PHẦN 2: TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG153 CHƯƠNG 6. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
6.2 Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu
6.2.3 Quy trình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu
Các phương pháp đánh giá tác động của BĐKH đến các vùng lãnh thổ và lĩnh vực được nghiên cứu trên nhiều khía cạnh, nhưng đặc biệt những phương pháp này được tổng hợp trong tài liệu của Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) và Viện nghiên cứu môi trường của Hà Lan năm 1998 về “Tài liệu hướng dẫn về phương pháp đánh giá tác động của BĐKH và chiến lược thích ứng” (UNEP, 1998) và của UNFCCC về “Tóm tắt về phương pháp và công cụ đánh giá tác động của BĐKH, và tính dễ bị tổn thương và thích ứng với BĐKH” (UNFCCC, 2008). Trong tài liệu hướng dẫn này, UNEP (1998) đã làm rõ những khái niệm và nội dung về kịch bản phát triển kinh tế xã hội và kịch bản BĐKH làm căn cứ cho đánh giá tác động, đồng thời miêu tả chi tiết các phương pháp đánh giá tác động của BĐKH lên tài nguyên nước, vùng ven biển, nông nghiệp, đồng cỏ và chăn nuôi, sức khỏe con người, năng lượng, rừng, đa dạng sinh học, và nghề cá. UNFCCC (2008) lại tổng hợp tất cả các mô hình, nhóm phương pháp và công cụ được áp dụng trong đánh giá tác động của BĐKH trên thế giới.
Bảng 6. 7. Quy trình đánh giá tác động của BĐKH Bước
1
Xác định các kịch bản BĐKH và nước biển dâng
Bước 2
Xác định các kịch bản phát triển Bước
3
Xác định các ngành và đối tượng ưu tiên và phạm vi đánh giá
Bước 4
Lựa chọn và phân tích các công cụ đánh giá tác động BĐKH
Bước 5
Đánh giá tác động do BĐKH, nước biển dâng theo kịch bản
- Đánh giá tác động đến môi trường tự nhiên
- Đánh giá tác động kinh tế - xã hội Bước
6
Đánh giá mức độ rủi ro thiệt hại do các tác động của BĐKH
Bước 7
Đánh giá khả năng thích ứng với các rủi ro và khả năng dễ bị tổn thương
(Nguồn: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, 2011: 11. Sơ đồ 3.2)
Vì trên thực tế có rất nhiều các mô hình, cách tiếp cận và phương pháp khác nhau được áp dụng trên thế giới và nhằm hướng dẫn các địa phương và các ngành có cơ sở đánh giá, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (2011:10-19) đề xuất quy trình đánh giá tác động của BĐKH cho cấp tỉnh gồm 7 bước như sau:
Bước 1: Xác định các kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Bước này căn cứ vào Kịch bản BĐKH, nước biển dâng chính thức đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009) để xây dựng kịch bản BĐKH cho địa phương mình. Các thông số khí hậu chính được mô tả trong kịch bản BĐKH quốc gia, như mức tăng nhiệt độ trung bình năm, mức thay đổi lượng mưa và mực nước biển dâng được sử dụng, nhưng cần được chi tiết hóa cho địa phương mình, căn cứ vào thực tiễn cụ thể của địa phương.
Bước 2: Xác định các kịch bản phát triển. Các kịch bản phát triển là kịch bản về phát triển tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố hoặc phát triển ngành, được xây dựng từ các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương trong tương lai. Căn cứ vào thực tiễn của địa phương, có thể xây dựng từ 2-3 kịch bản phát triển, từ kịch bản phát triển cao, trung bình hoặc thấp.
Bước 3: Xác định ngành, đối tượng ưu tiên và phạm vi đánh giá. Các ngành và đối tượng ưu tiên là các ngành và đối tượng cần tập trung đánh giá tác động của BĐKH, thường là các ngành và nhóm đối tượng nhạy cảm với BĐKH hoặc có khả năng thích ứng kém với BĐKH. Phạm vi không gian là giới hạn của vùng thực hiện đánh giá tác động, thường được xác định theo mục đích đánh giá, các số liệu, dữ liệu hiện có, và các ranh giới hành chính, sinh thái, khí hậu. Phạm vi thời gian là giới hạn
các khoảng và mốc thời gian để đánh giá tác động của BĐKH. Phạm vi thời gian được xác định theo các yếu tố chính như mục đích đánh giá, độ tin cậy của các phương pháp tính và các số liệu hiện có.
Bước 4: Lựa chọn và phân tích các công cụ đánh giá tác động của BĐKH. Các công cụ đánh giá tác động của BĐKH bao gồm các phương pháp định lượng và định tính để xác định các ảnh hưởng của BĐKH, rủi ro – thiệt hại do tác động của BĐKH, khả năng thích ứng và khả năng dễ bị tổn thương của các ngành và cộng đồng, và được lựa chọn theo các tiêu chí như: i) Đáp ứng được mục tiêu đánh giá tác động BĐKH đã đề ra; ii) Cho kết quả với độ chính xác cần thiết; và iii) Phù hợp với năng lực và thời gian cho phép của địa phương. Các phương pháp này có thể được chia thành 4 nhóm chính là các phương pháp thực nghiệm, các phương pháp ngoại suy, nghiên cứu sử dụng các trường hợp tương tự và phương pháp chuyên gia.
Bước 5: Đánh giá tác động do BĐKH, nước biển dâng theo kịch bản. Đánh giá tác động của BĐKH và khả năng dễ bị tổn thương do BĐKH nên thực hiện cho thời điểm hiện tại và trong tương lai với các nội dung đánh giá tác động đến môi trường tự nhiên và đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội. Đánh giá tác động của BĐKH ở hiện tại được thực hiện bao gồm i) Xây dựng các bảng tổng hợp đánh giá tác động trong đó liệt kê các hiểm họa do BĐKH theo kịch bản và Các đối tượng chịu tác động sẽ được đánh giá và sau đó, ii) Sử dụng các phương pháp điều tra, phỏng vấn, hội thảo tham vấn, hoặc các phương pháp đánh giá khác để xác định các tác động của BĐKH đến các đối tượng và ghi nhận kết quả vào các ô tương ứng của bảng tổng hợp đánh giá. Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương do BĐKH trong tương lai cần xét đến tổ hợp các kịch bản BĐKH và các kịch bản phát triển, bằng cách sử dụng Phương pháp phát triển và phân tích kịch bản. Phương pháp này là phương pháp xem xét tác động và khả năng dễ bị tổn thương ứng với từng tổ hợp các kịch bản BĐKH và các kịch bản phát triển khác nhau. Với mục đích đơn giản hóa đồng thời vẫn đảm bảo tính đa dạng và đầy đủ của đánh giá, thông thường người ta sử dụng và phân tích tổ hợp của 3 kịch bản BĐKH và 3 kịch bản phát triển – nghĩa là có 9 trường hợp đánh giá. Sau khi xác định được các tổ hợp kịch bản, tiến hành đánh giá tác động của BĐKH cho các ngành và nhóm đối tượng ứng với từng tổ hợp kịch bản và ghi nhận kết quả vào bảng tổng hợp đánh giá tác động.
Bước 6: Đánh giá mức độ rủi ro thiệt hại do các tác động của BĐKH. Đánh giá rủi ro là đánh giá khả năng tổn thất thiệt hại do tác động của BĐKH đến các lĩnh vực và các nhóm xã hội. Rủi ro được xác định từ mức độ thiệt hại môi trường, kinh tế, xã hội của tác động và khả năng xảy ra tác động đó và ta có thể dùng nhiều phương pháp định tính và định lượng khác nhau để đánh giá rủi ro. Các phương pháp định lượng thường là các mô hình kinh tế do các chuyên gia kinh tế xây dựng và thực hiện. Các phương pháp định tính thường được xây dựng trên cơ sở các thước đo định tính về thiệt hại và khả năng xảy ra, và được xây dựng từ thấp lên cao. Ví dụ Thước đo thiệt hại có thể chia làm 5 bậc: Không đáng kể, Trung bình, Quan trọng, Nghiêm trọng, Thảm họa. Thước đo khả năng xảy ra cũng có thể chia thành 5 bậc: Hầu như không, Khó xảy ra, Có khả năng, Nhiều khả năng,
Hầu như chắc chắn. Tùy theo sự kết hợp giữa mức độ thiệt hại và khả năng xảy ra rủi ro sẽ từ “Thấp” đến “Rất cao”.
Bước 7: Đánh giá khả năng thích ứng với các rủi ro và khả năng dễ bị tổn thương. Đánh giá khả năng thích ứng là nhằm rà soát lại thực tiễn, kế hoạch, phương án thích ứng hiện tại của các đối tượng đánh giá có đủ khả năng thích ứng với các rủi ro do BĐKH không. Để đánh giá năng lực thích ứng, các bên tham gia thảo luận và đánh giá theo các thang điểm định tính (có thể bao gồm 3 bậc: thấp, trung bình, cao). Khả năng dễ bị tổn thương được xác định từ mức độ rủi ro do tác động của BĐKH và năng lực thích ứng. Nếu rủi ro thấp và năng lực thích ứng cao thì khả năng dễ bị tổn thương là thấp. Ngược lại nếu rủi ro cao và năng lực thích ứng là thấp thì khả năng dễ bị tổn thương sẽ cao. Đánh giá khả năng dễ bị tổn thương, tương tự như đánh giá rủi ro, cũng được thu thập qua tham vấn các bên tham gia (hoặc kết quả thu được từ mô hình) và ghi nhận kết quả vào bảng tổng hợp đánh giá. Các khu vực dễ bị tổn thương còn có thể được thể hiện qua các bản đồ gọi là Bản đồ tổn thương.