7. Cấu trúc của luận án
1.3.2. Trang phục nét đặc trưng thẩm mĩ của người Hmông
Trang phục bao gồm hai thành tố là y phục và đồ trang sức. Y phục là những thứ dùng để che đậy, bảo vệ cơ thể và góp phần làm đẹp thêm cho con người. Đồ trang sức là những vật dụng mang theo trên mình với mục đích làm đẹp, đôi khi cả mục đích tôn giáo, tín ngưỡng nào đó của từng dân tộc.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Cùng với tiếng nói, y phục là một trong những yếu tố tạo nên nét riêng của từng dân tộc, bao chứa trong đó cả cội nguồn lịch sử, văn hoá, xã hội từ bao đời nay.
Trang phục cổ truyền của người Hmông, cả nam phục và nữ phục, đều có sự phân biệt khá rõ giữa thường phục và lễ phục. Thường phục của người phụ nữ Hmông bao gồm: khăn đội đầu, áo, váy, tạp dề, dây lưng, xà cạp, guốc dép...Khăn đội đầu của phụ nữ Hmông có màu chàm, dài khoảng 2,5- 4m, rộng từ 30-40 cm, không trang trí hoa văn. Khi đội khăn người ta tết tóc cuộn lên đầu, sau đó gấp khăn làm tư và quấn thành nhiều nếp chồng lên nhau vòng quanh đầu. Áo của phụ nữ Hmông có hai loại: áo dài tay và áo khoác (cộc tay). Áo dài tay không trang trí hoa văn thường chỉ dùng cho phụ nữ đã có tuổi và mặc trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi áo dài tay có trang trí hoa văn bằng sáp ong được dùng mặc cả trong ngày thường và trong lễ hội. Các ngành Hmông khác nhau thường có cách trang trí hoa văn khác nhau. Nếu như người Hmông Đỏ chỉ tập trung trang trí hoa văn ở váy là chính, thì người Hmông Hoa chú ý trang trí trên cả váy và áo. Hoa văn trên áo cũng đa dạng hơn. Ngoài ra, áo của phụ nữ Hmông các ngành cũng có khác nhau đôi chút. Áo của phụ nữ Hmông Hoa tay nhỏ và ngắn chỉ tới eo. Phụ nữ Hmông Trắng mặc áo xẻ trước ngực. Vải áo may bằng lụa màu sáng, nếu là sợi lanh cổ truyền cũng phải chọn sợi nhỏ, dài và bóng. Áo cổ tròn, cổ cứng song ngắn hơn áo con trai.
Với người Hmông, váy là một bộ phận của trang phục biểu hiện giới tính rõ nhất, là một dấu hiệu để phân biệt trang phục nữ với trang phục nam. Phụ nữ Hmông thường mặc váy bằng vải lanh để trắng hay nhuộm màu chàm, có trang trí hoa văn. Váy của phụ nữ Hmông là loại váy mở, xếp nếp, khi mặc mới được quấn lại quanh người tạo thành hình nón cụt. Thân váy được xếp nếp hình thang, phần cạp váy được chiết lại cho vừa với vòng eo người mặc, thân và gấu váy xoè rộng. Cùng với váy, có hai miếng tạp dề ở đằng sau và đằng trước, có hoặc không thêu hoa văn khi mặc với lễ phục hay thường phục.
Phụ nữ Hmông với bộ y phục cổ truyền độc đáo, hiện vẫn còn giữ nguyên bản sắc, cho dù có nhiều biến động của thời gian, lịch sử và xã hội. Nó đặc biệt phù hợp với môi trường sống trên núi cao. "Giữa mênh mông rừng xanh núi biếc, đường rừng quanh co,
bước chân đi dù đường bằng hay đường dốc, khăn, áo, váy của các cô gái Hmông đung đưa tạo nét uyển chuyển, rập rờn như cánh bướm"[73].
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Nhìn chung, y phục của phụ nữ Hmông là một trong những y phục của các dân tộc vừa đẹp, vừa độc đáo, tăng thêm chất thẩm mỹ vốn đa dạng trong nền y phục cổ truyền Việt Nam.
Nếu như y phục của phụ nữ Hmông rực rỡ, đậm đà và tinh xảo bao nhiêu thì y phục của người đàn ông Hmông lại mộc mạc, đơn giản bấy nhiêu. Nhìn chung, y phục cổ truyền của người đàn ông Hmông khá thống nhất trong các ngành Hmông. Áo thường bằng vải lanh, vải thô nhuộm đen hoặc chàm, ống tay hẹp, cổ tròn và cứng, có ba túi và cài khuy ngang. Ở người Hmông Hoa và Hmông Trắng, tay áo có viền thêm các màu khác. Quần của đàn ông Hmông là quần cạp vấn, ống rộng, cũng có màu đen hoặc màu chàm. Y phục cổ truyền của đàn ông Hmông bao gồm: khăn đội đầu, áo ngắn dài tay, áo khoác (cộc tay), quần, dây lưng và giầy dép. Trong các đám cưới, đám hội, đàn ông Hmông mặc giống thường ngày nhưng quần áo mới và bắt buộc phải mặc thêm áo khoác ra bên ngoài áo ngắn dài tay, đầu quấn khăn hai lớp (lớp khăn trắng bên trong và khăn đen bên ngoài), tay cầm khăn mặt.
Hiện nay, do điều kiện giao lưu kinh tế và văn hoá giữa các dân tộc, nam giới Hmông hầu như đã ăn mặc như các dân tộc khác trong vùng, song họ thường đội khăn vấn tròn bằng len hoặc nhiễu. Nếu đội mũ thì mũ lưỡi trai bằng vải, dạ, hoặc mũ nồi bằng vải.
Ngoài ra, trang phục của trẻ em, trang phục của người chết và trang phục của thầy cúng cũng có những nét độc đáo riêng gắn liền với quan niệm thẩm mĩ và tín ngưỡng của người Hmông. Chẳng hạn, đứa trẻ người Hmông sinh ra chưa đến 3 ngày chưa được mặc quần áo, chỉ được quấn trong một cái tã cắt ra từ tạp dề cũ của mẹ. Chỉ đến ngày thứ 3 đứa trẻ mới được mặc áo do chính người mẹ may cho. Khi trẻ đầy tháng, được ông bà ngoại tặng cho một cái địu. Địu gồm hai nửa ghép lại với nhau, nửa nhỏ hình chữ nhật, nửa to hình vuông, có dây buộc ở phía trên. Mỗi nửa gồm hai lớp, lớp ngoài được in sáp ong hoặc thêu hoa văn, xung quanh viền vải, nửa trên màu đen, nửa dưới màu đỏ. Cấu tạo của chiếc địu thuận lợi cho việc giữ ấm cho đứa trẻ (khi trời lạnh, có thể kéo nửa dưới lớp ngoài đè lên nửa trên, tạo thành chiếc chăn mỏng). Trong quan niệm của người Hmông, chiếc địu tượng trưng cho cái kén, những trang trí hoa văn trên địu có tác dụng chế ngự, không cho các loại ma dữ có thể xâm hại đến đứa trẻ. Trên một tuổi, đứa trẻ bắt đầu được mặc quần. Từ ba tuổi trở lên, trang phục của đứa trẻ giống với trang phục của người lớn chỉ khác về kích cỡ, trang phục của bé gái ít hoa văn hơn nhiều so với trang phục của phụ nữ Hmông.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Trang phục của người chết trong đám tang của người Hmông có chỗ khác lạ. Đó là đàn ông chết thì ngoài bộ nam phục mặc bên trong, bên ngoài bắt buộc phải mặc bộ nữ phục, có đủ áo, váy và tạp dề. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử đã trở thành phong tục. Đó là do trong chiến tranh giữa người Hán và người Hmông, do người Hán chỉ giết đàn ông chứ không giết đàn bà, nên đàn ông Hmông phải cải trang thành đàn bà, mặc váy áo và để tóc dài như đàn bà. Vì vậy, mặc nữ phục cho đàn ông khi chết là để sang thế giới bên kia, ma đàn ông Hmông không bị ma người Hán giết hại.
Trang phục của thầy cúng (chi nềnh) không có gì đặc biệt hơn ngoài việc có thêm khăn che mặt khi hành lễ. Khăn che mặt làm bằng vải đen hoặc giấy bản có tác dụng đưa người thầy cúng thoát ra khỏi thế giới trần tục để đi vào thế giới siêu nhiên, có khả năng giao tiếp với các linh hồn.
Trang sức của người Hmông cũng là một thế giới của những quan niệm thẩm mĩ và tín ngưỡng truyền thống. Ngoài y phục, phụ nữ Hmông còn có vòng cổ, vòng tay, vòng tai, tuỳ giàu nghèo mà đeo vòng bạc, vòng đồng hay vòng nhôm, trên đó nổi lên các đường nét trang trí: chạm, khắc hoặc đúc hoa lá, hoạ tiết hình quả trám, hình tròn, hình dây...
Chỉ có phụ nữ Hmông Hoa mới đeo khuyên tai. Khuyên tai có nhiều loại kiểu dáng khác nhau: loại hình tròn, loại hình gần tròn, loại có hình dáng như dấu hỏi, loại có hình trăng lưỡi liềm... Khuyên tai của phụ nữ Hmông thường khá to, chu vi khoảng 12-15cm. Ngay từ khoảng 3 tuổi, bé gái Hmông đã được bố mẹ xâu lỗ tai, đến khoảng 7-8 tuổi bắt đầu đeo khuyên tai. Trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành chỉ được đeo một đôi khuyên tai trong khi mỗi người phụ nữ Hmông Hoa có thể đeo tới vài ba đôi khuyên tai tuỳ theo điều kiện kinh tế và sở thích của từng người. Khuyên tai không chỉ là vật trang sức mà còn biểu hiện cho nét nữ tính của người phụ nữ Hmông.
Nếu như khuyên tai chỉ dành riêng cho phụ nữ thì vòng cổ lại được cả nam giới lẫn nữ giới Hmông ưa dùng. Vòng cổ của người Hmông cũng có nhiều loại: có loại có hai đầu chim mỏ dài, có loại hình trăng lưỡi liềm...Thường ngày đàn ông Hmông ít đeo vòng cổ, chỉ khi vào dịp lễ tết, cưới xin thì cả đàn ông lẫn phụ nữ Hmông thường đeo từ 2 đến 7 chiếc.
Ngoài ra, đồ trang sức của người Hmông còn có vòng tay, nhẫn, răng vàng, vòng chân, vòng vía...
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Với người Hmông, đồ trang sức tượng trưng cho sự giàu có. Vì vậy, trong lễ hội họ đeo rất nhiều đồ trang sức. Tuy nhiên, người Hmông lại rất kị đeo đồ trang sức cho người chết vì cho rằng, người chết đeo đồ trang sức thì linh hồn sẽ không sang được thế giới bên kia, và như vậy sẽ có thể ở lại làm hại người sống.
Như vậy, trang phục hiện diện trong đời sống hàng ngày của người Hmông. Trang phục vừa là của cải vật chất vừa có ý nghĩa vượt qua giá trị của vật chất thông thường để thể hiện sâu sắc những giá trị văn hoá, xã hội của người Hmông từ trong lịch sử. Trong xã hội đầy biến động của đời sống hiện tại, điều kiện kinh tế và sự giao lưu văn hoá đã dẫn tới việc người Hmông dần mất đi trang phục truyền thống của mình, nhất là trang phục của người đàn ông Hmông. Vì vậy, việc khích lệ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người Hmông giữ lại và sử dụng trang phục cổ truyền của mình là một sự bảo lưu những giá trị truyền thống và thể hiện bản sắc dân tộc. Cùng với các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể khác, trang phục của người Hmông góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hoá các dân tộc Việt Nam.