Nhân vật người dân tộc thiểu số Tây Nguy ên

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh (LV00893) (Trang 58 - 62)

Chương 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA

2.2. Các kiểu nhân vật chính trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh

2.2.3. Các loại nhân vật khác

2.2.3.1. Nhân vật người dân tộc thiểu số Tây Nguy ên

Lâu nay, cùng với nhà văn Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh cũng là một cái tên được nhiều người nhắc tới khi đề cập tới mảng sáng tác văn chương lấy bối cảnh ở vùng đất Tây Nguyên. Với Lính trận, địa danh chiến trường PleiMe trở thành cái tên xuyên suốt tác phẩm, khắc sâu vào tâm trí người đọc với đủ phương diện, cấp độ của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong cuốn sách này, Trung Trung Đỉnh chỉ bày ra một phần rất nhỏ vốn văn hóa và sự hiểu biết về Tây Nguyên của ông. Nhưng Tây Nguyên trong Lính trận đã kịp hiện ra với tất cả dáng vẻ của nó, tinh thần của nó. Trung Trung Đỉnh có cách khắc họa nhân vật là người Tây Nguyên rất thú vị. “Khi nãy dân làng nó thắc mắc cán bộ truyền đạt nghị quyết không trúng lỗ tai, dám bảo tình hình cách mạng đang đi lên. Ông già cãi cách mạng đang đi xuống. Đi xuống dốc có thuận lợi nhiều hơn, nhanh tới thắng lợi hơn. Lên dốc mệt hung, biết đến bao giờ tới thắng lợi?” [18,153].

Vì có cảm giác cuốn sách đã được xuyên suốt bằng những điều gan ruột nhất, những hình ảnh sâu sắc nhất, những trạng thái tình cảm, tâm lý đã được đẩy lên đỉnh cao nhất của chính tác giả - người mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: "Đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc

đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết...".

Và người đọc đã bị cuốn trôi đi từ dòng đầu tiên cho tới những chữ cuối cùng.

Con người Tây Nguyên hiện lên qua những người du kích anh dũng nhưng cũng chân chất, thật thà, họ tin tưởng và làm theo cách mạng, họ sống, chiến đấu, hy sinh vì cách mạng “Hai đứa du kích đây cũng ưng mang muối về gấp cho du kích theo chiến dịch” [18,225]. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ sẵn sàng ăn củ mì, nhịn đói để dành lương thực cho bộ đội “Gạo ấy ưu tiên cho phía trước. ngày mai phải gùi gạo ra cho anh em đánh địch ăn. Mình ở phía sau ăn củ mì tốt hung rồi”[16,127]. Đồng bào Tây Nguyên luôn sẵn sàng phục vụ cách mạng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào “đồng bào suốt đêm giã gạo để sáng ra có gạo gùi đi. Tôi tò mò nhìn mấy gói cơm của anh. Đồ ăn của mình toàn củ mì thôi, không có ăn gạo đâu…Để gạo cho anh em chủ lực đánh thắng Mỹ Ngụy chớ!” [18,130]. Với người dân Tây Nguyên cách mạng, bộ đội là ưu tiên hàng đầu ngay cả tình yêu của họ cũng phải dành cho cách mạng đầu tiên, tình yêu nam nữ rất riêng của mỗi cá nhân cũng phải chờ cách mạng thắng lợi

“H’Dên trước khi chết nó biểu lũ tui có bị phạt do quan hệ nam nữ” [18,249], và những con người chân chất thật thà ấy cũng sẵn sàng nhận hình phạt của già làng với mối tình của họ “Mai mốt tui về làng khai với già làng làm lễ phạt”

[18,249]. Đây cũng là một điểm rất khác lạ, một sự ngạc nhiên, bất ngờ đối với một anh lính người kinh “Tôi không nghĩ chuyện anh Chuốt và H’Riêul “có quan hệ nam nữ” lại bị phạt… Anh Chuốt bảo tôi, mình đã khai báo thành khẩn rồi, mai mốt hết chiến dịch làng phạt hai con heo mà” [18,151]. Họ đã sống, chiến đấu, cống hiến hết mình cho cuộc cách mạng của dân tộc với một niềm tin chiến thắng tuyệt đối, chính điều này đã làm nên một nét riêng khá độc đáo của người dân Tây Nguyên.

Viết về Tây Nguyên trước Trung Trung Đỉnh đã có Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên, tác phẩm đã xây dựng thành công hình ảnh anh hùng Núp

với cuộc chiến tranh nhân dân hồn nhiên mà Núp cùng dân làng tiến hành, nhưng đó là cách hiểu, cách cảm và cách xây dựng nhân vật của một nhà văn người Kinh, khi soi chiếu cái nhìn vào người dân tộc. Còn ở Lạc rừng thì nhà văn người Kinh ở đây lại chính là nhân vật Bình, bị lạc vào cộng đồng người xa lạ. Mà là lạc thật chứ không phải lạc giả như người lính đi lạc trong tiểu thuyết của Nguyễn Khải. Anh ta phải tìm mọi cách để hiểu, để cảm và để được chấp nhận như là một thành viên trong cộng đồng ấy, qua đó bộc lộ cách ứng xử, tập tục, tâm hồn của những người con núi rừng.

Con người nơi đây là những người mang vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của núi rừng nhưng cũng rất kiên cường anh dũng. Qua họ ta thấy được nhiều điều bí ẩn và hoang sơ của nơi này. Đứng đầu một buôn làng là các Già làng.

Già Phới là một ví dụ, Già là linh hồn là sức sống của cả buôn làng và trách nhiệm của cả buôn làng là bảo vệ mạng sống cho Già: “Bin nói và tôi hiểu.

Bảo vệ Già Phới là một nhiệm vụ thiêng liêng” [16,23]. Trong bất cứ một sự kiện quan trọng nào của buôn làng đều phải có mặt Già Phới, ông chính là sức mạnh, là linh hồn của buôn làng. Chính anh lính trẻ đã được chứng kiến tận mắt cảnh tượng người đàn bà vạch vú cho Già Phới bú: “Tôi ngả người xuống định ngủ tiếp, chợt thấy người đàn bà vạch vú. Bộ ngực đồ sộ của chị ta từ từ áp vào miệng Già Phới. Già Phới bú!” [16,26]. Đó là khoảnh khắc làm anh lính trẻ ngạc nhiên, thấy thật lạ và kỳ dị nhưng nó lại rất đỗi tự nhiên và hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Bên cạnh Già làng là những con người rất hồn nhiên, trong trẻo, chất phác, dũng cảm như Bin, Miết, Yơng…Cùng với đồng bào nơi đây, họ chính là lực lượng nòng cốt cho cuộc chiến ác liệt này. Bin là nhân vật thân thiết nhất với người lính trẻ bị lạc, Bin rất hồn nhiên mà vô cùng chất phác trong suy nghĩ: “bộ đội hi sinh, bộ đội chết có bổ sung nhanh. Còn du lích ... “Phức tạp hung mà”... Nó phải chờ lũ con nít biết lớn thì mới bổ sung tốt chớ” [16,35]. Trong quan hệ bạn bè Bin cởi mở và thật thà: “Anh ta

toác miệng cười, gọi tôi là Bìn và bảo: mình có chung tên, làm anh em theo phong tục được” [16,18], trong cuộc sống họ giàu tình cảm biết chia sẻ với nhau điều này có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với một người lính bị lạc vào đây, nó giúp anh vượt qua những ngày tháng khó khăn ở đây: “Bin sờ nắm tay tôi, nói nhỏ, giọng cảm động lộ ra vì tôi thấy cậu hơi run. Tôi cũng run lây…..

Cậu nghẹn lại một lúc, chừng như để tìm từ, cũng có thể vì thương tôi mà Bin không nói. Tôi ôm ghì lấy Bin, nước mắt không kìm lại được. Tôi không muốn Bin nói thêm điều gì nữa” [16,142]. Hồn nhiên, chất phác nhưng họ lại có những suy nghĩ chín chắn về cách mạng khiến chúng ta bất ngờ: “Làm du kích không phải chuyện bình thường đâu.” [16,35], có lẽ vì thế mà họ xác định cho mình một bản lĩnh vững vàng khi gặp nguy hiểm : “Tôi và Bin lại được anh Yơng giao cho đi trước trinh sát, mở đường. Khi có tình hình căng thẳng Bin trở thành một con người khác. Cậu rất ít nói … Trong khoảnh khắc tôi và Bin nhìn nhau. Bin chỉ ngón tay ra phía địch ra hiệu cho tôi làm theo cậu” [16,51].

Chất phác và hồn nhiên có lẽ là đặc điểm của người dân nơi này ngay khi sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến tranh họ vẫn vô cùng lạc quan:

“Và cứ thế, cậu vừa đi vừa hát, cái bài hát kì lạ mang lời “con kinh” dựa theo một làn điệu dân ca Bahnar. Nó vừa chất chứa một nỗi niềm thật cay đắng, chán chường, lại vừa hóm hỉnh, khôi hài, “Tan hoang… Du kích tan hoang...ờ…Tan hoang ờ tan hoang... tan hoang.”[16,50]. Những con người ở mảnh đất này quả thực rất bí ẩn và đầy thú vị, nó là sự khám phá mãi mãi đối với chúng ta.

Con người Tây Nguyên kiên cường nhưng ân tình, gần gũi. Ở đây có chút gì huyền bí của tôn giáo. Nó vừa lành mạnh vừa linh thiêng. Họ có vẻ đẹp sức vóc, họ tiềm ẩn những phẩm chất tốt đẹp mà sự suy đoán lúc đầu sẽ không bao giờ là đúng. Họ quen chịu đựng gian khổ một cách tưởng như bản năng, nhưng thật ra rất có ý thức. Họ mang dáng dấp của sự thuần thục trong

lao động và trong cả chiến đấu. Hơn hết họ là người sống rất ân tình, nặng nghĩa: “Dân làng không có thói quen tính sự gắn bó giữa những con người với nhau, chỉ bằng thước đo thời gian. Nhiều người biết anh sớm hơn chính anh biết mình”[16,179].

Người phụ nữ Tây Nguyên trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh cũng góp một phần đáng kể vào việc khắc họa con người Tây Nguyên. Họ là những người phụ nữ mạnh mẽ nhưng giàu tình cảm và thủy chung. Những người phụ nữ hay thổi đing - yơng, những người phụ nữ hết lòng lo cho gia đình và cách mạng. Thậm chí vì cách mạng họ còn đem theo cả những đứa con còn nhỏ của mình để đi dân công gùi gạo “Trong những cô gái gùi gạo khi nãy, có mấy cô địu con trước ngực” [18,134]. Đó là những người phụ nữ xinh đẹp, dũng cảm, thẳng thắn, chân thật, mạnh mẽ trong màu da nâu đặc trưng, và lối sống hiện đại phổ biến, hồn nhiên trong điệu cười “tõn tẽn” “ Chắc H’Riêu cũng đang nghĩ hung về đường đi ngày mai? “Nó là nữ du kích làng Plei Me, không phải bình thường đâu” [18,232]

Hình tượng con người Tây Nguyên thời chống Mỹ vừa mang nét truyền thống vừa lại có những biến đổi tích cực. Tính cách thuần hậu, chất phác, nhiều màu vẻ, đa dạng mà lại rất thống nhất được tác giả tập trung khắc họa dưới con mắt tinh tường và sắc sảo trong cảm nhận của một người trong cuộc.

Những người con của núi rừng Tây Nguyên vừa hồn nhiên vừa nghiêm trang, đẹp như một sản phẩm tự nhiên của núi rừng, là những hạt nhân được thử thách, tôi luyện qua cuộc chiến tranh nhân dân.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh (LV00893) (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)