộn với xâu lá bàng mùa đông nhặt về đun bếp, lăng xăng bên những khóm hoa, rình rập chờ cây hạt cườm chín để xỏ vòng đeo chân. Những hạt cườm tách từ bẹ lá trắng ngà như ngọc trai, đúng hơn như ngọc của sữa cây lắng lại…Chàng trai ngày ấy viết rằng sẽ chẳng bao giờ quên nổi cái cô bé đáng yêu, có nụ cười sáng rỡ với cặp mắt đen và hàng mi

cong vút nghịch ngợm để cả que diêm lên mà chẳng sợ rơi…” [8, 221]. Yên

Thao lại có xúc cảm riêng khi hòa mình trước thiên nhiên rộng lớn của sông Hồng “Nhưng bờ cỏ sông Hồng là nơi tôi thích nhất. Cỏ mềm và thơm hăng. Cơ thể tôi cũng mềm và thơm như cỏ. Phía trên cao kia là trời đen thẫm.

Những ánh sao nhấp nháy xa xa như đồng lõa, như hứa hẹn…” [7, 104]; còn

(linh hồn) Hoàng lại thấy thiên nhiên lúc về đêm thật ấn tượng “Trăng thượng tuần sáng bàng bạc, gió nam hây hẩy và sóng lúa rì rào. Hơi cỏ, hơi

lúa và hơi gió ngọt thoảng” [8, 65]; rồi cảm nhận của cô gái [Nhân gian] khi

đến một miền đất lạ “Rừng thông, rừng hoa trôi qua đâu đó rồi. Cả màn sương bàng bạc phủ, cả cái lạnh bảng lảng, cả những cô gái mặt hoa da

phấn của xứ cao nguyên, cả cơ man nào là khăn áo rực rỡ…” [8, 225] cũng

thấy thiên nhiên có sức hấp dẫn và đáng yêu làm sao… Những cảm nhận rất riêng của mỗi nhân vật trong tiểu thuyết Thùy Dương được diễn tả với ngôn

ngữ hết sức gần gũi, giản dị nhưng thấm đượm chất nhạc, chất thơ. Nhịp điệu trong mỗi câu cứ đều đều, nhẹ nhàng như những nốt nhạc du dương. Kết hợp với cách sử dụng kiểu câu: câu ngắn, câu dài đan xen, tác giả đã tạo cho bạn đọc một tâm thế thật thoải mái để chiêm nghiệm những lời tự bạch về cảm xúc, sự trải nghiệm của nhân vật trong cuộc sống thường ngày.

Bên cạnh đó, điểm nhấn ngôn từ của Thùy Dương nằm ở ngôn ngữ độc thoại nội tâm - "phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của

con người trong dòng chảy trực tiếp của nó" [15, 122] với hai loại chủ đạo

lời nửa trực tiếplời của dòng ý thức. Trong văn xuôi, đặc biệt là tiểu

thuyết, độc thoại nội tâm là biện pháp bộc lộ ý nghĩ thầm kín ưu thế hơn lời trực tiếp của nhân vật. Nó cho phép người đọc thâm nhập vào mọi ngóc ngách của tâm trạng con người (cả những điều tế nhị nhất). Thùy Dương đã tận dụng tối đa ưu thế của biện pháp này và thể hiện với các dạng khác nhau một cách sinh động.

Lời nửa trực tiếp là lời "tác giả nhân danh mình, nhưng lại nắm bắt từ

ngữ và ngữ điệu của nhân vật" [28, 219]. Theo T. Môtưliôva, lời nửa trực tiếp thuộc phạm vi của độc thoại nội tâm, vì trong đó "tiếng nói nhân vật

dường như được tách ra làm hai tiếng nói tranh cãi nhau" [28, 219]. Trong

tiểu thuyết của Thùy Dương, lời nửa trực tiếp xuất hiện hai dạng rõ rệt: đầu tiên là lời đối thoại; sau đó là sự xuất hiện của ý nghĩ. Với lời nửa trực tiếp, tính cách, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật được bộc lộ; đồng thời nó mang lại hiệu quả đặc biệt cho tiểu thuyết của Thùy Dương. Việc nhân vật độc thoại nội tâm bằng lời nửa trực tiếp là điểm xoáy trên cái nền đều đều, nhẹ nhàng của giọng văn trữ tình. Thủ pháp độc thoại nội tâm của Thùy Dương gợi nhớ tới L.Toxntoi với "Chiến tranh và hòa bình" khi Andrey chìm vào thế giới nội tâm bằng "Hai tâm trạng" để nhìn nhận lại cuộc đời mình.

Tồn tại dưới dạng lời nửa trực tiếp, độc thoại nội tâm còn một dạng tồn tại nữa là lời của dòng ý thức. Theo Edoward Dujardin, độc thoại nội tâm dưới dòng ý thức là "nó được trình bày dưới hình thức hỗn độn, chủ quan, nó tái hiện cái dòng liên tục của ý nghĩ xuất hiện trong tâm hồn nhân vật theo trật tự mà nó xuất hiện. Nó vẫn chưa được lựa chọn, nhưng không phải theo

logic của ý trí" [31, 219]. Nhận định này hoàn toàn phù hợp với kiểu độc

thoại nội tâm trong tiểu thuyết của Thùy Dương. Ở đây, kỹ thuật dòng ý thức đã được cụ thể hóa thành lời nói của tâm trạng. Đó là gợi dẫn về ký ức trong khứ hoặc ẩn ức được nhân vật giấu kín trong lòng. Nhân vật Yên Thao trong

Thức giấc đã có lúc rơi vào tâm trạng như vậy: "Ngày yêu Nghi tôi không

giấu mối tình đầu, không giấu cả việc không còn là con gái…Ngày xa xưa ấy tôi chậm kinh ngay sau khi người kia vội vã ra nước ngoài như chạy trốn…Gần hai mươi ngày sau khi tôi bắt đầu ngấm nỗi sợ hãi của Thu Ba, thì tôi ục ra…Lúc lấy chồng rồi, một ngày nào đó, chợt nhớ ra tôi hoảng hốt -

người ta bảo nếu bị xảy một lần dễ quen dạ…" [7, 266].

Có thể thấy, với dạng tồn tại của lời nửa trực tiếp và lời của dòng ý thức thuộc độc thoại nội tâm, ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Thùy Dương mang đậm chất trữ tình thiết tha, sâu lắng. Mỗi câu văn, đoạn văn trong tiểu thuyết của chị như lắng lại trong tâm trí bạn đọc những khúc nhạc du dương, dịu nhẹ và ngân vang mãi mãi.

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 85 - 89)