5. Bố cục của luận văn
4.1.2. Phương hướng tăng cường quản lý vốn nhà nước đối với doanh
nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Thứ nhất, tăng cường quản lý vốn nhà nước đối với DNNN bằng cách hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các DNNN trên địa bàn tỉnh phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế thế giới cũng như chủ trương chính sách của Đảng ta trong thời gian tới.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa mang đặc điểm riêng có của CNXH vừa chịu sự tác động của các quy luật chung của nền kinh tế thị trường. Đặc trưng cơ bản nhất của nó là lấy chế độ công hữu về tư liệu sản xuất làm nền tảng cho chế độ kinh tế. Trong quan hệ giữa các thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế khác có quyền kinh doanh theo pháp luật và đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong hoạt động SXKD các nguyên tắc thương mại tự do phải được tôn trọng và tuân theo qui luật thị trường: giá cả hàng hóa, cung - cầu hàng hóa, chi phí sản xuất… Các doanh nghiệp tự quyết định hoạt động SXKD của mình dựa trên các tín hiệu của thị trường, phấn đấu giảm chi phí, giá thành, tự quyết định giá bán sản phẩm của mình đảm bảo SXKD có hiệu quả. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX khẳng định: “DNNN (gồm DNNN giữ 100%
vốn và DNNN giữ cổ phần chi phối) phải không ngừng được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, là lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHXN, là chủ lực trong hội nhập kinh tế Quốc tế”. Quán triệt đường lối đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp trong đó chủ yếu là tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Qua công tác sắp xếp đổi mới, số lượng DNNN đã giảm nhiều, hiệu quả SXKD của doanh nghiệp cũng được nâng cao. Đến năm 2011 hiện Vĩnh Phúc còn 13 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Có thể nói, DNNN trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm đã giữ những vị trí then chốt, huyết mạch của nền kinh tế, là lực lượng vật chất để nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, DNNN cũng bộc lộ nhiều yếu điểm, năng lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế so với các thành phần kinh tế khác, chưa thực sự đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các DNNN chậm đổi mới, chưa thích ứng với môi trường hoạt động mới của doanh nghiệp. Vì vậy, muốn nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì tất yếu phải đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước tại các DNNN theo hướng tách bạch quyền sở hữu với quyền sử dụng vốn nhà nước tại các DNNN nhằm giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động SXKD của mình nhưng vẫn đảm bảo quyền kiểm tra, kiểm soát phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời, tích tụ được vốn nhà nước về Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, chuyển hình thức cấp phát vốn sang đầu tư vốn đáp ứng được qui mô vốn ngày càng lớn của các DNNN trong thời kỳ hội nhập. Trước hết, phải đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới DNNN theo lộ trình của Chính phủ đặt ra.
Thứ hai, tăng cường quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DNNN phải đảm bảo sự kiểm soát cần thiết và hiệu quả của nhà nước đối với DNNN nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại các DNNN của tỉnh.
Vốn nhà nước là tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường các cơ quan nhà nước không thể trực tiếp quản lý và kinh doanh số vốn đó
mà giao cho các DNNN sử dụng nhằm phục vụ các mục tiêu quốc gia, các lợi ích xã hội. Nếu cơ chế quản lý của nhà nước lỏng lẻo, không chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhà nước không kiểm soát được việc sử dụng vốn của mình, doanh nghiệp sẽ lợi dụng sơ hở để sử dụng vốn không đúng mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ nhà nước giao cho, hoặc sử dụng vốn đó vì động cơ trục lợi cá nhân. Ngược lại, nếu kiểm soát quá chặt chẽ, bằng các mệnh lệnh hành chính thì doanh nghiệp sẽ không chủ động trong quá trình điều hành hoạt động của mình, không thể cạnh tranh được các doanh nghiệp khác trên thị trường, dẫn đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp kém hiệu quả. Vì vậy, tăng cường quản lý vốn nhà nước tại các DNNN trong thời gian tới phải theo hướng vừa tạo tự chủ cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Muốn vậy, nhà nước cần trao quyền chủ động hoạt động SXKD cho các doanh nghiệp và kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp bằng hệ thống các qui định của pháp luật (chế độ hạch toán kế toán, hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ thông tin báo cáo…), các công cụ kiểm tra, kiểm soát của nhà nước (thanh tra, kiểm toán…), xác định rõ trách nhiệm vật chất của cơ quan nhà nước khi can thiệp vào DNNN không hợp lý, gây tổn hại cho doanh nghiệp cũng như qui trách nhiệm cụ thể cho Giám đốc doanh nghiệp trong việc để thất thoát tài sản mà nhà nước giao.
Quản lý vốn nhà nước tại các DNNN của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới cũng phải đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ cho DNNN trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, tuân thủ pháp luật. UBND tỉnh chỉ bảo hộ trong điều kiện cần thiết, có điều kiện với các ngành trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị xã hội của tỉnh. Phân định rõ quyền sở hữu vốn với quyền sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đảm bảo việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước một cách có hiệu quả. UBND tỉnh là đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN còn Giám đốc doanh nghiệp được nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng vốn phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển lượng vốn mà nhà nước giao.
Thứ ba, tăng cường quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DNNN phải bảo đảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Quản lý vốn nhà nước tại các DNNN trong thời gian tới phải khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả theo nguyên tắc thị trường. Đó là, mở rộng vai trò tự chủ cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự quyết định kế hoạch, chiến lược kinh doanh: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất bao nhiêu, bán cho ai với giả cả như thế nào… và tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước (UBND tỉnh) về hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp tự huy động vốn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn vốn vay của mình. Đồng thời, chủ động xây dựng thang bảng lương trình Sở Lao động - Thương binh và xã hội và thực hiện việc trả lương, thưởng cho người lao động theo thang bảng lương mà doanh nghiệp đã xây dựng để có cơ chế trả lương phù hợp, kích thích người lao động hăng hái, thi đua sản xuất, sáng tạo, tăng năng suất lao động từ đó việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng cần được tăng cường để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước nhưng cần tránh chồng chéo, can thiệp quá sâu gây phiền hà, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn vậy, nhà nước cần áp dụng mô hình quản lý trong đó tách bạch quyền sở hữu về mặt pháp lý đối với quyền SXKD làm cho hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại các DNNN trở lên rõ ràng hơn, hoạt động SXKD của doanh nghiệp được tăng cường. Mặc dù quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để vừa đảm bảo quyền tự chủ hoạt động SXKD của doanh nghiệp vừa đảm bảo kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước vừa chặt chẽ nhưng không trói buộc doanh nghiệp là điều không dễ tiến hành. Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý qui định cụ thể chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, công tác quản lý phải được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, trách nhiệm của người quản lý từ khâu đầu tư vốn đến kết quả sử dụng vốn, thông qua hệ thống các chỉ tiêu định tính và định lượng rõ ràng, minh bạch. Đồng thời qui định rõ trách nhiệm vật chất của cơ quan nhà nước khi can thiệp không đúng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét hành vi hành chính kiểm soát không hợp pháp của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ tư, tăng cường quản lý vốn nhà nước tại các DNNN phải bảo đảm định hướng phát triển kinh tế của đất nước nói chung, của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc là sắp xếp đổi mới lại các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cơ sở vật chất, tài nguyên hiện có của tỉnh. UBND tỉnh có chủ trương chuyển những doanh nghiệp ở những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, chi phối sang mô hình công ty cổ phần. UBND tỉnh chỉ nắm giữ chi phối các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như: nông nghiệp, Thủy lợi, môi trường, quản lý cầu đường bộ, doanh nghiệp cung ứng nước sinh hoạt, … vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện việc chuyển một số doanh nghiệp sang công ty TNHH một thành viên.
Phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới: Phát huy mạnh mẽ lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản và tiềm năng du lịch nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh hơn, bền vững hơn để Vĩnh Phúc cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2015. Các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011- 2020 đạt 14-15%/năm; Cơ cấu kinh tế theo đến năm 2015 được dự báo là công nghiệp và xây dựng: 61-62%, dịch vụ: 31-32% và nông, lâm, ngư nghiệp: 6,5-7,0%. Đến năm 2020 dự báo tỷ trọng dịch vụ khoảng trên 38%, nông, lâm, ngư nghiệp 3- 4%, công nghiệp và xây dựng 58-60%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.500-4.000 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 6.500-7.000 USD.
Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển thích ứng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng hóa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các DNNN. Cụ thể hóa việc đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động các đơn vị dịch vụ công phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân theo quy định của pháp luật. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp.