3. Ý nghĩa khoa học và ứng dụng của đề tài
1.9.2. Các yếu tố bên ngoài
- Ảnh hưởng do ngựa đực
Cả hai yếu tố đực và cái phải đủ điều kiện khi cho giao phối mới có khả năng thụ thai, một ngựa đực tốt có tác động tốt đến cả đàn được ghép đôi giao phối, ngựa đực giống phải có cơ quan sinh dục bên ngoài bình thường, đến tuổi trưởng thành phải có tính hăng. Trong các cơ sở chăn nuôi tập trung ngựa đực phải được kiểm tra đánh giá chất lượng tinh dịch định kỳ 3 lần: đầu, giữa và cuối vụ phối giống. Ghép đôi giao phối cũng có ý nghĩa quan trọng trong công tác giống, tránh hiện tượng đồng huyết và cân đối được số ngựa cái cần thiết cho mỗi ngựa đực phụ trách không để ngựa đực phối giống quá sức, trung bình 1 đực phối giống cho 20-25 ngựa cái (Tô Du, 1994) [10]. Theo Trần Cừ (1976) [4], thành tựu trong công nghệ sinh sản đã cho ghép một gia súc đực phụ trách 300-500 gia súc cái trong năm. Theo Đặng Đình Hanh và cs (1994) [18], Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi Miền núi đã nuôi dưỡng, chăm sóc tốt ngựa đực và trung bình 1 đực có thể phối giống 35- 40 ngựa cái sinh sản trong mùa vụ. Ngựa đực được vận động đúng cường độ cũng sẽ tăng tỷ lệ sống của tinh trùng từ 5-7% (Darenius, 1994) [76]. Nếu tỷ lệ ngựa đực cái không phù hợp và biện pháp quản lý không tốt sẽ dẫn đến ngựa đực làm việc quá sức, dẫn đến chất lượng tinh dịch kém khả năng thụ thai sẽ giảm tỷ lệ sinh sản của đàn ngựa sẽ thấp.
- Ảnh hưởng của chế độ chăm sóc nuôi dưỡng
Trong chăn nuôi ngựa sinh sản cần cung cấp thức ăn đầy đủ không gây tình trạng thiếu hụt thường xuyên hoặc đột ngột, tránh cho ngựa cái phải huy động năng lượng từ các mô, làm giảm khối lượng cơ thể, làm ảnh hưởng đến sinh sản. Sự cân bằng dinh dưỡng sẽ quyết định sự thăng bằng của bộ máy sinh dục. Những thiếu thốn về dinh dưỡng thường đa dạng và không tập trung, thiếu năng lượng thường đi đôi với việc thiếu đạm, thiếu khoáng và vitamin trong khẩu phần, mà còn làm cho cơ quan sinh dục nhỏ bé, noãn bào chậm chín, ít bài tiết hormone sinh dục (Suam- tuaycharoen, 1991) [103].
Khi gia súc quá béo sẽ bất lợi cho việc sản sinh hormone sinh dục bị hấp phụ trong các mô mỡ, tuyến sinh dục thoái hóa mỡ trong vòi trứng cản trở cho việc di chuyển của trứng. Khẩu phần ăn của ngựa cái thường có tỷ lệ thức ăn tinh chiếm khoảng 30%, việc cân đối tỷ lệ thô tinh là yêu cầu cần thiết, nếu thay đổi đột ngột hoặc bị cắt giảm thức ăn tinh 5-10% trong mùa phối giống, thường dẫn đến tỷ lệ động dục giảm từ 12-15%, những ngựa cái đang động dục có thể dừng động dục hoặc không động dục (Fedotov và cs, 1984) [82].
Trong chăn nuôi ngựa việc chăm sóc, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của chúng (Eckond, 1983 [81]). Những ngựa có chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng tốt có thể động dục sớm ở giai đoạn tuổi 18-24 tháng. Ngựa cái được chăm sóc đầy đủ đặc biệt các vitamin sẽ giúp ngựa sinh trưởng tốt, đến giai đoạn 18 tháng tuổi nếu đạt 70-80% khối lượng trung bình của phẩm giống, ngựa này có thể cho phối sớm hơn những cá thể khác cùng độ tuổi (Peltier,1997) [96]. Khả năng sinh sản của đại gia súc có hệ số di truyền 14-15 %, nên phần tác động của yếu tố nuôi dưỡng chăm sóc có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ thụ thai của ngựa cái.
Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng kém làm động dục bị kéo dài, phối giống khó dứt điểm gây ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai. Những ngựa đưa vào khai thác huyết thanh khi phối giống cần phải có khối lượng đạt 80% khối lượng khi trưởng thành. - Ảnh hưởng của khí hậu thời tiết
Khi thời tiết thay đổi làm cho lượng LH giảm không đủ kích thích cho nang trứng thành thục, và gây rụng trứng đã ảnh hưởng đến việc thụ thai. Những yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng đến sự phát triển của nang trứng, khi nhiệt độ môi trường dưới 120C gây tác động không bình thường (Ngựa đang động dục có thể không động dục tiếp hoặc kéo dài thời gian động dục). Vào mùa xuân hè, nhiệt độ 18-250
C kết hợp với nguồn thức ăn được tăng về số lượng và cả chất lượng là điều kiện thuận lợi cho ngựa hồi phục sức khỏe, động dục tập trung, giai đoạn này là giai đoạn động dục chính của ngựa và có tỷ lệ phối giống thụ thai cao. Giai đoạn giữa hè là thời gian cuối vụ phối giống, thời tiết nóng, nhiệt độ môi trường nếu lớn hơn
300C sẽ làm cho ngựa giảm động dục, ngựa động dục không rõ ràng và thời gian kéo dài dẫn đến việc không rụng trứng, khó xác định thời điểm phối giống (Kooistra và cs, 1985) [92].
Trong cơ sở giống các kỹ thuật viên cần theo dõi động dục tỷ mỷ để phối giống cho ngựa ngay từ đầu vụ, những ngựa phối giống cuối vụ có thời gian động dục kéo dài, khó xác định thời điểm thích hợp nên tỷ lệ thụ thai thấp.
Hiện nay đồng bào các dân tộc vùng cao vẫn còn tập quán thả rông ngựa từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, ngựa được thả tự do theo nhóm, có điều kiện phối giống tự do trong suốt mùa động dục. Những vùng khác nhau có điều kiện khí hậu khác nhau cũng đã có ảnh hưởng làm thay đổi tới thời gian động dục và phối giống cho ngựa trong năm.
Những ngựa được chuyển từ vùng lạnh về vùng nóng, có thời gian động dục sớm hơn những ngựa chuyển từ vùng nóng về vùng lạnh. Trong khu vực phía Bắc, những ngựa chuyển từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng về trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi có thời gian động dục sớm hơn, điều kiện khí hậu thời tiết đã có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát dục và động dục của ngựa. Những năm có thời tiết thay đổi khác thường, khắc nghiệt, rét, hoặc nắng nóng sớm đã gây ảnh hưởng trực tiếp làm cho thời vụ phối giống trong năm ngắn lại, những ngựa sinh con cuối vụ không có điều kiện động dục trong năm (Vũ Ngọc Tý, 2000) [61].
Tiểu khí hậu chuồng nuôi: nếu không được vệ sinh tốt, thông thoáng trong mùa nóng và ấm trong vụ đông sẽ gây cho ngựa bị stress với chức năng sinh sản, gây rối loạn chức năng Hypothalamus, tuyến yên tiết ít, hoặc không tiết kích dục tố dẫn đến rối loạn hormone của buồng trứng, hàm lượn FSH trong huyết thanh giảm thấp làm cho các bao noãn trong buồng trứng ngựa cái không phát triển, không đủ tiết estrogen nên động dục không rõ ràng, hơn nữa làm cho cơ quan sinh dục không bình thường, đường ống dẫn trứng, tử cung kém phát triển không tiết đủ dịch để tinh trùng di chuyển, tinh trùng không đến được vị trí thụ thai (Hafes, 1997) [87].
- Ảnh hưởng của phương pháp phối giống đến kết quả thụ thai:
Trong nhân giống việc quyết định đến tốc độ phát triển, thì công tác phối giống mang tính chất quyết định, chủ lực dẫn đến thành công trong nhân giống (Trần Đình Miên và cs, 2001) [31].
+ Ngựa đực nhảy trực tiếp: trong trường hợp ngựa đực phối giống liên tục sẽ làm số lượng và chất lượng tinh dịch trong các lần xuất tinh giảm, do vậy cần phải có các biện pháp kỹ thuật để phối giống đúng lúc để giảm cường độ phối của ngựa đực, có như vậy chất lượng tinh dịch của ngựa đực mới được ổn định. Tuổi phối giống của ngựa đực quá non hoặc quá già đều không tốt, ngựa đực sử dụng phối giống sau 4 năm tuổi và dừng phối trước 12 năm tuổi (Seres, 1982) [101].
+ Phương pháp thụ tinh nhân tạo: Việc khai thác tinh là một biện pháp tốt để tăng liều dẫn, sẽ giảm cường độ phối giống của ngựa đực. Tuy nhiên, kỹ thuật về môi trường pha chế, bảo quản tinh phải tốt mới đảm bảo chất lượng tinh. Trong quá trình bảo quản xảy ra hiện tượng tác động của ngoại cảnh như: ánh sáng, không khí gây tác động làm tinh trùng bị giảm sức sống, pH trong khoảng 6,1-6,3 (Rao, 1983) [98]. Phương pháp thụ tinh nhân tạo chịu ảnh hưởng nhiều vào chất lượng tinh dịch, các kỹ thuật trong quá trình trung gian để đưa tinh dịch vào đường sinh dục của con cái.
Tất cả các yếu tố trên còn phụ thuộc vào kỹ thuật bảo quản, và dẫn tinh. Ở Việt Nam được áp dụng theo phương pháp phân 5 giai đoạn của (Tô Du, 1994) [10], dẫn tinh lỏng bằng dẫn tinh quản cao su mềm trung tính vào tử cung ngựa cái (Đặng Đình Hanh và cs, 2002) [19].
- Ảnh hưởng của công tác thú y:
Phòng bệnh, là việc phải được thực hiện đầy đủ và đúng quy trình. Hiện nay vấn đề đang được các cơ sở chăn nuôi và người chăn nuôi quan tâm nhất là bệnh ký sinh trùng đường máu.
Hàng năm, đàn ngựa phải được phòng bệnh ký sinh trùng đường máu trước mùa hè và trước mùa đông, nên việc tiêm phòng thực hiện vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm, thời gian này ngựa cái đang động dục tập trung, ngựa đực có khả năng
phối giống tốt, nhưng các loại thuốc thường dùng hiện nay: Naganon, naganin, Trypanidium, tuy là những thuốc đặc trị ký sinh trùng đường máu, song đã gây một số triệu chứng phụ: sau tiêm 20-30 phút có thể làm tăng thân nhiệt, mạch đập, nhịp thở sau 1-2 ngày sưng bộ phận sinh dục đi lại khó khăn, sau khi tiêm 7 ngày có tới 58% ngựa đang động dục đã dừng hẳn, trong giai đoạn 10 ngày sau tiêm phòng không có ngựa biểu hiện động dục thêm, một số ngựa cái đang theo dõi phối giống bị kéo dài thời gian động dục, có những con nang trứng cứng lại rồi teo đi. Tác động này là nhân tố chính ảnh hưởng tới tỷ lệ phối giống và tỷ lệ thụ thai của ngựa cái (Nguyễn Lê lai và cs, 1984) [27]. Theo Golnik và cs (1994) [85] cho biết, trong mùa động dục ngựa được tiêm phòng chịu tác động miễn dịch làm giảm tỷ lệ động dục và phối giống 10-15%.