CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG
3.3. Không gian, thời gian nghệ thuật
3.3.1. Không gian nghệ thuật
3.3.1.2. Không gian xã hội
Chiến tranh kết thúc, con người trở về với muôn mặt của cuộc sống đời thường. Các nhà văn có sự mẫn cảm với cuộc sống đã không thể bỏ qua hiện thực đời thường đó. Từ thể tài lịch sử dân tộc, văn học đã chuyển sự quan tâm chủ yếu sang thể tài thế sự và đời tư. Với sự thay đổi quan niệm về hiện thực, không gian xây dựng trong tác phẩm tạo nên bức tranh chung về hiện thực đời sống cũng có sự chuyển đổi. Từ không gian lịch sử kì vĩ, rộng lớn của núi rừng Trường Sơn, đường chiến dịch trải dài như mặt trận, những căn hầm, mặt trận,
chiến khu… Giờ đây không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết đã thu hẹp phạm vi một cách cụ thể hơn, gần gũi, gắn bó hơn với con người, đó chính là khoảng không gian xã hội mà con người đang sống. Đó cũng là nơi con người bộc lộ hết mọi mối quan hệ, mọi phẩm chất tốt - xấu, những vấn đề xung đột trong cuộc sống thường ngày về những cái bình thường, nhỏ nhặt nhất.
Bên cạnh không gian núi rừng Tây Nguyên, nhà văn hướng bút lực của mình vào không gian thị thành- thứ không gian gợi cảm giác lạc lõng với đường phố người đạp xe dày đặc giống như một cuộc xuống đường ào ạt...
nhìn ai cũng hối hả như đang cố dấn lên phía trước...bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu nhà tầng, những cơ quan nối tiếp cơ quan... Không gian sống của một nhóm nhân vật với sự hội nhập với đời thường, công ăn việc làm, gia đình, vợ con, và những mối quan hệ xã hội muôn màu muôn vẻ. Họ tạo lập cuộc sống trong sự quẩn quanh của một khu ở tạm, nơi mà con người có khả năng bị dồn đẩy đến chân tường, dồn bật ra khỏi mình. Đó là những chỗ dở quân dở dân, dở cơ quan dở gia đình, dở quê, dở tỉnh, được xây dựng một cách vội vàng:
“gạch ngói, vôi vữa ùn ùn chở về đây, dựng vội vàng những cái nhà, tệ mạt hơn cả kho phân đạm của xã” [15,237]. “Điện và nước chỉ có vào đêm khuya”[15,174]. Với sự ngột ngạt, quanh quẩn của những nơi trú ăn tạm thời với những “căn phòng tềnh toàng... giữa hai dãy nhà tập thể quay mặt vào nhau với hàng lô hàng lốc bếp than, bếp dầu, thau, chậu và tiếng cười nói, tiếng rổn rảng va đập của cuộc sống chung cư... sắp đến bữa, người qua kẻ lại cứ như đi chợ” [17,101]. Ở đó, nhìn ai cũng hớt hải, như đang cố dấn lên phía trước, với những bữa ăn khắc khổ và ảm đạm “đĩa rau bắp cải luộc, mấy lát đậu phụ kho trắng nhợt, bát nước mắm và bát cơm nguội”[15,169]. Không gian sinh hoạt còn được miêu tả qua sự “chấp chới xuềnh xoàng, nó nham nhở, hôi hám”[15,28]. Nhưng ở đó cuộc sống của những người công nhân, trí thức, thợ thủ công, lao động tự do... trong thời kỳ khốn khó được tái hiện rất sinh động
và đặc trưng, giúp người đọc có thể hình dung được rõ ràng về giai đoạn lịch sử đó. Không gian ngột ngạt đó siết chặt cuộc đời của những con người sống ở đây với những chạy vạy, bươn chải vật lộn cuộc sống. Họ trộm gạch đục tường, để mong nới rộng không gian sinh hoạt đặc quánh, ngột ngạt đó.
Không gian xã hội trong sáng tác của Trung Trung Đỉnh còn là cuộc sống đô thị thời hậu chiến và những mâu thuẫn nội bộ được thể hiện sinh động hơn qua số phận của những con người sống trong những khu nhà tạm.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có chung một cuộc sống vất vả cực nhọc với sự áp đặt vô lý của chính sách và chung miền ký ức về những ngày chiến tranh oanh liệt. Họ là những người trí thức thất thế, những người lao động bình dân, những đám bụi đời, con phe... Họ sống trong một cộng đồng “dưới sự chỉ huy của bà Còng và núp dưới bóng bảo lãnh thân thiện của anh Gù”[15,63] (Ngõ lỗ thủng). Họ thực hiện các lề thói của xã hội đầy đủ
“nhưng theo cái lối tiến hành riêng, cái cách biểu hiện riêng, cách thẩm định riêng. Và vì thế chia buồn, chia vui cũng đặc sắc, âu yếm hay tức giận không nhất thiết theo một lề thói nào”[15,10]. Họ có nghề nghiệp riêng và có không gian sinh hoạt riêng. Như anh Gù chẳng hạn, khách quán Gù “chủ yếu là đám người trong ngõ, cánh sinh viên của một trường Đại học về quê, ghé chờ xe ngoài phố. Cả các bác thợ mộc bên xưởng gỗ, cánh công nhân vệ sinh, bọn thanh niên đầu trộm đuôi cướp tụ tập đánh bài ăn thuốc lá ba số” [15,32]...
Mỗi người trong số họ có những bi kịch riêng về cuộc sống - những nốt lặng bi hài của cơ chế, chính sách, thói đạo đức giả, lối sống thực dụng...ở đó hội tụ nền văn hóa “ngõ lỗ thủng” với sự đảo lộn của trật tự cuộc sống và các cuộc chiến liên miên giữa những công dân trong một gia đình: thằng con, ông bố, bà mẹ, con dâu...với những trận đánh đập, rượt đuổi, chửi bới...Và những bi kịch của những con người sống trong thời đại cơ chế mới chưa hình thành, cơ chế cũ đã qua đi. Họ hoang mang, lo lắng, họ không biết mình là ai. Có
những người trong số họ thì luôn tin tưởng vào mọi thứ. Có những người lại chẳng tin ai, chẳng tin bất cứ điều gì, luôn nghi ngờ mọi thứ. Tình yêu thời cơ chế thị trường cũng là một tâm điểm chú ý của nhà văn. Ngõ Lỗ Thủng của Gù đã để lại dư vị trong lòng người đọc. Cảm phục trước lòng tốt của cô Hạnh, trái tim Gù như tan rữa ra. Gù yêu Hạnh với thứ tình yêu, say đắm, nồng nàn của người mới biết yêu lần đầu. Tình yêu không được đáp lại vì Hạnh không có niềm tin vào tình yêu, và tình yêu của cô không đủ lớn để vượt qua định kiến về cái thân thể tàn tật của Gù. Thế nên Gù suy sụp hoàn toàn. Anh bước vào cuộc rượt đuổi tình yêu với những giằng xé trong niềm tin yêu và cả những nghi ngờ ghen tuông. Nếu tình yêu của Gù là hiện thân của thứ tình cảm trong sáng, cao đẹp thì tình yêu của bà Huệ và ông tiến sĩ là một chứng tích của sự kết hợp hai lối sống: đạo đức giả và thực dụng được tô điểm bởi thứ gia vị ích kỷ của loại người hãnh tiến. Đó là một sự khái quát sinh động, thể hiện rõ bản chất của xã hội mới, góp phần đắc lực vào việc khái quát không khí ảm đạm, ngột ngạt của xã hội lúc bấy giờ.