Chương 3 Sự hiện diện của hiện tượng học của Edmund Husserl ở Việt Nam
3.2. Hiện tượng học của Edmund Husserl ở miền Nam Việt Nam trước naêm 1975
3.2.4. Trong sự phê phán tâm lí học
Giới tâm lí học Nam Việt Nam chia tâm lí học ra thành 3 loại: tâm lí học ngôi thứ nhất, tâm lí học ngôi thứ hai và tâm lí học ngôi thứ ba. Sự chia tách này hoàn toàn không phải với dụng ý chỉ thứ tự về thời gian hay thang bậc, mà nhằm chỉ quan điểm nghiên cứu. Ở quan điểm ngôi thứ nhất, tôi tìm chính tôi, còn ngôi thứ ba, tôi sẽ tìm hiểu người khác như tìm hiểu sự vật.
Tâm lí học ngôi thứ nhất quan niệm sự kiện tâm lí là một sự kiện ý thức, đó là sự kiện đặc biệt diễn ra trong tâm trí và tạo nên tinh thần của ta.
Đại biểu của quan niệm này là P. Janet, Bergson và nhiều nhà tâm lí học truyền thống khác. Câu nói tiêu biểu của William James vào năm 1908 là:
tâm lí học là sự mô tả và giải thích những trạng thái ý thức được xem là trạng thái ý thức. Phương pháp được họ sử dụng là phương pháp nội quan (nội tỉnh).
Tâm lí học ngôi thứ ba là quan niệm một tâm lí học không có ý thức.
Quan niệm này thường được gọi là tâm lí học thực nghiệm, tâm lí học khách quan, ra đời năm 1864. Đại biểu của quan niệm này là H. Piéron, V.
Bechterew, J.B. Watson. Phương pháp được họ sử dụng là phương pháp ngoại quan (thực nghiệm), là phương pháp quan sát tâm lí dựa vào các giác quan chứ không dựa vào ý thức.
Tâm lí học ngôi thứ hai là quan niệm tìm hiểu thái độ riêng biệt của cá nhân sinh hoạt trong những hoàn cảnh cụ thể, đối tượng của nó là con người cụ thể và toàn diện. Quan niệm này ra đời từ năm 1939. Đại biểu tiêu biểu là F. Boutonnier, P. Foulquieù, D. Lagache …
Mô phỏng hiện tượng học, các nhà tâm lí học Việt Nam lên tiếng phê phán quan niệm tâm lí học ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
Trong Luận triết học - tâm lí học, Vĩnh Đễ đứng trên quan điểm lịch sử và ý hướng để thẩm định giá trị tâm lí học ngôi thứ nhất. Theo ông, sự kiện tâm lí không chỉ là những biến đổi xảy ra trong tâm hồn con người, mà chủ yếu nó còn là một thái độ có ý nghĩa thực sự. Nếu chú trọng đến trạng thái ý thức thì ta đã “mặc nhiên xem con người như một ý thức thuần tuý, một thứ tinh thần không thể xác và sống biệt lập ngoài xã hội”.
Vĩnh Đễ cùng một số người khác như Nguyễn Văn Đa, Lê Tấn Lộc…
cho rằng tâm lí học ngôi thứ nhất “không biết đến các điều kiện sinh hoạt cụ thể của ý thức”. Vì chỉ chú trọng tìm hiểu tâm trạng, nên quan niệm này mặc nhiên xem con người như một ý thức và quên rằng con người sống thực sự không phải chỉ có ý thức mà còn có một thân xác, và nhất thiết gắn liền với khung cảnh, môi trường nhất định, con người là “một ý thức nhập thể và nhập thế”. Thân xác, xã hội không phải là những yếu tố phụ thuộc, mà chính là thành phần thiết yếu của bản thân ta, đó là điều kiện sinh hoạt của con người.
Theo họ, vì chỉ nói đến những trạng thái ý thức hoặc chỉ nói đến con người bên trong nên tâm lí học cổ điển mắc phải “ảo tưởng nội tại”, bởi lẽ, theo hiện tượng học, không có con người bên trong, mà chỉ có con người sống trong vũ trụ và chính trong vũ trụ con người tự biết mình.
Các tác giả này cũng đã phê phán tâm lí học ngôi thứ ba rằng, phương pháp này đã áp dụng phương pháp khoa học vật lí để nghiên cứu đời sống tâm lí, cắt nghĩa bằng cách mổ xẻ hiện tượng tâm lí thành nhiều mặt, đó là phương pháp phản sự thật, không nhìn thấy thái độ toàn diện của con người trước một hoàn cảnh nhất định. Đây là lập trường của chủ nghĩa hành vi do Watson lãnh đạo, coi con người như một toàn thể, nhưng lúc cắt nghĩa thì phân tích thái độ ra thành phản ứng sơ giản. Ý niệm căn bản của thuyết này là kích thích phản ứng theo điều kiện, rút ra từ sinh lí học đem áp dụng vào tâm lí học.
Theo Vĩnh Đễ và các cộng sự, khuyết điểm căn bản của tâm lí học này là đã “đồng hoá sự kiện tâm lí và sự kiện vật lí”. Bản chất của sự kiện tâm lí là ý nghĩa, mà nói đến ý nghĩa tức là nói đến tương quan với một ý thức.
Chính vì vậy, một nhà tâm lí học theo khuynh hướng thực nghiệm đã thú nhận gạt bỏ khía cạnh “ý nghĩa” để chỉ nhìn thấy nơi thái độ một phản ứng của các
cơ, các tuyến là tự đặt mình vào một tình trạng không cho phép hiểu hết về hành vi con người.
Hiện tượng học trong tâm lí học coi con người tiếp nhận sự vật như một toàn thể có hình thức và ý nghĩa đặc biệt của nó, không phải theo từng bộ phận, nên phê phán phương pháp cơ giới đã giản lược đời sống tâm lí vào đời sống bản năng phản ứng, không cắt nghĩa được ý nghĩa thái độ tượng trưng.
Chủ nghĩa hình thức Đức có công xem hiện tượng học tâm lí như một toàn thể không phân tích được, nhưng vẫn còn đứng ở phạm vi cắt nghĩa coi toàn thể đó là một đối tượng nghiên cứu ngoài ta.
Theo Nguyễn Văn Trung, điều đó nói rằng tâm lí học vẫn chưa lĩnh hội được ý nghĩa thuần tuý nguyên thuỷ của đời sống tâm lí: mối tương quan giữa con người ý hướng với sự vật. Đành rằng tri giác là sự tiếp nhận toàn thể sự vật có hình thức, ý nghĩa đặc biệt của nó, song tâm lí học còn phải mô tả thái độ con người ý hướng trước cuộc đời. Thái độ đó là cái nhìn nhận định đời sống và hành động theo cái nhìn đó. Thái độ bộc lộ cách hiểu và cách cư xử khác nhau, vì trong mỗi thái độ có một ý nghĩa riêng biệt của nó.
Tâm lí học lâu nay vẫn còn bỏ quên vấn đề có tính chất nền tảng: Ego, cái tôi là chủ thể những hành động tâm lí. Theo Vĩnh Đễ, hiểu biết về ego hiện thời là không xác thực. Phương pháp nội quan chỉ nhận biết trực tiếp những ý nghĩ, ước muốn của trạng thái ý thức nên chưa là nhận thức về ego.
Ego bao gồm tất cả những trạng thái ý thức song không đồng hoá vào các trạng thái này. Ngay cả những kẻ hướng nội cũng không hẳn là người biết mình một cách tường tận. Phương pháp ngoại quan của các nhà tâm lí học thực nghiệm cũng không có gì khá hơn. Gide đã nhiều lần nhắc nhở sự lẫn lộn giữa “cái Tôi - chủ thể” thực sự với “cái Tôi tưởng tượng”. Cái Tôi được
ý thức, “cái tôi hiển hiện” chưa phải là tất cả cái Tôi, đó mới chỉ là khía cạnh của ego mà thôi. S. Freud, người khai sinh ra phân tâm học, có nói rằng bên dưới cuộc sống ý thức còn có một cuộc sống khác, tuy không được biết đến, nhưng rất sôi động và khốc liệt.
Cho nên quan niệm tâm lí học hiện đại, theo khuynh hướng hiện tượng học, đã ghi nhận một hướng đi mới lạ, tìm hiểu con người cụ thể và độc đáo, tôn trọng mọi yếu tố cấu tạo nên thực tại con người. Diễn tả sự khác biệt giữa tâm lí học ngôi thứ ba và ngôi thứ hai, có khuynh hướng hiện tượng học, các tác giả đề nghị dùng chữ “giải nghĩa” để chỉ thái độ các nhà tâm lí học ngôi thứ ba, còn chữ “cảm thông” để chỉ thái độ của các nhà tâm lí học ngôi thứ hai.
Tham vọng của hiện tượng học là áp dụng tính ý hướng vào tâm lí học.
Trần Thái Đỉnh trong cuốn Hiện tượng học là gì đã khẳng định: Ý thức không phải là hoa tiêu chỉ huy đời sống, cũng không phải là sản phẩm của sự tổng hợp các yếu tố sinh, vật lí, không có vấn đề chủ quan và khách quan; mà ý thức bao giờ cũng là ý thức về cái gì, cũng như nói không phải yêu, nếu không yêu cái gì (amo amatum), không tư tưởng, nếu không phải tư tưởng cái gì (cogito cogitatum).
Ý thức là ý hướng, tinh thần là tinh thần nhập thể, nghĩa là con người là một tính ý hướng có tương quan với cuộc sống. Vì vậy, mỗi hành động tâm lí là bộc lộ một cách ý thức xuất hiện như một thái độ cư xử trước cuộc đời. Các nhà tâm lí học hiện đại đã thu nhận được nhiều kết quả trong khi áp dụng phương pháp hiện tượng học vào các ngành chuyên môn của tâm lí học.
Các tác giả trên muốn đứng trên cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm để đem đến một khuynh hướng mới của tâm lí học. Song, hiện tượng
học cũng là một chủ nghĩa duy tâm chủ quan, “hiện tượng” là đối tượng không phải như một tồn tại khách quan, mà là cái mà ý thức hướng về bản chất cụ thể của mỗi cá nhân riêng biệt, của mỗi nhân vị.