Chương 2 MỤC ĐÍCH VÀ TÌNH THẾ GIAO TIẾP CỦA LỐI NÓI VÒNG 2.1. Lối nói vòng xét theo mục đích giao tiếp
2.1.2.1. Lối nói vòng đạt đích hoàn toàn
(16) Một lần tới thăm Việt Nam, nhân đọc được cuốn sách bàn về văn hóa của vị Giáo sư X, một nhà Việt Nam học người Đức đã chủ động xin gặp tác giả. Bên bàn tiệc, suốt mấy giờ đồng hồ liền được nghe giảng giải, vị khách nọ tỏ ra rất thích thú.
Chủ khách mải chuyện quên cả ăn. Thấy thấm mệt, Giáo sư X muốn nghỉ một lát, bèn chủ động gợi chuyện:
A1 - Thưa ông, những vấn đề mà ông quan tâm tôi đã giải thích trong cách nhìn nhận của mình. Chỉ tiếc rằng thời gian không đủ.
Quay nhìn cô phiên dịch kiêm thư kí, Giáo sư X tiếp lời:
A2 - Cô ấy làm việc liên tục nhưng từ nãy tới giờ chưa kịp ăn uống gì cả, ta có thể nghỉ một chốc cho cô ấy dùng gì đã, thưa ông?
B1 - Ồ không sao, không sao ! - Vị khách xua tay - Cô ấy vẫn quen làm việc như thế mà ! Xin Giáo sư cứ trình bày tiếp.
Thấy khách không hiểu ý mình, Giáo sư X chậm rãi nói:
A3 - Ông cũng biết đấy, lúc nãy ta có đề cập đến triết lí ẩm thực của người Việt Nam thật độc đáo mà vô cùng giản dị. Làm cái gì, làm việc gì họ cũng không quên
chuyện “có thực mới vực được đạo” tuy dân dã mà khoa học thật đấy, đúng không thưa ông? Là người Việt Nam nên cô ấy hiểu điều đó rõ lắm.
Giáo sư X chỉ vào mấy đĩa thức ăn, mỉm cười nói với cô phiên dịch:
A4 - Xin mời cô cứ tự nhiên đi nhé !
(Lược ghi theo lời kể của GS. Trần Ngọc Thêm - NĐK ghi) Trong đoạn thoại này, A là người chủ động đề xướng và chủ động giải quyết sự việc, tức tình thế giao tiếp ở đây là tình thế nói ra điều này trước ở lời trao. Điều này trong A2 là A đề nghị cô phiên dịch – nhân vật trung gian nhưng rất cần thiết cho cuộc giao tiếp diễn ra - được nghỉ. Mà cô phiên dịch nghỉ là A được nghỉ. Đó chính là điều này. Các yếu tố của hiện thực được lựa chọn đều là các yếu tố có thể quy chiếu về vấn đề trong thời điểm được xác định ở trong ngữ huống: thời gian, người thư kí, triết lí ẩm thực của người Việt Nam. Ba yếu tố của hiện thực- đề tài ấy lại được sắp xếp theo một trật tự quan hệ: Thời gian không đủ cho cuộc tiếp xúc - Cô thư kí cần ăn uống - Triết lí ẩm thực của người Việt Nam là một lẽ thường cần phải tôn trọng. Trong nội dung của điều này có những từ ngữ mang tính định hướng tới điều khác khá rõ: “thời gian không đủ”, “chưa kịp ăn uống”, “nghỉ một chốc”, không quên chuyện có thực mới vực được đạo. Tuy nhiên, điều khác không được B hiểu măc dù B là người có trình độ văn hoá nhưng thuộc cộng đồng văn hoá khác – cộng đồng văn hoá phương Tây quen lối tư duy trực khởi. Vậy ở đây, hiệu lực tác động nổi bật chính là đích truyền cảm và đích hành động, còn đích thuyết phục nhận thức chỉ là thứ yếu. Bởi thế, khi những đích ấy gặp trở ngại, đối tác chưa tiếp nhận, với vai trò chủ động dẫn dắt A lập tức thay đổi chiến lược bằng cách sau khi dùng lối nói vòng ở A1, A2 không đạt hiệu quả thì A chuyển sang dùng quan hệ định hướng lập luận trong A3, A4: có thực mới vực được đạo là lẽ thường, là triết lí ẩm thực của người Việt Nam ! cô ấy là người Việt Nam ! cô ấy cần ăn đã.
Trong giao tiếp tiếng Anh, ở những cuộc thoại mà chúng tôi thu thập, nhiều diễn ngôn cũng thể hiện khá rõ tính chủ động dẫn dắt và đạt được hiệu quả về đích tác động. Chẳng hạn như trường hợp sau đây:
(17) Mặc dù biết cả thầy dạy và người hướng dẫn chơi gôn chính đều không đến và muốn Dexter hướng dẫn cho mình, cô y tá chủ động nói:
A1- Boy, do you know where the golf teacher is? (Có biết thầy dạy gôn đâu không, chàng trai?)
B1- He’s giving a lesson. (Ông ta đang có giờ dạy)
A2- Well, do you know where the caddy-master is? (Vậy còn người hướng dẫn chơi gôn đâu nhỉ?)
B2- He isn’t here yet this morning. (Sáng nay ông ta chưa tới)
For a moment this baffled her. She stood alternatively on her right and her left. (Cô ngượng ngùng giây lát, đứng nghiêng sang phải, sang trái)
A3- We’d like to get a caddy-said the nurse-Mr.Mortimer Jones sent us out to play golf, and we don’t know how we get without a caddy. (Chúng tôi muốn có một người hướng dẫn chơi gôn - cô y tá nói -Ông Mortimer Jones bảo chúng tôi đến đây để tập chơi gôn. Chúng tôi không biết phải làm sao nếu không có người hướng dẫn). Here she was stopped by an ominous glance from Miss Jones, followed immediately by the smile. (Đến đây cô bị chững lại vì ánh mắt đáng ngại và nụ cười tủm tỉm của cô Jones)
B3- There aren’t any caddies here except me-said Dexter to the nurse-and I got to stay here in charge until the caddy-master gets here. (Ngoài tôi ra thì không có người hướng dẫn nào khác ở đây cả - Dexter nói với cô tá -Tôi phụ trách ở đây cho tới khi người hướng dẫn đến)
A4- Oh (Thế à).
(F.S.Fitzgerald: 345) Theo dõi toàn bộ cuộc thoại trên đây, rõ ràng, A là người chủ động dẫn dắt, chủ động nói ra điều này ở cả A1, A2, A3 bởi A đã biết cả thầy dạy và người hướng dẫn chơi gôn chính đều không đến và muốn Dexter hướng dẫn cho mình. Các tham thoại hỏi ở đây đều không nhằm mục đích tìm kiếm thông tin vì điều hỏi là điều người nói đã biết. Mà khi hỏi điều đã biết thì vấn đề lại nằm ở quan hệ với người được hỏi. Cụ thể ở đây là A muốn B, tức Dexter dạy gôn cho mình. Và thực sự B đã đạt được. Như vậy, qua cách chủ động dẫn dắt từ lí lẽ thông thường là: không có người này và cũng không có người kia, cô y tá đã đạt được cái đích của mình; thay
vì phải đưa ra một câu yêu cầu trực tiếp, đại loại như: Could you help us practice playing, please? (Cậu giúp chúng tôi chơi gôn nhé?)
Vậy, từ sự phân tích trên, ta khái quát và đưa đến định nghĩa:
Lối nói vòng đạt đích hoàn toàn là những diễn ngôn trong đó, ở vào một tình thế xác định, người phát nói ra điều này đồng thời hoàn thành việc dẫn dắt người nghe tiếp nhận được một điều khác cụ thể.
Định nghĩa này cho thấy có hai điều quan yếu:
i/ Người nói đã hoàn thành vai trò dẫn dắt.
ii/ Mục đích được đối tác tiếp nhận là điều khác.
Mục đích là lí do tồn tại của lối nói vòng. Do vậy, đứng trước những tình thế khác nhau, những đối tượng giao tiếp khác nhau, do áp lực chi phối của yếu tố mục đích mà trong vận động diễn ngôn, khi xuất hiện những dấu hiệu thay đổi của ngữ huống, của đối tác, người nói ngoài việc chủ động chọn lựa hay thay đổi đề tài còn chủ động sử dụng những chiến lược nói khác nhau nhằm làm sao đạt được hiệu quả.
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể rút ra mấy đặc điểm của lối nói vòng đạt đích hoàn toàn như sau:
1/ Khi thực hiện lối nói vòng, người nói thực hiện đồng thời ba đích tác động.
Đó là: đích nhận thức, đích truyền cảm và đích hành động. Tuỳ theo tình thế giao tiếp, tình trạng hiện đương của đối tác giao tiếp mà có thể ba đích đó xuất hiện đồng thời hoặc chỉ một hay hai trong số những đích đó có tính nổi bật, chiếm ưu thế. Nói cách khác, chỉ những đích thực sự mang ý định muốn truyền báo tới đối tác và được phía đối tác tiếp nhận thì mới có giá trị. Trong diễn ngôn, đó là những đích có tính đánh dấu.
2/ Quá trình hội thoại là quá trình mà các thoại nhân chọn lựa, tổ chức sắp xếp các hiện thực- đề tài trong điều này đi theo một đường hướng lập luận nhất định, theo một ý đồ nhất định và do đó nó có tính nhất quán. Nói cách khác, bất cứ một nội dung thông tin nào trong điều này cũng đều là sự hiện thực hoá những ý định - cái muốn nói tới của người nói nhằm về phía đối tác. Để nhận diện ý định đó của người nói, cần thông qua mấy dấu hiệu:
i/ Các hiện thực-đề tài được lựa chọn trong điều này luôn có xu hướng gắn với những lẽ thường12 mà người nói chọn lựa nhằm phục vụ cho ý định của mình.
ii/ Cách sắp xếp, tổ chức nội dung thông tin theo một trật tự, một quan hệ lập luận nhất định.
iii/ Trên bề mặt câu chữ của điều này có những từ ngữ mang tính định hướng về ngữ nghĩa.
3/ Tham gia thể hiện đích tác động là các hành vi tôn vinh thể diện hoặc hành vi đe doạ thể diện. Tuỳ vào nội dung thông tin, tuỳ vào tình trạng hiện đương và tuỳ vào tình thế mà các thoại nhân sử dụng hành vi nào là thích hợp với đích hướng dụng, tức điều khác.
4/ Vị thế giao tiếp mạnh là đặc trưng nổi bật của người nói trong vai trò tổ chức điều này và dẫn dắt người nghe hiểu, tiếp nhận điều khác trong tiến trình hội thoại. Vị thế này bao trùm lên nội dung thông tin và nội dung liên cá nhân.
5/ Để đạt được đích tác động, trong vận động diễn ngôn, chiến lược nói có thể thay đổi. Khi có dấu hiệu thay đổi của ngữ huống, của đối tác, người nói sẽ thay đổi chiến lược hoặc thay đổi đề tài nhằm tiếp tục dẫn dắt người nghe đến điều khác cụ thể. Cơ chế biểu hiện của lối nói vòng đạt đích hoàn toàn này là13:
Nhìn vào cơ chế biểu hiện của loại này chúng ta thấy được cái cách để đạt tới đích, đó là: điều khác được thể hiện thông qua điều này. Qua điều này đó, người nói A dẫn dắt người nghe B hiểu và tiếp nhận điều khác. Cả ba tham tố của lối nói vòng đều xuất hiện và vận động theo một chu trình kín và với một quan hệ vòng.
Sơ đồ 2.1. dưới đây chỉ rõ mối quan hệ đó:
12Về lẽ thường, xem mục 1.1. 2.
13 Ngoài kí hiệu A, B (như đã nêu ), kể từ đây, các kí hiệu được dùng trong các công thức khái quát của lối nói vòng: N: điều này; K: điều khác.
a. Để nói K, A đã nói N
b. Thông qua N, A dẫn dắt B tiếp nhận được K.
Sơ đồ 2.1: Chu trình vận động của các tham tố trong lối nói vòng