CÔNG TÁC THANH TRA THUẾ
1.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến qlrr thuế trong công tác thanh tra thuế
QLRR trong hoạt động thanh tra thuế chịu ảnh hưởng bởi nhiều các nhân tố chủ quan và khách quan. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng chủ yếu bao gồm:
1.3.1 Hệ thống pháp luật có liên quan.
Hoạt động thanh tra nói chung, hoạt động thanh tra thuế nói riêng đều phải dựa trên một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Hệ thống pháp luật trực tiếp liên quan đến hoạt động thanh tra thuế có thể phân chia thành hai nhóm:
- Nhóm pháp luật đảm bảo quyền thực thực thi nhiệm vụ thanh tra qui định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, các điều kiện cần thiết khác đối với tổ chức, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công tác thanh tra. Thanh tra thuế thực hiện quyền kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động khai nộp thuế của DN, do vậy quy định về thẩm quyền của thanh tra thuế mạnh sẽ giúp thanh tra thuế tăng tính hiệu lực thi hành.
- Nhóm pháp luật về thuế: Một hệ thống pháp luật thuế đồng bộ, hoàn thiện, các sắc thuế đơn giản, rõ ràng minh bạch và phù hợp với tình hình KTXH của đất nước thì sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để CQT và DN hiểu, nghiêm túc tuân thủ thực hiện. Ngược lại, nếu các văn bản thuế chồng chéo, quy định không rõ ràng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và thủ tục quy định rườm rà thì sẽ gây khó khăn cho thanh tra thuế, dẫn đến DN có thể phản bác, khiếu nại kết luận thanh tra, gây ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả thanh tra thuế.
Các văn bản pháp luật là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền và hiệu lực của thanh tra thuế. Mặt khác, xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của NNT. Những quy định chế tài xử lý vi phạm rõ ràng, hợp lý trong các văn bản pháp luật cũng góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật thuế.
1.3.2 Tổ chức bộ máy và số lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ thanh tra thuế
Tổ chức bộ máy thanh tra có vai trò quyết định đến chất lượng QLRR trong thanh tra thuế. Nếu việc phân bổ nguồn nhân lực thanh tra theo QLRR một cách hợp lý, xây dựng được hệ thống bộ máy thanh tra các cấp khoa học, tinh gọn, đồng bộ, thống nhất cao, bao quát được hết các lĩnh vực và NNT thì sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra thuế. Ngược lại, bố trí bộ máy thanh tra không phù hợp: cồng kềnh, không bao quát được hết NNT, phân định không rõ
trách nhiệm giữa các bộ phận hoặc bố trí nhân sự quá mỏng cho bộ phận phân tích, đánh giá rủi ro trong thanh tra thuế thì sẽ làm giảm chất lượng phân tích đánh giá rủi ro NNT dẫn đến hạn chế kết quả thanh tra thuế.
Con người là yếu tố quyết định tới sự thành, bại của mọi công việc, trong đó có công việc QLRR trong hoạt động thanh tra thuế. Để phát huy tốt yếu tố con người trong công việc này, yêu cầu đặt ra là nguồn nhân lực thanh tra cần phải có đủ về số lượng để bao quát được hết các lĩnh vực thanh tra đồng thời nguồn lực phải có trình độ chuyên sâu (có hiểu biết sâu rộng về pháp luật thuế, pháp luật kế toán, hiểu biết tương đối đầy đủ về các kiến thức kinh tế, kỹ thuật về ngành nghề hoạt động của NNT được thanh tra. Có tác phong chuyên nghiệp (có kỹ năng, phương pháp thanh tra thành thạo), đặc biệt phải có đạo đức nghề nghiệp để không bị cám dỗ, mua chuộc về vật chất. Do vậy, phải luôn có quy trình tuyển chọn và đào tạo chuyên sâu, có chiến lược quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo thanh tra thuế công khai và công bằng để tạo động lực phát huy đội ngũ này trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh tra. Nếu làm tốt các yêu cầu trên đây sẽ nâng cao hiệu quả áp dụng QLRR trong thanh tra thuế và ngược lại.
1.3.3 Quy trình và phương pháp thanh tra thuế theo QLRR
Quy trình thanh tra thuế theo QLRR. Một quy trình thanh tra thuế nói chung (xem mục 1.1.5) và quy trình QLRR trong công tác thanh tra thuế nói riêng (xem mục 1.2.4) được thiết kế khoa học, hợp lý, sẽ giúp cho hoạt động thanh tra đúng pháp luật, tiết kiệm thời gian và chi phí, thuận tiện cho CQT và NNT, đặc biệt quy trình thanh tra thuế theo QLRR nhấn mạnh mức độ quan trọng ở bước lập kế hoạch thanh tra, đó là phải xác định, lựa chọn được NNT có rủi ro thuế cao để đưa vào kế hoạch thanh tra thuế có như thế các bước tiếp theo trong quy trình thanh tra mới diễn ra thuận lợi và thu được kết quả tốt đẹp và ngược lại.
Để quy trình thanh tra thuế theo QLRR phát huy hiệu quả, đòi hỏi phải có Phương pháp thanh tra thuế theo QLRR tương ứng.
Phương pháp thanh tra thuế theo QLRR thực chất là việc phân loại, đánh giá NNT dựa trên nền tảng là hệ thống các tiêu chí, chỉ số phân tích, đánh giá rủi ro thuế (đã trình bày ở mục 1.2.4) nhằm lựa chọn ra những NNT có mức độ tuân thủ thuế thấp và khả năng gian lận thuế cao, từ đó, tập trung nguồn lực thanh tra theo nguyên
tắc: ưu tiên nguồn lực thanh tra những NNT được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro thuế cao đồng thời áp dụng các biện pháp phù hợp đối với những trường hợp được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro thuế thấp. Như vậy, việc xây dựng hệ thống các tiêu chí, chỉ số phân tích, đánh giá rủi ro thuế hợp lý, khoa học và phù hợp với thực tế sẽ đảm bảo cho phương pháp thanh tra thuế theo QLRR phát huy tác dụng dẫn đến đem lại hiệu quả cao cho công tác thanh tra thuế trong thực tế và ngược lại.
1.3.4 Hệ thống thông tin phục vụ cho công tác thanh tra thuế theo QLRR
Hệ thống cơ sở dữ liệu về NNT.
Là hệ thống mà thông tin, dữ liệu do Tổng cục Thuế xây dựng và quản lý tập trung; hệ thống được kết nối và tiếp nhận thông tin từ các nguồn thông tin dữ liệu liên quan trong và ngoài ngành Thuế như: (i) Từ NNT (tình hình đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, thông tin về nhân thân và quá trình hoạt động SXKD, hoạt động liên kết... của NNT), (ii) Từ phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan (iii) Từ thu thập thông tin trên cơ sở hoạt động nghiệp vụ Thuế, (iv) Từ bên thứ ba... Đây là cơ sở, điều kiện cần thiết giúp CQT thu thập, quản lý thông tin NNT đầy đủ, chính xác, kịp thời trên hệ thống để phục vụ việc tích hợp, cập nhật thông tin, đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá rủi ro.
Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế.
Là hệ thống thông tin, dữ liệu do cơ quan thuế quản lý để thu thập, xử lý và cung cấp các sản phẩm thông tin nghiệp vụ cho các hoạt động nghiệp vụ thuế, trong đó có nghiệp vụ thanh tra thuế, hệ thống thông tin, dữ liệu bao gồm các thông tin chủ yếu sau: thông tin chung của NNT; thông tin về hồ sơ khai thuế, thông tin vi phạm pháp luật thuế của NNT; thông tin về kết quả thanh tra và xử lý sau thanh tra.
Hệ thống tiêu chí phân tích đánh giá rủi ro qua đó, giúp cơ quan thuế có căn cứ vững chắc để (i) Đánh giá tuân thủ (đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật về của NNT) đúng đắn, (ii) Đánh giá rủi ro (đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với NNT hợp lý và (iii) Cảnh báo rủi ro, phân luồng, đưa ra các yêu cầu nghiệp vụ để định hướng, hỗ trợ kiểm tra, giám sát các nội dung quản lý thuế một cách kịp thời.
Nếu Hệ thống cơ sở dữ liệu về NNT và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế được đầu tư xây dựng đúng mức và luôn được cập nhật kịp thời những thông tin hữu ích, đầy đủ và chính xác, nó sẽ là cơ sở quan trọng để CQT
đánh giá tuân thủ và đánh giá rủi ro về NNT đúng đắn, hợp lý. Từ đó, sẽ nâng cao hiệu quả QLRR trong công tác thanh tra thuế và ngược lại.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác thanh tra thuế
Trong quy trình thanh tra hiện đại, mức độ thành công của công tác thanh tra trên cơ sở phân tích rủi ro phụ thuộc chủ yếu vào mức độ ứng dụng hệ thống công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho công tác thanh tra.
Cơ sở hạ tầng thông tin được đầu tư hiện đại, đầy đủ phục vụ QLRR trong quản lý thuế nói chung và trong công tác thanh tra thuế nói riêng sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả của QLRR trong thanh tra thuế.
Ngược lại, nếu hệ thống máy chủ yếu kém, đường truyền với dung lượng nhỏ và tốc độ thấp, máy tính tác nghiệp lạc hậu thì cán bộ thanh tra thuế sẽ gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp, thời gian thanh tra sẽ bị kéo dài, kết quả phân tích, đánh giá rủi ro sẽ thiếu chính xác...
1.3.5 Tính độc lập và sự phối hợp của các cơ quan khác trong thanh tra thuế
Tính độc lập trong hoạt động thanh tra thuế.
Khi tính độc lập trong hoạt động thanh tra được đảm bảo bằng các văn bản pháp luật rõ ràng nhất quán thì hoạt động thanh tra thuế sẽ đem lại hiệu quả tích cực. QLRR trong hoạt động thanh tra thuế, thực chất và cốt lõi là QLRR trong việc lựa chọn đối tượng thanh tra. Việc áp dụng phân tích, đánh giá rủi ro NNT dựa theo các tiêu chí, chỉ số chấm điểm để lựa chọn đối tượng thanh tra hàng năm một cách độc lập khách quan sẽ giúp thanh tra thuế lựa chọn đúng và chính xác đối tượng cần thanh tra, từ đó sẽ đem lại kết quả thanh tra tốt. Ngược lại, nếu tính độc lập bị lấn át bởi sự lựa chọn chủ quan tùy tiện, theo cảm tính, theo sự chỉ đạo, sắp xếp của cấp trên thì kết quả thanh tra sẽ hạn chế, gây tổn hại cho cả NSNN và đối tượng được thanh tra.
Bởi vậy, sự độc lập trong hoạt động thanh tra thuế không chỉ có tác động đến kết quả thanh tra mà còn góp phần phát triển và hoàn thiện áp dụng cơ chế QLRR trong hoạt động thanh tra.
Sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.
Trong quá trình quản lý thuế nói chung và QLRR trong công tác thanh tra thuế nói riêng, CQT rất cần có sự phối hợp của các ban ngành chức năng có liên quan
như: BTC, Tổng cục hải quan, Kho bạc nhà nước, cơ quan công an, cơ quan quản lý NNT được thanh tra hoặc thậm chí là khách hàng, đối tác của NNT...Nếu CQT nhận được sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan một cách tích cực và có trách nhiệm cao thì CQT sẽ thu thập và xử lý được các thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, tạo cơ sở tin cậy cho việc lựa chọn NNT, lập kế hoạch và thực hiện thanh tra, ra kết luận thanh tra thuế và đôn đốc xử lý quyết định kết quả sau thanh tra đúng đắn, nhanh chóng và đem lại hiệu quả thiết thực. Hơn nữa, hoạt động phối hợp và công khai hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình quản lý thuế mà làm tốt còn có tác dụng góp phần răn đe, làm nản ý đồ gian lận thuế của NNT, qua đó tuân thủ tốt hơn pháp luật thuế và ngược lại.
1.3.6 Trình độ và ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Trình độ và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế của NNT có tác động trực tiếp đến kết quả QLRR trong công tác thanh tra thuế. Giữa trình độ và sự hiểu biết về thuế của NNT với ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế của họ có mối tương quan thuận chiều: trình độ cao, hiểu biết nhiều thì ý thức tuân thủ càng được cải thiện vì họ hiểu rõ được quyền lợi và trách nhiệm một khi tuân thủ pháp luật thuế tốt như: nếu nộp thuế đầy đủ và đúng hạn thì sẽ được nhà nước tuyên dương khen thưởng, hỗ trợ trong hoạt động SXKD, được miễn kiểm tra thanh tra trong một số trường hợp... khi đó, sẽ nâng cao hiệu quả QLRR trong công tác thanh tra thuế.
Ngược lại, nếu trình độ và sự hiểu biết pháp luật thuế của NNT còn hạn chế, hoặc có thể xảy ra trường hợp là NNT có trình độ cao, sự hiểu biết về thuế sâu rộng nhưng họ lại có động cơ lách thuế, gian lận thuế ngày càng tinh vi, phức tạp thì sẽ gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho CQT khi phân tích đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của NNT để lựa chọn đưa vào lập kế hoạch thanh tra cũng như khi thực hiện thanh tra tại trụ sở NNT.