3.1 Định hướng QLRR trong công tác thanh tra thuế đến năm 2025
3.1.1 Bối cảnh KTXH Việt Nam tác động đến QLRR thanh tra thuế thời gian tới
3.1.1.1 Những điều kiện thuận lợi
Nghị quyết Đại hội Đảng lần XII (2016 – 2020) đã khẳng định: tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nhà nước đang rất quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đặc biêt tập trung đổi mới chính sách và kiện toàn hệ thống tài chính - tiền tệ, trong đó có hệ thống thuế. Đây chính là cơ hội tốt để ngành Thuế Việt Nam tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý thuế, trong đó có áp dụng QLRR vào hoạt động thanh tra thuế đối với DN.
Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải cách nền hành chính công gắn với từng bước xây dựng chính phủ điện tử, trong đó Đồng Nai đang là một trong những tỉnh thành đi đầu trong việc áp dụng cơ chế một cửa giải quyết các thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ mạng theo đúng định hướng đó. Khi việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử từng bước đi vào nề nếp, trong đó có ngành thuế với việc cung cấp các dịch vụ điện tử đa dạng, phong phú, nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng QLRR vào hoạt động thanh tra đối với NNT vì muốn áp dụng QLRR phải dựa trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan và trung thực về DN. Thông tin về DN lại phải lấy từ nhiều nguồn khác nhau, từ bản thân các DN, từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và từ các tổ chức, cá nhân có liên quan. Do vậy, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử có tác động tích cực và là một điều kiện thuận lợi cho áp dụng QLRR vào hoạt động thanh tra thuế đối với DN.
Việt Nam đã và đang mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện với nhiều nước và các tổ chức tài chính trên thế giới (IMF, WB, ADB...) Là một nước đi sau trong
tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu của các nước đi trước trong việc đổi mới chính sách thuế. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tận dụng nhằm nhanh chóng hiện đại hóa quản lý thuế nói chung và áp dụng QLRR vào hoạt động thanh tra thuế đối với DN nói riêng.
Hệ thống pháp luật đã được từng bước hoàn thiện theo hướng đầy đủ, công bằng, minh bạch, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của NNT.
Với thành quả hơn 30 năm đổi mới đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần XII (2016 – 2020) thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD/người. Riêng Đồng Nai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần X (2015 – 2020) xác định, chỉ tiêu trên phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 5.300 - 5.500 USD/người tức cao hơn cả nước 1,66 lần. Khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Trình độ dân trí, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân nói chung và những người kinh doanh cũng được nâng cao đáng kể. Đây chính là điều kiện thuận lợi để NNT hợp tác với CQT trong các hoạt động quản lý thuế nói chung và thanh tra thuế nói riêng.
3.1.1.2 Những khó khăn - thách thức
Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, việc thực thi các cam kết, ràng buộc khi tham gia vào các tổ chức, cộng đồng kinh tế quốc tế và khu vực đòi hỏi hệ thống thuế Việt Nam phải thay đổi nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy đầu tư; các công ty đa quốc gia có vai trò ngày càng lớn trong mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu, luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thu được bằng thủ thuật chuyển giá ngày càng tinh vi đã, đang và sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho công tác thanh tra thuế đối với DN FDI ở Việt Nam nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế cũng gia tăng mạnh mẽ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân là những lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chúng ta cũng biết rằng: quy luật cạnh tranh luôn tạo ra sự biến động của các DN trong nền
kinh tế. Có nhiều DN mới thường xuyên ra đời đồng thời cũng có các DN làm ăn thua lỗ, buộc phải chấm dứt hoạt động cũng liên tục phát sinh. Hơn nữa, có một số người, tổ chức thành lập DN chỉ với mục đích lợi dụng sự chưa hoàn thiện của pháp luật, sự tha hóa của công chức nhà nước để trốn thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Nhà nước và của nhân dân cũng đã, đang và sẽ tiếp tục nảy sinh khá phức tạp.
Những yếu tố này gây ra nhiều khó khăn thách thức cho quản lý thuế. Vừa đặt ra yêu cầu phải tăng cường áp dụng QLRR trong công tác thanh tra thuế với DN, đồng thời, cũng đặt ra những khó khăn phức tạp khi áp dụng QLRR trong công tác thanh tra thuế đối với DN do sự biến động thông tin và tình trạng thông tin phi chính thức gia tăng.
Các rủi ro về an ninh mạng, yêu cầu bảo mật thông tin NNT, sự phát triển của các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trình độ quản lý của NNT ngày càng cao... cũng ảnh hưởng đến QLRR trong hoạt động thanh tra thuế.
Xu hướng chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao từ khối cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế, đặc biệt là đội ngũ CCTT thuế sang khối doanh nghiệp do sự chênh lệch về thu nhập giữa khối nhà nước và khối doanh nghiệp ngày càng tăng. Đây cũng là thách thức cho việc xây dựng đội ngũ CCTT thuế.
Mức lương của cán bộ, công chức nhà nước Việt Nam còn khiêm tốn, lương của CCTT thuế cũng nằm trong tình trạng đó nhưng công việc thì lại khá nhạy cảm, luôn phải đối diện với sự mua chuộc bằng tiền bạc của NNT. Tình hình này xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau: Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ và năng suất lao động thấp nên thu NSNN thấp, nhưng ngược lại, mọi nhu cầu chi tiêu của NSNN là rất lớn, trong điều kiện đó, để cân đối ngân sách, các khoản chi thường xuyên đều phải cắt giảm tương đối. Vì thế, lương công chức nhà nước nói chung và CCTT thuế nói riêng cũng bị hạn chế. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả trong thời gian qua, hiện tượng vừa thừa vừa thiếu đội ngũ công chức diễn ra khá phổ biến - thừa nhiều người không có năng lực và kỹ năng, thiếu người thực sự làm được việc. Bài toán này không thể giải quyết được trong thời gian ngắn, mặc dù Chính phủ luôn đưa ra quan điểm chỉ đạo: phải tinh giảm bộ máy quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Như vậy, có thể thấy: trong tương lai gần thu nhập của công chức nói chung và CCTT thuế nói riêng vẫn là một vấn đề chưa có
lời giải. Thu nhập không được đáp ứng thỏa đáng và hợp lý thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như: động lực lao động, tính liêm chính... Đây chính là yếu tố tác động đến quản lý thuế nói chung và đến áp dụng QLRR trong công tác thanh tra thuế nói riêng.
3.1.1.3 Sự cần thiết phải cải cách hệ thống thuế trong thời gian tới
Tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài trong nhiều năm qua (năm 2013: 6,6%, năm 2014: 6,33%, năm 2015: 6,28%, năm 2016: 5,64% - theo Tổng cục thống kê) đòi hỏi phải được tái cấu trúc lại theo hướng cân đối thu chi tích cực nhưng trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cho quá trình CNH, HĐH nước ta ngày càng tăng. Do vậy, một trong những giải pháp giải quyết căn cơ đó là: tất yếu phải tăng nguồn thu từ thuế nhằm cân đối lại NSNN.
Việc hội nhập vào các khu vực kinh tế (ASEAN, APEC...) và gia nhập WTO buộc Việt Nam phải cắt giảm các hạng mục thuế xuất, nhập khẩu, trong khi cơ sở các sắc thuế nội địa khó được mở rộng. Ví dụ: Theo lộ trình cắt giảm thuế mà Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO thì từ năm 2012 phải cắt giảm khoảng 60% dòng thuế (gồm 11.000 dòng) đến năm 2020 cắt giảm thuế hầu hết các mặt hàng còn 0%.
Do vậy, phải ban hành thêm cơ sở thuế mới hoặc ban hành các sắc thuế mới phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Cơ cấu nguồn thu NSNN Việt Nam vẫn còn khá bất hợp lý, do phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, ngoại thương và DNNN, mà những nguồn thu này lại thiếu tính bền vững. Chính vì vậy, chiến lược cải cách thuế còn phải hướng đến tái cấu trúc nguồn thu thuế, đảm bảo tính bền vững hơn cho ngân sách trong dài hạn.
Tái phân phối thu nhập và tạo công bằng xã hội từ thuế còn hạn chế: Thật vậy, chính sách thuế hiện nay tạo cơ hội cho một bộ phận người giàu lên nhanh chóng, đồng thời tạo ra một tầng lớp người nghèo mới. Thực tế không phải người nào giàu nhất cũng đang đóng thuế nhiều nhất, trong khi đó có những nhóm người nghèo lại phải gánh những khoản thuế quá mức so với thu nhập và nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống của họ. Chính vì vậy, chính sách thuế mới đòi hỏi tạo sự công bằng dọc và công bằng ngang, đòi hỏi tái phân phối lại thu nhập của xã hội một cách hợp lý hơn.
Vấn đề hiệu quả trong phân bổ nguồn lực thấp: do chính sách thuế hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt ưu đãi thuế còn dàn trải, phức tạp, chưa phát huy hiệu
quả phân bổ nguồn lực trong đầu tư để đáp ứng yêu cầu về phát triển KTXH. Chẳng hạn như, ưu đãi thuế TNDN chưa thực sự khuyến khích đầu tư theo vùng và lãnh thổ, đầu tư vào các địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn. Từ đó, đòi hỏi chính sách thuế phải được tiếp tục cải cách.
Vấn đề hành chính thuế: Hệ thống quản lý thu thuế ở Việt Nam hiện nay mặc dủ liên tục được cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT nhưng vẫn bị đánh giá là kém hiệu quả. Do vậy, cải cách hành chính thuế phải tập trung vào ba lĩnh vực bao gồm: giảm sự quá tải của hệ thống quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ thuế và giảm chi phí quản lý thu thuế để làm tăng tính hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực vốn có tính hữu hạn của nền kinh tế.
3.1.1.4 Dự báo xu hướng phát triển của DN tác động đến thanh tra thuế
Với Luật Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thông thoáng, cho phép thành lập DN thuận lợi, hàng năm có hàng chục ngàn DN và hộ kinh doanh mới ra đời thuộc diện quản lý thu thuế. Số lượng DN hoạt động trong nền kinh tế tăng rất nhanh và đa dạng, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới ra đời: kinh doanh qua mạng phát triển, các giao dịch, hợp đồng và thanh toán được thực hiện bằng điện tử; việc hạch toán kế toán và lưu giữ chứng từ ngày càng được điện tử hoá, nhiều nghiệp vụ kinh tế mới xuất hiện, phát sinh... Hoạt động của DN càng đa dạng, phức tạp sẽ kéo theo công tác thanh tra thuế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì chưa theo kịp yêu cầu phát triển rất nhanh chóng của nền KTXH. Hơn nữa, số lượng nguồn lực CCTT thuế còn ít, trong bối cảnh số lượng DN phát triển ngày càng nhiều, trong đó có một bộ phận DN có ý thức tuân thủ pháp luật thuế không tốt, có hành vi gian lận ngày càng tinh vi và phức tạp, thủ đoạn trốn thuế, tránh thuế khó phát hiện hơn trước nhiều lần. Đó thực sự là khó khăn thử thách cho công tác thanh tra thuế hiện nay.
Một bộ phận DN đã lợi dụng “kẽ hở” của các Luật thuế và sự chưa quyết liệt giám sát chặt chẽ của CQT để “lách” luật, trốn tránh nghĩa vụ khai, nộp thuế, chưa thực sự tự giác tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp, “chây ỳ” nợ đọng tiền thuế, hoạt động liên kết, chuyển giá xảy ra trong nhiều loại hình DN khác nhau… với mức độ ngày càng tinh vi và phức tạp, hành vi, thủ đoạn cũng ngày càng khó phát hiện hơn, gây thất thu cho NSNN và làm cho môi trường cạnh tranh bị méo mó, đòi hỏi các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc phòng chống triệt để.