Nghệ thuật biểu hiện chiều sâu tâm linh của nhân vật

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh (LV00893) (Trang 79 - 83)

CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.2. Nghệ thuật biểu hiện nội tâm

3.1.2.2. Nghệ thuật biểu hiện chiều sâu tâm linh của nhân vật

Văn học Việt Nam sau năm 1986 đã có sự đổi mới quan niệm về hiện thực và quan niệm về con người. Hầu hết các nhà văn trong giai đoạn này chú trọng đến đời sống nội tâm mà soi chiếu ra “hiện thực ở bề sâu ẩn kín”. Đó là hiện thực của tâm lý tư tưởng mang chiều sâu triết học. Giáo sư Trần Đình Sử từng nhận định: “Các nhà văn đang cố nắm bắt không những cái hiện thực và cả cái hư ảo của đời sống, không những nắm bắt cái hiện thực mà còn nắm bắt cái bóng của hiện thực và đó mới là hiện thực đích thực”. Một trong những “hiện thực đích thực” hiện thực bề sâu mà nhà văn khám phá chính là thế giới tâm linh, thế giới nội tâm của con người. Tiểu thuyết thời kỳ này cũng dành sự quan tâm của mình vào thế giới nội tâm nhân vật và cái mà nhà văn dành nhiều tâm huyết nhất không chỉ là hiện thực mà còn là những “cái

hư ảo của đời sống”. Chính vì vậy, chiều sâu thế giới tâm linh là địa hạt quan trọng để nhà văn trải nghiệm vốn văn hóa và tri thức của mình. Nó làm phong phú đời sống nội tâm của nhân vật, mỗi nhân vật có thể cùng lúc sống với nhiều cuộc đời với một không gian đa chiều, đưa đến một cái nhìn toàn vẹn hơn về con người.

Nhân cách con người là vấn đề trọng tâm trong các sáng tác của Trung Trung Đỉnh. Trong chiều sâu thế giới tâm linh của nhân vật, vấn đề nhân cách là tiếng kêu thống thiết nhất thông qua hồi ức và những giấc mơ, ở đó nhà văn lột tả nỗi cô đơn, hoang mang, bế tắc, đưa lại một hình dung mới về nhân cách con người. Bình trong Ngõ Lỗ Thủng đắm mình trong những cơn mộng mị vì mặc cảm lầm lỡ đánh mất bản thân mình. Trong cơn mộng mị của mình, Bình thoáng nghe thất giọng hát của cô ca sỹ người Anh với điệp khúc

“No! No! No!”. Rồi không gian ấy hoảng loạn hơn bởi tiếng động cơ của máy bay. Hình ảnh anh Gù hiện về với “khẩu súng nhựa, bắn ra những tia lửa nhiều màu”[15,135], còn cô Hạnh đẹp như nàng tiên đang uốn lượn xung quanh Gù. Ông tiến sỹ, bà Huệ và cả Thủy cũng ùa về hòa cùng nhạc điệu bài hát và tiếng máy bay bủa vây lấy anh. Không khí hoảng loạn đó khiến cho

“toàn bộ cơ thể tôi đang lên cơn co giật và tôi cố hết sức gồng mình lên, co chân đạp cật lực vào cửa kính”[15,136]. Rồi Bình thấy như có “sợi dây ma thuật tung lên, trói gọn ngài bộ trưởng”[15,137]. Anh tỉnh giấc bởi tiếng náo động của bên ngoài và rất mau chóng chìm vào mộng mị của cõi thực: “tôi thấy bà Còng dẫn đầu đoàn ca sỹ đang dắt tay nhau chui qua lỗ thủng. Cái lỗ thủng nham nhở cứ to dần ra... Và gió. Gió đang thốc vào quán anh Gù. Gió đang thổi vào ngọn lửa tự thiêu của ông lão Tía. Gió hất hơi nóng hừng hực vào ngưòi tôi. No! No! No!... Không! không! Không!” [15,137].

Xen kẽ trong những hình hài và âm thanh hỗn loạn đó là những đối thoại tiềm thức. Bình đối thoại với ông bộ trưởng, rồi Thủy, lời phán xét của bà

Huệ, lời tri ân của bà Còng, ngữ điệu gay gắt của anh Gù, bài thơ châm biếm của ông tiến sỹ và những luận giải về cuộc sống của Hạnh... Rồi Bình hoảng hốt vùng dậy khi “tiếng nói từ trong mộng mị trở nên méo mó như trong cuốn băng nhão” [15,154]. Anh trở về với tiếng nói tự vấn mình: “tại sao tôi cứ dằn vặt, tự hành hạ mình thế? Tại sao tôi không đạp tung cửa vượt ra khỏi những bế tắc do chính mình tạo ra? Tại sao tôi cứ luẩn quẩn trong căn phòng hôi hám, chật chội đánh vật với những ý nghĩ rồ dại? Tôi là ai? Tôi là ai? Tôi phải trả lời được câu hỏi ấy ư?”[15,154]. Và mau chóng chìm vào cõi thâm sâu của tâm hồn, tiếp tục những ác mộng dở dang: “tự dưng tôi thấy tôi bị đóng đinh câu rút. Cái đinh dóng vào thái dương và sợi dây nhỏ tý sâu vào nó, rút tôi lên khoảng không. Và lũ người ma quỷ quây chặt lấy tôi, hét lên trong khói lửa cái bài hát chỉ có một từ ấy... Sợi dây đứt. Tôi bị rơi xuống vực thẳm đầy rắn rết. Tôi hét lên một tiếng.”[15,155].

Không ảm đạm và hỗn loạn như trong thế giới tâm linh của Bình, đời sống tâm linh của Xoay (Tiễn biệt những ngày buồn) lại tìm về trong những hồi ức về quá khứ, cụ thể là quá khứ về cuộc chiến tranh, nó được khắc họa sinh động hơn thông qua những giấc mơ. Xoay lần mò về quá khứ với những giấc mơ và mộng mị, xen lẫn trong sự hối lỗi vì tâm nguyện chưa thành với những người lính chưa một lần được thấy hòa bình. Những ngày tháng chiến đấu bên đồng đội thân yêu đã giúp anh nhìn nhận cuộc chiến “bình tĩnh hơn, khắc nghiệt hơn”[15,431]. Sự hi sinh và hi vọng của đồng đội với anh không cho phép anh nhìn nhận chiến tranh đơn giản, một chiều. Hơn nữa điều này lại được nhắc nhở hàng đêm qua những tiếng nói từ tiềm thức của đồng đội với những “khuôn mặt thân quen với cái nhìn nghiêm khắc đang chĩa thẳng vào anh”. “Nếu mày có viết thì hãy viết cho trung thực”[15,431]. Và “Chiến tranh hiện ra bẩn thỉu hơn tất cả mọi trò bẩn thỉu mà con người nghĩ ra”[15,434] qua những lời kết án của đồng đội, ký thác vào Xoay. Những cái

chết hiện lên khắc nghiệt trong la hét của sự đau đớn. Các đồng đội lần hồi về tìm Xoay trong giấc mơ, vạch mặt chỉ tên và “chất hết tất cả cái gánh nặng của chiến tranh lên thằng bạn may mắn còn sống sót”[15,434]. Quá khứ và những mộng mị tràn lấp trong cõi thâm sâu khiến cho Xoay cảm thấy như “có vật gì đó chích vào tim anh đau nhói”[14,437], điều đó thúc đẩy anh đến với những đòi hỏi cho sự lựa chọn cao đẹp trong nghề nghiệp của mình. Bỉnh trong Lính trận cũng vậy cứ mỗi lần giáp mặt với cái chết, với đau thương lại lần hồi ngược về ký ức yên bình thời thơ trẻ với thầy u, với những ngày nghịch ngợm, những rung động đầu đời để nhận ra quá khứ là điều vô cùng quan trọng trong tâm hồn.

Với Bình(Lạc rừng), quá khứ và hiện tại luôn đan xen trong suy nghĩ, trong nỗi nhớ nhung. Mặc dù khi ra trận đã thề chỉ có một sống một chết với quân thù nhưng cũng nhiều lúc sợ hãi đến mức tè ra quần. Và nỗi nhớ thì không bao giờ dứt ra được hình ảnh quê hương với những kỷ niệm thân thương. Thậm chí, nhiều lúc Bình đã phải nhờ đến ký ức để xoa dịu nỗi sợ hãi. “Tôi cố chuyển hướng những nỗi lo vượt ra khỏi mặc cảm để trở về với những kỷ niệm thời thơ trẻ, hy vọng nó vực tôi ra khỏi tình cảnh mà tôi đang mắc phải”[16,73]. Với Bình, cách hiệu nghiệm nhất để quên nỗi sợ hãi trước mắt là thả hồn theo ký ức, trở về với kỷ niệm. Cũng như bao nhiêu chàng trai trẻ khác, Bình vào Nam chiến đấu mà nhớ quê nhà đến quặn thắt. “Tôi chạy băng băng trên những gốc rạ, bờ đê và sau đó là con trâu sứt mũi, cổ vại...

Đống lửa rơm bị gió tạt vèo vèo. Và tôi lại thấy tôi vắt vẻo lưng trâu nghêu ngao hát bài hát ngược...”[16,98]. Trong Lạc rừng, những trang viết về ký ức đều hết sức trữ tình. Nhà văn đã cố gắng tạo nên một sự đối lập giữa cái ác liệt, hiểm nguy gian khổ và tình cảm lãng mạn mộng mơ của người lính nhằm xoa dịu bớt nỗi đau, nỗi đắng cay của đời lính trận. Và đằng sau sự đối lập đó, người đọc càng hiểu hơn đời sống tinh thần của người lính. Có thể khẳng

định, Lạc rừng là một bản ghi chép khá đầy đủ diễn biến tâm hồn của người lính tham chiến kể cả hai phía ta và địch. Nhà văn đã nhìn thấu tâm hồn của họ với những cung bậc tình cảm khá phức tạp đang diễn biến không ngừng.

Bình có nhớ nhung, có sợ hãi, có cả khao khát, thèm muốn. Kon-lơ cũng có ước mong, có thổn thức, có cả sự nhịn nhục của kẻ tù binh..., du kích Bin cũng có những đắng cay, ẩn ức khó diễn đạt thành lời... Tất cả đều góp phần phản ánh số phận bi thương của con người khi bị guồng máy chiến tranh cuốn vào và sẵn sàng nghiền nát.

Có thể thấy, hành trình khám phá thế giới tâm linh đồng nghĩa với quá trình con người tự ý thức về mình. Trong thấu kính đó, con người được soi rõ từng tâm can, phơi bày tận cùng những trạng thái tinh thần và diễn biến phức tạp của tâm lý. Miêu tả, khắc họa nhân vật có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc bao nhiêu thì đó là chính là thước đo cho thành công của tác giả bấy nhiêu. Trung Trung Đỉnh luôn cố gắng đi sâu vào cõi tâm linh của con người, dường như đây là cảm hứng khám phá chính của nghệ thuật với những ký ức âm thầm, dang dở, những giấc mơ hiện hữu hoặc phai tàn hay những khoảng trống rỗng bần thần cho đến những ám ảnh, lo âu của con người khi phải đối diện với cuộc sống hiện đại. Ông đã đi vào thế giới tâm linh để lột tả nỗi cô đơn, sự hoang mang, bế tắc của nhân vật. Thế giới nội tâm đa chiều của nhân vật trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh tuy được thể hiện đậm nhạt khác nhau qua từng kiểu nhân vật, nhưng tất cả đều lôi cuốn người đọc chảy theo dòng tâm lý, theo chiều sâu tâm tưởng, đó chính là minh chứng cho khả năng nắm bắt tâm lý đặc biệt của tác giả.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh (LV00893) (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)