1.2. Cơ sở của lối nói vòng – những lẽ thường
1.2.2. Tính đa biến của lẽ thường - yếu tố chi phối cách tổ chức điều này
Như đã nói, lẽ thường không xuất phát từ những tiền đề lôgich nên nó không có tính tất yếu. Và nó cũng không có tính bắt buộc vì nó rất đa dạng, có thể ứng với tình thế này hoặc ứng với tình thế khác. Độ tin cậy của nó, vì thế cũng mỗi người mỗi khác, mỗi hoàn cảnh khác. Khi tình thế giao tiếp chấp nhận nó có nghĩa là nó được chọn làm cơ sở định hướng để xây dựng ngôn thoại. Xét ví dụ:
(2) Trong giờ kiểm tra bài cũ, thầy giáo hỏi học sinh:
A1- Về nhà các em đã làm các bài tập thầy ra chưa?
B1- Dạ thưa thầy, em chỉ mới làm được một nửa thôi ạ! Một học sinh lễ phép thưa:
A2- Còn em? Thầy chỉ tay vào một học sinh khác.
C2- Dạ, em cũng vậy ạ. Thầy nghiêm mặt, nhẹ nhàng:
A3- Em này đã làm được một nửa, em kia chỉ mới một nửa. Vậy các em thử cộng nửa của bạn này với nửa của bạn kia có ra được số bài thầy ra về nhà không nhé?
Cả lớp cùng cười, rồi bàn tán xôn xao.
(96B) Đây là một tình huống sư phạm có liên quan đến cách nhìn, cách đánh giá của từng chủ thể đối thoại trong cùng một sự kiện. Có hai lẽ thường ở đây: Học sinh phải làm bài tập về nhà của thầy ra và 2/ Hai nửa khác nhau về tính chất, thuộc tính không thể gộp lại thành một được. Dựa vào lẽ thường thứ nhất, những học sinh không làm hết số bài tập thầy ra cho rằng mình chưa làm tròn nhiệm vụ và tự thấy có lỗi với thầy, nên trong câu trả lời đã dùng tác tử tình thái chỉ mới với nghĩa đang còn ít, chưa đạt. Với vị thế của mình, thầy có thể xử phạt. Trên cơ sở niềm tin, thầy biết chắc rằng những em học sinh đó đã hối lỗi nên trong sự tổ chức sự kiện để hồi đáp lại, thầy dựa trên lẽ thường thứ hai để thực hiện hai mục đích: một, khẳng định sự cố gắng làm bài của học sinh (tác tử đã) và hai, thầy muốn phê bình nhẹ nhàng việc làm bài chưa hết của học sinh (tác tử chỉ mới). Lại thêm hình thức nói dí dỏm, hài hước cộng nửa của bạn này với nửa của bạn kia lại thành toàn bộ số bài thầy ra được nói ra có sự nhấn giọng cũng là nhằm mục đích giảm thiểu mức độ phê bình mà học sinh có thể hiểu được.
Như vậy, lẽ thường là yếu tố cơ sở để tổ chức điều này và nói chung, cũng là của các chiến lược lập luận trong lối nói vòng.
1.2.2.2. Tính biến đổi của lẽ thường theo đặc trưng văn hóa địa phương, dân tộc và thời đại
Thế giới muôn hình ngàn trạng của các hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người với những đặc điểm, thuộc tính, quan hệ đã được phản ánh dưới dạng những tri thức, kinh nghiệm, được thừa nhận rộng rãi, mang dấu ấn của những vùng văn hoá hay khu vực địa lí, những thể chế, ước chế xã hội hợp thành dòng chảy vô hình trong đời sống văn hóa của từng dân tộc, từng cá nhân.
Chính những tri thức văn hóa theo những vòng văn hóa địa phương hay dân tộc ấy sẽ trở thành vai dân tộc mang theo vào hội thoại. Bóng dáng của chúng biểu hiện qua việc vận dụng những lẽ thường. Qua lẽ thường, có thể thấy được bề dày
văn hóa trong vốn sống của mỗi cá nhân cũng như tri thức, kinh nghiệm của từng địa phương, từng dân tộc. Mà mỗi cuộc hội thoại, với những đối tượng giao tiếp cụ thể, chúng có sự khác biệt đáng kể. Ấy là vì tập quán, phong tục, tâm lí, truyền thống văn hóa, đặc điểm dân tộc mỗi nơi mỗi khác, vừa có tính chung lại vừa có tính riêng. Có thể thấy qua ví dụ:
(3) Mấy cô làng Đông tụ tập dưới chân cầu Đá Bạc nơi lão Đột câu cá để chọc lão.
Bực mình, lão nói:
A1- Các cụ ngày xưa cấm kị con gái đứng đường. - Lão Đột nói với mấy ông cất vó bên mố cống cho bõ tức - Bây giờ các cô gái làng ta lại thích đứng đường. Rõ khổ chưa. Trông cô nào cũng phây phây mà “chống ề”.
Một cô gái lên tiếng:
B1- Ế chồng cũng không phải nuôi con một mình như cô Tí Hin em gái bác ấy!
A2- Rồi cứ “chống ề” tới già đời con ạ.
B2- Bác Đột ơi! Bác có tính thương người sao bác không đi tìm cái tay xưa về cho cái Tươi nhà cô Hin nó nhận bố?
(DH, BKC: 133) Ớ A1, để phát ngôn của mình có hiệu lực, lão Đột đã sử dụng lẽ thường con gái đứng đường là con gái hư. Đây là điều thuộc về tập quán đời xưa được các cụ thừa nhận. Nhưng nó không phải chân lí vĩnh cửu. Lão Đột đã cố tình đồng nhất quan niệm của tập quán thời phong kiến với thời nay, thời của xã hội mới trong thời điểm mà các cô gái đang đứng chơi trên đường, đồng thời kết hợp với kiểu nói lái “chống ề” nhằm giễu những cô gái chưa lấy chồng. Rõ ràng lão Đột biết điều ấy có thể phục vụ tốt nhất cho mục đích chế giễu nên lão chọn đó làm cơ sở lập luận trong phát ngôn nói mỉa của mình.
Điều đó cho thấy có lẽ thường quen thuộc với một vùng này, địa phương, dân tộc này nhưng lại xa lạ, thậm chí kì lạ, khác lạ đối với một vùng, một dân tộc, một địa phương khác. Cũng giống như anh chàng A.Q trong tác phẩm A.Q chính truyện của Lỗ Tấn, bởi dựa trên lẽ thường của người Trung Hoa phong kiến là Đàn bà nói chuyện tay đôi với đàn ông là đàn bà hư, từ đó anh ta cho rằng đàn bà làng Mùi nói chuyện với đàn ông ngoài đường là đàn bà hư nên mỗi khi thấy con gái làng Mùi
nói chuyện với đàn ông ngoài đường là anh ta nếu đông người thì nhổ nước bọt còn nếu ít người thì anh ta ném cho vài hòn đá. Tương tự, ở nước ta, nhiều tập tục, tâm lí truyền thống phản ánh vào các lẽ thường cũng tỏ ra khá xa lạ với đời sống hiện tại.
Do lẽ thường có những tính chung, có những hạt nhân hợp lí nên trong giao tiếp lời nói, có sự gặp gỡ chung giữa các dân tộc. Sự gặp gỡ này có hai lí do: 1/ Chuẩn mực của những hệ thống giá trị và 2/ Yếu tố liên/ xuyên văn hóa. Đây là cơ sở người ta đặt ra vấn đề “giao tiếp giao văn hóa”(cross-cultural communication)7. Có thể thấy điều này trong ví dụ:
(4) Trong kí túc xá, hai người sinh viên nói chuyện với nhau:
A1- Nè, bà Nguyên giữ kí túc xá trường mình sao dữ quá hà!
B1- Sư tử Hà Đông mà!
A2- Tụi dãy C3 nó đặt cho bà cái biệt hiệu gì biết không?
B2- Sao?
A3- Gấu mẹ vĩ đại đó!
(18 B) Xét trên phương diện hành vi sử dụng ngôn ngữ, cả hai bên tham gia hội thoại đều chịu ảnh hưởng của thói quen thích dùng những cách nói ví von, những hình ảnh mang tính biểu trưng từ những thành ngữ, tục ngữ, ca dao quen thuộc với nếp tư duy truyền thống mang đặc trưng văn hóa vùng, miền hay dân tộc. Ở đây, lẽ thường người đàn bà thường hung dữ khi nổi máu ghen tuông trong tham thoại B1 là cơ sở để thành ngữ Sư tử Hà Đông được sử dụng. Thành ngữ này lấy điển tích từ sự kiện Tô Đông Pha bị người vợ nanh nọc, đanh đá chửi mắng cho một trận ra trò khi nhà thơ đang vui cùng các ca nữ khiến ông phải thốt lên: Hốt văn Hà Đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên (Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống, tay rơi gậy chống, bụng rối beng).
Còn ở A3, lẽ thường này lại từ thành ngữ dữ như gấu làm cơ sở để liên tưởng tới một bộ phim rất ăn khách của phương Tây từng làm nóng chốn phim trường không chỉ ở thế giới mà còn cả ở Việt Nam cách đây trên dưới chừng thập kỉ. Rõ
7Về vấn đề này, xem Nguyễn Quang (2004: 189 – 256)
ràng điều này có liên quan tới cá tính và tâm lí truyền thống dân tộc khá rõ bởi người Việt thì xem gấu là biểu tượng của sự dữ dằn, trong khi người phương Tây như người Nga lại cho nó biểu tượng cho sự hiền lành, tốt bụng. Từ đó, phát ngôn này muốn người nghe quy chiếu với sự kiện đang đề cập để hiểu đúng hàm chỉ về tính cách dữ dằn của nhân vật được nói trong tình thế đó.
Như vậy, lẽ thường, nói như Nguyễn Đức Dân, là Hệ thống lôgich xã hội đời thường (1998: 194). Nó phản ánh sự tri nhận về thế giới khách quan, tự nhiên và xã hội của con người dưới dạng những chân lí, kinh nghiệm theo những vùng văn hóa khu vực, dân tộc hay địa phương và được biểu hiện một cách khái quát. Nó là dòng chảy vô hình trong văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương được các cá nhân thụ đắc và tạo nên bản thể văn hóa của chính họ.
Trong giao tiếp, nó trở thành tác nhân vừa vô hình vừa hiện hữu ở mỗi phát ngôn, mỗi lời thoại, nó đóng vai trò làm chất xúc tác cho sự tương tác giữa các thoại nhân. Cho nên có thể nói rằng lẽ thường là hơi thở sống, là mảnh đất sống của lối nói vòng. Nhờ tận dụng tính hiển nhiên, tính được thừa nhận và tính đa biến của lẽ thường, các chiến lược nói của lối nói vòng mới thực thi có hiệu quả. Do đó, vai trò của lẽ thường có thể khẳng định là không thể thiếu trong hoạt động của lối nói vòng và nếu không dựa trên lẽ thường thì có thể dẫn đến sai lầm trong tổ chức nói năng.
Có câu chuyện vui sau đây:
(5) Đã đến giờ mở tiệc mà chỉ có hai mươi trong số bốn mươi người được mời sinh nhật có mặt. Anh chàng chủ nhân sốt ruột đi ra đi vào rồi than vãn:
A1- Những người cần đến thì vẫn chưa đến.
Nghe thấy thế, 10 người đứng dậy bỏ ra về. Thấy vậy anh ta hốt hoảng:
A2-Những người cần ở lại thì lại bỏ về.
Chín trong số mười người còn lại bỏ về tiếp. Chỉ còn lại người bạn thân. Anh trách:
B1- Anh kì quá, anh ăn nói như thế để họ bực mình bỏ về hết rồi.
Anh chàng này vội thanh minh:
A3- Nhưng tôi có nói họ đâu!
Đến lượt anh bạn thân kia cũng bỏ về nốt.
(Lược dẫn theo Nguyễn Đức Dân 1998: 141)
Ở đây có một lẽ thường: Những người được mời là những người mà A cần.
Trong số đó có những vị khách mà A cần đặc biệt; ví dụ: cha mẹ, thủ trưởng hoặc thầy cô của chủ nhân… Nhưng do diễn đạt thiếu đầy đủ và thiếu chặt chẽ nên ba lần phát ngôn thì cả ba lần anh ta đều tạo ra hàm chỉ sai. Ở lần thứ nhất, cấu trúc cần đến vẫn chưa đến tạo ra hàm chỉ đến là không cần khiến những người có mặt tự ái vì A nghĩ là mình không phải là người mà chủ nhân cần, sự có mặt của mình là thừa. Lần thứ hai cấu trúc cần ở lại thì lại bỏ về tạo ra hàm chỉ người ở lại là không cần và đến lần ba với anh bạn thân: có nói họ đâu thì tạo ra hàm chỉ: không nói họ là nói mình, thì ra những lời nói kia là chỉ nhắm vào mình. Như vậy, trong trường hợp này cách diễn đạt của anh ta luôn sai do không tôn trọng lẽ thường đồng thời anh ta không dùng hàm chỉ cũng không dùng lối nói vòng nên luôn đặt những vị khách mời đã có mặt vào một thế đối lập với loại người mà anh đang quan tâm, mong đợi khiến anh phải gánh lấy hậu quả dở khóc dở cười.