Vẻ đẹp hình thức

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 48 - 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Vẻ đẹp hình thức

Từ xưa đến nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Người xưa xem vẻ đẹp của người phụ nữ, đặc biệt là cơ thể của họ là nguồn gốc của tội lỗi, tai họa. Đến thời kỳ văn học Trung đại thì một số tác giả như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… đã đề cập đến vẻ đẹp của người phụ nữ và ca ngợi vẻ đẹp của họ một cách rất riêng, rất đáng được trân trọng. Hồ Xuân Hương miêu tả vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ thật độc đáo, thật ấn tượng. Bà đặc biệt chú ý những bộ phận thân thể được giấu kín của con người thì nay được "phô" ra với vẻ đẹp mà tạo hóa ưu ái ban cho họ. Bà miêu tả cơ thể đẹp của người phụ nữ giữa ban ngày, vào một buổi trưa hè gió mát:

"Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông"

Chẳng biết vô tình hay hữu ý, cô gái "đương xuân thì" quá giấc nồng để rồi hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật thân thể trinh nguyên của mình với "đôi gò bồng đảo", "một lạch Đào Nguyên". Rõ ràng Hồ Xuân Hương muốn ca ngợi một cơ thể đẹp - một vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp thanh tân của cơ thể thiếu nữ.

Khác với Hồ Xuân Hương và một số cây bút khác, Thùy Dương cảm nhận về vẻ đẹp người phụ nữ thật dịu dàng, hiền thục nhưng cũng đằm thắm, mặn mà. Vẻ đẹp người phụ nữ được cảm nhận từ những cô gái vùng quê, chân lấm tay bùn đến những người phụ nữ thành thị sống trong cung cách của nhà giàu có. Trong Ngụ cư, nhân vật Huê được miêu tả "Cô Huê vợ một ông ở

Bộ N có dáng hình: người trắng trẻo, nhẹ nhõm dễ ưa" và "…đôi mắt Huê mơ

màng, má ửng hồng" [6, 11]; vẻ đẹp của Huê là vẻ đẹp người phụ nữ nông

thôn, đã có chồng mà cứ như còn xuân sắc của cô gái mười tám, đôi mươi "Huê kéo chiếc quần đen, lộ bắp chân trần, cái gót trước rám vàng giờ nhạt

màu hẳn. Chỉ vài ba tháng nữa là trắng hồng cho coi" [6, 20]. Không chỉ vậy,

nhân vật Cầm cũng có vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người con gái thôn quê "Chị Cầm da trắng, tóc dài, dáng óng ả". Vẻ đẹp của Cầm, ai gặp lần đầu cũng khó mà quên được. "…anh cái Nga gặp một lần rồi về nằng nặc bắt

thầy u lên xin cưới dù đã bỏ trầu ở nhà một cô khác cùng thôn". Vẻ đẹp ấy

khiến anh Hòa (anh của Nga) - một người lính sắp phải ra chiến trường, thậm chí đã chạm ngõ nhà người ta cũng đành muối mặt từ chối, để rồi chính anh đã quyết định "một là lấy Cầm, hai là không lấy ai" [6, 58]. Hình ảnh cô gái thôn quê được tác giả cảm nhận rất riêng và rất ấn tượng “Con gái quê mông

tròn, vú nở, da dẻ đỏ đắn, mặt mũi cũng dễ coi” [9, 5], “cô bé có mái tóc

buông dài đen óng, gương mặt bầu trắng mịn. Mắt đen mi lót. Mũi thanh. Một

gương mặt mặt đẹp cổ điển” [9, 21]. Tất cả những chi tiết ấy khiến nhân vật

nữ trong tiểu thuyết của Thùy Dương không giống với các nhân vật nữ trong sáng tác của một số tác giả khác. Nhân vật nữ của chị là nhân vật phải xinh

đẹp, phải thật ấn tượng khi gặp lần đầu. Bản chất là những người phụ nữ xuất thân từ nông thôn nhưng lại sống chốn đô thị, nên vẻ đẹp của họ có sự nhuốm màu của cuộc sống mưu sinh: "Tuyết tên thế nhưng đen, mặt lại rám, gò má

cao, mắt bình thường thì lờ đờ nhưng lúc long lên, đanh đá vô cùng". Cũng

chính vì đặc điểm "gò má cao" mà Tuyết phải chung chồng với cô ca ve ở trọ ngay nhà mình. Còn cô ca ve - một cô gái từng trải và có cái gì đó theo xu hướng của cuộc sống hiện đại "Một đứa con gái không còn trẻ nhưng trắng trẻo, mỡ màng, hay mặc váy ngắn trên đầu gối. Ngang qua thoang thoảng

mùi nước hoa rẻ tiền, nhưng vẫn cứ là nước hoa" [6, 29]. Vì "mùi nước hoa

rẻ tiền" ấy mà chồng Tuyết đã bị cuốn theo những cuộc tình của cô. Rõ ràng, vẻ đẹp cô ca ve đã mang hơi hướng của cuộc sống đô thị, là vẻ đẹp của cô gái hiện đại (mặc váy ngắn, dùng nước hoa) chứ không còn là vẻ đẹp thôn nữ giống như Huê và Cầm.

Vẻ đẹp người phụ nữ thật duyên dáng và ấn tượng. Dù trải qua thời gian nhưng không thể phai mờ trong tiềm thức của mỗi chàng trai khi yêu - ngay cả khi họ chết đi rồi. Đó là lời kể của (linh hồn) Hoàng về vẻ đẹp của Ngần - người yêu của Quân "…Ngần mười bảy tuổi, học hết cấp hai ở nhà giúp mẹ đồng áng. Ngần da trắng tóc dài, người nây nây, hai má lúc nào

cũng đỏ căng. Mắt đen lúng la lúng liếng…"[8, 84]. Có thể khẳng định vẻ đẹp

của người phụ nữ thôn quê là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Họ biết quý trọng vẻ đẹp trời phú ấy để rồi trong cuộc sống hiện đại, họ lại biết làm đẹp hơn cho bản thân mình và cho xã hội.

Từ vẻ đẹp những cô thôn nữ đến vẻ đẹp những cô gái Hà Thành, Thùy Dương có cách nhìn nhận thật tinh tế, sâu sắc khiến vẻ đẹp ấy không thể lẫn với bất cứ người con gái nào. Trong Thức giấc, hình ảnh bà nội Yên Thao được miêu tả là một người biết quý trọng vẻ đẹp phụ nữ, biết gìn giữ cho vẻ đẹp để nó trở nên sang trọng, quý phái "Ai cũng bảo bà tôi đẹp, dáng cao

sang quý phái. Tôi thấy điều ấy thật đúng. Ở bà cái gì cũng ưa nhìn. Nước da, đôi mắt, cái mũi, dáng người và đến cái cách bà đưa tay lên vén tóc hay quàng khăn…. Bà thì ngoài năm mươi tuổi rồi, ra đường dù quần áo chẳng có gì đặc biệt nhưng khoác lên người bà chúng lại có vẻ gì đó khác hẳn

những người khác, khiến cho khối người đi ngang cũng phải dừng mắt nhìn"

[7,12]. Vẻ đẹp bà nội Yên Thao là vẻ đẹp của con người được hưởng cuộc sống giàu sang phú quý. Mặc dù bà đã có tuổi nhưng dáng vẻ, cách ăn mặc, cử chỉ… thì không phải ai cũng làm được như bà. Mẹ Yên Thao (con dâu bà) cũng nhận thấy mẹ chồng mình "bà nội bọn trẻ - trong nhà túng chết đi được-

vậy mà ra ngoài vẫn thong dong, chải chuốt như ai" [7, 8]. Cái nghèo, cái đói

không làm người phụ nữ xấu đi, mà trái lại càng tôn thêm vẻ đẹp hình dáng cũng như tâm hồn của họ. Dù trong hoàn cảnh nào họ cũng luôn giữ được vẻ đẹp của mình. Vẻ đẹp hình thể người phụ nữ còn được Thùy Dương nhìn nhận qua sự chăm sóc chồng con. Đó là những người với dáng vẻ "thắt đáy

lưng ong". Trong Nhân gian, khi Thảo xuống thăm con trai ở Hà Nội, lần đầu

nhìn thấy Kỳ Thanh cũng nhận thấy vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ "Ngực nây nẩy dáng óng ả thắt đáy lưng ong, cái gì ra cái đấy. Người thế chắc vừa

khéo chiều chồng lại khéo nuôi con" và trang phục của cô ấy là "váy đen, áo

đen, một chiếc khăn bông bay rực rỡ (theo cách gọi ngày xưa) quàng hờ hững,

nhưng mà thật là ấn tượng, hút ngay ánh mắt người ta" [8, 41]. Ở Kỳ Thanh

là vẻ đẹp một người phụ nữ vừa truyền thống vừa hiện đại. Vẻ đẹp truyền thống thể hiện trong cách chăm sóc gia đình và hiện đại trong cách ăn mặc, trong cách nhìn nhận, suy nghĩ. Vì vậy mà cậu em trai của Yên Thao phải thốt lên "Người đâu mà đẹp thế, trắng thế. Giọng Hà Nội nghe hay quá…là con

gái Hà thành không trộn lẫn vào đâu được" [7, 134].

Tóm lại, vẻ đẹp hình thức là vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Tuy tác giả không tả chi tiết nhưng mỗi nhân vật phụ nữ hiện lên rất nhiều gợi cảm.

Mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận có một đặc điểm ngoại hình riêng biệt, tất cả đều khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Dù là người phụ nữ thôn quê hay người phụ nữ Hà Thành, họ luôn xinh đẹp, nết na, giàu lòng thương yêu và rất mực quan tâm đến mọi người. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp từ ngoại hình đến phẩm chất, tính cách. Họ tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam từ xa xưa đến hiện tại.

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 48 - 52)