Quy trình chi trả, phương thức chi trả

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý chi trả bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (Trang 90 - 93)

5. Kết cấu của luận văn

3.3.4Quy trình chi trả, phương thức chi trả

3.3.4.1. Chi trả trợ cấp BHXH thường xuyên: chế độ hưu trí, mất sức lao động, TNLĐ-BNN và tử tuất hàng tháng

Tại BHXH thành phố Bắc Ninh hiện đang áp dụng phương thức chi trả gián tiếp cho đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH thông qua đại lý chi trả.

Hàng năm, cơ quan BHXH thành phố ký kết hợp đồng trách nhiệm với cá nhân làm đại lý chi trả do UBND các xã, phường giới thiệu. Hàng tháng, đại lý chi trả nhận danh sách đối tượng từ cơ quan BHXH thành phố và tiền được giao tay ba tại Ngân hàng đó là: Căn cứ số tiền phải chi trả theo danh sách do BHXH giao cho đại lý, Ngân hàng chi tiền cho cán bộ đại lý chi trả có sự giám sát của BHXH thành phố sau đó xe chuyên dụng của ngân hàng cùng cán bộ BHXH và đại lý chuyển tiền về tại trụ sở UBND xã, phường để tiến hành chi trả cho các đối tượng hưởng trợ cấp BHXH. Sau mỗi kỳ chi trả, đại lý chi trả có trách nhiệm thanh, quyết toán với cơ quan BHXH. Cụ thể như sau: Hàng tháng từ ngày 01 đến ngày 05 BHXH thành phố nhận kinh phí, danh sách và file dữ liệu do BHXH tỉnh cấp về; từ ngày 05 đến ngày 10 BHXH thành phố thực hiện đăng ký kế hoạch rút tiền với Ngân hàng, lập phiếu chi cho đại lý tạm ứng kinh phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng thụ hưởng (mẫu C73-HD); trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận tiền từ BHXH, đại lý thực hiện chi trả cho đối tượng đảm bảo an toàn, đến tay người hưởng. Chậm nhất trước ngày 15 hàng tháng đại lý chi trả lập biểu báo cáo quyết toán chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH (mẫu C74-HD), lập mẫu số 8a-CBH danh sách đối tượng chưa nhận lương hưu, trợ cấp BHXH (nếu có) nộp về BHXH thành phố.

Thực hiện phương thức chi trả này ở thành phố Bắc Ninh có những ưu điểm sau:

- Do thực hiện chi trả thông qua đại lý, cho nên việc chi trả trợ cấp BHXH cho các đối tượng thụ hưởng được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện và đồng loạt.

- Các đại lý chi trả là người địa phương cho nên dễ dàng theo dõi và quản lý đối tượng hưởng BHXH. Từ đó sẽ phản ánh kịp thời cho cơ quan BHXH những trường hợp hưởng không đúng chế độ.

- Việc sử dụng xe chuyên dụng của ngân hàng chuyển tiền từ ngân hàng về điểm chi trả đảm bảo nhanh, an toàn tiền mặt.

Tuy nhiên, phương thức này áp dụng ở thành phố Bắc Ninh có những nhược điểm:

- Vì cán bộ đại lý không phải là cán bộ chuyên trách của cơ quan BHXH, cho nên việc nắm bắt các chế độ chính sách BHXH không kịp thời hoặc có thể không nắm được, dẫn tới sẽ khó giải quyết được các thắc mắc của các đối tượng thụ hưởng.

- Do không có chuyên môn nghiệp vụ cho nên các đại lý có thể sẽ vi phạm các quy định về quản lý tài chính của cơ quan BHXH, thậm chí có trường hợp đại lý thu thêm tiền của đối tượng ngoài số tiền hàng tháng cơ quan BHXH đã trả theo hợp đồng đại lý.

- Về tổ chức quản lý an toàn tiền mặt tại điểm chi trả: Sau khi đại lý nhận tiền về điểm chi trả, việc quản lý tiền mặt bảo đảm được an toàn là trách nhiệm của cán bộ đại lý. Có trường hợp đại lý chi trả nhận tiền về cất giữ và tổ chức chi trả tại nhà, các đối tượng hưởng đến tận nhà nhận trực tiếp. Do đó việc chi trả này có thể kéo dài so với quy định. Mặt khác sẽ mất an toàn nếu các điểm chi tại nhà bị kẻ xấu phát hiện, gây nguy hiểm đến cả tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình.

3.3.4.2. Chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn: chế độ ốm đau, thai sản, DS- PHSK

Việc chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn được thực hiện theo đúng quy định. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ DS-PHSK.

Căn cứ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ DS-PHSK của người lao động, sử dụng nguồn kinh phí của quỹ BHXH bằng 2% quỹ tiền lương

làm căn cứ đóng BHXH được giữ lại để chi trả kịp thời cho người lao động có đủ điều kiện hưởng và lưu giữ hồ sơ, chứng từ theo qui định; lập mẫu số C66a- HD, C67a-HD, C68a-HD, C69a-HD, C70a-HD, kèm theo hồ sơ của từng người lao động, file dữ liệu gửi cơ quan BHXH;

Căn cứ mẫu số C71-HD do cơ quan BHXH thông báo, người sử dụng lao động thực hiện nộp tiếp tiền BHXH bằng số chênh lệch thừa cho cơ quan BHXH vào tháng đầu quý sau trong trường hợp số tiền quyết toán nhỏ hơn số tiền được giữ lại. Nhận kinh phí từ cơ quan BHXH bằng số chênh lệch thiếu trong trường hợp số tiền quyết toán lớn hơn số tiền được giữ lại.

Thực hiện phương thức chi trả này ở thành phố Bắc Ninh có ưu điểm là: Đơn vị chủ động được nguồn kinh phí chi trả kịp thời cho người lao động trong trường hợp số tiền 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được giữ lại đủ chi trả cho người lao động.

Tuy nhiên, phương thức này áp dụng ở thành phố Bắc Ninh có những nhược điểm:

- Việc quy định đơn vị SDLĐ phải giữ lại kinh phí 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã làm khó khăn cho công tác hạch toán kế toán của đơn vị và cơ quan BHXH, tốn kém nhiều thời gian, và kinh phí cho việc mở sổ sách theo dõi chi tiết từng đơn vị;

- Phần lớn các đơn vị không thực hiện chi trả được kịp thời cho người lao động do số tiền 2% để lại không đủ chi trả;

- Vì cán bộ làm công tác thanh toán chế độ của đơn vị không phải là cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về công tác BHXH, cho nên việc nắm bắt các chế độ chính sách BHXH không kịp thời hoặc có thể không nắm được, dẫn tới sẽ khó giải quyết. Chính vì vậy, đơn vị vẫn phải đem hồ sơ đến cơ quan BHXH để thẩm định và chờ đến tháng đầu quý sau đơn vị mới được nhận tiền cấp bổ sung số chênh lệch thiếu từ cơ quan BHXH. Như vậy không phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý chi trả bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (Trang 90 - 93)