1.3. Minh định lối nói vòng – Quan niệm và nhận diện
1.3.5. Lối nói vòng với những khái niệm hữu quan
1.3.5.2. Quan hệ giữa lối nói vòng với hành vi ở lời gián tiếp
Thực tế giao tiếp cho biết rằng khi nói, chúng ta thông báo với nhau nhiều hơn những điều được nói ra trực tiêp. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã có những hành động thông báo một cách gián tiếp. Mà nếu xét trên phương diện hành vi thì đó là việc sử dụng hành
vi không đúng với đích ở lời, không đúng với điều kiện sử dụng. Nói cách khác, đó là việc sử dụng hành vi này nhưng lại nhằm hiệu quả của một hành vi ở lời khác.
J. R Searle - người đặt ra thuật ngữ hành vi ngôn ngữ gián tiếp (indirect speech act) - định nghĩa: Một hành vi tại lời được thực hiện gián tiếp qua một hành vi tại lời khác sẽ được gọi là một hành vi ngôn ngữ gián tiếp (1975: 62). Trong 5 nhóm lớn về hành vi ngôn ngữ mà J.R. Searle đưa ra: Tái hiện (representatives), điều khiển (directives), cam kết (commissives), biểu cảm (expressives) và tuyên bố (declarations) thì nhóm điều khiển có ý nghĩa rất lớn tới các hành vi được sử dụng trong lối nói vòng.
Đặc điểm của nhóm hành vi ngôn ngữ này là người nói thể hiện cố gắng ở những mức độ khác nhau làm sao cho người nghe thực hiện một hành động nào đấy trong tương lai như mình mong muốn. Như thế, hành vi ngôn ngữ gián tiếp vừa có những đặc điểm do xã hội quy ước vừa có những đặc điểm siêu ngôn ngữ. Nguyễn Đức Dân có viết:
Tất cả các loại thể chế, ước chế và tập tục này đều liên quan tới con người và được mọi người trong xã hội thừa nhận. Chúng được hợp thức hóa trong xã hội và được sự biểu hiện hình thức trong ngôn ngữ. Nghĩa là đã hình thành các quy ước về sự dùng nghĩa phản ánh các thể chế, ước chế xã hội và đi vào tâm thức của mỗi con người…Chúng ta nói tới các hành vi gián tiếp như là cấu trúc ngôn ngữ của những sự kiện xã hội đã được mã hóa (1998: 69).
Vậy, làm thế nào để nhận biết và sử dụng các hành vi ngôn ngữ gián tiếp?
Muốn trả lời câu hỏi này, theo J.R. Searle (1970), cả người nói và người nghe phải trả lời được hai câu hỏi cụ thể sau đây:
Làm thế nào để khi nói cái gì đó là muốn nói về điều đó và đồng thời muốn nói thêm điều gì khác nữa? Làm thế nào để hiểu được hành vi ngôn ngữ gián tiếp khi mà cái nghe được là một điều khác?
Điều này rõ ràng có sự tương ứng với lối nói vòng khi cả hai đều chịu lệ thuộc rất sâu sắc bởi ngữ cảnh, bởi phép lịch sự, bởi các quy tắc liên kết, quy tắc hội thoại và cả lôgich.
Tuy vậy, ở lối nói vòng, điều có ý nghĩa quan trọng là ở tính dẫn dắt. Vì thế, có những hành vi ngôn ngữ gián tiếp được lối nói vòng sử dụng như những cách thức trong chiến lược nói của mình để tạo hiệu quả. Do vậy, lúc cần, khi đối tác không hiểu được ý định của người nói, thì yếu tố dẫn dắt được tận dụng triệt để.
Các hành vi gián tiếp ấy đều được người nói kiểm soát theo những chiến lược dẫn dắt nhất định phù hợp với những tình thế cụ thể của quá trình hội thoại. Để thấy rõ mối quan hệ này, chúng ta xét ví dụ:
(9) Trong buổi khánh thành tượng Bác do bốn nhà điêu khắc nước ngoài thực hiện theo bốn phong cách khác nhau, Bác chỉ mỉm cười. Một người hỏi Bác:
A - Thưa Bác, Bác có hài lòng với những bức tượng này không ạ?
B- Trông giống như bốn anh em cụ Hồ. Các chú đã tạo cho Bác thêm một số anh em. Bác cám ơn lắm ! Mọi người đều cười hoan hỉ.
(TDH - HL, GTNVVN 1996: 208) Trong lời đáp của Bác, do được định hướng bằng các dấu hiệu ngôn ngữ: giống bốn anh em cụ Hồ nên dễ dàng nhận ra hàm chỉ: Cụ Hồ nguyên mẫu không giống bốn bức tượng. Hàm chỉ này được tạo nên nhờ phần đóng góp của tiền giả định bách khoa: Bác là lãnh tụ được người dân Việt Nam gọi bằng Cụ. Cơ sở để cho hàm chỉ đó được tiếp nhận đúng với ý định nói của B là lẽ thường: Bác là duy nhất. Như vậy, những hiểu biết về tiền giả định bách khoa và lẽ thường đã tạo nên trong phát ngôn hồi đáp của Bác một ý nghĩa hàm chỉ thật tinh tế giản dị, thoáng như đùa mà lại rất sâu sắc: vừa khen lại vừa chê, giống mà cũng như chẳng giống. Việc tạo cho Bác thêm một số anh em là nằm ngoài sự chờ đợi của mọi người về yêu cầu chất lượng bức tượng. Như vậy có thể dùng tiền giả định và lẽ thường để phát hiện ý nghĩa hàm chỉ trong lối nói vòng.
Xét về phương diện hành vi, ở đây, hành vi khảo nghiệm trong A không được hồi đáp đúng với đích ở lời. Hành vi khen trong B, tức hành vi tôn vinh thể diện lại có hiệu lực gián tiếp là một hành vi chê, tức là một hành vi đe dọa thể diện nhưng lại được đối tác chấp nhận. Vậy là nhờ tính dẫn dắt mà lời chê ấy qua hành vi ngữ dụng được thể hiện một cách nhẹ nhàng, ý vị, phù hợp với tình thế trang trọng của buổi khánh thành.