7. Cấu trúc của luận văn
2.3.1. Khát vọng hạnh phúc
Trong các tiểu thuyết của Thùy Dương, người đọc dễ nhận ra một nỗi niềm trăn trở, một khát vọng thường trực trong mỗi nhân vật của chị. Đó là
khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ. Hạnh phúc trong con mắt của Thùy Dương giống như lời của một nhà văn nào đó "Hạnh phúc như một cái chăn
hẹp - người này kéo thì kẻ khác hở" [8, 95]. Quan niệm ấy thật nhỏ bé và có gì
đó ích kỷ. Trong cuộc sống, Thùy Dương đã nhìn thấy hạnh phúc hiếm khi được viên mãn, tròn đầy. Bởi lẽ, niềm vui của người này sẽ là khổ đau của người khác "con người là tập hợp của những nghịch lý. Ai cũng mong muốn
sống tốt đẹp yên bình" [6, 76]. Hơn thế, họ là người hiểu hơn ai hết bản chất
của tình yêu: hạnh phúc đấy nhưng cũng cay đắng ấy. Vậy mà chẳng ai từ chối được tình yêu và cuộc sống hôn nhân.
Tình yêu là cứu cánh có thể đưa người ta ra khỏi khổ đau, cũng có thể dìm người ta trong đáy sâu của tuyệt vọng. Bà nội Yên Thao đã từng dặn cháu gái mình "Đàn bà hay lụy tình lắm…Đừng có bao giờ đặt hết lòng tin vào một
ai đó thì sẽ khỏi phải thất vọng" [7, 69]. Nhiều lúc, người đàn bà rơi vào thực
tế đáng thương "Đàn bà nhẹ dạ, cứ tưởng đàn ông nó mê mình vì cái dáng vẻ
bên ngoài" [6, 31] khi luôn phải chạy theo, đuổi theo tình yêu tuyệt vọng. Tác
giả còn lý giải sâu sắc hơn khi nói về sự tan vỡ của tình yêu "Vấp phải đời
thường con thuyền tình vỡ tan" [6, 50]. Sự tan vỡ ấy xảy ra vì nhiều lẽ: có khi
đổ tội cho chính tình yêu "khi người ta hết yêu nếu buộc phải sống bên nhau
sẽ kinh khủng thế nào" [6, 72], có khi lại vịn cớ vào thời gian xa cách "thời
gian và sự xa cách có sức phá hủy ghê gớm" [7, 121]. Nhưng dù thế nào, tình
yêu cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Để có được hạnh phúc trong tình yêu, con người phải trải qua rất nhiều khó khăn , thậm chí còn cay đắng nữa. Chính vì vậy, khi tình yêu không còn cũng là lúc con người cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng và khát vọng mãnh liệt để được yêu và được sống cho tình yêu ấy. Nhân vật cô gái trẻ trong Nhân gian là một người như vậy. Khi cô đã hiểu thế nào là tình yêu đích thực, hạnh phúc đích thực thì cô quyết định xa gia đình để sống với người mình yêu. Cô đã vào Nam sống với niềm hạnh phúc mà cô từng mong đợi.
Trong tiểu thuyết của Thùy Dương, bên cạnh khát vọng hạnh phúc trong tình yêu, ta còn thấy cả khát vọng trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Bất cứ một người phụ nữ nào khi có gia đình, họ không mong gì hơn là được sống đầm ấm trong chính gia đình của mình. Vậy mà, những thân phận đàn bà trong tiểu thuyết của Thùy Dương lại luôn nhận về mình những thiệt thòi để giữ hạnh phúc gia đình. Thiệt thòi của họ đến từ nhiều phía. Khi dành hết tình yêu cho một người nào đó, họ cũng không tránh khỏi bất hạnh "khi yêu người
ta thường cực đoan. Đặc biệt là đàn bà" [6, 109]; có khi một người phụ nữ
giỏi giang cũng gặp bất trắc trong cuộc sống hôn nhân "đàn bà giỏi giang quá
làm tranh phần đàn ông rồi thì khổ" [7, 179] và "đàn bà mà kiếm tiền giỏi
hơn chồng thì không còn sự tôn trọng cần thiết nữa" [6, 117]. Nhưng trên hết,
cuộc sống hôn nhân bị đe dọa từ nhiều phía, nào là bồ bịch "bây giờ bồ bịch
như bệnh dịch, lây lan khắp nơi mà người ta cũng chẳng sợ" [6, 112], nào là
cạm bẫy xung quanh "người ta thả lỏng cho thú tính chạy rông khắp nơi…Sự
bầy đàn trong cả những phần tăm tối xấu xa của con người" [8, 239], thậm
chí chấp nhận “đằng nào thì cũng chịu cảnh chồng chung rồi” [9, 36]… Tình yêu và hôn nhân được xây dựng bằng sự gắn kết của hai người, nhưng khi sự gắn kết ấy bị chi phối bởi quyền lực, tiền bạc, dục vọng hay những thứ khác thì không sớm thì muộn cũng dẫn đến sự tan vỡ, chia lìa. Bởi vậy, khát vọng hạnh phúc trong tình yêu, trong hôn nhân là điều gần gũi, thiết thực với cuộc đời mỗi con người. Đây cũng là nỗi trăn trở của tác giả về nhân thế, về xã hội ngày càng giàu có về vật chất nhưng lại nghèo nàn về nhân cách, đạo đức. Điều này khiến cho tiểu thuyết của Thùy Dương càng thêm sâu sắc và thấm đượm tính nhân văn..