CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.1.2. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm
3.1.2.1. Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật
Đọc tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh dễ dàng nhận thấy, thế mạnh của ông là đi sâu khám phá tình huống tâm lý nhằm mục đích miêu tả những diễn biến sâu thẳm của nội tâm nhân vật. Đa số các nhân vật đều được tái hiện trong chiều sâu tâm trạng và sự đứt gãy của dòng ý thức. Bên cạnh đó, nhà văn chú ý đến việc đặt nhân vật vào những tình huống tâm lý bất ngờ để thử thách, buộc họ phải bộc lộ nguyên trạng bản chất một cách chân thực nhất. Trong những tình huống đó, tâm lý nhân vật được soi ngắm nhiều chiều dưới con mắt từng trải, giàu cảm xúc của nhà văn.
Nhân vật trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh đa phần là giàu tình cảm và có giác quan nhạy bén với những đồng vọng của cuộc sống. Chính điều này đã tạo nên những dòng suy tưởng không ngừng tuôn trào trong vô vàn những cảm xúc tâm trạng nhân vật. Ở đó, “Trung Trung Đỉnh tỏ ra là một cây bút phân tích tâm lý tinh tế và kín đáo, giản dị mà sâu, không lên gân, không cường điệu”. Lính trận là một tiêu biểu. Dòng tâm lý của nhân vật Bỉnh được miêu tả bằng lối viết “giản dị mà sâu” như thế. Bỉnh là anh lính trẻ đang mỗi
ngày tiến sâu vào trận địa đối mặt với kẻ thù, dòng tâm trạng của anh cứ đều đều trôi chảy khiến người ta có cảm giác anh bình tĩnh trước mọi tình huống.
Từ việc cảm nhận tính cách từng đồng đội, việc đối mặt với những khó khăn ban đầu, đến việc ra mặt trận, việc đối diện với bom đạn, hi sinh, mất mát, việc chứng kiến từng người một ra đi... Ẩn đằng sau dòng tâm trạng ấy lại lấp lánh một biểu tượng anh bộ đội có chút hồn nhiên, có chút đời thường nhưng gan dạ, kiên cường trước bom đạn và cái chết.
Có thể nói, hầu hết các nhân vật trong tác phẩm của Trung Trung Đỉnh là những con người bi kịch. Họ là những người đã kinh qua chiến tranh, trở về đời thường với những vết thương trên da thịt và vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn. Bi kịch của nhân vật được nhà văn diễn tả khá tinh tế bằng cách đặt họ vào một tình huống tâm lý nào đó để có thể lột tả diễn biến nội tâm cũng như tính cách và phẩm chất. Điển hình là tình huống tâm lý của nhân vật Bình trong Lạc rừng. Lần đầu tiên ra trận Bình bị lạc vào cộng đồng người dân tộc Bahnar. Anh rơi vào tâm trạng hoang mang, lo sợ, nghi ngờ, tuyệt vọng, hi vọng trải dài qua những tình huống có ý nghĩa thử thách. Tâm hồn con người Bahnar giản dị hồn nhiên nhưng cũng có những quy định, những tập tục khá khắt khe về niềm tin và sự chân thành. Ở vùng đất bí hiểm này Bình tự dặn lòng: “tôi chỉ có một cách là tự khuyên mình hãy làm theo họ, hòa đồng cùng họ”[16,64]. Hiểu như vậy nhưng nhiều lúc Bình vẫn không thoát khỏi sự lo ngại cầm chừng. Sự thử thách của những con người nơi đây nhiều lúc đã làm anh căng thẳng và buồn tủi. Đó là khi không được dự cuộc họp chính thức của “tổ bá Phới” anh Miết, anh Yơng và Bin: “Tôi cứ ngỡ những gì làm được của tôi trong những ngày qua đã đủ để chứng tỏ tôi yên tâm công tác và sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, dù khó khăn đến mấy cũng kiên quyết hoàn thành. Té ra tôi được nhìn nhận thế này đây? Tôi cảm thấy đầu óc ê chề, vừa căng thẳng vừa chán nản và buồn tủi, thầm trách Bin đến mức tôi
không còn thiết gì nữa… Tôi úp mặt xuống võng, không khóc mà nước mắt cứ tự nó tuôn ra”[16,69-70]. Cũng có lúc anh phải vượt lên chính sự bồng bột, hiếu thắng dại khờ của mình khi để ham muốn tình cảm chi phối. Anh xúc phạm đến BDên - con gái của làng, bị dân làng hắt hủi như một tội đồ, Bình rơi vào tâm trạng tuyệt vọng: “Tôi chạy trong mê muội, trong hoang tưởng và cả sự trống rỗng, thế là hết, tôi nghĩ rất nhanh trong sự tỉnh táo đến lạ lùng.
Hết cả tình yêu thương lẫn niềm tin”[16,120]. Anh đã vượt qua sự yếu đuối, bất lực ấy bằng cách tự hành hạ mình, “sự tự hành hạ cũng đem lại đôi chút thanh thản”[16,122]. Rồi anh đã chinh phục được những người con của núi rừng bằng sự kiêu hãnh để rồi “cảm động” đến “ứa nước mắt” nhận ra: “ở đây có chút gì huyền bí của tôn giáo. Nó vừa lành mạnh vừa thiêng liêng”[16,123]. Cái chết quá đơn giản của tên Kon-lơ cũng là tình huống Bình bị đẩy vào “nỗi kinh hoàng” đến mức “chấn động tâm hồn”, sau đó cứ mỗi lần khi nghĩ đến nơi này anh lại không thể nào nguôi ngoai. Cuộc hành trình tâm lý đầy thăng trầm kéo rất dài, có lúc cô đặc, ứ nghẹn, song tất cả các tình huống phải trải qua đều có ý nghĩa tác động lớn đến sự trưởng thành, bản lĩnh của anh.
Gù trong Chuyện tình ngõ Lỗ Thủng là nhân vật có thế giới nội tâm phong phú. Nhà văn đã tỏ ra là một cây bút sắc sảo khi đi sâu vào khám phá mọi ngõ ngách cảm giác của Gù bằng các tình huống tâm lý rồi vạch trần nó trong dòng cảm xúc bất tận của tâm trạng. Sự kiện được Hạnh hôn làm đảo lộn cuộc sống của anh, đặt anh vào một tình huống tâm lý trớ trêu, đẩy anh đến trò chơi xúc xắc của tâm trạng. Kể từ hôm đó, Gù chìm ngập trong các cảm giác bồi hồi, xao xuyến, yêu thương và cả những suy nghĩ dằn vặt vây bủa: “anh không biết rằng anh đang bị lún trong vũng lầy tình ái. Chính nó đang nuôi dưỡng anh, níu giữ anh, cho anh được làm người. Nhưng cũng chính nó đang trêu ghẹo, thử sức anh, nếu anh không cam chịu để nó vây bủa
và đẩy anh tới hoang mạc của nỗi cô đơn”[15,113]. Anh đằm mình trong những khắc khoải chờ đợi và hi vọng mong manh, len lỏi giữa những cảm giác hạnh phúc mơ hồ: “Ngủ làm gì nhỉ? Mình sẽ thức suốt đêm nay chờ sáng. Sáng mai Hạnh sẽ đến, hai đứa sẽ lên phường. Mới chỉ nghĩ tới đó Gù đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Anh ngồi im phăng phắc, he hé cách cửa, lắng nghe tiếng động tĩnh phía cuối dãy”[15,41]. Nhưng anh không hề biết, đối với Hạnh nụ hôn không có ý nghĩa gì, tình yêu là một thứ tầm thường, một trò chơi vô nghĩa và anh chỉ như một kẻ lỡ đường, ghé qua cuộc đời cô trong chốc lát, hành trang để lại là một chút vướng bận mà thôi. Tình yêu không được đáp lại làm Gù suy sụp hoàn toàn. Anh đưa ra những luận điệu gay gắt để dỗ ngọt linh hồn mình: “Nó vừa nói tình yêu là giả dối, là lừa lọc, là đểu cáng, là trăm thứ bẩn thỉu. Nhưng chính nó cũng đang thối rữa từ bên trong”[15,83]. Anh bước vào cuộc rượt đuổi tình yêu với những giằng xé trong niềm tin yêu và cả những nghi ngờ ghen tuông, rồi lần mò đau khổ trong ốc đảo của riêng mình.
Cũng ôm một mớ bòng bong như anh Gù, nhà báo Bình rơi vào một tình huống tâm lý phức tạp, cam go. Cuộc tình “một đêm” giữa anh và bà Huệ gây náo động tâm hồn, buộc anh phải chọn lựa giữa sự thật và thói “đạo đức giả trá danh trí thức”. Tình huống tâm lý này minh chứng cho sự dễ dàng lầm lạc của con người, đẩy người ta đến mặc cảm tội lỗi với “người thầy”, người bạn già thân thiết, có lỗi ngay cả với chính bản thân mình.
Trong Tiễn biệt những ngày buồn, nhà văn đặc biệt quan tâm đến tình huống tâm lý xảy ra với Xoay. Tác giả rất tinh tế khi đặt nhân vật này vào những tình huống tâm lý oái oăm để phát hiện ra một góc khuất thầm kín, chứa đựng những trăn trở day dứt rất thật và nhân văn của nhân vật. Gác lại giấc mộng văn chương, Xoay lao vào trận chiến cơm áo gạo tiền với những vụn vặt, tầm thường của cuộc sống đời tư. Khi lập gia đình những mâu thuẫn
dần dần nảy sinh. Sự xung khắc trong hai cách sống của hai con người ở hai giới tuyến đã góp phần làm nên bi kịch của cuộc đời anh. Hàng đêm, anh vẫn mộng mị trong trường cảm giác đơn côi, buồn bã của người không thấy điểm tựa để giang tay ra với cuộc đời. Anh biện minh cho thói tuềnh toàng của Sương, lý lẽ cho những nhếch nhác đó để tìm cho mình sự cứu cánh trong tâm hồn. Hơn hết, anh dằn vặt bởi sự vô tâm đến vô tình của người cùng chung chuyến đò dọc cuộc đời: “Lẽ ra lúc này mày ôm con ngủ, còn cô vợ yêu quý của mày thì thao thức, thì loay xoay, lúi húi lo sắp xếp đồ đạc cho mày rồi nấu cơm, nấu nước để sáng ra mày lên đường chứ? Lẽ ra là thế...
Nhưng mà... nhưng mà... à. Thôi, tao cũng xin đủ! Dậy đi. Dậy mà cho nước vào phích, dậy mà vo gạo nấu cơm kẻo sáng ra xe tới đón lại cuống lên kìa...”[15,437]. Rồi anh tìm đến con gái - niềm an ủi cuối cùng có ý nghĩa để san sẻ phiền muộn, suy tư trong tâm hồn: “Mai này con lớn, việc đầu tiên bố dạy con, không phải cái gì cao xa đâu. Con hãy nhớ rằng, đối với một cô gái, không nên tềnh toàng, không nên một tý nào con ạ”[15,381].
Với Tiễn biệt những ngày buồn, sự kiện bà Mão xuất hiện ở khu nhà tạm đã đặt Ron vào tình huống tâm lý oái oăm, buộc Ron phải đứng trước sự trăn trở lựa chọn của lương tâm, tình thương và trách nhiệm với bà: “Phải co lại mà chịu, đừng có hòng chờ người khác lo được cho số kiếp của bà... Cái số của tôi, nào tôi có thanh thản gì hơn bà kia chứ? Đã thế thì phải giữ đúng nguyên tắc. Nguyên tắc là do tập thể đề ra chứ đâu có do tôi mà trách? Tôi cũng muốn cho bà sung sướng yên phận. Nhưng cái phận bà không yên thì bà cố chịu...”[15,250]. Nhưng cuối cùng, con người tình thương và trách nhiệm đã thắng: “Mình sẽ san cho chị ít thịt và cái bánh chưng, ít gạo nếp. Thôi thì qua tết hẵng hay. Tôi sẽ kê giường cho chị, dọn dẹp phòng cho chị hẳn hoi”[15,258]. Việc bé Thơm qua đời để lại vết thương khá sâu trong tâm hồn Ron. Sự việc này đặt anh vào những tình huống tâm lý phức tạp, biểu hiện
qua sự đau khổ ẩn sâu trong giọt nước mắt ân hận và lời sám hối muộn màng:
“Bố có ngờ đâu con lại đi sớm thế này! Tội tình là ở bố hết. Lần nào về bố cũng có ý định đưa con xuống, nhưng rồi bố lại tính toán, lại sợ có con bố lại bỏ bê công tác. Lúc nào bố cũng bận. Lúc nào bố cũng lo bao nhiêu là chuyện. Bố phải làm tròn nhiệm vụ thì sau này con lớn lên, con sẽ đỡ hổ thẹn với chúng bạn...”[15,346].
Đi sâu khám phá tình huống tâm lý của nhân vật, nhận ra những biến thái rất tinh tế trong dòng chảy tâm hồn con người là đặc điểm dễ nhận thấy ở tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh. Rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã được miêu tả trong trạng thái giằng xé, trăn trở với vấn đề riêng của mình.
Từ tâm lý của anh lính “lạc rừng”, từ những trăn trở khi đối diện với bom đạn đến trăn trở riêng trong đời sống thường nhật,… tất cả đều bị đặt vào những tình huống tâm lý buộc phải lựa chọn để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách của mình. Việc tạo ra những tình huống tâm lý có tính vấn đề ấy là thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Trung Trung Đỉnh.