1.3. Minh định lối nói vòng – Quan niệm và nhận diện
1.3.6. Hoạt động của lối nói vòng trong sự đan xen, tích hợp
Từ thực tế của hoạt động giao tiếp trong tiếng Việt và cả giao tiếp tiếng Anh, trong hoạt động sản sinh lời nói, người ta thường xem lối nói vòng là cách thức hữu hiệu nhất nhằm tránh sự xung đột trực tiếp hoặc nhằm tạo một hiệu quả bất ngờ, gây ấn tượng tới đối tác giao tiếp. Như vậy, về mặt lí thuyết, khi một trong hai lí do đó xuất hiện thì lối nói vòng có thể sử dụng cho bất cứ phạm vi giao tiếp nào, theo tính chất qui thức hay không theo qui thức. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động chính của lối nói vòng với mức độ cao nhất, quan trọng nhất, thường xuyên nhất vẫn là trong hai phong cách chức năng: phong cách khẩu ngữ tự nhiên và phong cách nghệ thuật.
Điểm gặp gỡ, đan xen dễ nhận biết nhất ở hai loại phong cách này tạo thành sự tích hợp trong hoạt động giao tiếp chính là lời đối thoại giữa các nhân vật bởi chính từ lời nói trong giao tiếp tự nhiên mà lối nói vòng được sản sinh và phát triển và từ đó
được đưa vào văn chương nghệ thuật, dưới bàn tay của nhà sáng tác, nó được tái tạo, sử dụng, ứng dụng, tương tác, cải tiến và thay đổi tạo thành một dấu ấn riêng trong phong cách của nhà văn. Trường hợp dẫn ra sau đây là một ví dụ về sự tích hợp của hai loại phong cách đó:
(14) Cô Cành tay cắt lúa xoèn xoẹt, nhưng mồm vẫn toang toác:
A1 - Đi khuân lúa lên bờ. Đã bắt thì bắt hổ bắt báo bắt hùm bắt cọp mà thui nướng cho sướng cái đời, chứ bắt làm gì con muồm muỗm!
Ấy đấy, thế là phạm húy sát sạt đến tân vía bà Dần rồi! Mà cô Cành lại muốn thui, muốn nướng cái người cầm tinh hổ nữa cơ đấy! Bị chạm nọc, bà Dần đang lượm lúa ở mãi thửa ruộng vành chăn dưới kia cũng gầm lên với thằng Kiệm, thằng Cần đang xếp lúa vào xe cải tiến. Bà phản pháo:
B1 - Sao chúng mày lại xếp lộn tùng phèo như thế thì được mấy hả? Con giai chứ có phải con gái đâu mà dốt thế!
Ấy là bà Dần móc máy cái “gien” đẻ toàn con gái của nhà cô Cành đấy. Đời ông bà cô Cành chỉ đẻ được bà Cả, bà Son. Đến bây giờ Cành lại làm lèo bốn đứa con gái. Cô vẫn lấy làm cay cú về cái chuyện đẻ đái của mình lắm! Bị chạm đúng nỗi đau âm ỉ, Cành nổ súng ngay, giọng lại vóng vót như hát đối:
A2 - Có là ngựa là hổ thì cũng chui từ cái chỗ kín của đàn bà mà ra! Từ con ba mươi đến thằng chín chục cũng chẳng thoát được cái lỗ rò ấy!
Câu sau cùng lọt vào tai ông Phúc. Ông thấy da mặt mình đã sần lên. Vợ ông tuổi hổ, cụ cố Đại thọ 90 tuổi, vậy là cô Cành đã vơ tuốt ráo vào một câu chửi! Nhưng ông Phúc biết bỏ qua đối tượng phụ, vả lại trong lòng ông đang thầm cám ơn chị em bà Cả đã vô tình giành cho ông phần thắng, nên ông đủ bình tĩnh, mềm mỏng:
- Thôi cô Cành ạ, có chuyện gì đã có tôi đây.
(NKT, MĐLNNM: 327-328) Đây là tình thế mà tình trạng hiện đương của mỗi nhân vật giao tiếp đã có những mâu thuẫn cá nhân và có thể bị đấy tới sự căng thẳng và quyết liệt do những hành động vi phạm lãnh địa tinh thần hay thể chất do mỗi bên gây ra. Để thực hiện hành động chửi, bằng một lối nói vòng, cả bà Dần và cô Cành đều theo chiến lược tạo sự vi phạm tiền giả định định hướng, tức là dựa vào những hiểu biết về lãnh địa riêng
tư của nhau để tổ chức sự kiện trong lời chửi. Vì vậy, trên bề mặt diễn ngôn, chúng ta thấy có các phương tiện ngôn ngữ, đó là những từ ngữ, những cách diễn đạt đặc biệt sinh động, biểu cảm của khẩu ngữ tự nhiên: “thui nướng cho sướng cái đời”,
“xếp lộn tùng phèo”,“Con giai chứ có phải con gái đâu mà dốt thế”,“ chui từ cái chỗ kín của đàn bà”,“Từ con ba mươi đến thằng chín chục”,“cái lỗ rò”...về cách thức biểu hiện, đó là những lẽ thường, những tiền giả định được mỗi bên sử dụng trong chiến lược nói của mình. Những lời dẫn chuyện của nhà văn, một mặt, cho thấy tất cả những ý định nói của mỗi nhân vật, tức cuộc thoại tạo ra đã có sự bộc lộ điều này và điều khác; một mặt khác, nó cho thấy, đã có sự đan xen, tích hợp về mặt phong cách. Ở đây, những lời đối thoại, lời chửi mang đậm phong cách khẩu ngữ tự nhiên, dân dã, thô ráp ấy đã trở thành chất liệu sinh động cho nhà văn tái tạo lại trong tác phẩm, trở thành công cụ thể hiện hình tượng, góp phần làm cho nhân vật trở nên có cá tính, có khí chất: Để cho một nhân vật có thể tồn tại bắt buộc nhà văn phải tạo cho nó cá tính riêng, phẩm chất riêng. Những đặc điểm này khi được thể hiện bằng ngôn ngữ miêu tả của nhà văn, khi được thể hiện thông qua sự giao đãi giữa các nhân vật (Hữu Đạt, 2001, 89). Qua sự đối đáp giữa các nhân vật và qua ngôn ngữ dẫn chuyện của nhà văn, chúng ta thấy, những lời thoại ấy rõ ràng rất sinh động nhờ được xây dựng trực tiếp từ hơi thở của đời sống giao tiếp thực tế.
Chúng ta xét tiếpví dụ:
(15) Người vợ nói với chồng:
A1- Thế này ông ạ. Tôi nghĩ nhiều đêm. Cuối cùng phải tính với ông thế này. . .
Bà kề cà, thở vắn thở dài cho bớt những nghẹn tức trong người rồi mới nói tiếp.
A2- Tôi nói thế này. . . ông nghe được ông chiều tôi mà ông nghe không được ông cũng nên chiều tôi. . .
B1- Bà coi tôi là thế nào mà cứ nói vòng vo như thế. . .
Người chồng sốt ruột. Bà lại thở dài, đôi mắt già nua nhẫn nại nheo lại.
A3- Vì tôi cũng thương ông nữa. Tôi nói ra ông không nghe thì ông cũng khổ.
Nhưng thôi. . . tôi cũng nói vì tôi nghĩ chín rồi. . . ông ạ. . . về thằng Quế bất hiếu tôi tức nó đến bây giờ vẫn không bớt tí nào đâu. Nhưng nghĩ cho cùng nó vẫn là con mình đứt ruột đẻ ra cho nên giận thì giận chứ có mệnh hệ gì mình vẫn phải lo
cho nó. Nó còn bên mình, giận thì không thèm nhìn cái mặt nó. Nhưng nếu nó mất đi lại thương nhớ chẳng bao giờ cạn nước mắt đâu. Bây giờ vợ nó lại sắp sinh, chừng cuối tháng sau là đẻ đấy!
B2- Bà hỏi nó khi nào mà biết chính xác thế?
Người chồng ngạc nhiên. Bà vẫn thản nhiên nói:
A4- Chả dấu gì ông. Tôi phải nói con Thúy cùng cửa hàng vẫn quen móc ngoặc với mấy đứa khoa sản ở bệnh viện, nhờ giở sổ khám thai ra xem chứ tôi đã thề không giáp mặt chúng nó kia mà.
Người chồng suýt bật cười. Bà vợ không để ý gì đến và vẫn tiếp tục thầm thì:
A5- Giận con, ghét dâu nhưng đứa cháu là hòn máu vô tội ông ạ. Kể bình thường tôi định để nó đẻ rồi mới “hòa bình” với chúng nó. Nên tôi tính thế này, tôi không nói được vì tôi còn giận, cứ thấy mặt nó là tôi líu lưỡi cả lại nên ông bịa lời mà nói với nó, cứ nói cái ý của tôi là của ông, đón vợ chồng nó về ở đây cả”.
(NMT, GBT: 323-325)
Ở đây, tình thế giao tiếp của cuộc thoại này là một tình thế có đánh dấu. Bởi, với quan hệ vợ chồng, bà vợ có thể nói thẳng ra được. Nhưng trước đó, do mâu thuẫn với vợ chồng con trai bà, bà đã đuổi họ đi, bây giờ nghĩ lại, bà muốn đưa họ về.
Phần vì khó xử phải giữ thể diện bởi bà từng thề không gặp mặt con nữa, phần vì tình cảm con cái trong cơn khó khăn, bà vợ đã nói ra điều này trong năm tham thoại, từ A1 đến A5 với nội dung sự kiện: cho vợ chồng con cái người con trai bà về ở chung. Và người chồng cũng đã hiểu ra đúng cái điều khác: bà vợ đã bỏ qua lỗi lầm của con.
Xem xét cuộc thoại này về mặt phong cách chức năng ngôn ngữ, chúng ta có thể nhận ra đặc điểm của phong cách khẩu ngữ tự nhiên như gắn liền với những đặc điểm văn hóa truyền thống, thói quen, tập quán sinh hoạt đã được nhà văn khai thác triệt để: bà vợ được khắc họa bằng những nét tâm lí, đạo đức mang tính chất truyền thống: thương chồng, thương con, thương cháu, dù giận con, ghét dâu nhưng khi khó khăn, hoạn nạn cũng sẵn sàng bỏ qua; Hoặc những yếu tố dư, tính đứt đoạn, không liên tục trong lời đã thể hiện khá rõ ở trong lời thoại của bà vợ rất phù hợp với tình trạng hiện đương khi bà phải đối mặt với sự khó xử là làm sao để thể diện
của mình đỡ bị tổn hại trong trường hợp mình đưa con cháu về bởi trước đó bà từng tỏ thái độ quyết liệt, đuổi cả vợ chồng đứa con trai. Hay những đặc điểm của phong cách nghệ thuật như tính biểu cảm sinh động, cũng được nhà văn thể hiện rất rõ trong việc chuyển hóa, tái tạo lời đối thoại từ khẩu ngữ tự nhiên sang đối thoại trong văn bản nghệ thuật khiến cho đặc điểm về tính cách và hành động nhân vật được nổi bật.Tất nhiên, khi đi vào tác phẩm, những yếu tố có mặt trong lời thoại có thể đã được trau chuốt, được tái tạo, lược bỏ những nét rườm, nét dư cho phù hợp với ý đồ nghệ thuật trong việc đảm bảo tính trong sáng của ý tưởng. Nhờ khả năng chuyển hóa của đối thoại mà nhà văn đã có thể bộc lộ hết những vốn hiểu biết, tài năng của mình cho những hình tượng nghệ thuật, tạo nên những nhân vật văn học để đời. Và do đó, chúng ta cũng có thể tìm thấy những những nét rất gần gũi về chức năng của phong cách khẩu ngữ tự nhiên, phong cách nghệ thuật trong lối nói vòng khi mà hiệu lực tác động đều hướng về ba đích: đích nhận thức, đích tình cảm và đích tác động. Chính vì sự gặp gỡ này về đích tác động nên có xảy ra sự hội tụ, sự tích hợp, đan xen về mặt phong cách chức năng trong hoạt động của lối nói vòngở quá trình giao tiếp, trong đó nổi bật nhất, tập trung nhất là ở hai loại phong cách khẩu ngữ tự nhiên và phong cách nghệ thuật. Điều này quả đúng như Hữu Đạt nhận định:
“Không có lời nói nào lại nằm ngoài phong cách chức năng”(2001, 65).
Chương 2
MỤC ĐÍCH VÀ TÌNH THẾ GIAO TIẾP CỦA LỐI NÓI VÒNG
Mỗi sự kiện diễn ngôn, như đã biết, là sự cấu thành của hai mặt hình thức và nội dung. Cả hai mặt này đều chịu sự tác động sâu sắc, chịu sự chi phối của ngữ cảnh, của tình thế giao tiếp. Mặt hình thức là mặt được hợp thành từ các yếu tố của ngôn ngữ, các đơn vị từ vựng, các quy tắc cú pháp, các hành vi ngôn ngữ, các yếu tố kèm lời hay phi lời. Mặt nội dung là mặt được tạo nên từ hai thành tố: nội dung thông tin và nội dung liên cá nhân.
Nội dung thông tin - còn gọi là nội dung miêu tả hay nội dung trình hiện hay nội dung trí tuệ - hình thành do quan hệ giữa diễn ngôn và hiện thực được nói tới và nó chịu sự quy định bởi tính đúng sai lôgich.
Còn nội dung liên cá nhân là nội dung ngữ dụng không bị tính đúng sai lôgich quy định; nó được hình thành do quan hệ giữa các đối tác giao tiếp mà khi trao đổi thông tin, họ đều mong muốn đạt tới.
Hai thành tố nội dung này có thể hiển lộ trên bề mặt câu chữ của lời hoặc tàng ẩn, chìm khuất phía sau lời, muốn hiểu và tiếp nhận nó phải qua thao tác suy ý. Đây là cơ sở của quan điểm tích hợp hai lớp sự kiện trong một diễn ngôn: sự kiện bề mặt và sự kiện bề sâu, tức gồm cái được nói ra và cái muốn nói tới.
Với những tình thế giao tiếp khác nhau, những mục đích nói năng khác nhau, những thông tin bật ra từ hai lớp sự kiện ấy trong lối nói vòng mang tính hiệu quả, màu sắc khác nhau. Do vậy, các thoại nhân đòi hỏi phải có những năng lực hiểu biết nhất định về những tri thức phổ thông, tri thức tình huống, tri thức ngôn cảnh để quá trình lập mã và quá trình giải mã luôn được diễn ra suôn sẻ, đảm bảo việc truyền tin một cách có hiệu quả nhất. Theo đó, các sự kiện diễn ngôn trong lối nói vòng có thể được phân loại dựa trên cơ sở mục đích giao tiếp và tình thế giao tiếp.
2.1. Lối nói vòng xét theo mục đích giao tiếp 2.1.1. Tiêu chí phân loại
Có một nguyên lí được chấp nhận rộng rãi trong mọi hoạt động sống của con người là: mọi sự kiện đều có một mục đích hay đều hướng tới đích (Nguyễn Đức Dân
1998: 142). Nguyên lí này càng được thể hiện rõ ở lối nói vòng. Có thể nói, nhờ có đích, người ta mới thấy được vai trò chủ động dẫn dắt của người nói, mới thấy được cái cách để đạt tới đích. Vì vậy, trong vận động diễn ngôn, vận động hội thoại, để đạt đươc mục đích ý đồ của mình, người nói bao giờ cũng tính tới việc tổ chức sự kiện làm sao cho có hiệu quả. Chuỗi phát ngôn hay chuỗi lời của diễn ngôn ấy là sự hiện thực hóa những nội dung sự kiện, tức hiện thực- đề tài được tổ chức theo một chủ đề nhất định.
Mà chủ đề là chiều hướng phát triển của đề tài, nó quyết định đến đích của hội thoại.
Ở lối nói vòng, chủ đề được bộc lộ qua sự thể hiện của ý định11giao tiếp cụ thể.
Ý định này được thể hiện qua các thành tố của nội dung diễn ngôn mà thoại nhân muốn tác động và nhằm gây ra một sự biến đổi trạng thái nào đó ở đối tác. Lí thuyết hội thoại chỉ ra rằng đó chính là đích tác động của diễn ngôn, là lực tương tác của quá trình giao tiếp. Cụ thể, mỗi diễn ngôn có ba đích tác động: đích thuyết phục về nhận thức, đích truyền cảm và đích hành động. Cả ba đích này đều được thực hiện đồng thời trong mỗi một diễn ngôn. Đảm nhiệm đích thuyết phục về nhận thức là nội dung thông tin, còn đảm nhiệm đích tuyền cảm và đích hành động là nội dung liên cá nhân.
Tuỳ theo từng tình thế giao tiếp mà người nói lựa chọn đích nào là cụ thể, chủ yếu.
Vậy nên, bất cứ diễn ngôn nào của lối nói vòng cũng đều là sự hiện thực hoá của những đích cụ thể, nói khác đi, đó là những đích có tính đánh dấu. Sở dĩ nó có tính đánh dấu bởi vì khi thực hiện lối nói vòng, điều mà người nói tính tới đầu tiên là lựa chọn yếu tố đích nào có hiệu quả giao tiếp cao nhất trong đích tác động, nghĩa là sau cuộc giao tiếp đó người nghe có một sự thay đổi như thế nào về trạng thái nhận thức, cảm xúc, tình cảm hay hành động.
Đích tác động là yếu tố xuyên suốt mọi đơn vị lớn nhỏ của lời. Vì thế nó tạo ra sự liên kết (cohesion), tạo ra một lực dính (coherence) trong toàn bộ diễn ngôn. Qua đó, vai trò dẫn dắt của người nói được bộc lộ. Đồng thời, từ giác độ kết cấu tuyến tính của chuỗi lời, ta có thể nhận ra được cái điều này đã được người nói nói ra có hiệu quả hay không. Nếu cái điều này ấy được người nghe hiểu và tiếp nhận thì có
11Theo nhà tâm lí học người Nga X.L.Rubinstein, khi hình thành một nhu cầu cụ thể, phải trải qua 3 giai đoạn: Ý hướng, Ý muốn, Ý định. Giai đoạn cao nhất là Ý định: “Là giai đoạn chủ thể ý thức đầy đủ về mục đích, phương thức, phương tiện, điều kiện hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu và sẵn sàng hành động”( (Phạm Minh Hạc- Lê Đức Phúc (cb) 2004: 184).
nghĩa là chiến lược giao tiếp anh ta đề ra và thực hiện là phù hợp với đối tượng và chứng tỏ sự dẫn dắt đã thành công.
Kết hợp giữa tính dẫn dắt và hiệu quả đạt được về điều khác, chúng ta có hai tiêu chí:
-Dẫn dắt tới đích hoàn toàn [+ đến đích]
-Dẫn dắt tới đích không hoàn toàn [- đến đích]
Căn cứ vào hai tiêu chí này, chúng ta phân chia lối nói vòng thành hai loại:
1/ Lối nói vòng đạt đích hoàn toàn 2/ Lối nói vòng đạt đích không hoàn toàn
Mỗi loại có những đặc điểm và cơ chế biểu hiện riêng.Việc nhận diện và mô tả đặc điểm, cơ chế biểu hiện của chúng không hề đơn giản, đòi hỏi một sự xác lập các tiêu chí và hệ thống các thao tác một cách rõ ràng.
2.1.2. Các tiểu loại
2.1.2.1. Lối nói vòng đạt đích hoàn toàn - Đặc điểm và cơ chế biểu hiện Chúng ta quan sát ví dụ:
(16) Một lần tới thăm Việt Nam, nhân đọc được cuốn sách bàn về văn hóa của vị Giáo sư X, một nhà Việt Nam học người Đức đã chủ động xin gặp tác giả. Bên bàn tiệc, suốt mấy giờ đồng hồ liền được nghe giảng giải, vị khách nọ tỏ ra rất thích thú.
Chủ khách mải chuyện quên cả ăn. Thấy thấm mệt, Giáo sư X muốn nghỉ một lát, bèn chủ động gợi chuyện:
A1 - Thưa ông, những vấn đề mà ông quan tâm tôi đã giải thích trong cách nhìn nhận của mình. Chỉ tiếc rằng thời gian không đủ.
Quay nhìn cô phiên dịch kiêm thư kí, Giáo sư X tiếp lời:
A2 - Cô ấy làm việc liên tục nhưng từ nãy tới giờ chưa kịp ăn uống gì cả, ta có thể nghỉ một chốc cho cô ấy dùng gì đã, thưa ông?
B1 - Ồ không sao, không sao ! - Vị khách xua tay - Cô ấy vẫn quen làm việc như thế mà ! Xin Giáo sư cứ trình bày tiếp.
Thấy khách không hiểu ý mình, Giáo sư X chậm rãi nói:
A3 - Ông cũng biết đấy, lúc nãy ta có đề cập đến triết lí ẩm thực của người Việt Nam thật độc đáo mà vô cùng giản dị. Làm cái gì, làm việc gì họ cũng không quên