CHƯƠNG 10. GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
10.4 Chiến lược giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong một số lĩnh vực tại Việt Nam 306 CHƯƠNG 11. PHƯƠNG PHÁP VÀ CÔNG CỤ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 312
Nhận thức được tầm quan trọng trước những thách thức về tác động của BĐKH, Việt Nam luôn là một quốc gia đi đầu trong việc tham gia và thực hiện các hiệp ước quốc tế nhằm giảm nhẹ BĐKH. Việt Nam đã phê chuẩn UNFCCC tháng 11 năm 1994 và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto tháng 9 năm 2002. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm Cơ quan đầu mối của Chính phủ tham gia và thực hiện Nghị định thư Kyoto.
Tháng 3 năm 2003, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường được chỉ định làm Cơ quan thẩm quyền quốc gia về CDM. Ban Tư vấn-Chỉ đạo quốc gia về CDM cũng đã được thành lập vào tháng 4 năm 2003 với sự tham gia của đại diện các Bộ, Cơ quan có liên quan. Thông tin về các dự án CDM của Việt Nam có thể truy cập được tại địa chỉ: http://www.noccop.org.vn.
Năm 2010 có 11 dự án CDM đã được đăng ký ở Việt Nam, dự kiến đem lại lượng tín chỉ trung bình hằng năm khoảng 1016 triệu CER, chiếm khoảng 0,3% số lượng tín chỉ CER toàn cầu. Với mức giá 19,5 USD/CER. Mỗi năm Việt Nam dự kiến có thể thu được khoảng 19 triệu USD.
Ngày 02/12/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (gọi tắt là Chương trình). Chương trình có quan điểm như sau:
- Ứng phó với BĐKH được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo.
- Các hoạt động ứng phó với BĐKH được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài; đầu tư cho ứng phó với BĐKH là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững; ứng
phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.
- Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, mọi người dân và cần được tiến hành với sự đồng thuận và quyết tâm cao, từ phạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu.
- Các yếu tố BĐKH phải được tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các cấp, các ngành, các địa phương, cả trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tổ chức thực hiện;
- Triển khai ứng phó với BĐKH theo nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” được xác định trong Công ước Khung của LHQ về BĐKH, Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nhẹ BĐKH với khả năng của mình và với sự tài trợ và chuyển giao công nghệ cần thiết từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.
Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạnh hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do BĐKH toàn cầu và mức độ tác động của BĐKH (bao gồm cả biến động khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng khí tượng cực đoan) đối với các lĩnh vực, ngành và các địa phương;
- Xác định được các giải pháp ứng phó với BĐKH;
- Tăng cường được các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp ứng phó với BĐKH;
- Củng cố và tăng cường được năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BĐKH;
- Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực;
- Tăng cường được hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với BĐKH; tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp; góp phần cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ BĐKH và bảo vệ hiệu quả hệ thống khí hậu toàn cầu;
- Tích hợp được yếu tố BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và các địa phương;
- Xây dựng và triển khai được các kế hoạch hành động của các bộ/ngành và địa phương ứng phó với BĐKH; triển khai được các dự án thí điểm.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo ba giai đoạn: giai đoạn khởi động (2009-2010), giai đoạn triển khai (2011-2015), và giai đoạn phát triển (sau 2015).
Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, nhiều bộ ngành đã đưa ra những chương trình hành động cụ thể.
Tháng 8/2010, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Công Thương (số 4103/2010/QĐ-BCT), bên cạnh những mục tiêu “thích ứng” với BĐKH, kế hoạch đã đưa ra những mục tiêu cụ thể về giảm nhẹ BĐKH như sau:
- Kiểm soát việc phát thải KNK trong các quá trình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại;
- Phối hợp có hiệu quả với Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và các chương trình khác có liên quan để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu của Chương trình, vừa giảm nhẹ phát thải KNK;
- Triển khai một số dự án thí điểm áp dụng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại theo hướng cacbon thấp, thân thiện với khí hậu;
- Xây dựng các dự án trung hạn, dài hạn; triển khai thí điểm chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với khí hậu cho các sản phẩm tiêu thụ nhiều nhiên liệu, năng lượng trên cơ sở kêu gọi sự tài trợ quốc tế các nguồn lực tài chính và công nghệ;
- Nhân rộng các kết quả đạt được từ những dự án thí điểm trên cơ sở huy động nguồn vốn trong nước, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ theo định hướng thích ứng với BĐKH vừa giảm phát thải KNK, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Tháng 12/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (số 2418/2010/QĐ-BTNMT), trong đó đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2011-2015 là:
- Đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và các kịch bản BĐKH;
- Triển khai nghiên cứu về BĐKH: trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, định hướng công nghệ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội để phát triển hướng tới nền kinh tế các-bon thấp;
- Xây dựng thể chế, chính sách về BĐKH;
- Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
- Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đối với các lĩnh vực tài nguyên và môi trường: trong đó ưu tiên xác định các giải pháp trong bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát hiệu quả khí mê-tan và các khí nhà kính khác từ các bãi chôn lấp chất thải;
- Tích hợp các vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của ngành tài nguyên và môi trường;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế;
- Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách.
Tháng 01 năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015 (số 199/2011/QĐ-BGTVT), đưa ra mục tiêu tạo lập năng lực ứng phó với BĐKH nhằm góp phần phát triển bền vững giao thông vận tải. Các nội dung của kế hoạch hành động liên quan đến giảm nhẹ BĐKH có:
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH, giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải trên cơ sở những dự báo, đánh giá mức độ tác động của BĐKH;
- Kiểm tra, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới; phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại các đô thị; tổ chức thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Giao thông vận tải;
- Triển khai thí điểm các giải pháp thích ứng với BĐKH, ứng dụng công nghệ cacbon thấp, phát triển ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trên cơ sở hỗ trợ nguồn lực tài chính, kỹ thuật và công nghệ của quốc tế.
Ngày 23/3/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2011-2015 (số 543/2011/QĐ-BNN-KHCN), trong đó đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 20% trong từng giai đoạn 10 năm. Trong các nội dung của kế hoạch, một số nội dung liên quan đến việc giảm nhẹ BĐKH như sau:
- Phát triển chăn nuôi với ưu tiên các giống vật nuôi có tính thích ứng cao với môi trường sống rộng. Gắn chăn nuôi với phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, đồng thời xử lý phân thải súc vật (dạng khí sinh học);
- Hoàn thiện các quy trình sản xuất, đảm bảo khép kín từ sản xuất nông nghiệp, chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, quản lý chất thải, phù hợp trong điều kiện BĐKH;
- Xây dựng kế hoạch áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác hữu cơ làm phân bón, giảm chôn ủ để hạn chế những
tác động xấu đến môi trường và hạn chế phát thải khí mêtan; Thực hiện các biện pháp thu hồi triệt để khí mêtan từ các bãi rác đã có làm nhiên liệu;
- Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP- Good Agricultural Practices) trong trồng trọt; sử dụng biện pháp canh tác tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu; sử dụng nước tiết kiệm; làm đất tối thiểu; kỹ thuật điều tiết nước, phân bón để hạn chế phát sinh khí mêtan trên ruộng lúa; điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng giảm cây trồng phát thải nhiều, tăng cây trồng năng lượng sinh học;
- Áp dụng quy trình GAP trong chăn nuôi để nâng cao hệ số sử dụng thức ăn, giảm chất thải, giảm chi phí; áp dụng biogas.
- Thực hiện các chương trình/dự án nâng cao chất lượng rừng và năng lực phòng hộ của rừng nhất là phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió và cát di động ven biển;
- Xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý chống phá rừng, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng; trồng rừng và làm giàu rừng;
- Tập trung xây dựng và triển khai một số chương trình/dự án liên quan tới Cơ chế hậu Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD), Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ phí môi trường rừng; tiếp tục xây dựng và thực hiện các dự án về cơ chế phát triển sạch, gắn với chương trình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES);
- Xây dựng chương trình sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc tạo việc làm cho người lao động, xoá đói, giảm nghèo, định canh, định cư (lồng ghép với công ước sa mạc hóa theo Quyết định 204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ);
- Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và chiến lược quản lý hệ thống các khu bảo tồn của rừng tự nhiên, đa dạng sinh học (lồng ghép với việc thực hiện công ước đa dạng sinh học) thích ứng với BĐKH.
- Xây dựng chương trình nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi, đê điều, phòng chống lụt bão, quản lý an toàn hồ đập, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm;
- Áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước như tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới nông lộ phơi cho lúa; tu bổ, cải tạo, chống tổn thất nước trên hệ thống kênh mương, vận hành hệ thống hợp lý để tăng diện tích tự chảy, tiết kiệm năng lượng bơm nước..
Có thể thấy, Chính phủ cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã và đang nỗ lực trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Để ứng phó hiệu quả với BĐKH và phát triển bền vững đất nước, một chiến lược quốc gia về BĐKH với tầm nhìn thế kỷ đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Chiến lược quốc gia đưa ra các quan điểm:
- Ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, tận dụng các
cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia.
- Tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm.
Cũng theo chiến lược quốc gia này, đến năm 2100, Việt Nam phấn đấu trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh, phát triển bền vững với nền kinh tế cacbon thấp, ứng phó thành công với BĐKH và có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.