CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ
3.2.2. Ngôn ngữ độc thoại
Tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh ít miêu tả hành động nhân vật, nhà văn chú ý nhiều đến đời sống nội tâm nhân vật. Do đó, trong cách thể hiện đời sống tâm lý nhân vật, ông sử dụng độc thoại nội tâm “để thực hiện quá trình tâm lý nội tâm” của nhân vật.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.
Ngôn ngữ độc thoại thường gắn với kiểu nhân vật tự ý thức, nhân vật mang bi kịch nội tâm, gắn với những câu chuyện có tính chất tự truyện do nhân vật xưng “tôi”- người trong cuộc kể để bộc lộ những suy nghĩ sâu kín của mình.
Vì vậy nó là ngôn ngữ rất nhạy cảm. Khi vui con người thường biểu hiện ra ngoài bằng nét mặt, cử chỉ, hành động. Còn khi buồn, con người thường tĩnh lặng, trầm tư, chìm vào dòng suy nghĩ. Qua độc thoại nội tâm, con người như được sống lại một lần nữa ở chiều sâu hơn cái thế giới của riêng mình. Từ đó mà những uẩn khúc khó giãi bày cũng được bộc lộ.
Độc thoại là lời nhân vật tự nói với mình, về mình và mọi người, độc thoại là hướng vào chính mình. Nhưng phần lớn những lời độc thoại trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh không xuôi chiều mà thể hiện những xung đột, mâu thuẫn gay gắt trong nhân vật. Lời độc thoại ở đây là cuộc đối thoại giữa những luồng tư tưởng tình cảm trái chiều trong một con người.
Bình trong Lạc rừng rơi vào một tình thế buộc phải thích nghi, hòa đồng cùng với buôn làng mà anh bị lạc vào. Đó quả là một cuộc đấu tranh để chiến thắng chính mình, để vượt qua rào cản của ngôn ngữ, phong tục và cả một nền văn hóa. Trong con người Bình luôn là sự đấu tranh, luôn tự hỏi, băn khoăn nghi ngờ và tự lý giải vì thế bên trong người lính trẻ này luôn là những dòng độc thoại nội tâm: “Tôi nghĩ nhiều đến sự an toàn của cuộc sống phía sau. Cứ như trong mơ tôi đã thoát khỏi chuỗi ngày khốc liệt triền miên trong bom đạn.
Tôi thực lòng không phải hạng người ham sống theo lối những cuộc họp kiểm điểm nhau. Ấy vậy mà giờ đây chỉ nghĩ tới sự sống sót của mình, tôi cảm thấy sướng run lên vì những ý nghĩ an phận” [16,96]. Quá trình cố gắng hòa nhập với dân làng không ít lần đẩy Bình vào những suy nghĩ, dằn vặt, buồn lo, khắc khoải, nhất là khi không được coi như một thành viên chính thức “Vậy mà tôi đã nhiều lúc quên rằng, mình chỉ là một tay súng dự bị, một thành viên dự bị!
Tôi cứ ngỡ những gì làm được của tôi trong những ngày qua đã đủ để chứng tỏ tôi yên tâm công tác và sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, dù khó khăn đến mấy cũng kiên quyết hoàn thành. Té ra tôi được họ nhìn nhận như thế này đây”[16,69-70]. Bình bị đẩy đến trạng thái tâm lý luôn ngầm so sánh cách cư
xử của mọi người đối với tên Kon- Lơ và mình: “Tôi cảm thấy hắn có một vẻ mặt vô cảm trong tất cả mọi tình huống, điều ấy càng khiến tôi căm thù hắn hơn. Nếu không có hắn, có thể tôi đã được các anh nhìn nhận khác. Nhưng chẳng lẽ các anh coi tôi là người ngoài cuộc?”[16,70]. Bên trong con người Bình luôn là những nghi ngờ, đấu tranh, dằn vặt, để nhận thức và hòa nhập với cộng đồng người Banar. Nó thường diễn ra vào những thời điểm nhân vật chỉ có một mình. Đó là thời gian để anh ngẫm nghĩ về những việc mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Ngay cả khi được trả về đơn vị cũ, Bình vẫn không thôi nghi ngờ, dằn vặt mình với tâm trạng đầy tiếc nuối.
Miêu tả quá trình phát triển tâm lý của con người được xem là nhiệm vụ khó khăn của người viết tiểu thuyết. Trung Trung Đỉnh dường như giải quyết nhiệm vụ khó khăn ấy một cách suôn sẻ ở hầu hết tác phẩm của mình. Nhân vật luôn có đời sống nội tâm phức tạp, có quá trình diễn biến theo từng biến cố. Bởi vậy thông qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, thế giới bên trong con người với tất cả hoài bão, ước mơ, trăn trở, tư tưởng, tình cảm được hiện lên một cách chân thực sinh động.
Trong Sống khó hơn là chết, độc thoại nội tâm diễn ra không chỉ là độc thoại trực tiếp mà còn gián tiếp qua sự hồi tưởng. Rất nhiều những câu chuyện trong tác phẩm được kể lại qua ký ức. Qua lời kể của nhân vật đồng tiền dòng độc thoại nội tâm được thể hiện lúc thì qua nhân vật đồng tiền, lúc thì qua nhân vật nhà văn, lúc của nhân vật Hải. Đó là những dằn vặt, suy nghĩ trước những vấn đề mà nhân vật được chứng kiến. Khi nghĩ đến chị Nhài tội nghiệp đáng thương “Có lẽ đã lâu rồi bà mới có tài khoản đáng kể thế. Những giọt nước mắt rơi xuống tôi, khiến toàn thân tôi run lên. Giá tôi có thể hóa thành một trăm một ngàn tờ… Nhưng biết làm thế nào khác được, một khi tôi là tiền lẻ của người này, và là tiền chẵn, là khoản tài sản lớn của người khác”[17,32]. Sự thất vọng khi nghĩ về lòng tham của con người đã rất nhiều
lần đồng tiền phải thốt lên với chính mình “Nếu tôi biết nói, biết kêu, hẳn tôi sẽ kêu to lên rằng, con người các người tệ bạc quá! Các người lừa nhau từng miếng để rồi tự lừa đảo mình”[17,41]. Ở đây, các độc thoại nội tâm xen kẽ với đối thoại và cũng không được để trong những dấu hiệu báo trước sự mở đầu và kết thúc, kèm theo đó luôn là những lời thuyết minh tình huống, tâm lý nhân vật do người kể kể lại. “Chẳng lẽ những đồng tiền tự nó đẻ ra được sự xảo trá? Hay bản tính của con người mang sẵn sự tham lam xảo trá mĩ miều?[17,43]. Rất nhiều những câu chuyện và tình huống đan xen lồng ghép vào nhau kéo theo đó là những dòng độc thoại nội tâm sâu sắc, quyết liệt để nhân vật nhận diện mục đích và nhận diện chính mình. Sự đan cài giữa hiện tại và quá khứ với hiện thực đời thường đã làm cho nhân vật bộc lộ mình một cách đầy đủ nhất.
Có thể nói, độc thoại nội tâm đóng vai trò chủ yếu trong phương thức trần thuật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh. Nó trở thành một thủ pháp nghệ thuật hiệu quả trong quá trình nhân vật tự nhận thức. Trong tâm hồn của nhân vật Hải những ký ức của thời trẻ vẫn ngự trị như một ám ảnh khôn nguôi. Con người anh hiện lên trong tác phẩm như một sinh thể tư duy vừa bấn loạn, vừa tỉnh táo: “Thế cậu là ai? Hải tự hỏi mình. Ta là tổng hòa các mối mâu thuẫn của các người. A ha! Lắm lời! Điên loạn và mụ mị, không đầu không cuối.
Băm sáu tuổi lần nào yêu cũng tan vỡ… Băm sáu tuổi đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường đánh Mĩ… Các vết thương ở vai, ở ngực, và ở đầu vẫn thường nhắc nhở khi chuyển thời tiết… Phải nhớ lấy! Phải luôn luôn nhớ lấy và anh không được chểnh mảng quên rằng, bên trong cái túi Tinh Thần bùng nhùng của anh vẫn còn tôi-anh chàng Lý Trí”[17,79-80]. Lúc lại vừa hối hận vừa tiếc nuối: “Hiên đấy à? Không phải! Hiên đã có chồng có con, đã có một cuộc sống bình thường, theo cách nói của cô trong lần gặp lại duy nhất, chỉ là tình cờ anh đi lang thang trên phố và Hiên đạp xe ngược chiều... Tại sao hồi
ấy ta không dấn sâu thêm một bước nữa? Một bước nữa thôi! Tại sao cái buổi chiều không ra vui cũng không ra buồn ấy, ta lại không dẫn Hiên đi chơi đâu đó cho cuộc sống tươi lên? Tại sao Hiên không níu ta lại? Ta đích thị là một tên ích kỷ và xứng đáng được đối xử như vậy... Ta có yêu nàng không?”
[17,105]. Hàng loạt những câu hỏi “tại sao” được Hải đặt ra trong sự dằn vặt, khắc khoải, nuối tiếc, luôn phải tự đấu tranh với mình liên tục để nhận diện mục đích và nhận diện chính mình.
Lính trận là tiểu thuyết triền miên những độc thoại nội tâm của nhân vật. Thế giới tâm hồn Bỉnh là thế giới xen kẽ giữa thực tại và quá khứ, phần quá khứ nhẹ nhàng len lỏi về trong hiện tại. Chiến tranh, đồng đội, thân phận con người khiến anh luôn mơ hồ nhận thấy thèm khát được quay về miền bình yên thời thơ trẻ để được đắm mình trong yêu thương bình dị của thầy u, trong những trò nghịch ngợm con trẻ, trong những cảm xúc tình yêu trong veo đầu đời. Cái miền bình yên ấy như một thứ ánh sáng diệu kỳ giúp anh vượt qua thực tại khắc nghiệt. Không phải tự nhiên sau cái chết của Xuyên, anh lại miên man nghĩ về tuổi thơ rồi đột ngột gọi tên đồng đội: “Xuyên ơi, tao vẫn coi mày như thằng em út ở nhà. Sao mày khổ thế, từ bé đến giờ toàn ăn cơm độn. Đi bộ đội mới được chưa đầy một năm...”
[18,79]. Gọi đồng đội nhưng thực chất là độc thoại với chính mình, thể hiện niềm đau xót khôn nguôi.
Như đã nói, nhân vật trong tiểu thuyết sau 1986 là nhân vật được xây dựng nên từ chiều sâu tâm lý, do đó độc thoại trở thành một điều tất yếu để diễn tả tính cách, tâm trạng nhân vật. Ngõ lỗ thủng thông qua những dòng độc thoại để thể hiện những tâm hồn bế tắc, cô đơn, hoang mang tự nhận thức và lý giải. Nhân vật Bình luôn độc thoại với chính mình nhưng cũng là đang đối thoại với những vấn đề mà anh phải trải qua. Khi bị lâm vào tình trạng cô đơn, đến nỗi lúc nào cũng thảng thốt, hoảng sợ, khi mà những ám ảnh đã trở
thành những mặc cảm. Cho dù đã xóa đi bằng những cuộc dạo chơi ngoài trời và sau đó là những lần tắm gội công phu. Nhưng mọi thứ đều không xóa được dấu vết tối tăm của kẻ phạm tội. “Tôi nơm nớp đợi chờ ông tiến sĩ tới. Cả anh Gù nữa. Nếu như anh Gù biết chuyện, thế nào anh cũng sai đàn em khiêng anh đến. Anh sẽ xử tôi giống như anh đã từng làm thế với nhiều người. Còn ông tiến sĩ. Ông sẽ lặng lẽ ngồi vào ghế mây duy nhất trong nhà với nét mặt tái nhợt lạnh lùng đến tàn nhẫn...”[15,123]. Lúc nào Bình cũng sống trong tâm trạng lo âu thấp thỏm, anh sợ sự cô đơn, sợ cái im lặng đến ghê người. Những lúc như vậy trong con người anh lại nổi lên cơn bão của sự ăn năn, hối hận.
Anh thèm một tiếng động thậm chí một lời chửi rủa để không bị rơi vào trạng thái bấn loạn, mộng mị: “Im lặng! sao lại đột ngột im lặng? Sao mày không ném đá nữa đi, Minh? Sáng mai tôi sẽ phải sang nhà lão Hợi xin lỗi. Đúng thế tôi có lỗi với lão. Và tôi hi vọng lão sẽ mời tôi một ly rượu do chính tay lão nấu”[15,149]. Mỗi lần như thế Bình lại cuộn mình trong chăn, cố gắng không nghĩ ngợi gì cả để cho những ký ức, những lỗi lầm không trở lại nhưng bất lực:
“Không nghĩ ngợi gì cả! Không nghĩ ngợi gì cả? Nếu có nghĩ ngợi, hãy nghĩ đến tình yêu...”[15,150]. Dòng độc thoại của anh chứa đựng đầy những ẩn ức, nó như là một cuộc vạch trần bản chất thật sự của những con người lâu nay tưởng như là cao quý tốt đẹp. Đó là cơ hội để người ta dám nhìn thẳng vào sự thật, phanh phui sự thật đang tạo nên những lỗ thủng trong nhân cách của mỗi con người. Để rồi đến phút cuối nhân vật tôi đã phải thốt lên: “Tôi thèm được điên, thèm được mất hết lý trí. Tôi thèm được như thằng Gù. Nó đang điên vì tình. Nó khao khát được yêu và nếu không được yêu, nó khao khát trả thù”
[15,158]. Thật là bất hạnh khi con người ta không được sống là chính mình, khi cứ phải cố che đậy bản chất bên trong. Được sống được yêu như Gù cũng đã là một hạnh phúc đáng trân trọng và gìn giữ lắm rồi.
Lép Tônxtôi cho rằng “Mục đích của nghệ thuật là nói lên tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được”. Bằng biện pháp độc thoại nội tâm, Trung Trung Đỉnh đã cho ta thấy những trắc ẩn, lo toan sự đấu tranh dằn vặt trong cuộc đời của mỗi nhân vật. Khát khao đi tìm những ẩn ức bên trong của con người bằng cách đi sâu vào đời sống tâm linh của họ, điều này đã làm cho nhân vật của ông trở nên sinh động với những bi kịch tinh thần căng thẳng và quyết liệt. Những đợt sóng ý nghĩ luôn luôn va chạm, đối chọi làm thành những cuộc đối thoại đầy ý nghĩa đã thể hiện những tìm tòi thể nghiệm của Trung Trung Đỉnh nhằm mục đích cách tân về hình thức diễn đạt, về nghệ thuật ngôn từ để tiến gần hơn với những đổi mới cách tân trong tiểu thuyết. Đó là những thành tựu không thể không ghi nhận trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh.