Chương 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA
2.2. Các kiểu nhân vật chính trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh
2.2.2. Người lính sau chiến tranh
2.2.2.2. Những con người bị tha hóa
Văn chương tự nó là một cách làm mới cuộc sống. Nhưng làm mới văn chương phụ thuộc vào cách viết của mỗi người. Sau năm 1975, nền văn học Việt Nam thực sự có rất nhiều khởi sắc. Có thể nói, “Chưa bao giờ văn chương phát triển mạnh mẽ như bây giờ và cũng chưa bao giờ, nhà văn được thành thật như bây giờ”. Trên nền thời đại bộn bề đa sự, đa đoan ấy, văn chương vẫn hút nhựa từ cuộc sống để đem lại những sáng tác đa diện nhiều chiều. Đổi mới trong văn chương, nói như Nguyên Ngọc, đó là trào lưu mạnh dạn phơi bày cái tiêu cực của xã hội, nhận thức lại cái nhìn của lịch sử. Nói lên sự thật trần trụi, đưa ra khỏi bóng tối, phơi bày ra trước mắt mọi người tất cả những tiêu cực của xã hội, của đời sống đất nước sau chiến tranh, các mặt trước nay vẫn bị dồn nén lại, che dấu cẩn thận.
Trung Trung Đỉnh không chỉ dành tâm huyết của mình cho những tiểu thuyết viết về chiến tranh, mà mảng đề tài thế sự cũng được ông quan tâm.
Với Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn và đặc biệt là tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng đã thể hiện sự riêng biệt, độc đáo của một nhà văn luôn coi trọng đến trạng thái sống. Những tiểu thuyết này đều được sáng tác trong giai đoạn mà ngọn gió đổi mới vừa thổi lên trong nước. Khi cuộc sống được nhìn, được thấy, được nghĩ ở cả bề rộng và đáy sâu của nó. Và khi ấy văn học cũng nhìn nhận con người gần gũi, sâu sắc và nhân tình hơn.
Với Trung Trung Đỉnh vấn đề “lỗ thủng” nhân cách trong mỗi con người là vấn đề rất đáng lưu ý đặc biệt là với người lính. Vấn đề này được ông đặt
ra đầu tiên trong Tiễn biệt những ngày buồn. Cuốn sách được viết vào những ngày sôi sục của cao trào đổi mới, chứa đựng những suy tư trăn trở tâm huyết của tác giả. Trong xã hội mới đã len lỏi một lối sống mà trước đây chưa từng có đó chính là lối sống thực dụng. Lối sống ấy là hệ quả tất yếu của cuộc sống cơ chế thị trường, một biểu hiện sinh động của những con người giàu lòng vị kỷ, thích ứng với lối sống gấp gáp và ham muốn hưởng thụ. Sự tiêm nhiễm một lối sống thực dụng trá danh hiện đại, xuất phát từ yêu cầu, ham muốn, sở nguyện của cá nhân. Một cách sống bản năng, hợp thời thượng của những con người thích ứng tự nguyện. Nó len vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và góp phần làm nên một trào lưu sống gấp gáp, “hiện đại”. Cách sống đó cũng không khác gì mấy với cách của Khoái trong Tiễn biệt những ngày buồn “anh đã có tới hơn chục cô gái. Theo Khoái, tình yêu và hôn nhân là hai phạm trù hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng không phải vì yêu mà anh có ý định bỏ vợ, bỏ con. Vợ con là hậu phương, là nơi trú ẩn an toàn nhất, sao lại nghĩ tới chuyện ruồng bỏ? Chỉ có những thằng ngốc mới động có tý tình yêu vào là đâm ra lôi thôi...phải biết nói dối. Nói dối để có tình yêu và nói dối để vợ con yên tâm, thế là phương pháp nhân đạo nhất [15,241]. Bởi “ở đời, mỗi người đều có một quan niệm sống. Mà đã gọi là sống thì phải biết hưởng thụ, biết hi sinh. Phần hi sinh Khoái đã làm rồi. Bây giờ phải là hưởng thụ”[15,240]. Với những suy nghĩ như vậy Khoái là đại diện tiêu biểu cho sự tha hóa của người lính sau chiến tranh, anh sắn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích riêng của mình. Anh đã giả vờ tốt với Ron nhưng thực ra là để qua Ron anh ta muốn tiếp cận với thủ trưởng của Ron và con trai ông để thực hiện những mưu đồ, toan tính, làm lợi cho cá nhân.
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi toàn dân ăn bo bo và “đầu đường đại tá bơm xe” đã để lại những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là thời kỳ lột xác với lớp người đau đớn, vật lộn trong cuộc chuyển đổi, nhà văn Trung
Trung Đỉnh đã cho ra đời tiểu thuyết gây xôn xao dư luận, với cái tên Ngõ lỗ thủng. Trong ngõ tối chật hẹp đó, cuộc sống của những nhà văn, nhà báo, cán bộ viên chức đang sinh sống, cùng dân đạp xích lô bán vé số, và người về hưu, đang hàng ngày phải đối mặt với bao chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền vì cuộc sống gia đình. Tất cả đều diễn ra trong cái ngõ chật chội, bụi bặm, nhếch nhác. Mỗi người đều mang một tính cách khác nhau, vô tình hình thành những
“lỗ thủng” trong tư duy mà chẳng mấy ai quan tâm, để mà khắc phục. Chính nơi đây tồn tại một nền văn hóa “ngõ lỗ thủng”. Không chỉ có người không có học, những kẻ làm ăn buôn bán, cờ bạc, trộm cướp mà ngay cả những người trí thức cũng mang trong mình những lỗ thủng nhân cách. Một trong số đó chính là nhà báo Bình, với Bình đó là bi kịch của một kẻ đã đánh mất mình, đánh mất tất cả và kết thúc bằng một cuộc chạy trốn. Là một trí thức nhưng nhiều lúc anh ước mình được như anh Gù, hằng đêm trong những giấc mơ anh vẫn thấy Gù và Hạnh tra vấn mình. “Tao tưởng mày tử tế, hóa ra không. Mày được đi Tây và mày cho rằng đây là dịp tốt nhất để mày chạy trốn khỏi những lỗi lầm… Xin chào những con người có cái đầu khỏe mạnh, hai chân hai tay khỏe mạnh cùng với muôn vàn luận thuyết đầy triết lý vặt để che dấu sự bẩn thỉu của mình” [15,147-148].
Đây là một lỗ thủng rất lớn về nhân cách. Điều nghịch lý là lỗ thủng nhưng lại túm buộc, giam cầm chứ không phải giải thoát. Muốn thoát ra thì phải bít cái lỗ thủng ấy lại nhưng có bít được không? làm cách nào mà bít.
“Sự thực thì người ta không thể xây nó nếu như đám dân trong ngõ chúng tôi vẫn còn đây, vẫn phải sống tiếp theo ngột ngạt trong cái hẻm bùn lầy này”
[15,114]. Chính nhân vật tôi, nhà báo trong truyện đã không dưới một lần chiêm nghiệm điều này. Đến súng cũng không giải quyết được vấn đề.
Lỗ thủng đâu phải là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên, lỗ thủng nằm ngay trong từng con người sống ở cái ngõ đó. Thực tế là chúng ta đã quá
nhiều năm sống mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, nhất là cái sự thật trớ trêu và khắc nghiệt. Chính cái sự không thật, không trung thực đó đã gây tai họa khôn lường cho xã hội. Dù có thể đau lòng khi nhắc đến quá khứ, nhưng vẫn cần nhìn lại để nhắc nhau nhiều điều. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân cách con người vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đó là cảnh báo về những lỗ thủng trong nhận thức, những lổ thủng về văn hoá và lỗ thủng lớn nhất là lỗ thủng về niềm tin.