Tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao

Một phần của tài liệu Lối nói vòng trong giao tiếp tiếng việt (Trang 90 - 152)

Chương 2 MỤC ĐÍCH VÀ TÌNH THẾ GIAO TIẾP CỦA LỐI NÓI VÒNG 2.1. Lối nói vòng xét theo mục đích giao tiếp

2.2. Lối nói vòng xét theo tình thế giao tiếp

2.2.1. Tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao

Một cuộc hội thoại tất phải có người nói và người nghe. Từ khi các nhân vật hội thoại gặp nhau bắt đầu nhập cuộc trao đổi cho đến khi kết thúc thì vấn đề đặt ra trong lối nói vòng là ai lựa chọn đề tài, chủ đề và nói ra điều này trước, ai chủ động điều khiển, ai chế ngự cuộc thoại.

Tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao là tình thế mà người nói được coi là nắm quyền chủ động, nắm quyền điều khiển, quyền chế ngự. Biểu hiện cụ thể của quyền chủ động nói ra điều này được xác định ở vị trí lời trao14của cặp thoại, của lượt lời trong quá trình tương tác, của cấu trúc diễn ngôn (xem 4.2.2.2). Xét ví dụ:

(25) Đang lúc buồn bực, nhà văn Nguyễn Tuân gặp GS. Sử học Trần Quốc Vượng hỏi:

A1 - Này ông Vượng, ông nghiên cứu sử, vậy tôi hỏi ông 80 con rùa đội bia ở Văn Miếu, ông thấy có con nào giống con nào không?

B1 - Không! Mỗi con rùa một khác chứ - Ông Vượng trả lời.

A2 - Thế tại sao ông lại bắt văn của tôi cũng giống như văn của người khác?

B2 - Không, tôi nào có bắt cụ đâu?

A3 - Mấy ông biên tập… ông ấy cứ bắt tôi.

(TDH- HL, GTNVVN: 475)

14Đỗ Hữu Châu (2006: 330) dùng thuật ngữ tiền dẫn nhập để dịch thuật ngữ “Pre- sequences”.

Luận án của chúng tôi dùng thuật ngữ “lời trao” như một khái niệm tương đương.

Để giải tỏa nỗi bức xúc trong lòng mình, người nói tham thoại A1 rõ ràng đang có nhu cầu tự bộc lộ. Vì vậy, ngay từ tham thoại đầu tiên, người nói đã thể hiện ngay tính chủ động từ lúc nêu vấn đề thông qua cách tổ chức sự kiện, thiết lập chiến lược hội thoại. Dù là hỏi nhưng không phải là tìm kiếm thông tin hay chờ đợi một thông tin gì mới mà yêu cầu một sự xác tín, vì điều kiện chân lí trong mệnh đề hỏi đã được xác nhận rõ ràng. Người nghe không thể né tránh hoặc khó có thể trả lời khác được. Tức là người nói sử dụng chiến thuật vi phạm tiền giả định bách khoa để khởi đầu cho sự dẫn dắt. Từ đấy, người nói mới triển khai lựa chọn các yếu tố của hiện thực nhằm thể hiện mục đích chính của mình. Nếu như ở A1, ý đồ còn được giấu kín thì ở A2, ý đồ đã được công khai, hiển ngôn hóa. Nghĩa là khi tiếp nhận được sự cộng tác của đối tác, người nói thay đổi chiến lược để phù hợp với tình hình và vì vậy, việc dẫn dắt cần đi tới giai đoạn kết thúc.

Trong hội thoại, tính chủ động làm nền cho vận động hội thoại. Nhưng sự chủ động đó, ở lối nói vòng, bộc lộ trước hết ở vị trí nào của lượt lời nói ra điều này.

Trong giao tiếp tiếng Việt hay tiếng Anh đều giống nhau ở điểm này, không có trường hợp ngoại lệ. Và do đó, ở vị trí của lời trao, chủ nhân của tham thoại ấy được coi là người chủ động trước đưa ra điều này. Xét ví dụ:

(26) Nghe nói bố của nhà văn Anh G.B. Shaw là thợ may, một bác sĩ hỏi Shaw:

A1- Hình như bố của ông là thợ may thì phải?

Shaw gật đầu. Vị bác sĩ hỏi tiếp:

A2 - Liệu ông có tính chuyện trở thành thợ may không?

B1 – Tôi nghe nói, bố ông là một người lịch sự. Liệu ông có muốn trở thành một người lịch sự như bố ông không? Shaw hỏi vặn lại.

(LVH,TCVGTDNTG: 130) Để thực hiện ý định, ông bác sĩ nọ đã dựa vào những yếu tố của tình thế như những thông tin về nghề nghiệp của người cha của Shaw với mục đích lấy đó làm chỗ dựa cho tổ chức sự kiện trong lời nói của mình. Kết quả là điều này được nói ra ở lời trao A1. Việc lấy đề tài đó để xây dựng nội dung thông tin sự kiện trong A1 có hai mục đích: một, chế giễu nghề nghiệp xuất thân người cha của Shaw và hai, chế giễu cả chính bản thân Shaw. Mục đích này được che đậy bằng vỏ ngoài là một sự

quan tâm tới người cha vì theo đạo lí và theo truyền thống, người cha là người mà con cái thường noi theo, mà đấy là một lẽ thường. Nếu chỉ dừng ở A1 có thể không nhận ra được ý định chế giễu đó. Nhưng, chủ định của A là chế giễu B nên A tiếp tục dẫn dắt bằng tham thoại A2 - một điều này với một hành vi khảo nghiệm xem Shaw có nối nghiệp cha. Trong khi đó, Shaw lại là một nhà văn nổi tiếng. Nhờ tiền giả định này bị vi phạm mà mục đích chế giễu kia bị phát hiện. Để đối phó với hành vi đe doạ thể diện đó, Shaw cũng sử dụng chiến thuật tương tự nhưng có hơi khác về tính chất, mức độ trong tổ chức điều này ở B1: chỉ tính cách bố ông là người lịch sự, đấy là một hành vi khẳng định, tôn vinh thể diện người cha của bác sĩ và thể hiện văn hoá hành xử của một nhà văn lớn, đấy cũng là điểm đối lập về tư cách văn hoá giữa Shaw và người bác sĩ kia. Nhưng đối với bản thân bác sĩ ấy thì Shaw tỏ một thái độ phản kháng rõ ràng: có muốn trở thành một người lịch sự như bố ông không?, vậy là hàm chỉ ông bác sĩ không phải là người lịch sự.

Qua quan sát (25) và (26) ở trên, nói chung, để thực hiện điều này ở lời trao, người nói đã dựa trên những điều kiện sau:

- Yếu tố khách quan: Có một yếu tố nào đó của tình thế tác động hay gây ảnh hưởng làm xuất hiện hay làm biến đổi quan hệ sự kiện ngay tại thời điểm xảy ra cuộc tương tác giữa các đối tác.

- Yếu tố chủ quan: Quan hệ vai giữa các đối tác được thiết lập dựa trên cơ sở của những mối quan hệ cá nhân và quan hệ xã hội không giống nhau tạo ra những điều kiện cho sự tổ chức hay tiếp nhận những điều được nói. Các đối tác trong những cuộc thoại trên đều có mối quan hệ quen biết, gần gũi, và đều có vị trí xã hội cao, có tâm lí sẵn sàng tiếp nhận, sẵn sàng cộng tác, có những hiểu biết cũng như có những sự đồng cảm nhất định và cùng sử dụng một mã ngôn ngữ.

Từ đó ta có định nghĩa:

Tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao là tình thế mà những diễn ngôn trong đó người phát nói ra trước một điều này, thông qua sự bộc lộ vai trò chủ động mở lời thoại, nêu vấn đề, đề ra chiến lược giao tiếp, dẫn dắt người nghe tiếp nhận điều khác

Định nghĩa này cho thấy ở tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao, vị thế giao tiếp mạnh đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức điều này thông qua chiến lược dẫn dắt người nghe để hiểu, tiếp nhận điều khác. Từ đó có thể thấy rằng sản phẩm diễn ngôn của lối nói vòng là một dải vị thế giao tiếp mạnh ( xem 4.2.2.1).

Trên thực tế, cả giao tiếp tiếng Việt và giao tiếp tiếng Anh, mỗi tình thế có một đặc trưng riêng, không có tình thế nào giống tình thế nào. Có bao nhiêu cuộc thoại thì có bấy nhiêu tình thế. Hội thoại đa dạng, đa diện thì tình thế cũng đa dạng, đa diện. Tính đa diện, đa dạng của tình thế, vì vậy, góp phần vào sự biểu hiện phong phú nhiều vẻ của lối nói vòng trên nhiều lĩnh vực của đời sống giao tiếp.

Tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao có những đặc trưng chủ yếu sau:

- Về khách quan: Ở thời điểm xảy ra cuộc hội thoại, trong một không gian và thời gian xác định, sự kiện được nói tới thường mang tính có vấn đề. Đó là lí do mà người nói không thể hoặc không muốn nói thẳng điều đó ra. Bên cạnh đó, các mối quan hệ xã hội trực tiếp liên quan tới cá nhân người đối thoại là nhân tố mà người nói phải tính đến trong khi thiết lập các chiến lược hội thoại.

- Về chủ quan: Giữa các cá nhân người đối thoại có một mối quan hệ hiểu biết, gắn bó. Tùy theo mức độ, người nói chủ động nói ra trước sự kiện có tính vấn đề và tùy thuộc vào tính chất của nó mà chiến lược được thay đổi, chuyển hướng hay dừng lại.

Tâm lí và tình trạng hiện đương của người nói lúc ấy là đang có nhu cầu tự bộc lộ, muốn thực hiện một ý định, ý đồ nào đấy, kéo người nghe theo hướng mình dự kiến.

Chúng ta biểu diễn tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao trên sơ đồ 2.4:

Sơ đồ 2.4: Quan hệ đối ngôn trong tình thế chủ động nói ra điều này ở lời trao

(Chú thích: Mũi tên màu xanh biểu thị quan hệ chủ động dẫn dắt B thông qua điều này để tiếp nhận điều khác. Mũi tên màu vàng biểu thị B bị lấn trước, bị động)

Dẫn dắt

Điều này Điều khác

A B

2.2.2. Tình thế chủ động nói ra điu này ở lời đáp

Giao tiếp thì có người nói trước, người nói sau. Tính trước sau của lượt nói không làm ảnh hưởng đến sự xác lập vị thế giao tiếp mạnh. Người nói sau có thể là người nắm quyền điều khiển, quyền chế ngự trong cuộc thoại. Xét ví dụ:

(27) Đề Cụt hỏi người khách:

A1 - Cô Gái thì cùng về chứ?

B1 - Anh Đề ạ, khuya rồi, đừng bắt cô ấy về, từ đây vào làng phải qua cánh đồng trống…

A2 - Nó ấy à, có nửa đêm cho nó lên trời nó bắt voi nó cũng lên được. Nhưng thà cứ nói toạc ngay cái bụng ra thì tôi còn nghe.

C1 - Cái anh này rõ hay! Gái ngúng nguẩy.

Đề Cụt vẫn cười, thong thả lắc vò nào còn rượu thì dồn lại và bê gọn vào một chỗ.

B2 - Lại còn mĩ tự. Cứ nói thẳng là mày phải lòng cái anh ả xứ Đoài kia rồi thì tao nghe ra, tao cho ngủ lại đây ngay thôi.

(TH, QN: 25) Tình thế cuộc thoại này rõ ràng điều này xuất hiện ở lời đáp. Bởi lẽ từ sự kích thích của phát ngôn A1, người nói tham thoại B1 để che dấu ý định muốn cho Gái – người yêu của mình – ở lại, nên đã tổ chức thông tin sự kiện bằng việc nêu các lí do khá hợp lí và tâm lí dựa trên một lẽ thường: Con gái không nên đi vào đêm khuya giữa nơi đồng vắng. Nó là cơ sở tổ chức nên điều này. Tuy nhiên, cái ý định muốn nói trong điều này ấy đã bị người nghe phát hiện. Tức là điều khác được tiếp nhận.

Do vậy, những trường hợp như thế, sự chủ động dẫn dắt của người nói sẽ gặp phải những hạn chế trong việc điều chỉnh ý định của mình cho phù hợp với cuộc thoại.

Qua quan sát những trường hợp được ghi nhận trên tư liệu khảo sát trong giao tiếp tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy, cũng giống như tiếng Việt, khi có sự kích thích trực tiếp từ lời trao, việc tổ chức điều này của đối tác giao tiếp mới bắt đầu trên tham thoại đáp. Chẳng hạn như ví dụ sau:

(28) Hai phóng viên đi tìm hiểu dân chúng địa phương suy nghĩ thế nào trước một vấn đề. Họ gõ cửa một nhà, người chủ nhà ra mở. Một phóng viên lên tiếng:

A1- We are from the newpaper. We would like to ask you several questions. (Chúng tôi ở toà báo. Chúng tôi muốn xin đặt với ông một số câu hỏi)

B1- Fine – he said – what do you want to know? (Được -chủ nhà nói -Các anh cần biết điều gì? )

A2 – First – the reporter said – what concerns you the most as a citizen in today’s troubled world? (Được - người phóng viên nói -Trước nhất, với tư cách là một công dân, ông quan tâm vấn đề gì nhất trong thế giới đầy xáo trộn hôm nay?)

B2 – The thing that cocerns me the most right now is the fact that both of you are standing on my front porch which I just finished painting a half hour ago. (Điều tôi quan tâm nhất ngay bây giờ là việc cả hai vị đang đứng ngay trên cổng cửa trước nhà tôi mà tôi vừa mới sơn xong cách đây nửa giờ)

(W.K.Penedleton: 139) Cuộc giao tiếp bằng tiếng Anh trên đây cho chúng ta biết về cách nghĩ, cách tư duy, cách ứng xử trước một vấn đề của người dân lao động nói chung dù ở đâu cũng vậy, là rất thực tế, rất cụ thể - một bài học mà hai phóng viên nọ đã được học trong khi tác nghiệp. Hai tham thoại A1, B1 là những lời theo nghi thức thông thường, bình thường. Nhưng A2 thoạt tưởng là bình thường song lại bất thường vì điều nói trong tham thoại này nó to lớn, xa vời quá so với cách suy nghĩ cụ thể của người nông dân. Và điều đó tạo nên một kích thích, môt liên tưởng gần như đối lập giữa một thế giới đầy xáo động, một cái to lớn xa vời đó với một điều rất cụ thể, rất gần gũi là cái cửa nhà mới sơn của người nông dân. Chính đây lại là điều mang ý nghĩa tiền đề, ý nghĩa điều kiện để người nông dân tổ chức hồi đáp bằng tham thoại A1 đúng với cách đặt vấn đề mà chính hai phóng viên kia đã thực hiện. Cho nên B2

chính là một điều này cụ thể nhằm mục đích là một điều khác: Các anh chú ý sơn cửa nhà tôi còn ướt, nó có thể bị các anh làm hỏng hoặc nó làm dây bẩn quần áo trên người anh. Và từ đó nó bật lên ý nghĩa hàm chỉ: các anh nên nói một điều gì cụ thể, đừng to lớn xa vời. Đó cũng chính là bài học rút ra từ lần đi thực tế đời sống của những phóng viên ấy.

Từ đó ta có định nghĩa:

Tình thế chủ động nói ra điều này ở lời đáp là tình thế mà những diễn ngôn trong đó, khi có sự kích thích trực tiếp của phát ngôn có trước từ phía đối tác thì người nói mới bắt đầu thể hiện điều này và dẫn dắt đối tác hiểu, tiếp nhận điều khác.

Định nghĩa trên cho thấy một điều quan trọng: Phải có sự kích thích của phát ngôn có trước của đối tác.

Đây là điều kiện tiên quyết đối với một cuộc tương tác chịu sự tác động của những lí do cần tránh né hay cần tạo hiệu quả giao tiếp. Từ điều kiện đó, các nhân vật hội thoại mới có thể thấy phần nào những dấu hiệu biểu hiện không những về tính chất thông tin của hiện thực - đề tài được nói mà còn tính chất của quan hệ liên cá nhân giúp các đối tác xác định được vị trí của mỗi người trên trục dọc và trục ngang. Trên cơ sở những dấu hiệu ấy, người nghe lúc này đã chuyển thành vai nói mới triển khai thực hiện điều này và thực hiện các chiến lược dẫn dắt đối tác hiểu và tiếp nhận điều khác. Cho nên toạ độ của lối nói vòng có thể xác định ở vị trí lượt lời thứ hai này - vị trí đánh dấu của quá trình tương tác.

Quan hệ đó được biểu diễn bằng sơ đồ 2.5:

Sơ đồ 2.5. Quan hệ đối ngôn trong tình thế chủ động nói ra điều này ở lời đáp

(Chú thích: mũi tên màu xanh chỉ quan hệ tương tác từ B đến A và quá trình dẫn dắt điều này để nói điều khác. Mũi tên màu vàng chỉ tính chất bị động, bị lấn trước của A)

Quan sát các tình thế ví dụ đã dẫn cũng như trong thực tế đối thoại, ta thấy nổi lên những đặc trưng chủ yếu của tình thế chủ động nói ra điều này ở lời đáp này là:

- Về khách quan:

Dẫn dắt

Điều này Điều khác

A B

1. Có sự xác định của yếu tố không gian, thời gian trong đó xảy ra sự tương tác hội thoại. Không gian, thời gian ở đây có tính đánh dấu.

2. Bên cạnh tính có vấn đề của sự kiện được nói tới thì phát ngôn có trước của nhân vật đối thoại là vật kích thích chủ yếu làm người nghe lúc này chuyển thành vai nói thể hiện điều này và dẫn dắt đối tác hiểu ra điều khác.

- Về chủ quan:

Người nói chỉ đề ra chiến lược và thực hiện chiến lược một khi đã có phát ngôn trao. Những đặc điểm tâm lí, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và những mối quan hệ giữa hai thành viên cũng sẽ góp phần định hướng cho sự tiến triển cuộc thoại. Theo đó, mục đích của phát ngôn trao và phát ngôn đáp luôn có độ li tán, tức không bao giờ trùng nhau về hiệu lực chân thực của thông tin cần đòi hỏi.

2.2.3. Tình thế phối hợp

Hội thoại là tương tác. Có tương tác theo chủ động/ bị động, điều khiển/ bị điều khiển, chế ngự/ bị chế ngự nhưng cũng có tương tác theo quan hệ phối hợp.

Quan hệ phối hợp là quan hệ đạt tới sự cân bằng thương lượng hội thoại. Đấy là điều kiện lí tưởng của môi trường tương tác. Song, tính đa dạng về hội thoại và nhân vật hội thoại cùng với nhiều yếu tố liên quan đã chi phối rất lớn tới quan hệ phối hợp. Ở lối nói vòng, sự phối hợp ấy đòi hỏi đầy đủ nhiều năng lực (xem 3.2), trong đó năng lực tổ chức đóng góp rất nhiều vào hiệu quả của tình thế phối hợp.

Xét ví dụ:

(29) Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng là hai bạn văn. Biết tập “Cửa biển” của Nguyên Hồng dày hơn 1700 trang mà Nguyễn Tuân cho là quá rườm rà, một lần uống rượu, Nguyễn Tuân được thể chúc Nguyên Hồng:

A - Chúc cho các tiểu thuyết của ông ngày càng dày hơn, dài hơn.

Nguyên Hồng trả miếng

B - Chúc cho chữ nghĩa của ông ngày càng cầu kì hơn, quái dị hơn.

(TDH-HL, GTNVVN: 426) Cuộc gặp ở đây có điều đáng chú ý về quan hệ liên cá nhân: i/ Hai nhân vật giao tiếp có cùng vị thế xã hội và ii/ Cả hai đều thể hiện vị thế giao tiếp mạnh.

Một phần của tài liệu Lối nói vòng trong giao tiếp tiếng việt (Trang 90 - 152)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(334 trang)