Chương 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA
2.2. Các kiểu nhân vật chính trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh
2.2.3. Các loại nhân vật khác
2.2.3.3. Những người phụ nữ với số phận đầy bất hạnh, trắc trở
Xuyên suốt trong các tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh là hình tượng những nhân vật người lính trong và sau chiến tranh, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhưng vẫn còn một kiểu nhân vật nữa mà nhà văn đã dồn khá nhiều tâm huyết vào để miêu tả họ đó chính là những người phụ nữ, họ là một phần không thể thiếu trong xã hội nhưng có lẽ họ cũng là đối tượng gặp nhiều những khó khăn bất trắc nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
Trong Ngõ lỗ thủng Trung Trung Đỉnh đã cho người đọc được chứng kiến số phận đầy bất hạnh của rất nhiều người phụ nữ. Họ đáng ra phải là những người có được sống hạnh phúc nhất nhưng số phận thật bất công với họ, mỗi người trong số họ lại có những nỗi khổ, những bất hạnh riêng. Trước hết là bà Hượu - một người mẹ của bốn đứa con, ấy vậy mà đứa nào tới 5 tuổi cũng lại bỗng dưng bị chết, chỉ còn Gù với “hai cái chân nhũn nhẽo như hai
cái đuôi trong ống quần thùng thình”[15,17] là ở lại với bà. Bà quằn quại, đau đớn khóc than trong tiếng kêu dằng xé: “Trời không có mắt hay sao hả Trời?...Con ơi là con, sao con lại thế này? Nhưng mà con là con mẹ. Các cụ đã dạy rồi: có đầu có tai, nuôi dai cũng lớn. Con lớn lên cũng thành thằng người? Cái thằng người kì quái khôn ranh...Cái thằng người kì quái cướp hết cả phần hồn của các em! Ôi chao là số kiếp con người?” [15,18]. Đây có thể coi là điều bất hạnh nhất đối với người phụ nữ, bởi khao khát lớn nhất của người mẹ chính là sinh con ra, nuôi con khôn lớn và khỏe mạnh, nhưng cuộc đời bà thật khắc nghiệt khi phải mất đi cả chồng và bốn đứa con, đứa còn lại thì lại thì lại không giống một con người bình thường.
Với bà Huệ thì nỗi đau ở đây chính là việc bà lấy phải một ông tiến sĩ giả, một người chồng giả. Bà luôn quẩn quanh trong những triết lí ích kỉ nhưng bà lại dám lên tiếng, dám thẳng tay chỉ vào mặt những kẻ đạo đức giả.
“Ông ấy đúng là cái mắc áo, một bị thịt, một tiến sĩ giấy, một nhà báo nửa mùa, một trí thức dỏm, một tên đàn ông giả hiệu, đồ bất lực ti tiện, kẻ lừa dối tinh tế” [15,105]. Cái vết rò rỉ bấy lâu nay trong tâm hồn bà đã bục ra hết cỡ, khiến bà không thể nào chấp nhận cuộc sống giả tạo kéo dài lâu hơn nữa. Bà trở về với những kí ức xa xôi, để mà tự phán xét, tự phân bua, biện minh cho cuộc sống hiện tại. “Cách đây ba mươi năm, tôi là một cô gái quê, một cô Tấm xinh xẻo và ngon lành...Tôi nhớ tôi được mẹ nuông chiều trong cảnh sống mẹ góa con côi ở thị trấn nghèo” [15,87]. Cứ thế bà lại lần về quá khứ, cái thời bà được chở che trong vòng tay yêu thương của mẹ cho đến khi trở thành một bà vợ của ông tiến sĩ như bây giờ. Từ một cô sinh viên mười tám với những khát vọng lãng mạn và những đòi hỏi thiết thực cho nhu cầu cuộc sống đã gặp một chàng trai, ngoài ba mươi tuổi, đã từng có năm năm du học nước ngoài, đang làm luận án tiến sĩ và hiện là giảng viên xuất sắc của một trường đại học. Họ đến với nhau chỉ để thỏa mãn ham muốn riêng. Cho đến
cái cuộc sống hiện tại mà bà đang phải chịu đựng. “Thật khốn nạn cho thói đạo đức giả nó đã nhiễm sâu trong máu chúng tôi...nếu chúng tôi sớm nhận thức được cái bi kịch trong tương lai sẽ như thế nào, và chúng tôi không tự lừa dối mình hẳn sự việc đã xảy ra thế khác” [15,99].
Với Hạnh, một cô gái lâu nay chỉ toàn phải mang trăm thứ tiếng tăm, qua cái miệng độc ác của “mụ Còng phù thủy” thì hóa ra cô là một gái điếm, bán trôn nuôi miệng thế nhưng Hạnh đã từng khao khát hạnh phúc, khao khát đi tìm tình yêu. Cái bất hạnh lớn nhất của Hạnh chính là khao khát kiếm tìm tình yêu nhưng càng khao khát cô lại không thể tìm cho mình một mái ấm gia đình, một người đàn ông bình thường thực sự yêu cô. “Hạnh kiếm tiền bằng cái nghề nửa công khai, nửa bí mật của mình” [15,43], “cái nghề làm vui lòng người”. Hạnh đến với nghề đó cũng do hoàn cảnh, nhưng cô thích ứng khá nhanh, mặc dù
“mới đầu cũng sợ, cũng ghê tởm lắm, nhưng giờ cũng quen rồi...”. Đôi khi lòng tự trọng trong cô trỗi dậy, cô cũng muốn “nhổ vào mặt nó” nhưng “nó lại nhét vào bụng em một tệp tiền, có tới năm bảy chục ngàn, thế là em quên hết...vì dù sao nó muốn “ mua” thì mình “bán”, bán cái thứ không mất mà được tiền thì ngại gì” [15,152]. Do hoàn cảnh đã xô đẩy Hạnh đến con đường cùng nhưng thực chất Hạnh không phải là một người xấu. “Cô cũng đã từng đi tìm tình yêu nhưng rốt cuộc tình yêu làm gì có. Đứa nào nói tới tình yêu nhiều nhất đối với cô, đứa ấy là thằng đểu giả, lừa lọc nhất” [15,81]. Đối với Hạnh “có chồng, có con là sướng nhất đời”[15,153] khi có chồng cô sẽ lo mọi thứ. Nhưng rốt cuộc cô không thể tìm thấy hạnh phúc của chính mình, cô không thể có cái “sướng nhất đời” của một người phụ nữ bình thường đó là một mái ấm gia đình cho riêng mình.
Nhân vật Nhài trong Sống khó hơn là chết cũng mang theo mình khá nhiều những bất hạnh, ngang trái trong cuộc đời. Chị đã từng theo đuổi tình yêu và
trong suốt cả cuộc đời chị, chị cũng chỉ có một ước muốn giản dị là có một gia đình để chăm lo. Từ một cô gái xinh đẹp, hát hay trong nông trường chè, chị yêu bằng tất cả tâm hồn và tình cảm của trái tim ngây thơ, trong trắng nhưng người tình đã phụ bạc chị, đã chối bỏ tất cả khiến cho chị gục ngã tưởng chừng không đứng dậy nổi. Rồi chị lại bị một người trốn đơn vị lừa, cuộc đời chị lại một lần nữa rơi vào bế tắc, chị lại phải bồng con ra đi thế nhưng cái số không may cứ kéo chị vào khổ ải mãi bởi “con cô lên sởi rồi nó bỏ cô đi”[17,30]. Kể từ đó, cuộc đời chị lang bạt nay đây mai đó. Chị đã từng lấy chồng, chăm lo cho con cái của chồng. Nhưng hạnh phúc vẫn không mỉm cười với chị, lại một lần nữa chị phải ra đi. Một mẹ, một con lê la khắp nơi để xin ăn, cuộc gặp gỡ tình cờ với con ma men tưởng rằng chị sẽ tìm thấy hạnh phúc nhưng rồi “chẳng biết vì sao, chẳng rõ lòng mình, cứ thả cho mình trôi nổi theo cái đà vô vọng ngẩn ngơ, đi tìm cái bóng vô vọng của tình yêu. Cái bóng của một con ma men mang hình một con ma” [17, 50]. Số phận không mỉm cười với chị khi niềm tin để sống, niềm hạnh phúc của chị lại rời bỏ chị mà đi “con bé ốm o, gầy mòn suốt ngày đêm phải chịu cảnh lang thang thất thểu, cho đến khi nó lả trên tay mẹ sau một cơn co giật yếu ớt. Chị ta hoảng hốt ôm con tới bệnh viện.” [17,51]
Trong Tiễn biệt những ngày buồn ta cũng bắt gặp một người phụ nữ với những nỗi đau giằng xé trong tâm hồn đó chính là bà Mão. Bà vốn là một người phụ nữ được anh em đồng đội rất yêu quý, tin tưởng nhưng cuộc đời thật trớ trêu khi bà gặp phải một gã đàn ông tồi, thế rồi đứa con bà yêu quý ra đi khiến bà lâm vào tình trạng tâm thần bất ổn, có lúc lại điên điên, khùng khùng, ngay cả một nơi để nương thân cũng không có.
Như vậy, nhà văn đã tái hiện cho người đọc thấy được số phận đầy kịch của người phụ nữ trong thời buổi chuyển đổi giữa nền kinh tế cũ và mới. Họ thật đáng thương, đáng được cảm thông, được chia sẻ với những nỗi đau mà họ đã phải trải qua.