Quan hệ giữa lối nói vòng với tiền giả định bách khoa và hàm ý

Một phần của tài liệu Lối nói vòng trong giao tiếp tiếng việt (Trang 48 - 51)

1.3. Minh định lối nói vòng – Quan niệm và nhận diện

1.3.5. Lối nói vòng với những khái niệm hữu quan

1.3.5.1. Quan hệ giữa lối nói vòng với tiền giả định bách khoa và hàm ý

Theo lý thuyết giao tiếp, tiền giả định (presuppostion) là căn cứ cần thiết mà người nói cho là có thực, dựa vào đấy để tạo nên nghĩa tường minh và hàm ý.

Cần phân biệt tiền giả định với lẽ thường. Chúng giống nhau ở chỗ đều là những hiểu biết chung mà hai bên tham gia giao tiếp đã có. Nhưng chúng khác nhau ở chỗ tiền giả định thì bị quy định bởi tiêu chuẩn đúng/ sai bắt buộc, còn lẽ thường thì không có tính tất yếu, không có tính bắt buộc. Tiền giả định thì có quan hệ chặt chẽ với lẽ thường. Nó có lượng tin thấp, ít lệ thuộc ngữ cảnh, và có quan hệ với các tín hiệu ngôn ngữ đánh dấu nó.

Tiền giả định bách khoa - còn gọi là tiền giả định giao tiếp - là một trong những loại tiền giả định cùng với hàm ý hợp thành ý nghĩa hàm ẩn. Nó bao gồm “Tất cả những hiểu biết về hiện thực bên trong và bên ngoài tinh thần con người mà các nhân vật giao tiếp cùng có chung trên nền tảng đó mà nội dung giao tiếp được hình thành và diễn tiến” (Đỗ Hữu Châu 2006: 395).

Những hiểu biết về tiền giả định bách khoa gồm: toàn bộ những hiểu biết về tri thức phổ thông, tri thức tình huống, tri thức ngôn cảnh, tức những hiểu biết về điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, tâm sinh lí, khoa học v.v. Tất cả làm nên cái khung hiểu biết về vật hay tình huống, bao gồm cả những thông tin riêng biệt về vai trò của những người tham gia (Asher 1994: 10), nói cách khác, đó là cái khung tham chiếu của mỗi thoại nhân khi tham gia giao tiếp, là mục đích giao tiếp của mỗi bên cùng những cái đích hay là những tiêu chuẩn, giá trị mà họ theo đuổi kèm vào đó là các sách lược, chiến lược, chiến thuật và phong cách giao tiếp của mỗi bên.

Muốn hiểu nhau họ phải sử dụng một môi trường giao tiếp chung để truyền đi các thông điệp cần thiết (Hữu Đạt, 2001: 121). Tất nhiên, không thể có một sự đồng nhất nào trong hiểu biết về tiền giả định bách khoa giữa hai thoại nhân bởi bao giờ giữa họ cũng có một độ chênh nhất định, vì thế, hiệu quả giao tiếp đạt được như thế nào là tùy thuộc vào mạng xử lí ngữ nghĩa của mỗi bên. Khi mạng ngữ nghĩa đem ra để giải mã thông điệp không thống nhất sẽ xảy ra tình trạng không hiểu nhau hoặc sai lạc thông tin cơ bản (Hữu Đạt, 2001: 121). Dù rằng ở mỗi cuộc thoại, họ có một lượng chung

tiền giả định bách khoa nào đấy có liên quan, dính líu tới hiện thực- đề tài được nói tới trong cuộc thoại đó. Nói chung tiền giả định bách khoa gồm những yếu tố sau:

a. Hiểu biết về thoại trường (Setting)9là những hiểu biết về thời gian không gian thực hữu với những con người sự vật hợp thành không gian thời gian đó. Ở lối nói vòng, thoại trường có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung giao tiếp, chiến lược giao tiếp, định hướng giao tiếp. Chẳng hạn, những hiểu biết về quy định nơi công sở, trường học, hoặc nơi chùa chiền sẽ đặt người giao tiếp phải tôn trọng và lựa chọn nội dung, ngôn ngữ phù hợp với những chuẩn tắc trong những phạm vi đó.

b. Hiểu biết chung về hiện thực - đề tài và hệ quy chiếu: Đó là đề tài của cuộc thoại, tức là một cái gì đó, một sự vật, một hiện tượng, một tâm tư tình cảm nguyện vọng nào đó mà các thoại nhân trao đổi với nhau, thỏa thuận với nhau hoặc do người nói có vị thế giao tiếp mạnh đưa ra. Nó là mảng bộ phận của môi trường xã hội- văn hóa- địa lí, tức ngữ cảnh mà các thoại nhân lựa chọn làm đề tài cho cuộc hội thoại cũng như để đối chiếu với nó trong quá trình lập mã và giải mã. Nhờ cái khung hiểu biết – khung tham chiếu - này mà ở lối nói vòng, các thoại nhân dựa vào đó để nói những gì cần phải nói, nói những điều gì không cần nói hết, mới có thể truyền báo nhiều hơn những điều được nói ra.

c. Hiểu biết về ngữ huống: Ngữ huống là trạng thái trực tiếp, cụ thể của diễn ngôn ở vào một thời điểm mà do tác động của các nhân tố ngữ cảnh ở thời điểm đó mà có. Trong giao tiếp, cũng như các lối nói khác, ngữ huống của lối nói vòng luôn vận động và biến đổi, tác động đến cả bản thân cuộc giao tiếp đó. Do vậy, các thoại nhân không những phải ứng xử sao cho phù hợp với ngữ huống mà còn tìm cách biến đổi ngữ huống sao cho đích giao tiếp của mình đạt hiệu quả.

Cùng nằm trong phạm trù của nghĩa hàm ẩn là hàm ý (implicite). Hàm chỉ là tất cả những nội dung có thể suy ra từ phát ngôn dựa vào nghĩa tường minh và tiền giả định của nó. Hàm ý, theo O. Ducrot là nói một cái gì đó mà không vì thế nhận trách nhiệm là đã có nói, có nghĩa là vừa có được hiệu lực của nói năng, vừa có được sự vô can của im lặng (dẫn theo Hoàng Phê 1989: 92). Hàm ý phụ thuộc vào ngữ cảnh, phụ thuộc vào ý định của người nói, vào tư cách người nói. Đặc biệt nó phải dựa

9Thuật ngữ dịch của Đỗ Hữu Châu (2006: 15)

vào lẽ thường để lập mã và giải mã khi tiến hành giao tiếp. Nó không tất yếu phải được đánh dấu bằng các dấu hiệu ngôn ngữ. Hoàng Phê có viết:

Mọi người đều biết rằng trong lời nói thường ngày, lắm khi chúng ta nói một điều này nhưng lại muốn cho người nghe từ đó hiểu ra một điều khác, hoặc hiểu thêm một điều khác nữa. Điều nói gián tiếp đó, chúng tôi đề nghị gọi là hàm ngôn (implicite), đối lập với hiển ngôn (explicite) là điều nói ra trực tiếp. Khi một lời nói có hàm ngôn thì ý hàm ngôn thường là quan trọng, thậm chí có khi hiển ngôn chỉ là dùng để nói hàm ngôn, ý hàm ngôn mới là ý chính (1989: 93).

Vậy thì tại sao lại không truyền báo ý định, ý đồ giao tiếp của mình một cách tường minh mà phải dùng tới lối nói có hàm chỉ? Phải chăng là để buộc đối tác phải suy nghĩ để nắm bắt nghĩa thực của lời nói nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng sức thuyết phục cho lời? Hay do khiêm tốn? Hay do tránh né không muốn trực tiếp làm mất thể diện của đối tác? Hay do muốn châm biếm, mỉa mai? Hay do không muốn chịu trách nhiệm trực tiếp về điều mình nói ra? Hay vì một lí do gì khác? Tất cả những lí do vừa kể có tìm được trong lối nói vòng hay không? Câu trả lời là: Có.

Như vậy, ở lối nói vòng, mọi hàm ý đều là cách thức để người nói truyền báo cái ý định, cái ý đồ giao tiếp tới đối tác. Với vai trò, vị thế của người nói cùng những phát ngôn của anh ta khi được truyền đạt một cách có ý định thì đồng thời cũng có thể tạo ra ý nghĩa hàm ẩn trong lời nói của mình. Cơ chế truyền đạt nó được Đỗ Hữu Châu xác định dựa vào tất cả các quy tắc ngữ dụng: Người nói một mặt phải tôn trọng các quy tắc này và giả định rằng người nghe cũng biết và tôn trọng chúng, mặt khác lại cố ý vi phạm chúng và giả định rằng người nghe cũng ý thức được chỗ vi phạm đó của mình (Đỗ Hữu Châu 2006: 377-378).

Như vậy, cái sự cố ý ấy phải được người nghe nhận biết thì mới có giá trị, mới đạt được đích tác động. Do đó, để tránh lẫn lộn về mặt thuật ngữ cùng những điều ngộ nhận có thể có trong nội hàm khái niệm, chúng tôi đề nghị gọi ý nghĩa hàm ẩn có ý định thông báo của người nói là ý nghĩa hàm ch (connotation) tức đó là ý nghĩa chủ định bổ sung liên quan đến mặt văn hóa xã hội hay là mặt chức năng thích nghi với phát ngôn của người nói.

Minh họa vấn đề này, chúng ta có ví dụ:

(8) Một cô cháu gái ở với bà ngoại trong kì nghỉ hè, bữa ăn sáng đầu tiên, bà dọn cho cô một li nước cam tươi, một bát cơm và một li sữa. Cô cháu gái nói:

A1 – At home, Mommy always has bacon and eggs for breakfast (Ở nhà, mẹ luôn có thịt nướng và trứng để ăn sáng).

Bà vốn chiều cháu. Bà mang cất xuống bếp và làm món thịt nướng và trứng.

Xong việc, bà mang lên cho cô cháu. Cô cháu gái liền nói:

A2 – No thank you (Không, cháu cảm ơn bà).

Vẻ mặt buồn rầu, bà nói:

B1 – What do you mean, no thank you, you told me your mother always has bacon and eggs for breakfast (Cháu bảo: không, cám ơn bà, là thế nào? Cháu đã nói là mẹ luôn có thịt nướng và trứng để ăn sáng kia mà).

A – That’s what I said. Mommy has bacon and eggs, but I eat cereal (Cháu đã nói như vậy. Mẹ có thịt nướng và trứng, còn cháu thì cháu ăn cơm)

(W.K.Penedleton: 43) Trong tình thế của diễn ngôn mà trạng thái cụ thể, trực tiếp của ngữ huống là một bữa ăn sáng đầu tiên ở nhà bà ngoại của cô cháu. Về khía cạnh hiểu biết về hiện thực-đề tài và hệ qui chiếu, cả hai bà cháu đều thiếu đầy đủ. Đối với bà ngoại, đó là sự thiếu thông tin về những thói quen, sở thích ăn uống của cô cháu dẫn tới sự xác định chưa đúng về hệ qui chiếu, hơn nữa, do áp lực của ngữ huống, của tình thế chi phối nên ở tham thoại A1, bà đã không hiểu đúng thực chất ý định của cháu là chỉ muốn ăn cơm (mà không cần uống thêm cam, sữa). Đối với người cháu, đó là nói chỉ dừng ở mức hàm chỉ ấy mà không có dẫn dắt nên bà ngoại không hiểu được ý nghĩa hàm ẩn có ý định thông báo này, nghĩa là cái sự cố ý của người cháu đã không được nhận biết nên không có giá trị, tức không đạt được đích tác động. Từ đó ta thấy, giữa các đối tác giao tiếp, trong lối nói vòng, cần có những hiểu biết chung về thoại trường, về hiện thực-đề tài và hệ qui chiếu, về tình thế và ngữ huống.

Một phần của tài liệu Lối nói vòng trong giao tiếp tiếng việt (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(334 trang)