3. Ý nghĩa khoa học và ứng dụng của đề tài
1.7.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng
Sinh trưởng của ngựa chịu tác động của 2 yếu tố đó là yếu tố di truyền và yếu tố ngoại cảnh. Tuy nhiên, sinh trưởng của ngựa chịu tác động của yếu tố di truyền nhiều hơn trong mối quan hệ với điều kiện ngoại cảnh.
* Yếu tố bên trong (di truyền)
- Ảnh hưởng di truyền của dòng, giống cá thể: trong chăn nuôi gia súc, dòng, giống có ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh trưởng. Con sinh ra tiếp thu từ bố mẹ và truyền lại cho đời sau khả năng sinh trưởng mang tính đặc thù của dòng, giống. Tính di truyền về khả năng sinh trưởng ảnh hưởng tới năng suất vật nuôi. Ảnh hưởng của dòng, giống đến sự sinh trưởng được nhiều tác giả nghiên cứu và khẳng định trên các loài gia súc, gia cầm.
Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [42], yếu tố di truyền là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất ảnh hưởng đến sinh trưởng phát dục của gia súc. Quá trình sinh trưởng phát dục tuân theo các quy luật sinh học, nhưng chịu ảnh hưởng của các giống khác nhau.
Theo Nguyễn Văn Thiện và cs (1998) [51], giống cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát dục, năng suất và phẩm chất thịt.
- Điều khiển quá trình trao đổi chất của các hormone: hormone tham gia vào tất cả các quá trình trao đổi chất của tế bào và giữ cân bằng các chất trong máu. Trong thời kỳ đầu tiên của quá trình sống, kể cả khi chưa có sự hoạt động của tuyến giáp đã có sự tham gia của tuyến ức trong điều khiển quá trình sinh trưởng. Về sau điều khiển quá trình sinh trưởng có sự tham gia của tuyến yên. Hormone của thuỳ trước tuyến yên STH (somatotropin hormone) là loại hormone rất cần thiết cho sinh trưởng của cơ thể. Theo tác giả Hoàng Toàn Thắng và cs (2006) [46] cho thấy: STH có tác dụng sinh lý chủ yếu kích thích sự sinh trưởng của cơ thể bằng cách làm tăng sự tổng hợp protein và kích thích sụn liên hợp phát triển, tăng tạo xương (nhất là các xương dài). Khi thiếu hoặc thừa loại hormone này sẽ dẫn đến cơ thể bé (nanismus) hoặc to (gigantismus). Vào thời kỳ thành thục về tính, các hormone sinh dục như hormone của dịch hoàn và buồng trứng (androgen và oestrogen) tham gia vào quá trình điều khiển hoạt động sinh dục của cơ thể và hình thành nên các đặc tính sinh dục thứ cấp. Hormone sinh dục của con cái tạo ra từ buồng trứng cũng có tác động đáng kể đến sinh trưởng. Ngoài ra các loại hormone của các tuyến như: tuyến tụy và tuyến thượng thận cũng tham gia điều tiết sự phát triển của bộ xương và cơ.
* Yếu tố bên ngoài (môi trường)
Trong chăn nuôi ngựa ngoài việc cải tiến giống thì thức ăn dinh dưỡng là một yếu tố quyết định đến khả năng sinh trưởng và phát triển.
- Vai trò và nhu cầu về protein, axit amin.
Theo Trần Cừ và Nguyễn Khắc Khôi (1985) [5], Protein là nhóm chất hữu cơ có phân tử lượng cao và có chứa nitơ. Protein đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng và là nguồn nguyên liệu cấu tạo nên tế bào. Quá trình sinh trưởng là quá trình tăng lên của khối lượng protein, hàm lượng protein trong cơ thể rất cao.
Theo Từ Quang Hiển (1995) [22], vai trò của các axit amin trong cơ thể rất đa dạng, nó là thành phần chủ yếu của protein, nhu cầu protein của cơ thể chính là nhu cầu về axit amin. Cơ thể con vật chỉ có thể tổng hợp nên protein bản thân
nó theo mức cân đối các axit amin trong thức ăn, những axit amin nào nằm ngoài mức cân đối sẽ bị oxy hóa cho năng lượng.
Trong các loại thức ăn, hàm lượng các loại protein rất khác nhau. Một số loại giàu protein như cá, bột cá, bột thịt, bột máu, tôm, cua, trứng, sữa...và các loại đậu, đỗ và sản phẩm phụ của nó.
Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [42], gia súc non tiêu hóa protein một cách dễ dàng, nhưng do nguồn gốc của thức ăn (động vật hay thực vật) và bản chất protein khác nhau nên sự tiêu hóa có những đặc điểm khác nhau.
- Vai trò và nhu cầu về khoáng chất.
Theo Từ Quang Hiển và cs (2003) [23], gia súc non cần được cung cấp đầy đủ khoáng chất để phát triển bộ xương và đảm bảo cho các quá trình xảy ra trong cơ thể. Nếu tính theo mức tăng trọng thì khoáng chất chiếm 3 - 4% khối lượng cơ thể tăng. Khả năng sử dụng khoáng chất trong thức ăn của gia súc non tốt hơn gia súc trưởng thành. Quá trình trao đổi khoáng mà chủ yếu là trao đổi canxi và photpho xảy ra mạnh mẽ ở gia súc non. Khi gia súc còn non khả năng tích luỹ canxi, photpho cao. Tuổi càng tăng, khả năng tích luỹ giảm. Nhìn chung, gia súc non cần hàm lượng canxi lớn hơn photpho, càng lớn và trưởng thành nhu cầu canxi giảm, nhu cầu photpho tăng lên. Để đảm bảo cho quá trình tiêu hoá hấp thụ và sử dụng canxi, photpho được tốt, tránh được hiện tượng còi xương. Ở gia súc non cần chú ý cung cấp đầy đủ, cân đối canxi, photpho.
- Vai trò và nhu cầu về vitamin
Vitamin là loại vi chất dinh dưỡng, nó rất cần thiết để xúc tác cho mọi quá trình trao đổi chất cho sinh trưởng của động vật.
Trong các loại Vitamin thì Vitamin A và Vitamin D là hai loại Vitamin quan trọng nhất cho sinh trưởng. Trong đó Vitamin A xúc tiến quá trình sinh trưởng, nếu thiếu vitamin A có thể dẫn đến mù lòa, tốc độ sinh trưởng giảm, lông xù, gầy còm, năng suất sinh sản thấp. Vitamin D cần thiết cho sự trao đổi canxi, phốtpho để phát triển bộ xương.
Nhu cầu Vitamin được cung cấp từ nguồn rau xanh, ngũ cốc và Vitamin được tổng hợp bổ sung vào thức ăn ở dạng Premix.
- Nhiệt độ và ẩm độ môi trường.
Nhiệt độ môi trường không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ mà còn
ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cơ thể con vật. Nếu nhiệt độ môi trường không thích hợp sẽ không thể đảm bảo quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường cũng như cân bằng nhiệt của cơ thể. Việc đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi thích hợp cho các loài khác nhau phải căn cứ vào khả năng điều tiết thân nhiệt của chúng và điều kiện môi trường đảm bảo mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Vào mùa xuân hè, nhiệt độ 18-250C kết hợp với nguồn thức ăn được tăng về số lượng và cả chất lượng là điều kiện thuận lợi cho ngựa hồi phục sức khỏe.
- Các yếu tố khác: Ngoài các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển còn có
các yếu tố khác như chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, khí hậu chuồng nuôi như:
thời tiết, khí hậu, ánh sáng, không khí, tốc độ gió lùa, nồng độ các khí thải...