CHƯƠNG 10. GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
10.3 Chiến lược giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế xã hội 300
Nhằm giảm nhẹ BĐKH, ngoài việc phối kết hợp chặt chẽ với quốc tế, các giải pháp giảm nhẹ phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển và ứng phó với BĐKH trong từng lĩnh vực của nền kinh tế xã hội mỗi quốc gia. Những giải pháp giảm nhẹ với từng lĩnh vực sau đây được khuyến nghị thực hiện trong Báo cáo lần thứ 4 của IPCC.
10.3.1 Cung ứng và sử dụng năng lượng
Theo Báo cáo lần thứ 4 của IPCC, mức độ tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng khoảng 1,4%/năm trong giai đoạn 1990-2004, trong đó mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng nhanh ở nhiều nước đang phát triển. Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng ổn định, trong khi tiêu thụ năng lượng nguyên tử cũng vẫn tăng mặc dù với mức độ chậm hơn năm 1980. Các nguồn năng lượng thủy điện và nhiệt điện nhìn chung tương đối ổn định. Trong giai đoạn từ 1970 đến 2004, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 86% xuống 81%. Mức độ cung ứng và sử dụng năng lượng gió và mặt trời cũng đang tăng nhanh.
Năm 2000, phát thải từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là 25 GtCO tương đương /năm. Nếu không có những chính sách
và biện pháp cụ thể, con số này có thể lên đến 37-54 GtCO2 tương đương vào năm 2030.
Cung ứng và sử dụng năng lượng là một bài toán lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, còn cần phải giảm giá thành cũng như tăng tính bền vững của nguồn cung, đồng thời cần giảm phát thải KNK cũng như các chất ô nhiễm khác. Đối với lĩnh vực năng lượng, một sự chuyển đổi công nghệ lớn sẽ mất rất nhiều thời gian để đầu tư phát triển và thu hồi vốn nên một quyết sách ngày hôm nay sẽ có tác động đến sự phát triển của vài thập kỷ.
Để giảm phát thải KNK trong lĩnh vực cung ứng và sử dụng năng lượng, có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Sử dụng tiết kiệm năng lượng: hạn chế thất thoát, chống sử dụng lãng phí, sử dụng điện hiệu quả trong sinh hoạt và ở cơ quan, công sở. Sử dụng tiết kiệm năng lượng còn bao hàm cả việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng hiệu suất năng lượng hoá thạch, hiệu suất sử dụng điện, …
- Tăng cường sử dụng, phát triển năng lượng thay thế: năng lượng mặt trời, điện gió, thuỷ điện nhỏ, khí sinh học, địa nhiệt..., xem xét phát triển hợp lý nguồn năng lượng hạt nhân.
- Chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt trong các nhà máy sản xuất điện
- Thu hồi nhiệt dư, chuyển đổi nhiên liệu, tái chế và thay thế nguyên liệu trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng (sắt thép, xi măng, giấy, hóa chất...).
10.3.2 Giao thông
Các hoạt động giao thông tăng nhanh trên thế giới khi kinh tế phát triển. Năm 2004, năng lượng dành cho giao thông chiếm đến 26% tổng năng lượng toàn thế giới sử dụng. Các hoạt động giao thông được dự kiến là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nhiều thập kỷ tới. Năng lượng sử dụng cho lĩnh vực này dự kiến tăng 2%/năm, dẫn đến mức sử dụng năng lượng và phát thải KNK trong giao thông năm 2030 có thể tăng 80% so với năm 2002. Khi thu nhập tăng, mức quy đổi giá trị thời gian của các cá nhân tham gia lưu thông sẽ tăng lên, các phương tiện đi lại như ô tô cá nhân, hàng không, tàu siêu tốc do đó sẽ càng ngày càng được lựa chọn nhiều hơn. Một hệ quả là mức độ phát thải KNK sẽ tăng lên, bên cạnh những vấn đề như là ô nhiễm tại các thành phố lớn.
Giao thông đường bộ đóng góp khoảng 74% vào tổng phát thải CO2 do lĩnh vực giao thông gây ra. Phát thải CO2 trong lĩnh vực hàng không tăng 1,5 lần từ năm 1990 đến năm 2000, chiếm 2% tổng lượng phát thải CO2 nhân tạo, và được dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khoảng 3-4%/năm.
Lĩnh vực giao thông khác biệt với các lĩnh vực sử dụng năng lượng khác do sự phụ thuộc chặt chẽ của nó vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Việc xem xét giảm phát thải KNK cần được kết hợp với các vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc đường, và an ninh năng lượng (nhập khẩu xăng dầu). Các biện pháp giảm phát thải từ lĩnh vực giao thông đã, đang và cần được thực hiện như sau:
- Chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch hơn và các phương tiện có hiệu quả nhiên liệu cao hơn trong ngành giao thông đường bộ. Nhiều chương trình nghiên cứu đã và đang được thực hiện trong đó sử dụng các dạng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, pin nhiên liệu hydro, các loại xe hybrid. Với sự phát triển của công nghệ, dự kiến rằng các loại ô tô mới vào năm 2030 sẽ có lượng phát thải KNK thấp hơn hẳn so với các loại ô tô thời kỳ trước;
- Đối với lĩnh vực hàng không, việc phát triển của công nghệ, trình độ quản lý và khai thác không lưu sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Phát triển về công nghệ có thể làm tăng 20% hiệu quả sử dụng nhiên liệu vào năm 2015 so với năm 1997, và mức tăng này có thể đạt đến 40-50% vào năm 2050. Tuy nhiên với mức tăng chuyến bay khoảng 5% trong hàng không dân dụng, những cải thiện về công nghệ này sẽ không làm giảm phát thải KNK. Việc phát triển loại nhiên liệu sinh học đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không có thể là một giải pháp cho việc cắt giảm phát thải KNK;
- Đối với giao thông đường thủy, Tổ chức Hải văn Quốc tế đánh giá rằng các giải pháp kỹ thuật có thể làm giảm từ 4 đến 30% phát thải KNK. Tuy nhiên, do tuổi thọ dài của các động cơ, sẽ phải mất đến hàng thập kỷ để các biện pháp này có hiệu quả rõ rệt. Các biện pháp ngắn hạn hơn bao gồm việc hoạch định tốt hơn lộ trình cũng như giảm tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông đường thuỷ cũng có thể làm giảm đáng kể lượng phát thải;
- Đối với ngành đường sắt, để giảm phát thải KNK cần cải tiến khí động học, giảm trọng lượng của tàu, cải tiến kỹ thuật phanh, giảm phát thải KNK từ nguồn sản xuất điện;
- Chuyển đổi phương thức đi lại, từ đường bộ sang đường sắt, từ phương tiện cá nhân sang công cộng có thể đóng góp vào việc giảm nhẹ phát thải KNK. Các điều kiện địa phương cụ thể như mật độ dân số, hạ tầng cơ sở sẽ quyết định phương thức đi lại. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thị phần hành khách của xe buýt tăng lên 5-10%, lượng phát thải CO2 có thể sẽ giảm xuống 4-9%;
- Ngoài ra, việc hoạch định chính sách hay các công cụ hỗ trợ giao thông như hệ thống định vị, những kênh thông tin vô tuyến truyền thanh cũng góp phần tích cực vào việc làm giảm phát thải KNK.
10.3.3. Nhà ở và các tòa nhà thương mại
Năm 2004, phát thải trực tiếp từ các tòa nhà, ngoại trừ phát thải từ sử dụng điện là vào khoảng 5 GtCO2 tương đương/năm.
Nếu tính gộp cả sử dụng điện, con số này là 10,6 GtCO2 tương đương/năm. Các kịch bản tương lai cho thấy lượng phát thải từ các tòa nhà sẽ vào khoảng 14,3 GtCO2 tương đương vào năm 2030.
Có 3 biện pháp chính để giảm phát thải KNK từ các tòa nhà như sau:
- Giảm mức tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà;
- Chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu ít cacbon, bao gồm cả việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo;
- Quản lý phát thải các KNK không phải CO2.
Rất nhiều công nghệ mới hiện cho phép xây dựng các tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng thấp thông qua việc cải tiến thiết kế, cải tiến công tác vận hành tòa nhà, tăng cường sử dụng các thiết bị hiệu quả. Ngoài ra thay đổi thói quen sử dụng thiết bị (ví dụ như đặt điều hòa ở 27°C thay vì 18°C trong những ngày hè nóng nực) cũng góp phần làm giảm phát thải KNK. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sử dụng các công nghệ chiếu sáng mới có thể tiết kiệm hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn giảm phát thải KNK.
10.3.4. Công nghiệp
Hầu hết các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hiện được đặt ở các nước đang phát triển. Năm 2003, các nước đang phát triển sản xuất 42% lượng thép toàn cầu, 57% phân bón nitơ, 78% tổng lượng xi măng và khoảng 50% nhôm. Năm 2004, các nước đang phát triển sử dụng 46% năng lượng dành cho công nghiệp thế giới trong khi các nước phát triển sử dụng 43% và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi sử dụng 11%.
Năm 2004, tổng lượng phát thải KNK từ lĩnh vực công nghiệp là vào khoảng 12 GtCO2 tương đương, chiếm 25% tổng lượng phát thải toàn cầu. Phát thải CO2 (bao gồm cả sử dụng điện) tăng từ 6,0 GtCO2 năm 1971 lên đến 9,9 GtCO2 năm 2004.
Giảm nhẹ phát thải trong lĩnh vực công nghiệp đã và đang được thực hiện thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như thực hiện nhiều công nghệ giảm nhẹ phát thải từ các quá trình biến đổi vật chất của các quá trình công nghiệp. Một số ngành như sản xuất nhôm, amoniac đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong việc giảm phát thải. Ví dụ công nghiệp amoniac năm 2004 giảm cường độ năng lượng 50% so với thời kỳ 1960.
Nhiều giải pháp có khả năng làm giảm phát thải KNK từ công nghiệp. Đa số giải pháp được đề cập đến trong mục 10.3.1, tập trung vào các nhóm: sử dụng hiệu quả năng lượng, chuyển đổi dạng nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, thay đổi dạng sản phẩm, và sử dụng hiệu quả công cụ, thiết bị. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích của quốc gia cũng góp phần hiệu quả vào việc giảm phát thải. Nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp.
Các điều luật về thuế cũng thường được đưa ra nhằm khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.
Các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong công nghiệp làm giảm ô nhiễm không khí, rác thải, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, làm giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng, cũng như cải thiện môi trường làm việc, tâm lý, sức khỏe người lao động, v.v…
10.3.5. Nông nghiệp
Kể từ năm 1960, diện tích đất trồng trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 8%, đạt đến 1400 Mha, trong đó diện tích này giảm đi 5% ở các nước phát triển và tăng lên 22% ở các nước đang phát triển. Đến 2020, dự tính sẽ có thêm 500 Mha đất trồng trọt mới, chủ yếu ở châu Mỹ Latin và khu vực cận Sahara của châu Phi.
Năm 2005, phát thải KNK từ nông nghiệp được ước lượng vào khoảng từ 5,1 đến 6,1 GtCO2 tương đương, chiếm 10-12%
tổng lượng phát thải KNK nhân tạo toàn cầu. CH4 đóng góp 3,3 GtCO2 tương đương và N2O đóng góp 2,8 GtCO2 tương đương.
Như vậy lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 50% lượng phát thải nhân tạo CH4 và 60% lượng phát thải nhân tạo N2O toàn cầu. Trao đổi CO2 giữa khí quyển và đất nông nghiệp là rất lớn, tuy nhiên thông lượng thuần lại nhỏ, chỉ vào khoảng 0.04 GtCO2/năm (ở đây lưu ý rằng phát thải từ việc sử dụng điện và nhiên liệu cho nông nghiệp được tính trong các phần giao thông và nhà ở).
Nếu không có các biện pháp chính sách thích hợp, phát thải N2O và CH4 từ nông nghiệp được dự tính tăng lên tương ứng 35-60% và ~60% vào năm 2050 (tăng nhanh hơn so với mức tăng 14% của các KNK không phải CO2 giai đoạn 1990 đến 2005).
Để giảm nhẹ phát thải trong nông nghiệp có thể tiến hành các biện pháp sau:
- Cải tiến kỹ thuật tưới tiêu, canh tác lúa;
- Cải tiến kỹ thuật chăn nuôi gia súc;
- Cải tiến chế độ phân bón, kỹ thuật sản xuất phân bón;
- Bồi dưỡng đất hữu cơ bị mất dinh dưỡng;
- Bồi hoàn và phục dưỡng đất thoái hóa các loại
Kết quả của biện pháp này là sẽ giảm phát thải CH4 trên ruộng lúa, và từ hoạt động chăn nuôi gia súc, làm giảm N2O, nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời sẽ ngăn ngừa được sự thoái hóa đất.
10.3.6. Bảo vệ và phát triển rừng
Rừng trên thế giới hiện bao phủ khoảng 3,9 tỷ hecta, chiếm 30% bề mặt đất toàn cầu. Từ 2000 đến 2005, diện tích rừng
rộng của việc định cư và hạ tầng xây dựng. Trong những năm 1990, tốc độ mất rừng cao hơn, lên đến 13,1 triệu ha/năm. Những khu vực bị mất rừng nhiều nhất là ở Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á.
Ở quy mô toàn cầu, trong những thập kỷ gần đây, phá rừng ở khu vực nhiệt đới và việc trồng mới phát triển rừng ở khu vực ôn đới là những nhân tố chính chịu trách nhiệm trong phát thải và hấp thụ CO2. Phát thải do phá rừng trong những năm 1990 là vào khoảng 5,8 GtCO2/năm.
Nhằm giảm phát thải và tăng hấp thụ KNK trong lĩnh vực lâm nghiệp, các giải pháp được thực hiện bao gồm:
- Tăng cường trồng rừng, tái tạo rừng;
- Xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý rừng, giảm khai phá rừng, chú trọng vào tính ổn định của cơ cấu diện tích 3 loại rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Xây dựng các chương trình phòng chống cháy rừng và tăng cường các thiết bị chống cháy rừng;
- Thực hiện đồng bộ các chính sách rừng: giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo. Xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH, tăng cường khả năng hấp thụ các-bon của rừng và các hệ sinh thái.
- Quản lý giống loài nhằm tăng sinh khối và hấp thụ BĐKH. Bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tác động của BĐKH.
10.3.7. Quản lý rác thải
Rác thải liên quan chặt chẽ đến dân số và tình trạng đô thị hóa. Khối lượng rác thải toàn cầu đang tăng lên những năm gần đây, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với tốc độ tăng dân số, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Phát thải năm 2005 từ lĩnh vực rác thải vào khoảng 1300 MtCO2 tương đương/năm.
Cải tiến các công nghệ quản lý và xử lý rác thải có thể làm giảm lượng phát thải KNK một cách rõ rệt, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện:
- Cải tiến vấn đề chôn rác thải: với những nơi vẫn sử dụng kỹ thuật chôn rác thải, CH4 sẽ tiếp tục được sản sinh trong nhiều thập kỷ, vì thế cần tối ưu kỹ thuật ôxít hóa và thu hồi CH4;
- Tăng cường quản lý và xử lý nước thải;
- Tổ chức sản xuất năng lượng từ rác thải;
- Tái sử dụng rác thải là một trong những biện pháp hứa hẹn làm giảm lượng phát thải KNK cùng với việc tăng sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả.
Trong các phần trên đã đề cập đến nhiều công nghệ, giải pháp và chính sách giảm nhẹ BĐKH chỉ dành cho một lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, một số giải pháp lại mang tính liên ngành. Ví dụ như sử dụng sinh khối và chuyển đổi từ nhiên liệu nhiều cacbon sang khí đốt ảnh hưởng nguồn cung năng lượng, giao thông, công nghiệp và các tòa nhà. Tăng cường công tác giáo dục và truyền thông cũng sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghệ mới, ý thức bảo vệ rừng, v.v… góp phần tích cực vào việc giảm phát thải và làm gia tăng bể hấp thụ KNK.