5. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng tín dụng
Chất lượng tín dụng là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với cả quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô.
Trên phương diện vĩ mô, chất lượng tín dụng ngân hàng có ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và lưu thông hàng hoá dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, khai thác các nguồn lực của nền kinh tế,… Các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan điều hành hệ thống tài chính ngân hàng căn cứ các mục tiêu chung của nền kinh tế theo từng thời kỳ nhất định, đặt ra các mục tiêu khác nhau cho hoạt động tín dụng và chất lượng tín dụng, trong đó quản lý tốt chất lượng tín dụng đồng nghĩa với việc giải quyết tốt bài toán về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Trên phương diện vi mô, ngân hàng đặt ra nhiều mục tiêu đảm bảo yêu cầu quản lý chất lượng tín dụng, trong đó phải quan tâm tới hai mục tiêu cơ bản:
- Một là cung cấp sản phẩm tín dụng tốt cho khách hàng
Đối với khách hàng, một sản phẩm tín dụng tốt là khoản tín dụng thoả mãn kịp thời, đúng lúc các nhu cầu về vốn của khách hàng cả về quy mô, về kỳ hạn, về lãi suất,…
Sản phẩm tín dụng tốt không hoàn toàn đồng nghĩa với lãi thấp hay việc đạt được khoản vay dễ dàng. Trong nghiệp vụ ngân hàng hiện đại theo các thông lệ tốt nhất, các quy trình cung cấp khoản vay được xây dựng mang tính khoa học cao, các thủ tục đơn giản nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc kiểm soát rủi ro, đặc biệt là trong việc ra quyết định tín dụng. Ra quyết định tín dụng như thế nào, chấp thuận hay không chấp thuận, xử lý kịp thời hay không kịp thời là công việc cực kỳ quan trọng. Nó không những ảnh hưởng đến tiến trình hoạt động của khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của ngân hàng và chất lượng của khoản tín dụng. Ngoài ta, các sản phẩm tín dụng tốt thể hiện ở các cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đi kèm theo khoản tín dụng như các dịch vụ thanh toán, tư vấn tài chính, hỗ trợ quản lý,… Trên thực tế, khách hàng sẵn sàng chấp nhận các khoản tín dụng với lãi suất cao nhưng có các dịch vụ hỗ trợ tốt.
Thông qua việc cung cấp hệ thống chất lượng sản phẩm tín dụng hoàn hảo sẽ tạo được lòng tin của khách hàng, thu hút được nhiều khách hàng nhưng vẫn đảm bảo được các nguyên tắc tín dụng.
- Hai là, giảm thiểu các rủi ro tín dụng dựa trên cơ sở xác định được và kiểm soát các rủi ro.
Trong nền kinh tế thị trường, cung cấp tín dụng là chức năng kinh tế cơ bản của ngân hàng. Đối với hầu hết các ngân hàng, dư nợ tín dụng thường có tỷ trọng từ 65 - 80%/tổng tài sản tuỳ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập tín dụng đem lại cũng ở mức tương ứng từ 45 - 60% tổng thu nhập ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro trong kinh doanh ngân hàng cũng tập trung chủ yếu vào các danh mục tín dụng. Khi ngân hàng rơi vào trạng thái tài chính khó khăn nghiêm trọng, thì nguyên nhân chủ yếu thường phát sinh từ hoạt động tín dụng. Vì vậy, giảm thiểu các rủi ro tín dụng dựa trên cơ sở xác định được và kiểm soát được các rủi ro khi cung cấp tín dụng hiển nhiên trở thành mục tiêu chính và
không thể thiếu của quản lý chất lượng tín dụng. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ theo chuẩn mực quốc tế của các NHTM Việt Nam là giảm xuống dưới mức 2% trong vòng 10 năm tới.
Thực hiện được hai mục tiêu lớn trên, về cơ bản đã giải quyết được bài toán mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.