Chương 4 TỔ CHỨC ĐIỂM NÓI VÀ CẤU TRÚC CỦA LỐI NÓI VÒNG 4.1. Tổ chức các điểm nói trong ngôn thoại
4.1.3. Các loại điểm nói vòng trong ngôn thoại
4.1.3.1. Điểm nói vòng hiện
(57) Trong lần hẹn đầu tiên, đang nói chuyện, chợt cô gái hỏi chàng trai:
A1 – Hình như anh đang học thêm môn Anh văn phải không?
B1 – Sao em biết hay thế?
A2 – Vì thấy chỗ nào anh cũng hay sờ sờ. Làm em nhột quá!
(LĐ, 07/06) Đây là trường hợp dùng câu hỏi mà các từ ngữ trong điểm hỏi anh đang học thêm môn Anh văn phải không? có yêu cầu là một sự xác tín, một khảo nghiệm. Vì thế, nếu thêm vào yếu tố từ ngữ biểu thị tình thái hình như thì cái ý riêng tư của yếu tố tình thái này sẽ làm cho cấu trúc toàn câu hỏi hình như anh đang học thêm môn Anh văn phải không? chuyển thành việc tìm kiếm một sự xác nhận. Vì vậy, có thể hỏi khẳng định hay phủ định điểm hỏi đang P/ không đang P. Hành vi hồi đáp B1 có hiệu lực gián tiếp là lời khẳng định, tức là đáp ứng yêu cầu được xác nhận của A.
Đây chính là điểm nói vòng thứ nhất.
Sau khi điểm nói này được tiếp nhận, A tổ chức tiếp điểm nói vòng thứ hai:
Chỗ nào anh cũng hay sờ sờ mà từ ngữ sờ sờ tạo ra mối quan hệ đồng nhất giữa những hành động, động tác phát âm tiếng Anh với hành động, động tác được quy chiếu trong thời điểm nói. Vậy thì A1 và cả phát ngôn r2 của A2 đều là những điểm
nói vòng, bởi chúng chi phối sự tiếp nhận của người nghe về điều này khi suy luận và hiểu ra điều khác.
Chúng ta tiếp tục quan sát một cuộc thoại trong giao tiếp tiếng Anh trong tác phẩm The Green mile (Stephen King):
(58) Khi viên cai Percy đánh tù nhân Delacroix vì cho rằng tù nhân này xấc xược, viên quản giáo trưởng trại đã phản ứng, tỏ thái độ không đồng tình và đã lên tiếng:
A1- You quit with it or there’ll be a report (Mày phải thôi ngay, hay là tao sẽ phải viết báo cáo?)
Percy cười và đáp lại:
B1- Make any report you want. Then I turn around and make my own. Just like I told you when he came in. We’ll see who comes off the best. (Ông cứ viết bản báo cáo của ông, còn tôi, tôi sẽ viết bản báo cáo của tôi. Để xem ai viết tốt hơn)
(S.King: 115) Ở một tình thế có đánh dấu như thế này, rõ ràng khi mà tình trạng hiện đương của hai bên tham gia cuộc thoại đó đang có sự bức xúc về tâm lí nhưng lại muốn giảm thiểu sự đe dọa thể diện của nhau, thông thường trong tổ chức lời thoại, họ sẽ phải lựa chọn những dấu hiệu nào đó dễ nhận diện hơn với hiện tình đang được nói tới vì họ muốn đạt hiệu quả hơn bởi sự chi phối của yếu tố không gian, thời gian thực hữu, giúp đối tác có thể xác định dễ dàng hơn trong khi tiếp nhận. Ở đây, ngoài ngữ điệu của câu nói còn là những phương tiện từ ngữ. Trong tham thoại A1 there’ll be a report đó là một điểm nói vòng; để từ đây, nó giúp B suy luận ra điều khác qua hành vi đe dọa: Ông hãy coi chừng, việc làm sai trái ấy của ông, tôi có thể báo cấp trên biết; còn ở tham thoại B1 là I turn around and make my own, who comes off the best lại là những điểm nói vòng của B mà nó giúp A hiểu ra điều khác cũng với hành vi đe dọa: Ông cũng cẩn thận, cấp trên của ông cũng có thể biết về ông nhiều hơn những điều ông biết về tôi.
Từ sự phân tích trên, chúng ta đi đến định nghĩa:
Điểm nói vòng hiện là điểm được tạo nên trong phát ngôn chi phối phần còn lại của điều này mà ở đó các phương tiện thể hiện đều hiện rõ lên bề mặt hình thức của ngôn thoại, người nghe phải dựa vào đó để tiếp nhận được điều khác.
Định nghĩa cho thấy, khác với tính chất hiển hiện của những lối nói khác, ở lối nói vòng, các phương tiện đảm nhận hiện rõ trên bề mặt phát ngôn/ ngôn thoại phải đảm bảo điều kiện thể hiện điều này. Đây là vấn đề cốt tử của lối nói vòng. Không có điều này thì không thể có lối nói vòng và ngược lại, lối nói vòng không thể thực hiện được nếu thiếu điều này.
Vậy thì việc tổ chức điểm nói vòng trong ngôn thoại thực chất là tổ chức điều này. Bởi theo nguyên tắc, điều này được tổ chức một cách hiển lộ trên bề mặt ngôn thoại. Nó là cái phần xác (basar), còn cái phần hồn (nephes) tức điều khác thì nằm trong cái vỏ bọc của cái phần xác ấy.
Vậy căn cứ vào đâu để biết trong cái phần xác có cái phần hồn là điều khác? Để trả lời câu hỏi này có mấy căn cứ:
Thứ nhất, khi hội thoại, cái hiện thực đề tài, tức sự kiện được nói tới có những cấp độ khác nhau: Cấp độ sự kiện thuần túy và cấp độ sự kiện chứa tiềm năng ngữ dụng. Nghĩa là xem sự kiện được nói ra trong lời có giữ đúng tính thông tin đích thực như nó vốn có hay không. Nói khái quát thì khi trình bày sự kiện Y vẫn là sự kiện Y thuần túy miêu tả, thông tin X vẫn là thông tin X, nó không bị khúc xạ, không thể khác. Đó chính là phần xác của điều này.
Thứ hai, khi được phóng chiếu (project) với tình thế, tức bối cảnh thực hữu của cuộc thoại và với ngữ huống, thì sự kiện Y ấy mang tiềm năng ngữ dụng có khả năng dẫn xuất tới một thông tin mới, thông tin Z nào đó. Thông tin Z này, trong tình thế ấy chính là ý định nói. Đó chính là phần hồn của điều này, tức điều khác.
Thứ ba, trong quá trình hội thoại, người nói lựa chọn một hệ quy chiếu34 và tin rằng hệ này làm cơ sở truyền thông báo tới người nhận là cách tốt nhất, thuyết phục hơn cả để xây dựng các phát ngôn mang tính định hướng nghĩa nhất định và tạo ra một chương trình, một kế hoạch lập luận chi phối tính liên kết của ngôn thoại. Vì thế, trên bề mặt ngôn thoại, có thể tìm thấy những tín hiệu ngôn ngữ đánh dấu cho các quan hệ định hướng lập luận hay định hướng ngữ nghĩa dựa trên một hệ quy chiếu xác định và làm người nghe nhận thức được điều khác.
34 Nguyễn Quang (2004: 144) cho rằng hệ quy chiếu có tám điểm: Người nghe, Vật nghe, Người được quy chiếu, Người đứng bên, Vật được quy chiếu, Khung cảnh được quy chiếu, Không gian được quy chiếu và Thời gian được quy chiếu.
Thứ tư, khi tham thoại, mỗi bên đều phải mặc nhiên tuân thủ theo những định hướng lớn nhất về tiền giả định hội thoại và chủ đề hội thoại. Đây là những điều kiện chế định sự tổ chức hay sự tham gia của các tham thoại dẫn tới sự tương thích giữa các lượt lời, tạo nên sự quy tụ hội thoại (convergence conversation)35. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng bất tương thích giữa các lượt lời, và tạo ra sự phân li hội thoại (divergence conversation)36.
Ở trường hợp ví dụ (50), (tr.136-137), hiện thực được nói tới là sự kiện người chồng đang thuyết phục người vợ chuyển ngành khỏi nghề y tá, giữa họ đang có sự bất đồng. Sự tham gia của đứa con với tư cách là một phần trong chiến lược nói của A. Do bị chế định bởi chủ đề hội thoại nên đã diễn ra sự quy tụ hội thoại. Trong câu hỏi đố của người chồng với đứa con có hệ quy chiếu xác định là người vợ. Vì vậy điểm đố ai là người dũng cảm nhất nhằm hướng tới điểm đích của hệ quy chiếu ấy.
Cho nên, tín hiệu ngôn ngữ người dũng cảm nhất sẽ chỉ ra nội dung, phạm vi cho câu trả lởi và như thế người đố có một niềm tin rằng nội dung, đối tượng được đố là cái mà người trả lời chắc chắn đã biết. Vậy, đó là điểm nói vòng thứ nhất.
Ở trong tình thế đó, câu trả lời cũng chắc chắn đáp ứng điều mà người đố dự kiến, đúng như đòi hỏi, không thể có cách trả lời nào khác. Vậy thì việc đố ở đây không phải để chỉ ra cái đối tượng được đố mà mục đích nhằm kiểm tra lại nhận thức, xác nhận cái điều được đố là có thực, có sự tồn tại và thực tế câu trả lời B1 đã xác nhận điều đó. Như thế rõ ràng A1 là một điểm nói vòng - điểm thiết lập chiến lược nói. Do vậy, người chồng triển khai tiếp câu hỏi đố nhưng với nội dung mức độ cao hơn với điểm đố ai là người anh hùng nhất. Điểm đố này được phóng chiếu tới một đối tượng - người được quy chiếu - mà trong tầm tri nhận, trong trí nhớ ngắn hạn/ dài hạn của đứa con có thể xác định được, mục đích chính là dựng lên một tiêu mẫu so sánh về đặc điểm, tình trạng – điều cần muốn nói, muốn thuyết phục. Vậy, đây là điểm nói vòng thứ hai. Nhưng người vợ đã phát hiện ra ý đồ này và dùng hành vi đe doạ thể diện để ngăn chặn. Đáp lại hành vi này, với vị thế giao
35 Làm cho mỗi bên tham gia đều tích cực, hào hứng vào vấn đề, chủ đề được nói.
36 Làm cho mỗi bên tham gia đều cảm thấy thiếu hào hứng, thậm chí dè chừng, muốn chấm dứt ngay cuộc thoại.
tiếp mạnh, A tiếp tục triển khai chiến lược tạo thông tin dư với hàm chỉ tỏ một thái độ dứt khoát là yêu cầu người vợ chuyển ngành.
Từ đó, chúng ta khái quát:
1/ Phát ngôn là nơi chứa các điểm nói vòng. Nói cách khác, khu vực tồn tại của điểm nói vòng là phát ngôn/ tập hợp phát ngôn trong hệ tôn ti hội thoại.
Và nếu quan niệm trong ngôn thoại có hai loại phát ngôn là phát ngôn chủ dẫn và phát ngôn phụ dẫn thì điểm nói vòng chủ yếu nằm ở vị trí của phát ngôn chủ dẫn. Phát ngôn chủ dẫn là phát ngôn tập trung các quan hệ sự kiện và quan hệ liên cá nhân trong điều này. Gọi phát ngôn phụ dẫn bởi mức độ tham gia ít vào việc biểu hiện nội dung sự kiện và tính chất dẫn dắt yếu (chủ yếu do nó nằm trong mạch lạc của tuyến dẫn dắt). Chính vì vậy, căn cứ vào mức độ tham gia nhiều/ ít của hoạt động ngữ dụng khi thiết lập các quan hệ sự kiện trong điều này, sẽ tìm thấy phát ngôn chủ dẫn với phát ngôn phụ dẫn.
2/ Điểm nói vòng thường chỉ rơi vào các phát ngôn chủ dẫn. Phát ngôn chủ dẫn là phát ngôn quan yếu hiểu theo nghĩa diễn đạt nội dung sự kiện của điều này và quan hệ của nó với chiến lược lập luận, tức với vai trò dẫn dắt của người nói. Nó có tính chất quy tụ các điểm nói vòng. Qua đó, khi xác định toạ độ của điểm nói vòng thì chúng ta phải tìm tới những điểm mạnh, điểm nổi bật đó của ngôn thoại.
3/ Điểm nói vòng có thể có độ lớn bằng hoặc nhỏ hơn một phát ngôn hay bằng nhiều phát ngôn của một/ hơn một lượt lời. Tùy theo sự tương tác giữa các thoại nhân và tương tác giữa nội dung trao đổi mà điểm nói vòng có thể chỉ ở một lượt lời hoặc kéo dài nhiều lượt lời.
4/ Điểm nói vòng là nơi biểu hiện rõ rệt nhất, tập trung nhất mối quan hệ với đích hướng dụng, với vai trò chủ động dẫn dắt của người nói trong diễn ngôn. Nói cách khác, điểm nói vòng bao giờ cũng chứa một mục đích hướng dụng nhất định và nằm trong một kiểu tổ chức lập luận nhất định.
5/ Điểm nói vòng có thể nổi lên trên bề mặt ngữ nghĩa của phát ngôn hoặc chìm đi, tàng ẩn phía sau các tổ hợp lời nói của ngôn thoại. Điều đó có nghĩa là điều này có thể được người nói thực hiện bằng phương thức hiển hiện hoặc bằng phương thức ngầm ẩn.
6/ Khi có điểm nói vòng xuất hiện, muốn nhận thức chủ đích của nó nhất thiết phải dùng thao tác suy ý. Sự suy ý này theo nguyên tắc chiếu xạ với hiện thực được nói đến, với tình thế và với ngữ huống.
Do tính liên kết (coherence) giữa các phát ngôn trong chuỗi lời cũng như lực dính (cohesion) của các sự kiện được tổ chức, sắp xếp trong mỗi phát ngôn nên cái điều khác tuy không hiển hiện ở bề mặt phát ngôn nhưng lại là yếu tố xuyên suốt mọi đơn vị lớn nhỏ của lời, là linh hồn của ngôn thoại.
Đứng từ gíác độ kết cấu tuyến tính của chuỗi lời, ta có thể thấy các điểm nói vòng khi thì hiển hiện trải dài lên bề mặt phát ngôn, khi thì ẩn tàng, chìm khuất phía sau lời. Tuy thế, vẫn có thể định tính và định lượng được các điểm nói vòng nhờ vào kích thước của các phát ngôn trong mỗi lượt lời, nhờ vào quan hệ sự kiện của điều này, nhờ vào sự quy chiếu với tình thế và với ngữ huống của cuộc thoại.
Qua đó, chúng ta thấy rằng việc thiết lập điểm nói vòng hiện là một thao tác tổ chức sử dụng các yếu tố ngôn ngữ nhằm tạo ra một bộ phận quan trọng của điều này mà từ đó nó định hướng hay chi phối sự tiếp nhận điều khác đối với người tham gia giao tiếp.