Nhân vật tâm linh

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 78 - 83)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.3. Nhân vật tâm linh

Từ sau năm 1986, văn học Việt Nam xuất hiện thêm một xu hướng hiện thực mới - "hiện thực huyền ảo" (hiện thực huyền thoại, hiện thực thần kỳ). Việc sử dụng các yếu tố kỳ ảo trong văn chương đã có từ lâu và đã góp phần làm phong phú thêm cho cách diễn đạt nghệ thuật. Tuy nhiên sau 1986, yếu tố kỳ ảo mới xuất hiện với tần suất cao và trở thành một dòng riêng với các tên tuổi: Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Minh Sơn, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo…Thủ pháp huyền ảo mở ra khả năng mới trong việc khám phá góc tối và chiếm lĩnh bề sâu trong tâm hồn con người và đời sống. Các tác phẩm hiện thực huyền ảo "mô tả thế giới thực của những người mà đời sống thực tại của

họ khác với đời sống thực tại của chúng ta" [49]. Hệ thống nhân vật có vẻ không thật, hoang đường nhưng lại bổ sung cho cách nhìn nhân vật trong cuộc đời thực, khắc họa đậm nét hơn, nhiều chiều kích hơn thế giới con người.

Trong tiểu thuyết của Thùy Dương, xu hướng "hiện thực huyền ảo" manh nha qua Ngụ cưThức giấc và chiếm lĩnh ở Nhân gian. Kiểu nhân vật được Thùy Dương lựa chọn trong xu hướng này là nhân vật tâm linh (xuất hiện từ thế giới của tâm linh, tiềm thức, của những điều không lý giải được). Tuy nhiên, hiện thực vẫn là chỗ dựa cho tâm linh sống dậy. Yếu tố kỳ ảo trong trường hợp này có tác dụng làm lạ hóa hiện thực, thay đổi góc nhìn hiện thực.

Trong Ngụ cư, yếu tố huyền ảo phảng phất xuất hiện qua lời của bà thầy bói và nhân vật Thư. Với bà bói, đó là những lời phán về hiện thực và sẽ diễn ra trong cuộc sống của Hoa "Cô rất giàu có. Giàu đến mức nhiều khi cô không thể tin nổi. Cái giàu cứ đến dửng dưng…Cẩn thận nếu không sẽ có con

khác dòng…"[6, 84-85] và của nhân vật tôi "Cô có một số phận không bình

thường. Người được thương thì cũng chính là người phải chịu nhiều thử thách…Đi về phía núi - núi sẽ cho cô sức mạnh. Nhưng cần phải đến với biển

- nó sẽ cho cô sự bao dung và mênh mông…" [6, 85]. Còn với nhân vật Thư,

thủ pháp huyền ảo xuất hiện qua lời nói và hành động của cô đồng khi gọi hồn "…tôi không chết đuối, không chết ngã. Tôi được gọi về. Cô đồng vén ống quần lên gãi sồn sột rồi vê vê trên mấy ngón tay, búng một phát ra xa. Chị thằng Thư rú lên, cúi rạp xuống lạy. Nó bảo tiếp - âm binh bây giờ nhiều lắm - cần có người trấn giữ cai quản. Quan ngài đòi tôi rồi…Tôi được thăng quan

rồi đấy…" [6, 99]. Khi sử dụng những chi tiết này, mục đích của tác giả làm

tăng thêm cấp độ hấp dẫn cho sự kiện.

Đến Thức giấc, chị tiếp tục đưa các chi tiết kỳ ảo vào cốt truyện với lý

do: khám phá thêm góc khuất của cuộc đời nhân vật. Nhà văn muốn báo trước số mệnh của Yên Thao qua lời của ông nội Thu Ba "Cả khu đất có mảnh đất

này đẹp nhất. Khí vượng lắm tụ cả vào đây. Cô hợp với đất này. Rồi từ đây cô sẽ có rất nhiều đất đai…thoắt cái ông già đã đi như gió, mất hút ở đâu đó đầu ngõ"[7, 156-157] vừa thực lại vừa ảo. Tiếp tục nói về vận mệnh của Yên Thao, tác giả đã để cho "thầy" phán rằng "Có thằng cu cứ bám lẵng nhẵng ở bên. Cô bỏ nó nhưng nó không giận, vẫn theo phù hộ đấy. Đấy, thằng cu đang

toét miệng cười. Đẹp quá. Cứ như con tiên con phật ấy" [7, 266]. Có thể thấy

các phương diện của đời sống con người không thể nhìn thấy một cách trực tiếp mà phải nhìn bằng con mắt tâm linh - một thủ pháp huyền ảo mang đến sự tưởng tượng phong phú và sự biểu hiện đa chiều.

Nếu như ở Thức giấc Ngụ cư yếu tố huyền ảo mới chỉ là sự khởi đầu, thì đến Nhân gian thực sự là một "hiện thực huyền ảo". Tác giả đã xây dựng cả một cõi âm sinh động song hành cùng với cõi dương trần thế bằng trí tưởng tượng, hư cấu và sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Kiểu nhân vật tâm linh mà Thùy Dương tập trung thể hiện là (linh hồn) Hoàng - một chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh. (Linh hồn) Hoàng hiện ra qua nhiều hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ về cõi âm. Chính (linh hồn) Hoàng đã tự kể lại cái chết của mình "Lúc tôi bị pháo dập, dính tới hơn chục mảnh đạn, chỉ kịp kêu hai tiếng mẹ ơi rồi thấy mình nhẹ bỗng bốc thẳng lên cao. Một làn khói nhẹ nâng hai chân tôi" [8, 101]. Cuộc sống của linh hồn sau khi chết có nhiều khác lạ với người trần từ hình dáng "tôi ngồi ngay trên cành cây trứng gà, dưới hình dạng một

con đom đóm" [8, 163] đến hành động "ban ngày chúng tôi di chuyển không

nhanh như ban đêm…nhẹ bỗng, lướt tà tà,êm ru" [8, 30]. Điều này chỉ tồn tại

giữa người âm với nhau chứ người trần mắt thịt khó mà thấy được, vì tất cả đều diễn ra trong tâm linh. Thùy Dương đã đưa người đọc vào thế giới của những linh hồn chiến sĩ - tuy chết nhưng họ luôn dõi theo cuộc sống trần thế. Chẳng thế mà Hoàng đã từng nghĩ "Cứ bảo linh hồn nhẹ nhõm, thanh thản là

điều này sau nhiều lần tạt về thăm nhà, thăm mẹ "tôi có hôm ngồi chồm hổm ngay bên cạnh, nghe trong ngực bà gọi con ơi, mà muốn đứt ruột. Tôi níu vai bà, ôm lưng bà…Hôm sau nghe bà than đau lưng và sã cả vai, nhận ra hơi lạnh của mình…đôi khi sự gần gũi quá của mình cũng không tốt lắm cho

người sống đâu" [8, 136]. Dù biết vậy nhưng lúc nào Hoàng cũng nghĩ về

những người thân yêu. Bên cạnh cuộc sống (linh hồn) của nhân vật Hoàng là linh hồn các chiến sĩ cũng có cuộc sống riêng nơi cõi âm. Ở đó, những anh lính giải phóng quân vẫn sinh hoạt chính trị theo tiểu đội hàng tuần và thảo luận với việc nói chuyện với nhà ngoại cảm để cho "người về đánh động nhân gian" [8, 251], "cử người đi dự đại lễ cầu siêu"…Người đọc cảm nhận được một lễ cầu siêu thành kính, thiêng liêng "linh hồn mình nhẹ bỗng, lơ lửng giữa thinh không …Không còn thân thể với bộ quân phục xanh, không còn những gương mặt xám xanh hốc hác, những vết thương ngưng đọng chưa

lành. Tất cả chỉ còn những đốm linh hồn sáng xanh" [8, 101]. Đặc biệt ấn

tượng qua lời kể của Hoàng, người đọc có thể tưởng tượng ra một lễ cưới mà người trần tổ chức cho người âm (Quân - Ngần) thật xúc động "người ta bày một bó hoa cưới tết bằng hoa giấy. Lay ơn trắng lá xanh bọc nilông trong suốt. Bánh kẹo, trà thuốc thật…Quân dắt tay Ngần. Bộ trang phục mới và chiếc áo dài quần trắng cháy đến mảnh cuối cùng thì bay đến phủ lên hai người. Cả hai xúng xính trong bộ đồ mới…Chúng tôi vỗ tay rầm trời…Cả

khối lính ngồi nhấp nhô xanh xanh kín vạt rừng khẽ rung động" [8, 168]. Một

lễ cầu siêu, một đám cưới - tất cả nghi lễ tâm linh ấy làm cho hiện thực trở nên lung linh, huyền ảo và đầy bí ẩn.

Trong Nhân gian, bên cạnh nhân vật Hoàng, yếu tố tâm linh kỳ ảo được Thùy Dương gia tăng ở nhân vật Thảo. Thảo có vai trò như một chiếc cầu nối giữa cõi âm và cõi dương. Không ít lần cô cảm nhận bằng tâm linh sự hiện hữu của linh hồn Hoàng, sự gửi gắm, nhắn nhủ một thông điệp với dương

gian. Chính vì điều này mà các liệt sỹ quyết định "nhập hồn" vào Thảo để "nói chuyện" với người sống [8, 175-176-177]. Họ nói về sự hy sinh và cống hiến, nói về sự trở về và nỗi buồn bị lãng quên "nếu chỉ có mấy anh em chúng tôi về còn ngàn ngạt người xương thịt trộn với đất rừng thế này liệu chúng tôi

có đành tâm?". Linh hồn Hoàng cũng xuất hiện "tôi rùng mình một cái - cái

giọng oai vệ không còn nữa. Là một giọng khác cao hơn, trẻ hơn đầy hấp tấp - Anh Hải ơi, em đây mà. Lần nào anh vào em cũng biết hết. Thương mẹ và

thương anh chị lắm…" [8, 176]. Cuộc đối thoại âm - dương đã chứng tỏ "Con

người chết không có nghĩa là chấm hết…nếu có thế giới bên kia thật thì cái

chết không đến nỗi đáng sợ lắm. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn" [8, 197]. Thực tế

cho thấy, cõi âm vẫn tồn tại và cùng song hành với dương gian như người đời vẫn nghĩ "trần sao âm vậy". Sự kết hợp ấy khiến câu chuyện trở nên hư - thực lẫn lộn và làm cho câu chuyện gần hơn với thực tế đời sống hôm nay.

Với kiểu nhân vật tâm linh, Thùy Dương đã dấn ngòi bút của mình vào sâu lãnh địa của văn học hậu hiện đại. Hiện thực vừa là trung tâm vừa không phải là trung tâm trong tác phẩm. Điều quan trọng là nó nói đúng bản chất của con người dù trong ý thức hay tiềm thức. Cũng từ đây, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn có một bước chuyển mới - thoát dần khung nghệ thuật truyền thống.

Tóm lại: Con người trong tiểu thuyết của Thùy Dương là những con

người đi ra từ cuộc sống và nó mang bi kịch của cuộc sống hiện đại. Thế giới nhân vật của chị khá phong phú: nhân vật cô đơn, nhân vật tự ý thức, nhân

vật tâm linh…Mỗi kiểu nhân vật được xây dựng bằng nhiều phương thức

khác nhau song đều thể hiện sự nhất quán trong quan niệm nghệ thuật về con người của Thùy Dương. Đặc biệt, kiểu nhân vật tâm linh không chỉ giúp nhà văn mở rộng bình diện khám phá con người, khám phá hiện thực cuộc sống độc đáo, chân thực mà còn đánh thẳng vào tâm lý, suy nghĩ của con người về

sự tồn tại của cõi âm, về sự đồng cảm cần có dành cho những linh hồn nơi cõi âm. Tìm hiểu thế giới nhân vật của Thùy Dương, người đọc sẽ hình dung đầy đủ về dòng chảy của cuộc sống hiện đại cũng như tâm lý, tính cách, số phận con người trong cuộc sống hôm nay.

Một phần của tài liệu vấn đề giới trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 78 - 83)