Điều kiện kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Hiện tượng học của edmund husserl và sự hiện diện của nó ở việt nam (Trang 21 - 26)

Chương 1 Sự ra đời và phát triển của hiện tượng học cuûa Edmund Husserl

1.1. Những điều kiện lịch sử của sự ra đời hiện tượng học cuûa Edmund Husserl

1.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội

Chủ nghĩa tư bản xuất hiện trước tiên ở châu Âu, nhưng mãi đến nửa đầu thế kỉ XIX, nó mới trở thành hệ thống áp đảo ở nhiều nước của châu lục này. Sau đó là những bước tiến dài trên con đường khẳng định vị trí ưu thế của nó. Một kỉ nguyên mới bắt đầu: kỉ nguyên của chủ nghĩa duy lí, chủ nghĩa công nghiệp. Nhờ phát kiến nhiều nguồn năng lực mới và nhiều phát minh khoa học, kĩ thuật, lí thuyết thực nghiệm được chứng thực đem đến sự hi vọng hết mình của đông đảo người châu Âu vào những tiến bộ không ngừng.

Auguste Comte (1799-1857) đã làm một tổng hợp tương lai nhân loại và phân kì lịch sử: thời kì thần học, thời kì siêu hình học, thời kì khoa học hay thực nghiệm - còn gọi là tư tưởng duy lí về những sự kiện thực nghiệm và nghiên cứu các định luật; đồng thời biểu lộ niềm tin lạc quan vào những tiến bộ của khoa học và cống hiến của kĩ thuật. Lòng hâm mộ đó được hỗ trợ thêm bởi sự phát triển kì diệu của công nghệ và các trào lưu triết học mới như thuyết duy ích, thuyết duy vật tâm lí, thuyết duy dụng… Vào đầu thế kỉ XX, kỉ nguyên đó ngày càng trở nên hưng thịnh, đánh dấu thời kì chủ nghĩa tư bản phương Tây vượt qua thời kì cổ điển để bước sang thời kì hiện đại. Cuộc cách mạng công

nghiệp, và sau này là cách mạng khoa học và công nghệ, đã đẩy xã hội phương Tây lên giai đoạn phát triển mới. Chủ nghĩa tư bản chuyển biến mạnh mẽ, khoa học tự nhiên phát triển nhanh chóng, sự tin phục của con người đối với khoa học đã thay thế tín ngưỡng Kitô giáo, niềm tin về khả năng khoa học và lí trí đem lại hạnh phúc cho con người chiếm lĩnh đời sống tinh thần của xã hội. Khoa học và kĩ thuật không ngừng cải tiến, hứa hẹn và được đánh giá như một sức mạnh vạn năng tạo nên cuộc sống vật chất và văn hoá có thể thoả mãn mọi nhu cầu của con người và xã hội.

Thế kỉ XIX được xem là thế kỉ của những bùng nổ. Vào thế kỉ ấy, người ta chứng kiến bao sự phát minh, phát kiến, đến nỗi người ta có viễn tưởng thế giới giờ đây không còn kì lạ, biển cả không còn mênh mông, nhiều lẽ huyền bí về sự vận hành của đất trời và vũ trụ đều được dần khám phá; bộ máy nhà nước, thiết chế xã hội, cơ cấu kinh tế, tổ chức chính trị cũng phải thay đổi cho tương hợp với thời đại. Những thập kỉ cuối thế kỉ này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đánh dấu bằng điện khí hoá lại nổ ra trong các nước tư bản chủ nghĩa. Không chỉ có thế, tài chính, ngân hàng cũng gia tăng theo tốc độ khai thác nguồn lợi từ sản xuất và thị trường. Những phát minh khoa học và kĩ thuật đã trở thành một nguồn lực của kinh tế - xã hội. “Thời đại hoàng kim” của kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện. Đứng trên đôi chân đó, nhân loại như muốn vươn mình lên cái toàn thiện, toàn mĩ. Chủ nghĩa công nghiệp với chủ nghĩa duy lí của nó đẩy sự phát triển lên đến đỉnh điểm.

Song, tại đây, sau khi lịch sử bước vào ngưỡng cửa của thế kỉ mới, từ trong sự phát triển ấy đã nổ ra cuộc khủng hoảng: con người bị phi nhân cách, bị tha hoá; tình trạng bất an xã hội ngày càng gia tăng.

Có thể nói, người đầu tiên đứng ra cảnh cáo lối thoả mãn cực đoan ấy

bằng cách đặt ra vấn đề giá trị của khoa học và kĩ thuật từ thế kỉ trước là Jean Jacques Rousseau. Vào thời điểm đó, không ít người đã không thể hiểu nổi những chỉ trích của ông, họ còn cho rằng ông phỉ báng khoa học và kĩ thuật.

Thực ra trường phái triết học hiện đại đầu tiên quan tâm đến vấn đề kĩ thuật là học thuyết của Karl Marx. Vào thời Marx, kĩ thuật mới bắt đầu phát triển và còn nằm trong tay của những nhà tư bản, nhưng không vì thế mà dự kiến của Marx về kĩ thuật mất đi tính lạc quan. Theo Marx, tiến bộ kĩ thuật, không chỉ là nguyên nhân mà còn là điều kiện của tiến bộ xã hội, là phương tiện tốt nhất để giải phóng con người. Nhưng chính Marx, khi nghiên cứu sâu chủ nghĩa tư bản, đã sớm chỉ ra hậu quả này rằng:

… những máy móc có một sức mạnh kì diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì đem nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người.

Những nguồn của cải mới, từ xưa tới nay chưa ai biết, dường như do một sức mạnh thần kì nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kĩ thuật dường như đã được mua bằng cái giá của sự suy đồi về tinh thần [64, tr. 10].

Tính duy lí của khoa học, chính trị, nhân sinh làm con người “bị hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần” [64, tr. 10], xã hội rơi vào khủng hoảng. Rồi Chiến tranh thế giới xảy đến và kết thúc. Người ta phát hiện khoa học không phải là vạn năng, sự phồn vinh vật chất đơn thuần chỉ có thể tạo ra hạnh phúc giả tạo, biến con người thành nô lệ của máy móc. Đem năng lượng nguyên tử ứng dụng vào việc chế tạo bom nguyên tử, rồi bao nhiêu là vũ khí, phương tiện giết người hàng loạt khác, chứng tỏ hậu quả tai hại của những kĩ thuật hiện đại nào đó. Khoa học và kĩ thuật ở một mặt nào

đó lại gắn với chiến tranh và tàn phá, chết chóc. Viễn tượng này đã được Léonard de Vinci nhận ra từ nhiều thế kỉ trước đó, khi mà chủ nghĩa tư bản vừa được khai sinh, chính tay ông đã xé nát bức hoạ tàu lặn do mình vẽ ra, vì cảm thấy nơi con người chứa bao nhẫn tâm và hiểm độc khiến cho việc ứng dụng phát minh này vào mục đích đạo đức và nhân bản sẽ trở nên rất khó.

Nền văn minh phương Tây vào giai đoạn cuối cùng đã không ý thức đến con người, tương quan xã hội đạt tới mức trừu tượng cao độ: người với người trở thành tương quan giữa các bánh xe, mỗi người trở thành vô danh, trừu tượng; tính chất chuyên môn hoá làm cho con người không còn là tế bào, mà trở thành một chi tiết của cỗ máy, nói như tác giả của Kích thước nhân bản hiện đại, Jean Laloup và Jean Nelis, người ta không cần con người có một đời sống tế bào mà cần nó có sức chịu đựng của một bánh xe. Con người thảng thốt trước “thời đại máy móc”, cơ hồ thấy mình biến thành con số vô danh, những thẻ bài vô hồn. Nhân tính không còn nữa thay vào đó là cơ tính, con người không tồn tại như một cá nhân, một nhân vị nữa. Chính Friedrich Nietzsche, trước khi thế kỉ mới đến đã nhìn thấy, trong xã hội công nghiệp hiện đại, cá nhân sẽ mất đi cá tính của mình, “cái tôi” mất phương hướng.

Ông cho rằng trong xã hội đó, con người trở thành cỗ máy đơn điệu, u buồn, cái cá nhân của con người bị tiêu diệt, con người giống như “bãi cát” trầm lặng [4, tr. 139]. Albert Einstein trong tiểu luận Thế giới như tôi thấy, đã phát biểu những biểu hiện suy tàn thời kì ấy bắt nguồn từ “sự phát triển về kinh tế và kĩ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người ngày càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề” [30, tr. 26]. Kĩ thuật tuy đã đem lại sự thoả mãn đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo người, nhưng vì đạt đến mức chuyên môn cực đoan, nên chỉ hướng

con người vào một nhịp của quy trình, con người trở thành bộ phận vận hành của cỗ máy. Nhân vị của con người bị đánh chìm trước sự chế ngự của máy móc, tư duy con người vơi dần trước sự thỏa mãn dễ dàng nhu cầu vật chất.

Nhiều học giả không khỏi rùng mình trước những diễn tiến của văn minh kĩ thuật và công nghệ.

Phải thừa nhận rằng, tương lai của nhân loại phụ thuộc không nhỏ vào khoa học và kĩ thuật, vì nó cũng là một vũ khí phụng sự con người, nhưng càng ngày sự lạc quan về nó càng giảm dần, ngược lại, sự nghi ngại về nguy cơ tận diệt nhân loại của nó lại gia tăng. Cơ cấu xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ. Châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng tín ngưỡng và khủng hoảng giá trị chưa từng có. Người châu Âu đau buồn, bàng hoàng, bế tắc trước sự đổ nát của giá trị truyền thống.

Một loạt phong trào triết học, xã hội học nảy sinh chống lại chủ nghĩa công nghiệp, chủ nghĩa duy lí, đề xướng nhiều chủ thuyết hòng tìm ra một căn bản mới thoát khỏi sự khủng hoảng. Kierkegaad với những nỗ lực để xây dựng lại Ki tô giáo, Nietzsche hoài vọng đặt con người trước vô minh, Husserl với hiện tượng học nhằm “cứu vãn lí trí của con người”. Xuất phát từ niềm tin sâu xa rằng, phương Tây đang rơi vào “khủng hoảng” như là “sự sụp đổ bề ngoài của chủ nghĩa duy lí” đánh mất phương hướng và mục đích thực sự của nó. Tâm trạng đó của ông phản ánh một cách sâu sắc trong nhiều tác phẩm được ông công bố, nhất là ở tác phẩm lớn cuối cùng, Triết học và cuộc khủng hoảng của con người châu Âu.

Được đánh giá như một khám phá quan trọng về phương pháp luận của triết học phương Tây, hiện tượng học của Edmund Husserl có ảnh hưởng đến hầu hết các trào lưu triết học phi duy lí của thế kỉ XX. Trong một giới hạn

khác, nó cũng là một phương pháp mà không ít nhà khoa học trên các lĩnh vực khác cũng cần tới.

Một phần của tài liệu Hiện tượng học của edmund husserl và sự hiện diện của nó ở việt nam (Trang 21 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(220 trang)