Quan hệ giữa thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Một phần của tài liệu Kiến thức cơ bản về về BIẾN đổi KHÍ hậu (Trang 268 - 280)

PHẦN 3: THÍCH ỨNG VÀ GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU244 CHƯƠNG 8. KHÁI NIỆM THÍCH ỨNG VÀ GIẢM NHẸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 245

8.3 Quan hệ giữa thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu

1) Những điểm giống và khác nhau giữa thích ứng và giảm nhẹ

Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đóng vai trò quan trọng và là nền tảng cơ bản để giải quyết các vấn đề của BĐKH. Giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH có một số điểm chung như có thể bổ sung, thay thế, độc lập hoặc cạnh tranh nhau và có những đặc điểm, khung thời gian rất khác nhau.

Cả thích ứng và giảm nhẹ đều đòi hỏi năng lực của xã hội có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự thích ứng với BĐKH phụ thuộc vào sự hứng chịu những rủi ro về thời tiết, tài sản tự nhiên hay nhân sinh của xã hội, nguồn lực con người, các thể chế và thu nhập. Tất cả các yếu tố này sẽ quyết định khả năng thích ứng và giảm nhẹ của xã hội. Những chính sách hỗ trợ sự phát triển và nâng cao khả năng thích ứng và giảm nhẹ có thể có một số điểm chung. Các chính sách có thể được lựa chọn có một số ảnh hưởng lên hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội, tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết phải có sự thỏa hiệp. Các nhân tố chính quyết định khả năng thực thi kế hoạch giảm nhẹ và thích ứng BĐKH bao gồm: tài nguyên, thị trường, tài chính, thông tin và nhiều các vấn đề điều khiển khác.

Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đều được thực hiện trên cùng một quy mô địa phương hay khu vực và có thể được thúc đẩy bởi những ưu tiên và mối quan tâm của địa phương, khu vực cũng như quan tâm toàn cầu. Giảm nhẹ BĐKH mang lại lợi ích toàn cầu, và do đó mang lại lợi ích cho địa phương cũng như khu vực. Trong khi đó, thích ứng với BĐKH chủ yếu trên quy mô của hệ thống bị ảnh hưởng bởi BĐKH, tốt nhất là quy mô khu vực nhưng hầu hết là quy mô địa phương. Việc giảm phát thải khí nhà kính đạt được bởi các hành động giảm nhẹ khác nhau có thể được so sánh, đặc biệt nếu biết được giá thành giảm nhẹ BĐKH thì chi phí - hiệu quả của các hành động giảm nhẹ có thể được xác định và so sánh (Moomaw et al., 2001). Tuy nhiên, việc so sánh lợi ích của các hành động thích ứng với BĐKH trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, thích ứng với BĐKH chủ yếu có tầm ảnh hưởng trên quy mô khu vực và địa phương, do đó những lợi ích của hành động thích ứng với BĐKH được ước tính khác nhau phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị của nơi tiến hành các hành động thích ứng.

Ngoài ra, trên thực tế, phải mất vài thập kỷ để có thể minh chứng những lợi ích, hiệu quả của các hành động giảm nhẹ BĐKH hiện nay do thời gian tồn tại dài của các khí nhà kính; trong khi đó, rất nhiều các giải pháp thích ứng BĐKH có thể có hiệu quả nhanh chóng và đạt được những lợi ích bằng cách giảm tính dễ bị tổn thương trước dao động khí hậu. Do đó có một khoảng thời gian trễ giữa việc gánh chịu chi phí giảm nhẹ BĐKH và nhận thấy những lợi ích này, trong khi đó khoảng thời gian này đối với thích ứng lại ngắn hơn nhiều.

Có rất nhiều khía cạnh trong đó thích ứng và giảm nhẹ BĐKH có liên quan với nhau ở các cấp độ ra quyết định khác nhau.

Những nỗ lực giảm nhẹ có thể thúc đẩy khả năng thích ứng nếu loại trừ những sai sót và sự thiếu chính xác của thị trường cũng như tiền hỗ trợ không hợp lý ngăn cản những nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định dựa vào nền tảng chi phí xã hội thực của những tùy chọn sẵn có… (IPCC, 2007b). Những chi phí giảm nhẹ dường như là hướng tới tài nguyên của xã hội hay của cá

nhân và giảm kinh phí cho thích ứng, tuy nhiên trên thực tế những nhà hoạch định chính sách và các nguồn kinh phí liên quan là khác nhau. Cả 2 sự lựa chọn thay đổi giá trị tương đối, điều này có thể dẫn tới những sự điều chỉnh nhỏ các loại hình tiêu thụ và đầu tư, do đó thay đổi đường lối phát triển kinh tế bị ảnh hưởng. Những nỗ lực thích ứng BĐKH có thể gây cả tác động tích cực và tiêu cực đến giảm nhẹ BĐKH. Ví dụ như việc trồng mới rừng là một phần của chiến lược thích ứng BĐKH khu vực có những đóng góp tích cực cho giảm nhẹ. Ngược lại, hành động thích ứng đòi hỏi việc sử dụng năng lượng từ nguồn phát thải cacbon tăng lên.

Các hành động nhằm giảm nhẹ BĐKH chủ yếu liên quan tới các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, dân cư, lâm nghiệp và nông nghiệp; trong khi đó thích ứng với BĐKH liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, du lịch và giải trí, sức khỏe con người, cung cấp nước, quản lý đới bờ, quy hoạch đô thị và bảo tồn thiên nhiên (IPCC, 2007b).

Chiến lược giảm nhẹ BĐKH có nội dung chủ yếu là chiến lược giảm khí nhà kính, nghĩa là giảm nguồn phát thải và tăng bể chứa khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, chiến lược thích ứng với BĐKH có mục tiêu là ngăn chặn các tác động của BĐKH, kể cả biến đổi tự nhiên và biến đổi do hoạt động của con người gây ra đối với hệ thống tự nhiên và xã hội trên trái đất (Nguyễn Đức Ngữ, 2008).

Nhìn chung, cả chiến lược giảm nhẹ BĐKH và thích ứng với BĐKH đều là những hành động can thiệp trực tiếp tới một chu trình gồm 4 yếu tố:

- BĐKH: nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, chế độ mưa, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…;

- Phát triển kinh tế - xã hội: tăng trưởng kinh tế, công nghệ, dân số và quản lý;

- Nồng độ khí nhà kính và phát thải khí nhà kính;

- Hệ thống tự nhiên - xã hội.

Giảm nhẹ BĐKH can thiệp vào chu trình từ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, thích ứng BĐKH can thiệp vào 2 quá trình: tác động của BĐKH đến hệ thống tự nhiên - xã hội và mối tương tác giữa phát triển kinh tế - xã hội với hệ thống tự nhiên - xã hội.

2) Mối quan hệ giữa thích ứng và giảm nhẹ BĐKH trong phạm vi khu vực và các ngành Giảm nhẹ BĐKH ảnh hưởng đến thích ứng BĐKH

Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH có mối quan hệ phức tạp liên quan đến sự thay đổi trong sử dụng và lớp che phủ đất. Các

hoạt động chặt phá rừng và chuyển đổi sử dụng đất là những nguồn phát thải một lượng đáng kể khí nhà kính, thường gây hậu quả đối với các kiểu sản xuất nông nghiệp không bền vững (IPCC, 2007b). Làm giảm bớt hoặc tạm dừng các hoạt động này bằng cách khuyến khích bảo tồn rừng, tăng độ che phủ rừng không chỉ làm giảm phát thải khí nhà kính mà còn mang đến nhiều lợi ích về khí hậu địa phương, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Một ví dụ về giảm nhẹ BĐKH có ảnh hưởng tích cực đến thích ứng BĐKH là lĩnh vực thu hồi cacbon (carbon sequestration) trong đất nông nghiệp. Quá trình này làm tăng kinh tế hàng hóa cho người dân, đồng thời làm cải thiện đất và bảo tồn nguồn nước, do đó tăng khả năng thích ứng kinh tế và môi trường (Boehm và cộng sự, 2004; Butt và McCarl, 2004; Dumanski, 2004).

Trong nhiều thập kỷ qua, trồng rừng và tái sinh rừng tự nhiên là những phương án giảm nhẹ BĐKH quan trọng và hữu hiệu.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc sử dụng đất cho thuê mướn hoặc cho các hoạt động sản xuất góp phần cải thiện sinh kế cho người dân và do đó tăng khả năng thích ứng (Lal, 2004). Tuy nhiên, ảnh hưởng của các dự án tái sinh rừng đến nguồn nước lại phụ thuộc chặt chẽ vào thành phần loài và các đặc điểm địa lý, khí hậu của vùng. Ở các vùng có nguồn nước dồi dào, việc trồng rừng mang lại nhiều tác động tích cực như bảo tồn đất và kiểm soát lũ ngay cả trong trường hợp BĐKH. Ở các có vùng ít nguồn nước, lượng mưa lớn và khô hạn kéo dài, việc trồng rừng làm tăng nguồn cung cấp nước. Tuy nhiên, tại các vùng khô hạn và bán khô hạn, trồng rừng lại làm giảm đáng kể lượng nước (UK FRP, 2005). Điều này có ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi trên phạm vi rộng đến các lựa chọn thích ứng trong một số lĩnh vực như nông nghiệp (tưới tiêu), ngành điện (tháp làm mát) và bảo vệ hệ sinh thái (dòng chảy cho duy trì hệ sinh thái đất ngập nước) (IPCC, 2007b).

Sử dụng các cây năng lượng sinh học (bioenergy crop) là một trong những giải pháp giảm nhẹ BĐKH ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào các công nghệ, chi phí và tính cạnh tranh trong thị trường năng lượng mà không quan tâm đến khía cạnh thích ứng BĐKH. Ví dụ như McDonald và cộng sự (2006) sử dụng mô hình cân bằng chung tính toán trên quy mô toàn cầu và cho thấy việc thay thế dầu thô bằng loại cỏ kê (switchgrass - Panicum virgatum) ở Mỹ có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng giá ngũ cốc thế giới, nhưng lại không điều tra ảnh hưởng của quá trình này đến triển vọng thích ứng BĐKH tại Mỹ nói riêng và cho nền nông nghiệp toàn thế giới nói chung (IPCC, 2007b).

Một giải pháp giảm nhẹ BĐKH khác là việc chuyển đổi sang sản xuất năng lượng phát thải ít khí nhà kính như thủy điện nhỏ. Tại một số vùng có tiềm năng thủy điện, việc chuyển đổi này có thể làm tăng tính cạnh tranh về sử dụng nguồn nước, đặc biệt là trong trường hợp cần điều phối giữa sử dụng nguồn nước cho tưới tiêu nhằm ứng phó với BĐKH trong nông nghiệp và cho làm mát trong lĩnh vực thủy điện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên đất và nước nhằm đảm bảo sử dụng khôn ngoan và tối ưu tài nguyên thiên nhiên, đầu tư phát triển kinh tế trong thích ứng và giảm nhẹ

BĐKH.

Quan hệ gián tiếp giữa thích ứng và giảm nhẹ BĐKH được thể hiện qua đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học được xem như là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến con người nói chung và các tùy chọn đối phó nói riêng (MEA, 2005). Sau khi tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá một số lớn các nghiên cứu, IPCC (2002) đã kết luận rằng các hoạt động giảm nhẹ BĐKH liên quan đến đa dạng sinh học phụ thuộc vào bối cảnh, thiết kế và thực thi. Trong hầu hết các trường hợp, tránh sự suy thoái rừng đều mang lại lợi ích cho cả đa dạng sinh học (bảo tồn) và khí hậu (không phát thải). Tuy nhiên, trồng mới rừng và trồng lại rừng có thể có tác động tích cực, trung tính hoặc tiêu cực, tùy thuộc vào mức độ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái sẽ được thay thế (IPCC, 2007b). Bằng cách sử dụng mô hình kiểm soát tối ưu, Caparros và Jacquemont (2003) đã chỉ ra rằng việc ưu đãi để thu hồi cacbon bằng cách trồng mới rừng và trồng lại rừng có thể ảnh hưởng tiêu cực cho đa dạng sinh học trong trường hợp các loài ngoại lai phát triển quá nhanh và ngoài tầm kiểm soát.

Thích ứng BĐKH ảnh hưởng đến giảm nhẹ BĐKH

Có nhiều giải pháp thích ứng BĐKH trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến tăng sử dụng năng lượng và do đó ảnh hưởng đến những nỗ lực giảm nhẹ BĐKH (IPCC, 2007).

Trong lĩnh vực xây dựng phục vụ quản lý nguồn nước và đới bờ, các giải pháp thích ứng bao gồm các giải pháp công trình nhằm kiểm soát lũ (đê, đập, hồ chứa), ứng phó với sự dao động theo mùa (hồ chứa lưu trữ) và bảo vệ ven biển (kè, đập nước).

Việc xây dựng các công trình nhằm thích ứng với BĐKH góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, tại hầu hết các nước, các công trình này chỉ là một phần nhỏ của ngành xây dựng và cũng chỉ xả thải một lượng rất nhỏ so với tổng lượng phát thải trong lĩnh vực năng lượng (IPCC, 2007b).

Ảnh hưởng của thích ứng đến giảm nhẹ BĐKH tùy thuộc vào cường độ và mức độ chia sẻ nguồn năng lượng cho các hoạt động thích ứng BĐKH và các lĩnh vực chịu tác động. Ví dụ lĩnh vực nông nghiệp có thể phát thải một lượng đáng kể khí nhà kính nếu việc ứng dụng phân bón nitơ làm tăng năng suất (McCarl và Schneider, 2000). Hoạt động tưới tiêu cũng có thể tăng đáng kể năng lượng đầu vào trực tiếp, và do đó ảnh hưởng đến những nỗ lực giảm nhẹ BĐKH.

Thích ứng với thay đổi chế độ thuỷ văn cũng đòi hỏi nguồn cung cấp năng lượng bổ sung. Tại các khu vực khan hiếm nước, việc tái sử dụng nước thải và giải pháp xử lý liên quan, bơm giếng sâu, và đặc biệt là khử muối quy mô lớn, sẽ tăng sử dụng năng lượng trong lĩnh vực này (Boutkan và Stikker, 2004). Tuy nhiên, nếu được cung cấp từ nguồn không cacbon như khử muối hạt nhân (Misra, 2003; Ayub và Butt, 2005), các giải pháp thích ứng đòi hỏi nguồn năng lượng lớn có thể không ảnh hưởng đến những nỗ lực giảm nhẹ BĐKH.

Thích ứng BĐKH ảnh hưởng đến giảm nhẹ BĐKH không chỉ trong sử dụng năng lượng mà còn trong lĩnh vực cung cấp năng lượng. Thủy điện đã đóng góp 16,3% tổng nguồn cung ứng điện toàn cầu (IEA, 2005) với lượng phát thải khí nhà kính không đáng kể. Tác động của BĐKH và những nỗ lực thích ứng BĐKH trong nhiều lĩnh vực khác nhau có thể làm giảm sự đóng góp của các nguồn năng lượng không cacbon tại nhiều vùng khác nhau khi có sự cạnh tranh trong việc sử dụng nguồn nước.

Hayhoe và cộng sự (2004) cho thấy rằng phát thải sẽ thúc đẩy đáng kể việc thay đổi chế độ thủy văn hệ thống sông Cacramento (California) vào nửa sau của thế kỷ này và sẽ tạo ra sự lựa chọn quan trọng giữa kiểm soát lũ lụt vào mùa lũ và lưu trữ nước vào mùa khô, ngay cả với kịch bản phát thải thấp nhất (IPCC, 2007b). Thủy điện là lĩnh vực có thể sẽ bị ảnh hưởng. Payne et al.

(2004) chỉ ra rằng có sự xung đột giữa việc sử dụng nguồn nước cho thủy điện và duy trì dòng sông Columbia. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy sự xung đột không thể tránh khỏi giữa các lĩnh vực cung cấp nước, kiểm soát lũ lụt, thủy điện và duy trì dòng chảy tối thiểu nhằm đảo bảo chất lượng nước và hệ sinh thái trong điều kiện khí hậu và thủy văn thay đổi (Christensen và cộng sự, 2004; VanRheenen và cộng sự, 2004).

Nói chung, trong hầu hết trường hợp, các hoạt động như đầu tư có thể làm phát thải khí nhà kính và do đó ảnh hưởng đến những nỗ lực giảm nhẹ BĐKH. Những thay đổi nhằm ứng phó với BĐKH mang lại nhiều cơ hội hơn cho nhu cầu thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Bên cạnh những cơ hội trong các lĩnh vực liên quan đến đất, các thiết kế mới cho các tòa nhà thương mại và dân cư có thể giảm đồng thời TDBTT trước các hiện tượng thời tiết cực đoan và nhu cầu năng lượng cho hệ thống làm nóng/làm mát.

Nói tóm lại, sự ảnh hưởng của một số giải pháp thích ứng đến giảm nhẹ BĐKH (sử dụng năng lượng, chuyển đổi đất, kỹ thuật nông học, lưu trữ nước và bảo vệ bờ biển) đã được biết từ lâu. Tuy nhiên, những tác động của một số chiến lược giảm nhẹ đến thích ứng BĐKH mới được công nhận gần đây. Thông tin về quan hệ giữa thích ứng và giảm nhẹ BĐKH ở cấp ngành và khu vực vẫn còn hạn chế. Hầu hết các nghiên cứu giảm nhẹ chỉ dừng lại ở việc xác định các lựa chọn và chi phí giảm phát thải trực tiếp. Một số khác xem xét tác động gián tiếp của việc thực thi và những chi phí trên các lĩnh vực khác hoặc nền kinh tế chung, nhưng không quan tâm đúng mức tới thích ứng của những khu vực bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Tương tự như vậy, trong hầu hết trường hợp, đánh giá tác động của khí hậu và thích ứng không tính đến các lựa chọn thích ứng và tính toán chi phí, do đó bỏ qua những tác động của phát thải. Một trong những lý do quan trọng đó là những nghiên cứu về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đã đủ phức tạp, nên việc mở rộng phạm vi nghiên cứu sẽ càng làm mối quan hệ giữa thích ứng và giảm nhẹ trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, sự tác động qua lại giữa giảm nhẹ và thích ứng BĐKH có thể là quan trọng nhưng, trong hầu hết các lĩnh vực khác, các tác động đến thích ứng của bất kỳ dự án giảm nhẹ BĐKH là nhỏ và, ngược lại, lượng phát thải được tạo ra bởi hầu hết các hoạt động thích ứng chỉ là rất nhỏ so với tổng lượng phát thải.

Một phần của tài liệu Kiến thức cơ bản về về BIẾN đổi KHÍ hậu (Trang 268 - 280)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(349 trang)
w