Chương 1 Sự ra đời và phát triển của hiện tượng học cuûa Edmund Husserl
2.3. Những phạm trù khác biểu hiện lập trường của hiện tượng học cuûa Edmund Husserl
2.3.2. Tính liên chủ thể - một “cộng đồng nhân vị”
Sau khi đã trình bày về phương pháp giản lược và lí thuyết về sự “cấu thành”, hiện tượng học Husserl có vẻ như đã có thể chấm hết. Nhưng không, bản thân nó vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai và làm cho tường minh, đó là vấn đề kẻ khác (tha nhân), tính chất lịch sử và thế giới đời sống.
Nếu dừng lại ở viễn tượng giản lược hiện tượng học thì hiện tượng học của Husserl không tránh khỏi hiểm họa sa lầy trong lập trường chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm, bởi chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm đã có nội dung trong chính công việc của sự giản lược. Trong lịch sử tư tưởng, dường như chủ nghĩa
duy tâm siêu nghiệm nào rồi cuối cùng cũng chỉ còn sót lại có ngã tiên nghiệm với những đối tượng tư duy của nó do chính nó cấu thành nên, tất yếu sẽ đi tới tình trạng đơn độc (cô đơn) hay ngã luận thuần tuý và chủ quan, như thế đương nhiên hiện tượng học đã đi vào con đường duy niệm và duy niệm đơn độc, nghĩa là, nếu ý thức là tính ý hướng ban bố ý nghĩa cho mọi sự vật trong thế giới bên ngoài, thì mỗi “chủ tri” chỉ cần hiện hữu có một mình và muốn nghĩ gì về thế giới bên ngoài thì nghĩ tuỳ theo ý muốn của mình, và chính thế giới bên ngoài chỉ là ý niệm về sự nhất trí của tất cả mọi sự vật hợp lại, mặc dù, ý thức ý hướng về chúng tức những thể tính như những đối tượng lí tưởng “đã được cấu thành” theo tính ý hướng [xem: 70, tr. 12].
Mỗi ý thức tính ý hướng với tư cách là chủ thể siêu nghiệm thì không khác chủ thể cụ thể. Cho nên, chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm không tránh khỏi đi tới chủ nghĩa duy ngã. Chỉ tôi tồn tại với thế giới, chính thế giới này chỉ là tư duy về sự đồng nhất của mọi khách thể, sự vật chỉ là sự đồng nhất của tri giác của tôi về sự vật, có nghĩa là, mọi ý nghĩa có căn cứ “trong” nhận thức của tôi với tư cách là ý hướng hay ban tặng ý nghĩa. Để tránh rơi vào ngỏ cụt của chủ nghĩa duy ngã, là điều khó khăn nhất của hiện tượng học, đến mức Husserl phải thốt lên là “một ẩn ngữ thực là đau đớn” [157, p. 320].
Chính Gaston Berger đã thừa nhận sự kiện này khi cho rằng, một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của hiện tượng học tiên nghiệm là nó phải chạm trán với nan giải về “đơn độc”.
Hiểm họa là thế, nhưng thực sự không bao giờ Husserl đã dừng lại ở giai đoạn duy tâm tiên nghiệm đơn độc. Bởi vì, trước tiên, kinh nghiệm khách quan đưa đến sự chấp thuận của đại đa số chủ thể, sau đó, còn vì chính “kẻ khác” không đem đến trong một kinh nghiệm bản thể nguyên thuỷ [xem: 167,
p. 33]. Nếu muốn cho những ý thức tính ý hướng “ban bố” cho sự vật thành những ý nghĩa thì những ý nghĩa ấy phải có tính khách quan và bất cứ khách quan tính nào của tri thức cũng cần đến sự đồng ý của nhiều người; hơn nữa cũng không thể xuất hiện những sự vật theo thể tính có ý nghĩa do ý thức tính ý hướng “cấu thành”, khi mà mỗi kẻ khác lại xuất hiện với ý thức ý hướng qua một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ, khác biệt mọi thể tính sự vật.
Sự “cấu thành” kết dệt ý thức tính ý hướng với những đối tượng của nó làm nảy sinh những ý nghĩa, nhưng điều này chỉ dễ dàng ở lĩnh vực thuần lí và tiên nghiệm, nghĩa là không chấp nhận một hiện hữu nào thực tại ở thế giới tự nhiên. Thế giới đời sống là phương hướng triết học đưa Husserl thoát khỏi tình trạng giam hãm của “đơn độc” chỉ có “cogito” và “cogitata” của nó.
Những cái tôi khác “không thể có sự cô đơn thể hiện” và không là đối tượng thể hiện cho tôi, không có những đồng nhất tổng hợp của một tiến trình xác nhận sự mở rộng “trong tôi”, mà đúng với những kẻ khác [xem: 160, p.
75]. Và sau khi “có thể đạt tới gián tiếp” nền tảng về sự hiện hữu của kẻ khác, Husserl tuyên bố về phương diện hiện tượng học “kẻ khác là sự thay đổi cái tôi của tôi” [160, p. 97].
Trong trường hợp kẻ khác, với tư cách là chủ thể ý hướng, người ta không thể giản lược sự hiện hữu thực tại. Do đó, ý thức ý hướng của kẻ khác là một ý thức ý hướng của tôi, tức là mỗi ý thức thiết yếu hiện hữu một cách biệt lập (une existence absolue) không thể giản lược thành “một tương hỗ tính ý hướng” của ý thức người khác được. Những gì được cấu thành ý nghĩa trong ý thức của tôi là những “bên ngoài”, nhưng cũng đồng thời là những
“bên trong” của tôi, vậy phải làm thế nào chúng ta được một ý nghĩa khách quan, tức trong một thế giới khách quan mà mọi người đều chấp nhận được
với nhau. Vì vậy, có thể đặt ra “một cộng đồng giữa nhiều ý thức tính ý hướng” .
Husserl gọi sự liên hệ giữa các chủ thể ý hướng này là “tính liên chủ thể” (intersubjectivité), nghĩa là mỗi ý thức tính ý hướng không hiện hữu như một Ngã đơn độc mà là hiện hữu với hay là sống là sống với kẻ khác và sống trong một thế giới chung; thế giới chung này không phải thế giới sự vật tự nhiên, mà là thế giới của cộng đồng con người với nhau. Người ta cũng còn gọi đó là “cộng đồng nhân vị”. Cộng đồng này có thể gần với “ý thức công cộng” theo Durkheim hay với “tinh thần khách quan” với nghĩa của Hégel, và nó được cấu thành đồng thời với sự tác động lẫn nhau của các chủ thể cũng như cộng đồng xung quanh chúng. Cộng đồng này được xây dựng từ thế giới riêng của nóù [xem: 167, p. 35]. Nhưng nó được cấu thành từ nguồn gốc nào? Hầu như căn nguyên cấu thành nên nó ẩn trong thế giới tinh thần, trong văn hoá. Nói cách khác, triết học siêu nghiệm với tư cách là triết học về chủ thể triệt để, chưa đạt tới việc gộp vào xã hội học về văn hoá được. Đi từ chính triết học siêu nghiệm, giản lược tới tính liên chủ thể hay cộng đồng nhân vị là bước tiến song hành được Husserl đặt ra trong các tác phẩm Những suy niệm Descartes và Những ý tưởng đến với một hiện tượng học thuần tuý và triết học hiện tượng học .
Trong Những ý tưởng đến với một hiện tượng học thuần tuý và triết học hiện tượng học II, III Partie, Husserl phân chia thế giới thành “thế giới của tinh thần” và “thế giới tự nhiên”. Thế giới tinh thần được hình thành bởi các cá nhân có linh hồn và thể xác, có liên hệ với nhau, cùng sống thành cộng đồng. Thế giới tự nhiên là thực tại khách quan, đối tượng nghiên cứu của khoa học là lí luận, nó mang tính thực tại siêu việt (vượt). Ở giai đoạn chủ
nghĩa duy tâm siêu nghiệm, việc cấu tạo nên thế giới này là dựa vào chủ thể kinh nghiệm và thân thể của nó. Như vậy, ở giai đoạn này, thế giới khách quan có là có cho một mình tôi. Trong giai đoạn phát hiện “tính liên chủ thể”, tính cách khách quan của thế giới dựa trên hoạt động của các chủ thể trong quan hệ qua lại và được kinh nghiệm của mỗi người đều công nhận thế giới.
Cho nên, có thể khẳng định rằng, từ việc phân tích “tính liên chủ thể”, Husserl đã rút ra khái niệm Thế giới đời sống. Trong “cộng đồng nhân vị”, theo Husserl có một thế giới mà tôi và kẻ khác cùng hưởng, cùng hoà nhập, cùng kinh nghiệm. Vì vậy, phân tích cái tôi cũng chính là phân tích cái tôi khác.