Chương 1 Sự ra đời và phát triển của hiện tượng học cuûa Edmund Husserl
1.2. Thân thế và sự nghiệp của Edmund Husserl
Edmund Husserl chào đời ngày 08-4-1859 tại Prossnitz (Moravie - Nước Áo hiện thời), thuộc gia đình Do Thái, cùng năm với Henri Bergson và
John Dewey. Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, đây còn là năm có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ khác: Charles Robert Darwin công bố công trình Nguồn gốc các loài bằng chọn lọc tự nhiên, John Stuart Mill xuất bản tác phẩm Bàn về tự do.
Cha của Husserl là một thương nhân. Khi Husserl 25 tuổi thì cha ông qua đời. Sau nền giáo dục ban đầu ở tỉnh, mùa thu năm 1876, Husserl theo học vật lí, thiên văn, toán học, và cũng dành thời gian học triết học qua các bài giảng của nhà triết học Wilhelm Wundt, tại Đại học Tổng hợp Leipzig.
Nơi đây, ông nhận được sự cố vấn của giáo sư Tomas Marasyk - người về sau đã trở thành tổng thống đầu tiên của Czechoslovakia, và bắt đầu chú ý đến triết học, nhất là triết học cận đại, những tác giả được ông quan tâm hơn hết là René Descartes, Leibniz và một số đại biểu chủ nghĩa kinh nghiệm Anh.
Đồng thời, theo lời khuyên của Marasyk, Husserl tìm hiểu đến triết học của Franz Brentano.
Trường đại học Friedrich Wilhelm ở Berlin đón Husserl vào học số học và triết học vào mùa hè năm 1878. Tại đây, ông được các giáo sư nổi tiếng Leopold Kronecker Carl và Karl Weierstrass giảng về số học, Paul giảng về triết học. Trong số những giáo sư đó, Weierstrass là có ảnh hưởng lớn nhất đến việc chuyên tâm nghiên cứu về số học sau này của Husserl. Theo gợi ý của Marasyk, đầu năm 1881, Husserl rời Berlin đến Vienna, thoạt tiên, ông theo học khoa học và toán học tại đại học Vienna và đỗ tiến sĩ vào năm 1883 với luận án Đóng góp vào lí thuyết về lối tính những biến thiên. Mùa hè năm 1883, ông trở lại Berlin làm trợ giáo theo lời hứa với Weierstrass. Nhưng không bao lâu sau, Husserl quay trở lại Vienna và gặp được Franz Brentano đến đây làm giáo sư triết học. Từ năm 1884 - 1886, ông chuyên tâm nghe
giảng bài về tâm lí học và triết học của Brentano. Chịu ảnh hưởng về nhân cách và tư tưởng của Brentano, ông quyết tâm dồn sức cho triết học. Chính ông nói: Sau khi nghe Brentano giảng bài, ông mới quyết tâm chọn triết học làm sự nghiệp suốt đời mình. Những bài giảng của Brentano đã làm cho ông có được lòng tin rằng triết học cũng là một hoạt động nghiêm túc, cũng có thể đối xử với tinh thần khoa học nghiêm khắc nhất. Chính thời kì quen biết và quan hệ thâm tình với Brentano đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp của Husserl. Nỗi đam mê số học của thời kì trước đã gặp gỡ ngọn lửa nhiệt tình với tâm lí học và triết học được Brentano thổi bùng lên thời kì này, đã thai nghén trong tư tưởng của ông về hiện tượng học.
Năm 1886, do Brentano giới thiệu, ông gặp được Carl Stumpf (1848 - 1936) là giáo sư triết học và tâm lí học nổi tiếng ở trường đại học tổng hợp Halle. Carl Stumpf là học trò của Brentano, có công phát triển tâm lí học của Brentano, đặt nền móng cho tâm lí học cận đại Đức. Tại đây, Husserl giảng dạy về chuyên đề Phân tích tâm lí học - về khái niệm số. Từ năm 1887 đến 1901, ông là giảng viên chính thức của trường đại học này. Năm 1900 - 1901, ông đã phát biểu hai đề tài lớn về Những nghiên cứu lôgic, sau đó được in thành sách. Với công trình này, ông được mời làm giáo sư của đại học Gošttingen (1901 - 1916). Từ năm 1916, ông dạy triết ở trường đại học Freiburg in Breisgau, cho đến năm 1928 ông về nghỉ hưu. Nơi đây, ông sống mảnh đời còn lại với những năm tháng chịu sự ruồng rẫy của phát xít Đức chỉ vì dòng máu Do Thái của ông.
Mùa xuân năm 1938, bị bệnh tật dày vò, Husserl thôi sáng tạo. Tinh anh bay đi thì thể phách cũng ngừng nghỉ, ngày 27-4, con người suốt đời tìm kiếm, “bắt đầu luôn mãi” với một triết học chính xác đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi
79, tại Freiburg.
Husserl là sự kết hợp của khả năng làm việc hết sức chuyên cần với thiên tài phân tích độc đáo và sắc bén. Những tác phẩm của ông thường khô và chán ngấy, không dễ đọc, không phải vì ngôn từ hóc hiểm, mà vì đề tài quá gay go, đặc biệt hệ thống triết học của ông gắn liền hệ thống của Brentano và Stumpf.
Husserl bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những khảo cứu về toán học.
Năm 1891, dưới sự hướng dẫn của Stumpf, ông cho xuất bản tác phẩm quan trọng Triết học của toán học, ở đây, chưa có dấu hiệu nào về tư tưởng triết học của ông. Khai sinh hiện tượng học và qua đó thức tỉnh một phương pháp mới bắt đầu ở công trình lớn này: Những nghiên cứu lôgic, được xuất bản năm 1900 - 1901. Công trình nói lên sự chú tâm của ông về cơ sở của logic, gồm 2 phần: phần thứ nhất, phê phán tâm lí học và thuyết tương đối; phần thứ hai, đưa ra một ứng dụng các nguyên tắc cho những vấn đề đặc biệt trong triết học logic. Bút lực của ông thật là sung mãn, trong 16 năm làm việc tại đại học tổng hợp Gošttengen, nhiều tác phẩm quan trọng ra đời như Các bài giảng về hiện tượng học (1904 - 1905), Các bài giảng về ý thức thời gian nội tại (1905-1910). Năm 1910, ông cho xuất bản Triết học như một khoa học chính xác. Tác phẩm nêu lên mục tiêu và nhiệm vụ của triết học hiện tượng học là trở thành khoa học chính xác, đặt cơ sở cho mọi khoa học cụ thể.
Năm 1913, ông cho xuất bản quyển đầu tiên của tác phẩm Những ý tưởng đến với một hiện tượng học thuần tuý và triết học hiện tượng học. Hai quyển còn lại được ông hoàn thành trong thời gian dạy học ở Freiburg. Trong tác phẩm này, hiện tượng học đã trở thành “triết học đệ nhất”. Những kết luận về nó được triển khai đầy đủ hơn ở các tác phẩm tiếp theo, Lôgic hình
thức và tiên nghiệm xuất bản năm 1929, Những suy niệm Descartes xuất bản năm 1934, và Cuộc khủng hoảng của các khoa học châu Âu và hiện tượng học tiên nghiệm xuất bản năm 1936 tại Nam Tư.
Husserl đã để lại một số lớn bản thảo, bao gồm những bản viết tay chưa được công bố, những bài giảng trong trường đại học và các bài bút kí có quan hệ đến vấn đề triết học. Từ năm 1890 đến 1938, ông viết liên tục suốt ngày đêm, tất cả gồm 45.000 trang bản thảo về những vấn đề cơ bản của hiện tượng học. Những bản thảo ấy được Van Breda, giáo sư đại học Louvain, chuyển về nơi lưu trữ Husserl đầu tiên ở Louvain (Belgium) được thành lập vào năm 1939.