Thức ăn và cách chế biến thức ăn

Một phần của tài liệu Khảo sát một số đặc điểm sinh học, khả năng sản xuất của ngựa bạch nuôi tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (Trang 88 - 90)

3. Ý nghĩa khoa học và ứng dụng của đề tài

3.9.2.Thức ăn và cách chế biến thức ăn

Ở ngựa số lượng nước bọt, dịch vị và chất lượng các men tiêu hóa phụ thuộc rất nhiều vào tính chất, mùi vị, độ khô, ướt, chất lượng của thức ăn và thứ tự cho ăn, các chủng loại thức ăn, cách phối chế chủng loại thức ăn, số lượng bữa ăn, giờ ăn và trạng thái sức khỏe của ngựa.

- Thức ăn tinh

Muốn nuôi ngựa đạt năng suất cao, làm việc khỏe, ngựa đực chất lượng tinh dịch tốt, số lượng tinh dịch nhiều, khả năng phối giống đạt tỷ lệ thụ thái cao, ngựa cái động dục, phối giống và chửa đẻ cao, ngựa con đẻ ra to khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh tật... thì cần thiết phải cho ngựa ăn thức ăn tinh với tỷ lệ thích hợp trong khẩu phần, thức ăn giàu protein và thức ăn bổ sung khoáng, vitamin.

Thức ăn tinh bao gồm: thóc, ngô, cám, bột mỳ, cao lương... được chế biến và pha trộn với nhau theo một tỷ lệ nhất định để cung cấp năng lượng và các chất cần thiết cho ngựa.

- Thức ăn giàu protein

Để ngựa giống nâng cao khả năng sinh sản, ngựa con sinh trưởng phát triển tốt, ngựa làm việc duy trì được các chức năng hoạt động của cơ thể bình thường thì cần hàm lượng protein nhất định trong khẩu phần.

Thức ăn giàu protein có nhiều từ nguồn thức ăn động vật như: bột cá, bột thịt, bột máu, sữa và các sản phẩm từ sữa và một số loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đậu đỗ.

Ngựa thiếu protein kéo dài dẫn đến hậu quả ngựa con còi cọc, chậm lớn; ngựa lớn bị rối loạn chức năng sinh lý, năng lực sinh sản giảm.

- Thức ăn bổ sung khoáng và vitamin: chiếm một hàm lượng rất nhỏ, nhưng có tác dụng 2 mặt ( lợi và không lợi), ngựa thiếu khoáng thường dẫn đến xương phát triển kém (mềm xương, loãng xương, dị tật ngoại hình), thiếu vitamin thường gây hậu quả cho các hoạt động của hệ thống tuyến nội tiết, bệnh ở đường sinh dục, tiêu hóa, mắt... Vì vậy ở ngựa rất cần thiết sự cân bằng Ca-P- Vitamin trong khẩu phần hàng ngày.

Khi bổ sung lyzin và vitamin A+D3+PP và một số vi lượng đồng, sắt, coban thì tỷ lệ động dục, chửa tăng lên rõ rệt ở ngựa cái.

Hàm lượng các chất khoáng có nhiều từ nguồn bột xương, bột vỏ sò, bột đá vôi... Các chất vitamin có nhiều từ nguồn thức ăn hoa quả, rau tươi, cà rốt... Một số nguyên tố như sắt, đồng, coban... có tác dụng trực tiếp cho gia súc.

- Thức ăn thô xanh và củ quả: Lượng thức ăn thô xanh là phần thức ăn chủ yếu trong khẩu phần ăn của ngựa, thức ăn củ quả rất cần thiết về mùa đông cho ngựa vì khô hạn thiếu nước.

Hàm lượng thức ăn thô xanh trong khẩu phần ăn của ngựa con 6-7% so với khối lượng cơ thể, ở ngựa lớn 10-15% khối lượng cơ thể, thường chiếm 60-70% tỷ

lệ trong khẩu phần ăn hàng ngày, thức ăn củ quả 10% trong khẩu phần ăn, mùa đông 15%.

Thức ăn thô xanh của ngựa chủ yếu là lá cây, cỏ tươi, cỏ phơi khô, cỏ ủ chua, rơm rạ phơi khô, cây ngô, ngọn lá mía... Thức ăn củ quả gồm các loại: sắn, khoai, bí đỏ, cà rốt... - Cách chế biến thức ăn cho ngựa: Để ngựa thích ăn, ăn được nhiều, dễ tiêu hoá và con vật hấp thụ được chất dinh dưỡng một cách tối đa, các loại thức ăn phải được sơ chế trước khi cho ăn. Ví dụ:

+ Các loại hạt ngũ cốc như ngô, thóc, cao lương cần nghiền nhỏ. Riêng thóc tốt nhất là ủ mầm. Nếu không có điều kiện nghiền thì trước khi cho ăn phải ngâm nước 1-2 giờ cho mềm.

+ Các loại củ quả: khoai lang, bí đỏ, cà rốt... cần rữa sạch đất cát, thái thành lát, hoặc băm khúc 3-4cm. Củ sắn cần bóc vỏ, có thể chỉ cần cạo lớp vỏ lụa bên ngoài, băm khúc dài 3-4cm rồi ngâm nước 4-5 giờ để phòng ngừa khỏi ngộ độc bởi chất axit xianhydric trong sắn.

+ Các loại cỏ: cây ngô, ngọn mía, lá mía, cây chuối... cần băm thái để ngựa ăn dễ. Ngọn mía và bã mía nên cho ăn tươi, trước khi cho ăn cũng nên chặt ngắn. Ngọn mía là thức ăn tốt đối với tất cả các loại ngựa, đặc biệt là ngựa làm việc. Rơm khô nên vẩy nước muối cho mềm và kích thích tính thèm ăn của ngựa. Cũng có thể kiềm hoá rơm để tăng khả năng tiêu hoá. Cách làm như sau: Băm rơm thành đoạn dài 4- 5cm, rải đều trên nền sân gạch, hoặc nền xi măng. Dùng nước vôi loãng 1% (1 kg vôi sống hoà tan vào 100 lít nước) tưới đều lên rơm. Cứ 1kg rơm cần 6 lít nước vôi. Để 1 ngày đêm cho ráo hết nước vôi rồi đem cho ăn.

+ Thức ăn đã nghiền như cám, bột ngô, bột sắn... Trước khi cho ăn nên trộn thêm nước cho đủ ẩm. Các loại thức ăn bổ sung như bột cá, bột khoáng, muối ăn trộn đều vào thức ăn bột.

Một phần của tài liệu Khảo sát một số đặc điểm sinh học, khả năng sản xuất của ngựa bạch nuôi tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (Trang 88 - 90)