Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh (LV00893) (Trang 70 - 74)

CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Ngoại hình nhân vật trong tác phẩm văn học luôn là một phương diện gây ấn tượng, góp phần quan trọng trong việc cá tính hóa nhân vật. Thông qua dáng vẻ bên ngoài bao gồm y phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo… nhà văn gửi gắm vào đó những quan niệm riêng của mình về con người, về nhiều mặt của đời sống. Nếu như văn học trung đại thường xây dựng ngoại hình nhân vật với những chi tiết ước lệ, tượng trưng thì văn học hiện đại lại đòi hỏi những chi tiết có ý nghĩa gợi tả chiều sâu. Nhà văn hiện đại miêu tả ngoại hình không phải chỉ để cho có, mà ẩn đằng sau ngoại hình nhân vật luôn là những gửi gắm quan niệm sâu sắc.

So với Chu Lai và Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh ít chú ý đến việc miêu tả ngoại hình nhưng khi đã miêu tả thì mỗi nhân vật luôn mang một dáng vẻ riêng không chỉ dễ nhận dạng mà còn là nơi thể hiện những hàm ý rất sâu xa của nhà văn. Để miêu tả những anh lính trẻ mới ngày đầu nhập ngũ nhà văn đã dùng những nét đặc trưng rất tiêu biểu “ngày còn là cậu lính trơn đầu xanh tuổi trẻ, vừa rời ghế nhà trường, tiếng đang vỡ ồm ồm, ria mép lún phún, đi đứng rất ưa khệnh khạng” [18,5]. Anh lính trẻ nào hẳn cũng có một diện mạo đại loại như vậy, nhưng cách miêu tả của Trung Trung Đỉnh lại gợi lên nét hồn nhiên, trong trẻo. Trong Lính trận, anh lính nào cũng có những đường nét riêng, hiện lên ngay từ cách gọi tên nhân vật: “Tiểu đội chúng tôi có thằng Khôi đen. Thằng Nam ú ớ. Anh Tụ già. Thằng Xuyên con, Chính béo, Ton ngồng, tôi Bỉnh choắt, hay còn gọi là Bỉnh còi. Rồi anh Tíu xoăn, Báu chèo, Ty hâm” [18,15]. Sau những cái tên ấy nhà văn đi vào lý giải thông qua việc miêu tả những nét đặc trưng về ngoại hình của nhân vật. Đầu tiên phải kể đến

là nhân vật Khôi đen “Da nó đen cháy, lại cao lênh khênh, mũi nhòm mồm”

[18,18]. Rồi đến “Anh Tíu tóc xoăn tự nhiên, ngâm thơ nổi tiếng nhất tiểu đoàn”[18,27]. “Báu có gương mặt trái xoan, tiếng vang lanh lảnh, miệng nhỏ, răng đều, mắt to, dáng mảnh, nói chung nó vừa đẹp trai nhanh nhẹn, theo đúng kiểu một chàng trai thư sinh nhưng không hề èo uột, yếu đuối” [18,26].

Đào “da trắng, người thanh mảnh, giọng nói cũng trong veo như con gái”

[18,253]. “Tiểu đoàn trưởng Khâm có dáng người thật đẹp: cao to, cân đối nên thấy rất sang, miệng rộng, lưng dài, giọng nói lúc nào cũng nghiêm nhưng mà sao vẫn cứ thấy gần gũi” [18,25]. Ngoại hình nhân vật được đặt từ điểm nhìn của Bỉnh còi - một người lính đang tràn đầy quyết tâm ra trận, có chút xa lạ nhưng coi những người trong cùng đơn vị là những anh em cùng chí hướng, vì vậy mà tràn ngập những nét chân thực đến hồn nhiên. Đằng sau những nét ngoại hình gần gũi ấy là tình cảm mà nhà văn gửi gắm. Đó có lẽ chính là những hồi tưởng đầy tự hào về những người đồng chí trong những ngày sát cánh cùng nhau trên chiến trường từ thời nhà văn còn cầm súng.

Đối với nhân vật phụ nữ, Trung Trung Đỉnh cũng chú ý vào những nét đẹp đặc trưng của họ đó là mái tóc, đôi mắt, nước da, dáng người…“Em Nụ có dáng người rất thon thả… Đôi mắt Nụ sắc như dao cau. Hai má em lúc nào cũng ửng hồng mòng mọng” [18,125]. “Xuyến có mái tóc dài chấm gót, da trắng như trứng gà bóc, phải tội cằm em hơi bạnh nhưng mắt lại to và sáng”

[18,142]. H’Riêu “cô ta có đôi mắt lúng liếng và đôi môi đỏ như ăn trầu”

[18,226]. Nhài trong Sống khó hơn là chết lại được miêu tả “dáng người mảnh mai, da trắng hồng, lại có giọng hát trong trẻo và tự nhiên”[17,28], “ngày xưa tóc chị dày buông thõng đến tận khoeo chân” [17,36]. Những người phụ nữ ấy hiện lên là những cô gái vừa xinh đẹp, vừa duyên dáng. Nét đẹp ấy có khi được miêu tả qua lăng kính của một anh lính trẻ mơ mộng chuyện yêu đương, cũng có khi được nhìn qua sự cảm nhận về những biến thiên của cuộc đời. Nếu chị

Nhài gặp được người tử tế, có lẽ nhan sắc ấy đã có được một số phận hạnh phúc. Thật mai mỉa khi dường như chính nét đẹp ngoại hình ấy lại trở thành tai họa của đời chị, khiến chị gặp phải một tên họ Sở, khiến chị bị đẩy đưa đến tận cùng của nghèo khổ, bệnh tật, bi kịch. Người đọc chắc chắn sẽ không thể không ngậm ngùi tiếc nuối cho một cuộc đời bất hạnh.

Với những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên Trung Trung Đỉnh lại có những cách miêu tả rất riêng, làm toát lên vẻ đẹp đặc trưng của những con người nơi núi rừng. Khi miêu tả Bin (Lạc rừng) nhà văn đã lựa chọn những chi tiết rất tiêu biểu “Tôi thấy anh ta cũng đóng khố cởi trần, nét mặt cương nghị, từng trải nhưng non tơ và hiền hậu” [16,14]. “Bin có gương mặt hơi vuông, rất sáng, đầy lông tơ”[16,30]. Qua cách miêu tả ấy ta thấy toát lên hình ảnh một anh lính du kích trẻ vừa hiền từ, vừa cương nghị. Còn Già Phới lại miêu tả qua cách nghĩ, cách cảm nhận của nhân vật Bình “Tôi chưa bao giờ thấy cụ già, già tới chừng ấy. Cụ ngồi trên tấm dồ, ở trần, da trên người cụ nhăn nhúm dễ sợ. Nó vừa khô, vừa mốc thếch. Cụ không có râu, tóc lưa thưa, đôi mắt nhỏ tinh anh” [16,22]. Nhà văn đã lựa chọn nét đặc trưng tiêu biểu nhất để miêu tả người già đó là làn da, nó nhăn nhúm dường như không còn sự sống, nhưng trái ngược với làn da ấy là đôi mắt tinh anh của một già làng, một người lãnh đạo tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tây Nguyên.

Cũng qua cái nhìn của Bình nhân vật Kon-lơ hiện lên thật khác lạ “da đỏ au, mắt xanh lè, mũi diều hâu, tóc tai, lông lá đều vàng như lông chó” [16,45].

Ngoại hình ấy được cảm nhận bằng chính sự ác cảm của anh lính lạc rừng nên được miêu tả có phần xấu xí, mọi rợ. Đây là một tên lính Mĩ duy nhất trong tiểu thuyết được Trung Trung Đỉnh chú ý miêu tả ngoại hình, còn lại chỉ được tác giả phác qua về một tư thế chết ghê rợn nào đó, một kiểu đánh nhau thô kệch nhưng man rợ nào đó. Cảm nhận chung rất dễ nhận thấy chính là thái độ không đội trời chung đối với lũ giặc cướp nước ấy của nhà văn.

Đối với nhân vật Gù trong Ngõ lỗ thủng thì rõ ràng tác giả đã gửi gắm thái độ của mình về cuộc đời. Không phải tự nhiên mở đầu tác phẩm Trung Trung Đỉnh lại nhắc đến hàng loạt những anh Gù khác. Họ đều giỏi kiếm tiền từ chính đặc điểm khiếm khuyết trên cơ thể mình. Họ cũng đều có một gia đình hạnh phúc, song đó là thứ hạnh phúc giả tạo khi mà các cô vợ đẹp của họ đều sinh ra những đứa con chẳng giống anh Gù. Loại người vì tiền không màng đến liêm sỉ kiểu như các bà vợ xinh đẹp ấy không thiếu, nên bức tranh hạnh phúc của họ cứ hiện lên đầy mai mỉa. Anh Gù- nhân vật chính của tác phẩm thì lại được miêu tả khá kỹ. Anh không có chân, đúng hơn là có chân nhưng có để cho có cái gọi là chân chứ thực ra anh chẳng thể đứng lên bằng hai cái núm thịt quặt quẹo ấy. Nhà văn miêu tả: “Gù đi bằng hai tay trên chiếc ghế. Chính vì vậy mà hai khối u trên hai vai Gù mỗi ngày một đầy lên. Nhưng mà hai cánh tay, bộ ngực của Gù thì thật là cường tráng. Gù có khuôn mặt trái xoan rất dễ ưa, thêm nữa, trên khuôn mặt ấy, đôi mắt Gù mở to, đẹp đến lạ lùng. Hàm răng, mái tóc là góc con người. Khuôn mặt Gù, hàm răng Gù, mái tóc Gù y hệt là của mẹ truyền cho. Khóe miệng hơi rộng với hàm răng đều tăm tắp. Cái trán hơi dô với bộ tóc đen như mun, mai trổ dài xuống, nom cứ như Lã Bố”[15,17]. Nhà văn làm nổi bật sự đối lập giữa hình dáng dị tật và những nét đẹp trên gương mặt Gù. Điều ấy gợi lên chút xót xa, nhưng cũng là gợi lên một cách nhìn nhận về một thứ văn hóa “ngõ lỗ thủng”. Điều ngạc nhiên nhất ở đây là cả cái ngõ có lối hành xử theo một văn hóa rất riêng ấy lại nể một anh Gù.

Như vậy, mặc dù không chú trọng vào việc miêu tả ngoại hình của nhân vật nhưng qua những nhân vật được miêu tả, ta thấy đây cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên nét độc đáo riêng cho tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh (LV00893) (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)