Chương 2 MỤC ĐÍCH VÀ TÌNH THẾ GIAO TIẾP CỦA LỐI NÓI VÒNG 2.1. Lối nói vòng xét theo mục đích giao tiếp
2.1.3. Định lượng lượt lời biểu hiện
2.1.3.2. Số lượng lượt lời
Áp dụng hai căn cứ trên, chúng ta phân tích ví dụ:
(22) Lượng nói với Khuê:
A1 - Các cậu có hút thuốc không?
B1 - Anh em tiểu đội tập đi đêm rồi anh Lượng ạ.
A2 - Tốt lắm.
(NMC, DCNL: 40) Cuộc giao tiếp ở đây xuất hiện hai điều này: ở tham thoại A1, điều này là một hành vi hỏi về việc có hút thuốc hay không hút thuốc. Nhưng hiệu lực gián tiếp là điều khác đấy là một lời nhắc nhở các chiến sĩ giữ đúng nguyên tắc bảo mật ở chiến trường. Hiệu lực của nó đã được tiếp nhận ở tham thoại B1. Và hành vi xác tín có trong điều này thứ hai trong B1 cũng đã chỉ ra những thông tin cần đòi hỏi của A1: i) Anh em không hút thuốc lá và ii) Chúng tôi vẫn giữ nghiêm kỉ luật theo nguyên tắc bảo mật. Đây là mục đích của người nói tham thoại này. Đấy là điều khác của B.
Giữa điều này của A nói và điều khác mà B hiểu thực tế đây chỉ cần một lượt lời.
Trong giao tiếp tiếng Anh, khi thể hiện giữa điều này và điều khác, ở mỗi một diễn ngôn, về dung lượng, tình hình cũng diễn ra không mấy gì khác, có khi cần nhiều lượt lời nhưng cũng có khi chỉ cần một lượt lời. Ví dụ:
(23) Một nhân viên bán hàng cố nài nỉ bán cho ông khách một loại nước cạo râu:
A1 – This will attract the girl. (Loại này sẽ lôi cuốn các cô) Ông khách trả lời:
B1 – It smells like a credit card. (Nó có mùi giống như một thẻ tín dụng vậy).
(W. K.Pendleton: 59) Lời mời chào giới thiệu của cô bán hàng trong tham thoại A1 là một điều này.
Nhờ dựa vào điều kiện tình thế và nhờ mối quan hệ tương liên với B1, tham thoại A1
được người khách hiểu ra điều khác là một hàm chỉ muốn bán được loại nước cạo râu ấy. Như vậy, xét từ hai góc độ người phát và người nhận, tính từ điểm khởi phát, lúc điều này được nói ra và từ điểm kết thúc, lúc điều khác được đối tác hiểu, tiếp nhận, về mặt lượng, ít nhất là phải một lượt lời. Trường hợp một lượt lời là
trường hợp xảy ra sự hội tụ, xét về mục đích và cả yêu cầu về sự nhận diện dung lượng tối thiểu của lối nói vòng.
Trong cả hai ví dụ (22) và (23), khi thực hiện một lượt lời để biểu hiện giữa điều khác và điều này, những diễn ngôn ấy xuất hiện sự hội tụ. Cụ thể, các tham thoại A1 và B1 đều có sự hội tụ về đích. Cả ba đích nhận thức, đích truyền cảm và đích hành động đều hội tụ trong những tham thoại ấy. Và tham thoại A2 chứng tỏ cả ba đích ấy của người nói đã đạt được. Mà một khi đích đã đạt được thì chiến lược dẫn dắt cũng sẽ dừng lại ngay tại đó cho dù mới ở mức độ hàm chỉ. Mức độ hàm chỉ thì vai trò của đối tác lại mang ý nghĩa chi phối: có suy luận đúng thì mới hiểu đúng ý định nói của đối tác. Hiểu và tiếp nhận đúng chính là dấu hiệu quan trọng xác định ý định, chủ định của người nói. Chính vì điểm này mà có người cho rằng lối nói vòng chính là lối nói có hàm ý. Phải nhìn nhận rằng, ở đây, nếu quan niệm thực sự có lối nói hàm ý thì đây chính là sự giao nhau giữa hai lối nói. Nhưng ở hàm ý thì chức năng dẫn dắt không đặt ra nhưng ở lối nói vòng thì dẫn dắt là đặc điểm quan trọng về phương thức biểu hiện bởi nó xét không chỉ trong quan hệ sự kiện mà còn trong quan hệ tương tác giữa hai bên đối tác, quan hệ tương liên giữa những lượt lời trong sự vận động của diễn ngôn. Chính vì thế, theo nguyên tắc, khi nào đích hiện ra thì người nói coi như đã hoàn thành vai trò dẫn dắt. Cuộc thoại coi như có thể kết thúc ở đó. Vậy:
- Căn cứ nào để xác định vai trò dẫn dắt của người nói đã hoàn thành?
- Khi nào đích hiện ra?
Đấy là những câu hỏi liên quan tới số lượng lượt lời. Theo khảo sát, cả hai loại lối nói vòng đạt đích hoàn toàn và lối nói vòng đạt đích không hoàn toàn ở trong giao tiếp tiếng Việt và giao tiếp tiếng Anh, có khi chỉ một, hai lượt lời là đích hiện ra, có khi phải hàng loạt lượt lời kéo dài thì đích mới bắt đầu xuất hiện. Tuy thế, do sự chi phối của thời gian và những điều kiện tình thế khác, số lượt lời kéo dài như thế không nhiều lắm, thông thường biên độ giao động ở mức từ một đến tám, chín lượt lời. Số liệu khảo sát trên ngữ liệu được thể hiện bằng sơ đồ 2.3. dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó:
0 5 10 15 20 25 30 35 40%
I II III IV V VI VII VIII
Số lượt lời
Việt Anh
Sơ đồ 2.3: Số lượng lượt lời biểu hiện giữa điều này và điều khác trong diễn ngôn tiếng Việt và tiếng Anh.
Qua số liệu đối chiếu, so sánh trên sơ đồ và sự quan sát trong khi mô tả, chúng tôi kết luận và nhận định:
1/ Mục đích của lối nói vòng không bị chế định bởi số lượt lời. Lối nói vòng không phải là nói dài lời, nói nhiều lượt lời. Ấn tượng về tên gọi vòng dễ gây sự ngộ nhận. Đây là điểm tương đồng thứ nhất. Và đó là cũng là qui luật thứ nhất. Qui luật này có tính nổi bật trong cả giao tiếp tiếng Việt giao tiếp tiếng Anh.
2/ Khi tổ chức thể hiện, giữa điều này được nói ra và điều khác được hiểu, các đối tác phần lớn chỉ sử dụng một đến ba lượt lời. Đây là số lượt lời có tần số xuất hiện cao nhất và phổ biến nhất trong giao tiếp tiếng Việt và tiếng Anh. Điều đó cũng cho thấy số lượng lượt lời thích hợp nhất để cho điều này và điều khác được biểu hiện là chỉ cần một dung lượng vừa phải. Ưu thế gần như áp đảo về tần suất của một đến ba lượt lời được biểu diễn trên sơ đồ càng khẳng định vai trò chủ động dẫn dắt, điều khiển, tổ chức sắp xếp điều này của các thoại nhân trong việc truyền chuyển ý định giao tiếp- cái điều khác mà các đối tác ưa dùng nhất. Đây là điểm tương đồng thứ hai và cũng là qui luật chung thứ hai.
3/ Số lượt lời trong mỗi cuộc thoại để biểu hiện điều này và điều khác càng tăng cao thì tần suất sử dụng càng giảm. Đây là điểm tương đồng thứ ba dễ nhận thấy nhất trong giao tiếp tiếng Việt và tiếng Anh. Đó cũng là qui luật chung thứ ba.
Trên thực tế, sự dẫn dắt của người nói tuỳ thuộc vào tình thế giao tiếp, khi tổ chức điều này, người nói dự kiến sẽ dẫn dắt đến đâu, dẫn dắt tới đích hoàn toàn hay cố ý dẫn dắt đến một mức độ nào đó xét thấy khi nào đối tác đã tiếp nhận được điều khác. Cho nên việc tăng giảm kích thước của lời là một biểu hiện cụ thể của sự linh hoạt, năng động của tính dẫn dắt trong quá trình giao tiếp.
4/ Tuy thế, về cơ bản, khi thể hiện lối nói vòng, đối với từng số lượng lượt lời cụ thể lại có sự khác biệt tương đối đáng kể trong diễn ngôn giữa giao tiếp tiếng Việt và giao tiếp tiếng Anh. Ở khu vực có tần suất xuất hiện lượt lời cao nhất thì lại diễn ra sự khác biệt đáng kể nhất: Trong khi ở giao tiếp tiếng Việt, số lượng lượt lời chỉ chiếm 11% thì ở giao tiếp tiếng Anh, tình hình lại rất khác, chiếm tới 36%, một tỉ lệ vượt trội. Đây là điểm khác biệt thứ nhất, đáng kể nhất. Điều này cho thấy, lối nói vòng là hiện tượng ngôn ngữ, hiện tượng giao tiếp phản ánh thói quen giao tiếp, thói quen tư duy một cách rõ rệt nhất của mỗi cộng đồng ngôn ngữ - văn hóa, cộng đồng dân tộc. Đối với người Việt, đó là truyền thống văn hóa nông nghiệp với đặc trưng của nền văn minh lúa nước, “Lối giao tiếp ưa tế nhị khiến người Việt Nam có thói quen giao tiếp “vòng vo tam quốc” không bao giờ mở đầu trực tiếp, nói thẳng vào vấn đề như người phương Tây” (Trần Ngọc Thêm, 1996, 312-313). Đối với người phương Tây, cụ thể là giữa những người sử dụng tiếng Anh, đó là nền văn hóa gốc du mục, với đặc trưng của nền văn minh công nghiệp tạo thành thói quen của cộng đồng ưa sự trực khởi trong văn hóa giao tiếp nên ngay cả khi sử dụng lối nói vòng, tính chất trực khởi cũng để lại dấu ấn khá rõ, thể hiện ở việc tổ chức sử dụng điều này ngay từ lượt nói đầu tiên. Trong khi người Việt, về cơ bản, “khi bắt đầu giao tiếp là phải“vấn xá cầu điền”, hỏi thăm nhà cửa ruộng vườn. Cũng để tạo không khí, để đưa đẩy, người Việt Nam trước đây có truyền thống “miếng trầu làm đầu câu chuyện” (Trần Ngọc Thêm, 1996, 312-313), nghĩa là sau khi đã tiên lượng, đã xây dựng được hình ảnh về đối tác, đã lôi kéo được đối tác vào cùng một môi trường tác động thì người nói mới bắt đầu tổ chức sử dụng điều này.
Còn ở khu vực số lượng tăng dần từ bốn lượt lời trở đi, nhìn vào sơ đồ, dù tần suất xuất hiện giảm dần nhưng cũng đã diễn ra sự khác biệt đáng kể, đó là, ở giao tiếp tiếng Việt, mỗi số lượng lượt lời bao giờ cũng có tần suất sử dụng cao hơn ở giao tiếp tiếng Anh. Điều đó càng chứng minh rằng, với người Việt, Lối giao tiếp ưa tế nhị ý tứ là sản phẩm của lối sống trọng tình và lối tư duy coi trọng các mối quan hệ (tư duy biện chứng). Nó tạo nên một thói quen đắn đo cân nhắc kĩ càng khi nói năng (Trần Ngọc Thêm, 1996: 312-313). Đây là sự khác biệt đáng kể thứ hai.
5/ Khảo sát tiếp về số lượng lượt lời trong cả hai loại lối nói vòng đạt đích hoàn toàn và lối nói vòng đạt đích không hoàn toàn trên ngữ liệu thu được của giao tiếp tiếng Việt và giao tiếp tiếng Anh thì chúng tôi thấy rằng: biên độ dao động ở mức cao nhất của lối nói vòng đạt đích hoàn toàn là năm lượt lời trong khi đó, ở loại lối nói vòng đạt đích không hoàn toàn lại có tám lượt lời. Điều đó cho thấy việc phải nói nhiều lượt lời sẽ gặp nhiều trở ngại trong tổ chức nội dung thông tin và quan hệ liên cá nhân, tức chịu nhiều yếu tố chi phối hơn cả về quan hệ sự kiện lẫn quan hệ liên cá nhân trong đó đặc biệt phải kể đến yếu tố về mức độ hiểu biết chung về đề tài - chủ đề được nói tới và có thể phải đối diện với nguy cơ bất cộng tác hội thoại từ phía đối tác giao tiếp.
6/ Những trường hợp một hai lượt lời mà đích đã hiện ra thì yếu tố tình thế đóng vai trò tác động rất lớn. Không gian, thời gian thực hữu và cả đề tài mà người nói nêu ra tác động đến sự lựa chọn kích thước của lời: khó có thể nói nhiều hơn, dài hơn, lâu hơn. Ngược lại, những trường hợp phải sử dụng năm hoặc thậm chí phải nói tới tám, chín lượt lời như ở lối nói vòng đạt đích không hoàn toàn thì vai trò tổ chức thông tin sự kiện lại cực kì lớn, đòi hỏi một chiến lược giao tiếp thích hợp và hữu hiệu, nếu không, dễ có nguy cơ đối diện với sự bất cộng tác hội thoại.
Chúng ta quan sát tiếp ví dụ:
(24) Thu là một cô gái lỡ thì. Gặp người đàn ông tới tán tỉnh mình, chị nói:
A1 - Đáng ra em cũng có thể lấy chồng vào những năm mới qua ba mươi - Thu trả lời ông ta - nhưng khổ một nỗi, những cậu con trai mới hai mươi, hai mốt chưa có nơi có chốn thì họ không lấy đến em. Còn những anh chàng ba mươi, ba lăm chỉ nhắm nhe những cô gái mười tám đôi mươi. Còn lại những ông trung niên ngũ lục
tuần có để mắt đến em thì đó là những ông chưa bỏ được vợ hoặc vợ chưa bỏ. Hoặc là những ông chồng béo tốt phì nộn, vô công rồi nghề không hề muốn bỏ vợ mà chỉ muốn ngoại tình. Vì thế em mới còn lại và thế mới gặp anh.
Sắc mặt ông ta hơi tái đi. Chắc tới đây ông ta hiểu Thu muốn nói gì.
B1 - Tạm biệt cô, tôi sẽ trở lại thăm cô. Thu cười dịu dàng:
A2 - Cám ơn. Nếu anh có đến thì anh vui lòng báo trước cho vài tháng, ít ra cũng hai tháng. Vì trong thời gian đó tôi còn có thể hoàn thành được môn Yôga là môn rèn luyện tính kiên nhẫn.
(THQ, NMĐ: 8 – 9) Trước đối tượng người đàn ông mà A biết rằng ông ta chỉ đến với mình để tán tỉnh dụ dỗ, A dựa vào kinh nghiệm thực tế của mình để chọn lựa và sắp xếp những yếu tố hiện thực, cố ý lồng vào đấy những đặc điểm về người đàn ông mà A biết ấy khi tổ chức nói ra điều này: những ông trung niên ngũ lục tuần chưa bỏ vợ hay vợ chưa bỏ hoặc những ông chồng tốt phì nộn, vô công rồi nghề không hề muốn bỏ vợ mà chỉ muốn ngoại tình. Sự lựa chọn các yếu tố của hiện thực này rõ ràng là để phục vụ cho ý định vừa mỉa mai, châm biếm vừa tỏ thái độ từ chối, cự tuyệt. Như thế điều này đã được nói ra. Điều này ấy là vỏ bọc của một đíều khác cụ thể. Vậy đích tác động chủ yếu của A là đích truyền cảm. Đương nhiên đối tác hiểu ra ý định của người nói vì chiến thuật theo kiểu dân gian có tật giật mình được thực hiện một cách khá tự nhiên và hoàn hảo. Tín hiệu phản hồi trong tham thoại B1 đã cho ta thấy rõ điều khác đã đạt được và có thể dừng ngay tại đây. Tuy nhiên, với vị thế giao tiếp mạnh và muốn bày tỏ thái độ dứt khoát công khai nên A tiếp tục thực hiện tham thoại A2 mà hiệu lực chân thực của nó là một lời từ chối dứt khoát, một thái độ bất cộng tác rõ ràng. Như thế, trường hợp này chỉ một lượt lời là đích đã hiện ra nhưng do điều kiện tình thế, người nói muốn tỏ một thái độ quyết liệt, triệt để trong đích tác động nên triển khai thêm một lượt lời nữa.
Như vậy, nhìn về tổng thể, mục đích là cái đạt được, là cái điều muốn nói.
Thực hiện cái điều muốn nói qua điều này là một yêu cầu có tính nguyên tắc của lối nói vòng bất kể loại đạt đích hoàn toàn hay đạt đích không hoàn toàn. Qua đấy, ta
có thể thấy được vai trò dẫn dắt có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc làm cầu nối giữa điều này và điều khác.