Nhân vật cô đơn

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 71 - 75)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.1. Nhân vật cô đơn

Văn học thời kỳ đổi mới xuất hiện ngày càng nhiều kiểu nhân vật cô đơn bởi "khi ý thức hệ, những trào lưu ý tưởng, những trò thời thượng và những trò điên khùng đang ngự trị khắp nơi, thì chính sự cô đơn khẳng định

sự tự do của mỗi người" [20]. Cô đơn là vấn đề của mỗi bản thể, thế giới nội

tâm của mỗi cá nhân chứa đầy bí ẩn và bất ngờ. Con người cô đơn không phải khi ở một mình, mà còn cô đơn ngay chính trong gia đình mình khi không tìm thấy sự đồng cảm, không tìm được tiếng nói chung.

Nhân vật trong tiểu thuyết của Thùy Dương là con người đa diện. Cô đơn là một phương diện tiêu biểu trong tính cách phức tạp đó. Dưới ngòi bút tinh tế và sắc sảo của chị, nỗi cô đơn của nhân vật cũng thật đa dạng: từ nỗi

cô đơn của phụ nữ đến nỗi cô đơn của nam giới, từ nỗi cô đơn trong lý

tưởng đến nỗi cô đơn trong tình cảm… Cô đơn là trạng thái thường thấy ở người phụ nữ, nhưng những người đàn ông dù mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc cô đơn. Nhân vật người chồng của tôi trong Ngụ cư và nhân vật bố Yên Thao trong Thức giấc có nỗi cô đơn thật riêng của đàn ông. Họ đều muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp nhưng thực tế phũ phàng đã cản đường họ. Trong Ngụ , nhân vật chồng tôi khi quyết tâm theo đuổi nghệ thuật đã rời xa gia đình, điều đó khiến những người thân yêu nhất cũng không thể hiểu nổi anh. Là một họa sĩ có tài, anh ta "chờ đợi và mong muốn sự đồng cảm cho những

khám phá mới" [6, 94]; nhưng đáp lại mong muốn của anh lại là một sự im

lặng "không một dòng nào cho những bức tranh của tôi" [6, 95]. Nỗi cô đơn của anh bị đấy tới cùng cực khi anh biết "Điều tôi thấy rõ nhất là không ai

hiểu tôi, không ai nhận ra tôi" [6, 95], vì những bức tranh anh tâm huyết nhất

lại không được chú ý đến. Với nhân vật bố Yên Thao lại khác, khi đứng trước sự lựa chọn lý tưởng và gia đình, anh đã chấp nhận sự sắp đặt của mẹ mình - sống gần gia đình nhưng không có được sự say mê trong nghề nghiệp. Bố của Yên Thao tuy không nói ra điều ấy nhưng nỗi cô đơn cứ âm ỉ diễn ra trong lòng vì "nói bà cũng chẳng hiểu" [7, 22]. Ta có thể nhận thấy, những người đàn ông dù lựa chọn vì lý tưởng hay vì gia đình thì vẫn không tránh khỏi nỗi cô đơn. Khác với đàn ông, nỗi cô đơn của phụ nữ thường gắn với tình cảm. Trong tình yêu và cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ thường chịu bất hạnh và cô đơn hơn vì sự nhạy cảm và mềm yếu bản năng. Nhân vật Hoa, Lam, tôi

trong Ngụ cư, Yên Thao trong Thức giấc hay Kỳ Thanh trong Nhân gian tuy mỗi người có một hoàn cảnh nhưng mỗi người đều mang một nỗi cô đơn bản thể. Nhân vật Hoa [Ngụ cư] cô đơn vì sự lựa chọn, tính toán của mình. Cô

muốn ở lại Hà Nội, chấp nhận lấy chồng không tương xứng; khi biết chồng ngoại tình, lòng Hoa chới với và mất đi niềm tin vào chính bản thân mình nhưng không muốn buông tay. Cô rơi vào bi kịch do chính mình tạo nên và chìm trong nỗi cô đơn không người chia sẻ. Còn Lam [Ngụ cư] nhận ra tình yêu đôi lúc không cần nói ra cũng hiểu nhau và phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng thì đôi lúc đã nhìn chồng bằng đôi mắt khác. Cô chia tay chồng nhưng cũng không dám đến với người mình yêu, một mình sống với nỗi cô đơn của chính mình. Nhân vật tôi trong Ngụ cư và Yên Thao trong Thức giấc

đều rơi vào trạng thái cô đơn vì không tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống hôn nhân. Nhân vật tôi - một nhà báo "muốn sống, đẫm mình trong cuộc sống

thực này, dù ai gọi nó là xa hoa và phù phiếm" [6, 16-17], còn chồng cô - một

họa sĩ "luôn luôn cảm thấy không vừa lòng với hiện tại" [6, 81]. Yên Thao

"không thể chấp nhận sự tương đối được", còn Nghi - chồng Yên Thao lại

cho rằng "cái gì cũng có ý nghĩa tương đối" [7, 238]. Kỳ Thanh trong Nhân gian phải chịu cuộc sống cô đơn vì chồng cô yêu tiền bạc hơn tình cảm vợ chồng. Sau này cũng chính anh ta cũng gặp phải sự cô đơn trong lựa chọn của mình. Đi sâu và thế giới nội tâm của người phụ nữ, Thùy Dương còn nhận thấy sự cô đơn của họ khi không có điểm nương tựa về tinh thần. Đó là tâm trạng của bà nội Yên Thao, mẹ chồng Yên Thao, mẹ anh Cả trong Thức giấc. Họ là những người phụ nữ cùng thế hệ, cùng có cách nhìn nhận và cách suy nghĩ. Nếu như bà nội Yên Thao cố gắng lấp đầy sự cô đơn bằng "chữ nghĩa

và bổ phận", thì mẹ chồng Yên Thao lại cô đơn trong chính bổn phận ấy.

"Đàn bà Việt Nam lấy chồng con là chính. Quên cả bản thân mình" [7, 205]

nhưng chồng bà quá say mê nghiên cứu Toán học; còn con trai lại thích sống độc lập; nên sự "quên mình" của bà không được nhìn thấy và biến thành tâm trạng cô đơn. Còn mẹ anh Cả lại kiên quyết sống cô đơn để giữ tình yêu và bổn phận của mình. Yêu người đã có gia đình nhưng mẹ anh Cả vẫn ở vậy nuôi con một mình. Tình yêu của bà thật "dai dẳng và lạ lùng" vì bà "chẳng

chịu lấy ai chỉ để chờ một ông già về nói mấy câu thông cảm" [7, 246]. Trong con người bà, tình yêu và sự cô đơn luôn song hành, nhưng đó là cô đơn trong kiêu hãnh. Ở những người đàn bà này, cô đơn không chỉ là tâm trạng khi thiếu vắng chỗ dựa tinh thần, mà nó còn thể hiện sự chịu đựng, can trường của một thế hệ phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt ở tiểu thuyết Nhân gian, Thùy Dương còn đề cập tới một kiểu nhân vật cô đơn rất phổ biến trong cuộc sống thời mở cửa. Đó là con người cô đơn trong chính ngôi nhà của mình qua nhân vật cô gái trẻ. Vốn là một cô gái hiện đại, năng động, hiểu biết nhưng trong cuộc sống bao bọc của cha mẹ, nhân vật cô gái trẻ không tìm được sự thấu hiểu và cảm thông. Cha mẹ yêu cầu cô sống vì sự nghiệp chính trị đang thăng tiến của bố cô mà không hề biết đến đời sống tình cảm của cô. Đây cũng chính là tâm trạng phổ biến của con người trong xã hội hiện đại khi con người thiếu sự quan tâm đến nhau. Đặc biệt, nhân vật Kỳ Thanh sống trong cảnh "khi người

ta cô đơn người ta phải bầu bạn với con vật" [8, 38]. Kỳ Thanh chia tay

chồng, sống xa con trai, một mình chỉ biết bầu bạn với “một con chó phốc nâu

vàng bé xíu, mắt to thô lố, hai tai vểnh ngược” [8, 37] mà cậu con trai trước

khi ra nước ngoài đã bảo mẹ mình nuôi cho đỡ buồn. Với chị, con vật ấy “

sống với em lâu rồi khác gì người thân” [8, 45], thậm chí “con vật thật nhưng

nó sống với mình tình nghĩa khác gì người, hơn khối người là khác” [8, 45].

Rõ ràng, khi con người bị cô lập trong một cuộc sống, cô đơn đã trở thành nỗi ám ảnh của họ. Họ cô đơn vì không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia; cô đơn ngay giữa đám đông: "họ buồn và cô đơn giữa thành phố rộng lớn, giữa toàn

người là người đấy sao" [8, 38].

Để khắc họa được các nhân vật cô đơn trong tiểu thuyết của mình, Thùy Dương đã sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm với nhiều hình thức như tự bạch [7, 247, 248, 264]; [8, 249, 250], đối thoại với người vắng mặt [7, 120, 121, 297], đan xen giữa ý thức và tiềm thức [6, 172], [7, 236, 253, 254] khơi

sâu vào nỗi đau có tính dồn nén của nhân vật cô đơn. Chị còn thể hiện tâm trạng cô đơn bằng thời gian đồng hiện, thời gian tâm trạng. Đó là sự đối lập giữa hồi ức và tưởng tượng, quá khứ và hiện tại. Từ đó nhà văn có điều kiện khai thác và khám phá tận cùng cõi cô đơn của con người cũng như số phận và tinh thần của họ. Ngoài ra, nhà văn còn dùng thủ pháp dịch chuyển không gian (hòa bình sang chiến tranh trong Ngụ cư, trần thế sang cõi âm trong

Nhân gian, thời mở cửa sang thời bao cấp trong Thức giấc…) kết hợp với

lồng ghép, dồn nén, mở rộng không gian để tô đậm tâm trạng cô đơn. Một cách thể hiện nhân vật cô đơn của riêng Thùy Dương là sử dụng đối thoại một chiều như một cách nói về tâm trạng của nhân vật. Chị để nhân vật thể hiện nỗi cô đơn sâu kín của mình với người khác, nhưng không thấy sự đáp lời của người nghe. Nói cách khác, Thùy Dương đã ngoại hiện tâm trạng của nhân vật nhằm khẳng định sự mới mẻ trong suy nghĩ về nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ.

Tóm lại, Thùy Dương đã thể hiện nỗi cô đơn trong tâm hồn vốn muôn màu đa dạng của con người bằng những thủ pháp độc đáo. Khám phá nhân vật cô đơn, chị giúp người đọc hiểu bản thân mình hơn, hiểu rõ hơn những tình cảm sâu kín thuộc về con người.

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 71 - 75)