Cảm hứng trữ tình-ngợi ca

Một phần của tài liệu Thơ ca dân tộc Hmông từ truyền thống đến hiện đại (Trang 85 - 88)

7. Cấu trúc của luận án

2.3.2. Cảm hứng trữ tình-ngợi ca

Cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại đã giải phóng cuộc đời của cả dân tộc Việt Nam. Đồng bào miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Hmông nói riêng cũng đã thoát khỏi cảnh đời tăm tối để bắt tay vào xây dựng một cuộc sống mới, một tương lai mới cho dân tộc mình. Lớp thế hệ nhà thơ Hmông đầu tiên được ra đời và lớn lên trong cuộc sống hoà bình, hiểu sâu sắc giá trị của cuộc sống, của hai chữ tự do. Chính vì vậy mà cảm hứng nổi trội nhất trong thơ ca dân tộc Hmông thời kỳ hiện đại là cảm hứng ngợi ca cuộc sống mới do Cách mạng, Đảng và Bác Hồ đem lại.

Thơ ca Hmông thời kì hiện đại là một bài ca ca ngợi cuộc sống và tình yêu mà biểu hiện sâu sắc và chân thực nhất là lòng biết ơn. Dường như, với các tác giả người Hmông, khi đặt bút làm thơ, mục tiêu đầu tiên là thể hiện được tấm lòng của mình, của dân tộc mình, lòng biết ơn đối với Cách mạng đã khai sinh cho người Hmông có được một cuộc đời mới. Hùng Đình Quí có các bài thơ Người Mông có chữ (1968), Ơn Đảng (1969), Nhớ Bác Hồ (1969), Ánh đuốc trên đỉnh Vần Chải, Việt Bắc ngày nay (1972); Giàng A Của có bài thơ Có Cụ Hồ về; Vừ

Thị Dưa có bài Nhớ đến Chính phủ; rồi Giàng Páo Ly, Giàng A Páo, Mùa A Sấu, Sùng Nhìa Tú... đều có những bài thơ nói lên lòng biết ơn sâu nặng của dân tộc Hmông đối với Đảng, với Chính phủ và Bác Hồ.

Dân tộc Hmông là một dân tộc có tính cộng đồng rất cao. Có lẽ do sống khu biệt trên các đỉnh núi hẻo lánh nên tình cảm cộng đồng được cộng hưởng, được nở rộ như những bông hoa dưới ánh mặt trời. Không khí vui tươi, sôi nổi rộn rã ở miền Bắc trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đã lan toả đến tận các

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

bản làng heo hút của người Hmông. Cuộc sống dần văn minh, xoá bỏ những hủ tục cũ kỹ, lạc hậu là đối tượng miêu tả, biểu hiện của các nhà thơ Hmông. Những thửa ruộng bậc thang lúa vàng trĩu hạt; những mái trường có con em của người Hmông theo học, như những “bầy ong tung tăng đi hút nhị hoa”. Những chính sách của Đảng tựa như những làn điệu dân ca bay bổng, lay động, thấm sâu vào tâm hồn người Hmông. Khắp nơi rộn rã không khí đổi mới vui tươi, tràn ngập niềm tin vào cuộc sống. Cảm giác lâng lâng của con người được giải phóng, được tự do thật là kì diệu, để người Hmông nhìn thiên nhiên cũng thấy có tâm hồn, có sự đồng điệu, say mê: Mặt trời nâng hoa mây/Bồng bềnh sáng núi đá (Mặt trời hoa mây - Giàng A Páo). Cuộc sống của người Hmông có sự bình yên, êm đềm, đẹp một cách lãng mạn. Chất lãng mạn ngấm sâu vào tim vào óc mỗi người để thăng hoa thành những tâm hồn nghệ sĩ.

Trong thơ ca Hmông, Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh) chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Đó là ánh trăng sáng lung linh trên bầu trời thơ ca, đẹp một cách huyền diệu. Chính cảm hứng trữ tình-ngợi ca đã làm cho những câu thơ có sức lay động và quyến rũ diệu kì, "có thể nằm không hổ thẹn trong những tuyển tập thơ hay của thế giới" (Chế Lan Viên)[123]. Tuy nhiên, cả trong cuộc sống và tình yêu, người Hmông đều hồn nhiên và mãnh liệt đến độ cực đoan. Đã sống- sống hết mình; đã yêu- yêu đến nồng nàn đam mê; đã ghét- ghét đến tận cùng xương tuỷ. Thơ ca Hmông là sứ giả trung thành cho việc bộc lộ những cung bậc và trạng thái tình cảm ấy: Gió về gió thổi lá cây lật lả lướt bên khe/ Nếu ta là hạt mưa hạt sương/ Ta xin tan trên bàn tay nàng; Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi đã tỏ/ Ta lê bước về nhà/ mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em (Dân ca Hmông)

Cuộc sống của người Hmông trên núi cao đơn sơ nhưng không đơn điệu, một phần cũng bởi người Hmông có đời sống tinh thần phong phú. Âm nhạc chính là một chất men say trong tâm hồn người Hmông. Người Hmông yêu âm nhạc bằng một tình yêu gần như là bản năng, đầy chất nghệ sĩ. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Hmông không thể thiếu những tiếng khèn, tiếng đàn môi, kèn lá - những nhạc cụ quen thuộc và gần gũi của dân tộc Hmông. Chàng trai Hmông

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

múa khèn tài hoa như những nghệ sĩ đích thực trong các buổi chợ phiên, những đêm trăng hay trong các lễ hội “Gầu tào”: Điệu khèn vui xóm núi/ Tiếng đàn môi

giục lòng (Giàng Xuân Hồ). Những thiếu nữ Hmông thả tâm tình trong tiếng đàn

môi dìu dặt, trong tiếng kèn lá ẩn chứa những tâm sự vui buồn: Nhớ buổi tiễn chân ta qua đồi/ Em ngắt lá thổi bài kèn réo rắt (Dân ca Hmông). Âm nhạc

Hmông không ưa sự quân bình mà ưa đi đến tận cùng của những cung bậc thanh âm, chót vót cao và thăm thẳm sâu. Có lẽ đó cũng chính là cá tính của một dân tộc chứa bao điều bí ẩn trong tâm hồn.

Cuộc sống của người Hmông không thiếu sự thơ mộng đến lãng mạn, những chủ nhân của núi đá vùng cao có đời sống tinh thần phong phú, trước hết và trên hết, họ có một tình yêu nồng nàn. Từ những đỉnh núi - cao nguyên vừa hùng vĩ nên thơ vừa rất đỗi khắc nghiệt đã sinh ra những nhà thơ Hmông để cất lên những tiếng ca ca ngợi quê hương và tình yêu của mình:Từ đá/Sinh ra những chàng thi sĩ/Hát ca

về đất trời, tình yêu của mình (Đá ở Sa Pa - Mã A Lềnh).

Đời sống văn hoá Hmông với sự phong phú, độc đáo và đặc sắc, góp phần tạo nên một diện mạo tâm hồn dân tộc Hmông. Những buổi chợ phiên miền núi cao ngập tràn những thanh âm sắc màu của những tiếng mời chào, nói cười nghiêng ngả, của hoa văn thổ cẩm đủ bảy sắc cầu vồng, của những bát rượu nồng nàn hương bắp bên những chảo “thắng cố” bốc hơi ngào ngạt. Tất cả tạo nên một không khí náo nức tươi vui mê đắm lòng người. Có thể những nhà thơ Hmông thời kỳ hiện đại chưa phải là những người thợ mỏ lành nghề để khai thác và tinh luyện những mỏ quặng còn rất đỗi nguyên sơ với một trữ lượng khổng lồ, tiềm ẩn trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Hmông. Nhưng dẫu sao,với khả năng và trái tim nồng nàn yêu mến của mình, các tác giả người Hmông đã phần nào làm hiển lộ được kho tàng quí giá ấy, để làm cho người đọc biết đến, yêu mến thơ Hmông, cũng như yêu quí những giá trị văn hoá tinh thần sâu đậm của dân tộc Hmông.

Thơ ca dân tộc Hmông thời kỳ hiện đại là sản phẩm tinh thần của các nhà thơ Hmông, là tấm gương phản chiếu đời sống, xã hội dân tộc Hmông. "Các sáng tác bao giờ cũng bám rễ vào cuộc sống một cách hồn nhiên, phản ánh sắc nét, sinh động đời sống tình cảm cũng như phong tục, tập quán của đồng bào HMông" [49;

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

tr.76]. Đó là tình cảm của con người yêu mến gắn bó với thiên nhiên - một thứ thiên nhiên miền núi cao rất đặc trưng của người Hmông. Đó còn là hình ảnh con người dân tộc Hmông đầy bản lĩnh và cá tính; mạnh mẽ và tài hoa, chân thực và lãng mạn. Đó là sự miêu tả, phản ánh cuộc sống của đồng bào Hmông trong xã hội mới với không khí vui tươi lao động, phấn khởi và tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ; cuộc sống của một dân tộc với những phong tục tập quán đầy bản sắc.

Thơ ca hiện đại Hmông được sáng tạo từ cảm xúc chân thành và tình cảm thiết tha yêu cuộc sống, yêu dân tộc của những nhà thơ Hmông, tiêu biểu và đại diện cho tiếng nói tình cảm của dân tộc Hmông. Đúng như nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên: "Thơ ca Mông là công cụ thực dụng trong đời sống, chứ không phải chỉ giúp

con người đôi cánh hư ảo để bay lên trên, thoát ra ngoài. Đời sống do đó vào cụ thể, tràn đầy trong thơ". [122]

Một phần của tài liệu Thơ ca dân tộc Hmông từ truyền thống đến hiện đại (Trang 85 - 88)